| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Kỷ niệm 'gió bụi đường hoa'

Thứ Tư 25/02/2015 , 08:49 (GMT+7)

Tên tuổi nhà ngoại giao - đại tá Hà Văn Lâu luôn được những trí thức Việt kiều trân trọng và yêu quý.

Đón chào năm mới, Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện cùng ông về nỗi nhớ quê hương và những kỷ niệm “gió bụi đường hoa”.

Quê hương ẩn trong tiềm thức

Thưa ông, xa quê hương xứ Huế để vào Sài Gòn sinh sống cùng con cháu, ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm về quê hương của mình?

Với tôi, quê hương là làng Sình, tên chính là Lại Ân, tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Làng Sình đất hẹp, ruộng ít, nằm bên cạnh một khúc sông Hương, có ngã ba gặp sông Bồ chảy về nên người xưa thường gọi là Ngã ba Sình, hằng ngày đò giang lên xuống, nhất là buổi chiều đò cá từ cửa Thuận An lên đây bán, nhiều người mua sỉ đem đi các chợ gần đó để bán.

Ngoài cá ra, cũng có những thứ hàng khác phục vụ bữa ăn đạm bạc của dân quê.

Mẹ tôi và bà ngoại tôi cũng có một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa. Lúc tôi còn nhỏ, lên 5, lên 6 tuổi, buổi chiều đi học về tôi ngồi giữ hộp bạc, thỉnh thoảng bà ngoại cho một vài xu mua quà ngoài chợ. Cha tôi là Hà Văn Phu, một nhà giáo trường làng, dạy từ lớp 1 đến lớp 3.

Làng Sình ngày 10 tháng giêng sau Tết, năm nào cũng tổ chức lễ vật, có nhiều đô vật các làng bên cạnh đến so tài, nên ngày ấy coi như ngày hội của làng, đông vui, nhiều người làng khác đến chơi. Có năm lại tổ chức đua thuyền trên sông cùng với các làng bên cạnh nên bà con vui vẻ, múa hát tấp nập, làng nào về trước được thưởng tiền. Những cảnh vui nhộn nhịp ấy chỉ thoảng qua trong ngày, sau đó thì tình hình vẫn như cũ.

Tôi học lớp 3 tại trường làng, sau đó lên học ở Huế, ở cùng với anh cả tôi đang đi học ở trường Quốc học. Những cuộc vui tôi kể trên, cùng với các đình chùa, miếu mộ trong làng, hình thành quê hương tôi mà tôi còn nhớ như in trong đầu óc lúc này. Những hình ảnh ấy tôi cũng mang theo trong những ngày sau này đi công tác ngoại giao ở các nước, nhất là trong những ngày Tết sống trên đất bạn.

Quê hương tôi là vậy đó, nó ẩn trong tiềm thức của tôi cho đến bây giờ, sống một mình ở đất Sài thành. Thỉnh thoảng vài ba năm một lần, tôi về quê thăm lại nhưng không còn nhà cửa như xưa, chỉ ra sông Hương ngắm thuyền bè đi lại và thăm nhà thờ họ Hà, thăm mộ và vài bà con cao tuổi còn sống đến nay...

Tết đầu tiên rời Tổ quốc đi làm nhiệm vụ ngoại giao trong đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Nói như tên một cuốn Hồi ký của nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi, ra nước ngoài công tác ngoại giao là “gió bụi đường hoa”. Ăn Tết với bà con Việt kiều có khác nhiều ăn Tết với gia đình không, thưa ông?

Trước hết phải nói điều này: Quê hương, hai chữ ấy đối với những người sống xa Tổ quốc như những nhà ngoại giao là một quan niệm sâu sắc, động viên mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Còn về điều anh hỏi, lần đầu tiên tôi xa nhà trong dịp Tết là năm 1968, trong đoàn đàm phán với Mỹ tại Paris.

Có sống trong dịp Tết ấy mới thấy tấm lòng của kiều bào với quê hương. Kiều bào rất nhiệt tình tổ chức Tết để chào mừng đoàn. Từ em bé đang đi học đến người lớn trong mọi nghề nghiệp, mọi người đều tham gia chuẩn bị Tết chào mừng đoàn. Tôi còn nhớ những ngày thứ Bảy, Chủ nhật một hai tháng trước Tết tôi đến thăm các cháu thanh thiếu niên đang tập kịch để biểu diễn. Tôi mang quà đến cho các cháu thấy cháu nào cũng vui vẻ, nhiệt tình làm tôi rất xúc động. Còn người lớn thì chuẩn bị đêm biểu diễn, tiếp đón đoàn tại hội trường Mutualite của Paris.

Đồng chí Xuân Thủy, Bộ trưởng - Trưởng đoàn sau buổi biểu diễn đã thay mặt đoàn lên cám ơn bà con Việt kiều đã nhiệt tình tổ chức đêm liên hoan mừng đoàn. Đoàn không tổ chức làm quà Tết mà bà con đều chuẩn bị sẵn, nào mứt, kẹo, bánh chưng, chả giò... Nhờ vậy mà tình cảm nhớ quê hương của các anh chị em trong đoàn cũng như tôi được khuây khỏa chừng nào, như đã tham gia vui Tết cùng gia đình ở quê nhà.

Từng làm Đại sứ tại Cu Ba, Liên Hiệp Quốc và Pháp, đón nhiều cái Tết nơi nước bạn; đón Tết ở nước nào khiến ông ấn tượng nhất về tình cảm của bà con kiều bào với Tổ quốc?

Những nơi tôi làm đại diện ở nước ngoài như Liên Hiệp Quốc, Cu Ba, Pháp, mỗi nơi đến dịp Tết đều có hoạt động của kiều bào, nhưng vui nhất là ở Pháp. Vì Việt kiều ở Pháp đông nhất và năm nào cũng có hoạt động mừng ngày Tết, nhất là tổ chức đêm liên hoan có mời sứ quán đến dự.

Ngoài ra, những quà cáp như bánh chưng, mứt kẹo..., Việt kiều đều mang đến tặng sứ quán. Ở Liên Hiệp Quốc cũng như ở Cu Ba, Việt kiều ta rất ít nên họ không tổ chức gì trừ trong gia đình. Tình cảm của bà con Việt kiều ở Pháp luôn nặng tình yêu nước nên đến dịp Tết họ tổ chức đêm liên hoan như tôi nói trên.

Với trí thức Việt kiều

Nhiều trí thức Việt kiều như GS.TSKH Huỳnh Hữu Tuệ, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn,... khi nhắc đến Đại sứ Hà Văn Lâu đều tỏ lòng quý trọng và mến mộ. Điều gì đã khiến những trí thức Việt kiều yêu mến ông như vậy?

Hoạt động Việt kiều của tôi ở Pháp chiếm mất nhiều thì giờ công tác. Tôi đã đi các tỉnh có đông Việt kiều để gặp gỡ thăm viếng bà con.

Với trí thức Việt kiều, những người như anh hỏi, cũng như các vị khác như cụ Hoàng Xuân Hãn, tôi dành nhiều thì giờ để tiếp xúc, nói chuyện, giới thiệu chủ trương của Đảng, hay đôi khi giải đáp thắc mắc của họ... Tôi làm vậy vì tôi thấy, đối với trí thức, mà trước hết là trí thức Việt kiều, tôi thường dành những tình cảm đặc biệt, quý trọng anh chị em, gần gũi họ, giải quyết những vấn đề mắc míu.

Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu (sinh ngày 9/12/1918) tại Huế. Ông được cử tham gia Hội nghị Genève về Đông Dương (1954), Hội nghị Genève về Lào (1962), Phó Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam (1967-1969), Đại sứ Việt Nam tại Cu Ba, tại Liên Hiệp Quốc, tại Pháp kiêm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Trưởng ban Việt kiều Trung ương...

Một ví dụ là đối với anh Chu Phạm Ngọc Sơn, có lần ở Pháp, anh có việc rất cần phải đi Mỹ ngay để giải quyết. Tôi không kịp xin chỉ thị trong nước, và quyết định cấp visa cho anh đi ngay, vì tôi tin rằng anh giải quyết xong việc sẽ trở lại Pháp. Điều đó giúp anh sớm giải quyết được một việc gấp, mà tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm với Chính phủ khi cho phép anh ấy đi Mỹ mà không kịp xin chỉ thị trong nước.

Đối với anh em trí thức, tôi không từ chối gặp họ khi họ cần đến, giúp giải quyết các nhu cầu hay thắc mắc của họ với tình hình đất nước nên quan hệ giữa họ với tôi rất mật thiết.

Có ý kiến nói rằng, bà con Việt kiều sống lâu ở hải ngoại tựa như nước sông chảy hòa vào biển cả bao la, nhưng dòng nước đỏ nặng phù sa ấy mấy ngàn năm làm sao có thể tan hòa để quên đi cội nguồn xuất phát của mình. Tròn 40 năm thống nhất Tổ quốc, là một nhà ngoại giao lão thành từng nhiều năm làm Đại sứ kiêm Trưởng ban Việt kiều Trung ương, ông có điều gì nhắn nhủ đến Kiều bào xa Tổ quốc cũng như thế hệ trẻ ngày hôm nay?

Kiều bào ta sống xa Tổ quốc nhưng lúc nào cũng không quên nguồn gốc của mình, luôn luôn hướng về Tổ quốc thân yêu, một lòng mong muốn Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Hằng năm, dịp Tết, hàng ngàn Việt kiều và gia đình về thăm Tổ quốc.

Trung ương Đảng đã có Nghị quyết, tôi không nhớ nhầm là Nghị quyết 36 về công tác Việt kiều. Rất mong có nhiều người như GS. Ngô Bảo Châu về nước.

Một điều hết sức quan trọng là các thế hệ Việt kiều mới sinh gần đây, rất cần thiết cho các cháu học tiếng Việt, nhiều nơi đã tổ chức các lớp học tiếng Việt cho các cháu nhưng chưa phổ biến. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nhằm làm cho các thế hệ Việt kiều tiếp tục gắn bó với đất nước, một việc làm không thể bỏ qua để Việt kiều tiếp tục gắn bó với Tổ quốc.

Xin trân trọng cảm ơn nhà ngoại giao Hà Văn Lâu. Nhân dịp ông bước sang tuổi 98, xin kính chúc ông sức khỏe, trường thọ!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất