| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Tiếng pháo Tết Mậu Thân

Thứ Sáu 20/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Việt Nam và Trung Quốc phong tục tập quán hai nước giống nhau cho nên không khí ngày Tết càng khiến cho chúng tôi nhớ nhà nhiều hơn.

Chung phong tục

Cùng đi làm công tác ngoại giao, cùng làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam nhưng ở Liên Xô, ở Đông Âu, và ở Mỹ bấy giờ ăn Tết khác với chúng tôi, những người làm ngoại giao ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Tôi đi làm ngoại giao, đã ăn Tết âm lịch ở Nga, ở Đức, tôi thấy không khí đón Noel và năm mới ở đây rất rộn ràng. Còn khi đến Tết âm lịch của chúng ta, ở các nước này họ thản nhiên như không. Nhưng ở Trung Quốc, những ngày giáp Tết âm lịch, không khí náo nức...

Người Trung Quốc ăn Tết âm lịch cũng như Việt Nam, thậm chí họ nghỉ Tết âm dài hơn ta. Phong tục, tập quán ngày Tết, tuy không có bánh chưng, không có giò như mình nhưng họ vẫn ăn tất niên, đón giao thừa...

Mùng Một xuất hành, đi chơi Tết, cũng phong bao mừng tuổi... hoàn toàn giống Việt Nam. Cho nên điều đó càng khiến cho những anh em làm công tác ngoại giao ở Trung Quốc thấy tết quê nhà như hiển hiện ngay trước mặt.

Có một Tết ở Quảng Châu, một ngày tôi ra sân ga thì có người dân ở đây nói với tôi rằng hôm nay riêng sân ga giờ này vào khoảng hơn 7 vạn người ra ga để về quê ăn Tết. Ở Bắc Kinh còn đông hơn thế nữa. Mọi người ùn ùn kéo nhau về, ùn ùn kéo nhau đến. Từ bên ngoài nhìn thấy cảnh ấy thì những xúc cảm của người đi xa mới thao thiết, xốn xang làm sao.

Trước đây, khi công tác ở nước ngoài, chỉ những người đứng đầu cơ quan mới được đưa vợ cùng đi. Có vợ đi cùng, có không khí gia đình riêng vẫn khác. Khi tôi làm Tổng lãnh sự cơ quan ở Quảng Châu, vợ tôi được đi cùng. Những ngày Tết âm lịch, bà ấy chăm lo cơm nước. Còn những ngày nghỉ, ngày Chủ nhật, bà ấy lo việc nội trợ, bếp núc chu đáo, tôi cảm thấy ấm áp hơn.

Còn những anh em khác, không có vợ đi cùng, trơ một mình ra, cứ buồn thăm thẳm. Tôi nhớ kỷ niệm hai lần ăn Tết ở Bắc Kinh khi đó tôi chỉ là Tùy viên và Bí thư thứ nhất, chưa được đưa vợ sang, cũng thấy buồn lắm.

Có những ngày nằm bò ra ăn ở nhà ăn tập thể. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in câu nói của anh bạn, cám cảnh: “Mải làm việc, ăn cơm muộn, trông mấy miếng thịt mỡ kho để lâu đông lại, phát ngấy lên”. Những cảnh ấy, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được.

Tiền lương cho anh em đi làm công tác ngoại giao quá thấp. Cái Tết rủng rỉnh tiền tiêu thì vui vẻ. Đằng này, nhiều anh em còn  phải lo lắng làm sao tiết kiệm để gửi một ít về nhà... So sánh với bây giờ, anh em đi làm ngoại giao, trong đó có con trai tôi làm Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha, tiền lương khá hơn rất nhiều.

Nhớ mãi Tết Mậu Thân

Mỗi mùa xuân đến, các cơ quan ngoại giao của nước ta ở Trung Quốc đều chủ động đón Tết. Bên nhà gửi lá bánh sang để gói bánh chưng, gói giò lụa... Tôi và một số anh em lãnh đạo khác không khéo tay trong những việc chuẩn bị đón Tết nhưng khóa nào Đại sứ quán cũng có những anh em rất thạo chuẩn bị Tết đâu vào đấy.

Tối 30 và ngày 1 Tết, toàn thể Đại sứ quán ăn bữa cơm chung, chúc Tết nhau vui vẻ. Tôi nhớ mãi Tết Mậu Thân (1968), giữa chừng đón Tết thì một vị khách thân với Trung Quốc đã xin pháo thăng thiên về để anh em đốt làm náo nhiệt cả khu phố, khiến Sứ quán các nơi họ ngơ ngác không hiểu có chuyện gì.

Hôm sau, khi tin tức từ chiến trường miền Nam gửi về, Quân giải phóng miền Nam tấn công Đại sứ quán Mỹ, Bộ tổng tham mưu chính quyền Việt Nam cộng hòa và nhiều trụ sở hành chính, quân sự khác ở Sài Gòn... Lúc đó, các cơ quan thông tấn quốc tế, Đại sứ quán các nước bạn mới biết rằng những tràng pháo thăng thiên ở Đại sứ quán Việt Nam đêm giao thừa đó chính là tín hiệu mở màn của Quân giải phóng miền Nam.

Trong những ngày Tết, do phong tục tập quán hai nước giống nhau cho nên cái không khí đó nó gây cho chúng tôi thèm cảm giác đón tết ở Việt Nam. Tuy nhiên, anh em phân công nhau làm việc, anh dọn nhà, anh gói bánh, anh viết bích báo khiến không khí rất vui vẻ và náo nức.

unh-1095858591
Tổng lãnh sự Dương Danh Dy và các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc

Không bỏ quốc tịch Việt Nam

Có một điều cũng làm chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đó là tình cảm của bà con Việt kiều. Phải thừa nhận rằng có những người họ sang đến đời thứ hai, đời thứ ba rồi mà họ vẫn nói được tiếng Việt.

Khi tôi làm Tổng lãnh sự ở Quảng Châu, tôi nhớ một kỷ niệm trước ngày sang nhận nhiệm vụ, một người bạn nhờ tôi tìm giúp ngôi mộ của cụ GS. Đặng Vũ Hỷ. Cụ sang chữa bệnh và mất ở bên đó. Do hoàn cảnh trong nước nên gia đình chưa có điều kiện đưa cụ về Việt Nam an táng.

Tôi hỏi qua kênh chính thức là ngoại vụ tỉnh Quảng Đông, không ai biết. Sau nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng tôi nghĩ ra: Tại sao không hỏi chính bà con Việt kiều của ta đang sinh sống tại đây.

Y như rằng, khi tôi hỏi bà con, lập tức có người mách: “Mộ ông GS. Đặng cháu biết”. Và họ dẫn tôi đến thắp hương trước mộ GS. Đặng Vũ Hỷ. Sau đó, tôi chụp ảnh và báo tin về gia đình. Bác gái Đặng Vũ Hỷ khi đó vẫn còn, bác rất cảm động.

Tết đến, không chỉ mời bà con Việt kiều ở Quảng Châu đến lãnh sự quán ăn Tết, chúng tôi còn đón bà con ở Quảng Tây sang chung vui. Ai không tự túc được tiền thì cơ quan giúp tiền xe lửa đi, số tiền cũng không đáng bao nhiêu. Mấy ngày bà con sang cùng lãnh sự quán, chúng tôi cùng đón Tết, cùng ăn Tết rồi đi chúc Tết nhau rất vui vẻ.

Tình cảm của bà con mình khi xa nước đối xử với nhau rất ân cần. Bà con nói với tôi, nếu không nhập quốc tịch Trung Quốc thì họ không được công nhận là đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà chỉ là đảng viên dự bị, con cái không được học đại học, nhưng bà con vẫn không bỏ quốc tịch Việt Nam.

Ông Dương Danh Dy sinh năm 1934 tại làng Khắc Niệm, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông bắt đầu sang làm công tác ngoại giao tại Trung Quốc năm 1966. Ông tự nhận là có duyên với Trung Quốc nên đã làm việc cả trung ương (Bắc Kinh) và địa phương (Nam Ninh, Quảng Châu), đồng thời có mặt đúng 3 thời kỳ tiêu biểu cho 3 giai đoạn của quan hệ Việt - Trung.

Làm tùy viên sứ quán ở giai đoạn 1966-1970: Cách mạng văn hóa Trung Quốc và hữu nghị nhất với Việt Nam.

Làm Bí thư thứ nhất ở giai đoạn hai 1977-1981: Trung Quốc bắt đầu cải cách, mở cửa. Chiến tranh biên giới Việt - Trung.

Tổng lãnh sự Quảng Châu ở giai đoạn thứ ba 1993-1996: Bình thường hóa quan hệ Việt - Trung.

 

(Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất