| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Mình thuộc về đây

Thứ Bảy 21/02/2015 , 10:06 (GMT+7)

Tôi rời bỏ công việc mới, người tình mới, căn nhà thuê mới… khăn gói về lại Việt Nam. Tôi chỉ có cảm giác là mình “thuộc về đây”, mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác.

Theo tôi, Việt Nam có hai cơ hội đột phá rất tốt. Ở nông thôn, nên phát triển sạch và bền vững, lấy nông nghiệp làm căn bản. Ở thành thị, dùng chất xám của sinh viên để phát triển IT và phần mềm chất xám.

"Tôi yêu tiếng nước tôi..."

Tôi nhớ năm lên 12 hay 13 gì đó, tôi chui lỗ nhỏ vào rạp Quốc Tế, đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bây giờ, để coi “cọp” một chương trình đại nhạc hội Tết rất hoành tráng.

Tôi đã quên chi tiết của các màn trình diễn hay tên nghệ sĩ, chỉ còn nhớ điều duy nhất là một bài hát nghe lần đầu. Bài “Tình ca” của Phạm Duy. Tôi bị cuốn hút ngay từ câu đầu… “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời…”. Cho đến giờ này, hơn 50 năm sau, tiếng hát vẫn quyện tròn quanh tôi trong những đêm về sáng.

Thực ra, khi tôi sinh ra, không phải là giọng ru con êm đềm của mẹ mỗi đêm mà là tiếng đại bác và bom đạn vọng về thường trực. Chiến tranh bùng nổ khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương năm 1945 và gia đình tôi phải chạy giặc liên tục.

Một ký ức mẹ thường kể lại là có đêm tôi bị lên “bẹn” khóc suốt buổi và các gia đình cùng chạy giặc phải bịt mũi tôi để giữ im lặng trong căn hầm trú ẩn. Đôi khi giặc sục sạo trên đầu và mẹ cứ lo là tôi đã bị ngạt thở chết rồi.

Có lẽ nó cũng giải thích lý do là tại sao trong suốt 40 năm đầu của cuộc đời, tôi thường hốt hoảng giật mình tỉnh giấc giữa đêm như đang bị ai bóp họng.

Lớn lên, tôi cũng an hưởng một tuổi thơ tương đối êm đềm dù nghèo khổ. Một ký ức khác từ mẹ là cho đến năm tôi lên 3 tuổi, mẹ đi bán rong mỗi ngày. Quầy hàng nặng ở một đầu gánh và tôi vui cười ở đầu gánh khác để mẹ được cân bằng.

Rồi tình yêu cũng đến rất sớm trong cái nhút nhát rụt rè của… “em tan trường về, đường mưa nho nhỏ”. Quen nhau 3 năm, ngày tôi rời Việt Nam qua Mỹ khi lên 18, tôi chỉ mới dám nắm tay nàng.

Dù đẹp và thơ mộng, cái tuổi mới lớn đó cũng không khác gì nhiều với những thiếu niên đã lớn lên ở Boston, Bogota hay Belgrade. Con người tôi thích ứng khá nhanh. Từ một cậu học trò nhút nhát ham học, tôi thành một sinh viên tự tin, nhưng ham chơi và lười biếng.

Tôi sống như người Mỹ, học như người Mỹ và chơi như người Mỹ. Là người Việt duy nhất trong số 42.000 sinh viên của trường, tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Hòa nhập vào cộng đồng mới với một tư duy mới và nhiều cuộc tình ngắn ngủi nhưng cháy bỏng, tôi quên đi các tà áo dài trắng e ấp ngày nào bên sân trường.

Tôi rời bỏ công việc mới, người tình mới, căn nhà thuê mới… khăn gói về lại Việt Nam. Tôi hoàn toàn không có ảo tưởng hay tham vọng gì về tiền bạc hay quyền lực cũng như sự nghiệp. Tôi cũng chắc chắn là mình sẽ không thay đổi được điều gì, tốt hay xấu, cho đất nước.

Tôi chỉ có cảm giác là mình “thuộc về đây”, mình về để chia sẻ với bạn bè, gia đình, các người trẻ khác những khó khăn, cay đắng và đau thương.

Hai cơ hội đột phá

Tôi có thói quen hay ghi lại những gì đang lộn xộn trong đầu óc khi chợt thức giữa đêm.

New Year 2015 đã đến, không biết sao tôi lại nhớ đến câu nói này của 2 danh nhân: “Suy tư thường dễ dàng, hành động thường khó khăn, và điều khó khăn nhất thế giới là biến suy tư thành hành động - Thinking is easy, acting is difficult, and to put one’s thought into action is the most difficult thing in the world - J. W. von Goethe”.

Rồi, “Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu - Discipline is the bridge between goals and accomplishment - Jim Rohn”.

Bao nhiêu câu hỏi từ các phóng viên, từ các email riêng tư của bạn đọc… đều quay quanh chủ đề là theo TS Alan, trong năm 2015 và xa hơn, những gì sẽ đến với Việt Nam và các thành phần trong xã hội. DN nào hay ngành nghề nào hay kênh đầu tư nào sẽ chịu thiệt và ai sẽ hưởng lợi. Hệ thống ngân hàng hay bất động sản ra sao? Kinh tế thế giới sẽ tác động thế nào vào Việt Nam?

Vì tôi đã im lặng khá lâu về các vấn đề trên, nên các bạn khuyên là phải “xả bầu tâm sự” vào dịp cuối năm này.

Như thường lệ, xin nói trước cùng bạn đọc đây chỉ là một phân tích cá nhân nhiều chủ quan của một nhà kinh doanh và đầu tư, không phải là một nghiên khảo gì sâu sắc theo chuẩn của giới hàn lâm.

Trước hết là xu thế toàn cầu. Vụ giá dầu thô giảm kỷ lục vì đồng Mỹ kim lên giá, vì vài tác nhân địa chính trị cũng như vì luật cung cầu là một thiên nga đen khá bất ngờ trong dự đoán kinh tế cho 2014.

Tôi nghĩ rằng tình hình bất ổn từ sự kiện này sẽ tiếp tục diễn biến trong vài năm tới. Dù gây thâm thụt cho ngân sách các quốc gia xuất khẩu dầu, giá dầu thô rẻ sẽ kích thích thêm mãi lực của người tiêu dùng và giữ lạm phát toàn cầu ở mức rất thấp.

Quay lại Việt Nam, việc thay đổi cơ chế và tái cấu trúc toàn diện là cần thiết, nhưng tôi không biết sẽ tiếp tục được thực hiện rốt ráo hay không? Vì vậy chưa thực sự rõ ràng các giải pháp để thay đổi sâu rộng trong nền kinh tế.

Do đó, mức thu nhập thực sự của đa số người dân sẽ không thể gia tăng lớn. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ yên tâm vì hai cột trụ FDI và kiều hối vẫn tăng đều đặn và tiếp tục yểm trợ cho các hoạt động kinh tế chính yếu, nhất là tăng trưởng GDP và dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, Việt Nam có những hứa hẹn, những lợi thế để có thể đột phá. Nhưng từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì đường đi có lúc chưa đúng. Việt Nam đi theo đường mà Trung Quốc đã đi, mà con đường đó nó hợp với Trung Quốc, chứ không hợp với Việt Nam.

Theo tôi, Việt Nam có hai cơ hội đột phá rất tốt. Ở nông thôn, nên phát triển sạch và bền vững, lấy nông nghiệp làm căn bản. Ở thành thị, dùng chất xám của sinh viên để phát triển IT và phần mềm chất xám.

Mà đất nước chúng ta có một lợi thế về nhân lực. Chúng ta có 3 triệu sinh viên và 4 triệu Việt kiều. Lợi thế này không một nước nào ở Đông Nam Á có được. Chứ còn bây giờ, Việt Nam ta đi theo con đường phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, công nghiệp lắp ráp ô tô, làm những việc Trung Quốc đang làm thì không bao giờ cạnh tranh được với Trung Quốc.

Nông nghiệp Việt Nam là căn bản, 67% người Việt Nam vẫn là nông dân. Nông nghiệp ở đây tôi đề cập không phải là việc đi phá rừng trồng cao su. Nông nghiệp nên dựa trên mô hình của người Do Thái.

Do Thái khi lập quốc, một triệu dân của họ sống trên một sa mạc khô cằn, sỏi đá, hơn thế nữa họ bị đe dọa bởi một trăm triệu người Ảrập xung quanh. Họ bắt đầu đi từ nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng mô hình phân phối, cách canh tác, phát triển hạt giống.

Chỉ trong vòng 10 năm, 1 triệu dân Do Thái đã xuất khẩu nông sản sang các nước châu Âu, thậm chí là cả châu Phi - nơi đất đai màu mỡ phì nhiêu. Tôi nghĩ Việt Nam có thể đi theo con đường đó để phát triển nền kinh tế của đất nước.

Trong những nước tôi đã đi qua, Nigeria tạo cho tôi nhiều ấn tượng đặc biệt. Đây là quốc gia đông dân nhất  châu Phi, với tài nguyên “tiền rừng bạc biển” nhờ dầu khí và khoáng sản. Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất trù phú nông nghiệp, thuận lợi cho kỹ nghệ du lịch, và địa chính trị cạnh biển tạo một nền thương mại khá phồn thịnh cách đây vài trăm năm.

Trong lịch sử, Nigeria bị đô hộ bởi thực dân Anh hơn 15 thập niên, dành độc lập ít lâu thì lâm vào cuộc nội chiến tàn khốc, giữa nhóm dân Hausa và Yoruba, có liên quan đến chủ nghĩa, truyền thống bộ lạc và yếu tố Thiên Chúa giáo - Hồi giáo.

Dân Nigeria thông minh, năng động và quỷ quái nhất châu Phi. Họ phiêu lưu khắp thế giới “xuất khẩu lao động” và đóng góp số tiền kiều hối khoảng 22 tỷ đô la mỗi năm. Với GDP chừng 500 tỷ, chia ra cho 175 triệu dân, thu nhập hằng năm của mỗi người dân khoảng 2.800 đô la.

Chính phủ Nigeria nổi tiếng về lãng phí, có quá nhiều “đầy tớ nhân dân” cùng luật rừng, một nhóm đại gia siêu giàu và kinh tế gần như tuỳ thuộc hoàn toàn vào FDI và kiều hối..

Một anh bạn người Nigeria cùng học với tôi ở Penn State 51 năm về trước vẫn giữ liên lạc. Anh về nước khoảng 1970, năng động trên trường chính trị Nigeria, leo đến chức Bộ trưởng vài năm dưới một chính quyền quân sự nào đó thời những năm 90.

Trong một cuộc đảo chính, vợ con bị giết, anh chạy thoát qua Mỹ tỵ nạn và giữ một chân giảng viên đại học ở Mid-west cho đến nay.

Anh vẫn trăn trở với quê hương đất nước và đợi chờ mỏi mòn cho một đổi mới, anh gọi là new dawn (bình minh mới). Cách đây 2 tháng, tôi cùng anh chuyện trò qua điện thoại. Sau 20 phút, anh kết luận, “Yes, I’m still waiting… but I'm no longer knowing what to expect…What’s about Vietnam?” (Vâng, tôi vẫn chờ… nhưng tôi không còn biết phải mong đợi điều gì?.. Còn Việt Nam thì sao?")

Tôi không trả lời, nhưng trong thâm tâm, tôi khác anh. Tôi chờ đợi một Việt Nam khởi sắc trong năm tới!

TS. ALAN PHAN

TS Alan Phan hiện là sáng lập viên của Alan Phan Associates (APA) có trụ sở tại California (Mỹ) và Hồng Kông. APA chuyên về hoạt động liên lục địa và tư vấn chiến lược kinh doanh toàn cầu cho các Cty đa quốc.

Trước đó, TS. Phan điều hành quỹ Viasa Fund tại Hồng Kông chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002-2008). Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm Cty Hartcourt có 7 Cty con về IT tại Trung Quốc (1995- 2002).

Ngoài vai trò một doanh nhân với 43 năm trải nghiệm tại khắp thế giới, ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi.

Ông cũng là giảng viên thỉnh giảng của vài đại học Mỹ và Trung Quốc. TS Alan Phan tốt nghiệp kỹ sư tại Pennsylvania State University (Mỹ), thạc sĩ tại American Intercontinental University (Mỹ) và tiến sĩ tại Southern Cross University (Úc).

 

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm