| Hotline: 0983.970.780

Nhớ thông

Chủ Nhật 07/04/2019 , 09:01 (GMT+7)

Mùa hè năm 1981, cánh viết lách miền Tây chúng tôi mới lần đầu được đi Đà Lạt.

thong-d-lt-2073850867
Rừng thông Đà Lạt (Ảnh minh họa)

Dùng chữ được để diễn tả nhiều nghĩa. Đà Lạt là miền Châu Âu trong lời đồn. Đà Lạt là một góc Paris sang trọng. Đà Lạt quanh năm lạnh khô da diết chứ không ẩm mốc khó chịu như Hà Nội hay Huế. Đà Lạt có "Thành phố buồn", có "Đồi thông hai mộ". Đà Lạt có biệt phủ Trần Lệ Xuân, có Trường sĩ quan võ bị đáng để tò mò. Đà Lạt từng của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. Dường như Đà Lạt có tất cả để ao ước sống, không thì cũng để thoát được ít ngày bởi đông đúc xô bồ của Sài Gòn hay đồng bằng quanh năm nóng bức.

Chúng tôi xuất phát từ Cần Thơ, mấy chục người, do nhà thơ Nguyễn Bá “cầm đầu”. Không nhớ các nhà thơ Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Ngọc Phượng… khi ấy mập ốm ra sao, lại nhớ bác tài. Là vì cánh lái xe đường dài hay văng tục, hai con phà nhiêu khê mới lên được Sài Gòn, rồi Biên Hòa - Dầu Giây dài thăm thẳm. Xe hồi ấy chưa có máy lạnh và đường xá lôm côm bốn trăm cây số, càng lúc bác tài càng vục vặc khạc nhổ, chửi thề.

Nhưng mùi Bảo Lộc phía trước bỗng khiến bác ta chùng xuống, biến thành guider cho chúng tôi. “Lên đèo nghen, ngoạn mục hết biết nè nghen. Nhưng mà mát chớ chưa đẹp, hồi nữa đèo Prenn mới đẹp. Thấy chưa, thấy vực sâu thấy núi cao chưa, biết bao công sức mới có con đường ngoằn ngèo nên thơ như vầy”.

Những đồi chè, những ngôi nhà đầy hoa, hoa ở cao nguyên đặc biệt thắm sắc. Bàn tay bác tài hầu như chỉ vuốt trên vô-lăng ở quãng đường rất bằng Di Linh  Đức Trọng. Và bác ấy còn huýt sáo, hồi ấy chưa có hệ thống cho băng đĩa xe như bây giờ. Cứ muốn thế này mãi. Se lạnh, ngỡ ngàng. Rồi Đà Lạt thực sự, trong mơ ở phía sau dãy núi chớn chở kia. “Đèo Prenn đây bà con cô bác, xứ ngàn thông đây nghen”. Lại uốn lượn ngoạn mục và trời như bỗng dưng sầm tối. Khí núi mùi thông, cảm giác đúng như mình đang đi vào thiên đường.

Hồi ấy chưa có mái thủy tạ màu tím trên Hồ Xuân Hương, các dinh thự của các nhân vật lịch sử cũng chưa đưa vào danh mục tham quan. Chỉ phong cảnh cũng đã sướng mắt sướng lòng. Cơ man biệt thự chỉ để nghỉ dưỡng. Phong phú những nóc nhà thờ. Thiền viện nổi tiếng hơn chùa. Suốt cuộc chiến dằng dặc Đà Lạt không xây xướt. Thành phố năm 1981 khi tôi biết dù tình trạng hoang liêu nhưng không có cảnh đập phá để hôi của. Tưởng chừng nhịp sống đang ngưng lại, vì vậy mà những đồi thông càng u tịch, mê mẩn.

Rồi bừng thức. Không còn biệt thự vắng chủ nữa, đương nhiên, những người tiếp quản đã âm thầm thu xếp chúng. Suốt một thập kỷ vừa chạy vừa xếp hàng để đón vận hội kinh tế du lịch. Một thập kỷ nữa của thế kỷ mới để các vị cai quản biến một nơi ngàn thông thành Thành phố ngàn hoa.

Do duyên gia tộc, chúng tôi thành một phần của Đà Lạt vào năm 2010. Em gái tôi treo ao bỏ của chạy lấy người lên Đà Lạt làm nông, chị tôi bán nhà chuyển hẳn quyết một đi không trở lại Cần Thơ. Vợ chồng tôi làm “nhà rìu” bốn mươi mét vuông trên khuôn viên của chị để ngồi viết. Nhà rìu là vì đất xin, giường ngủ xin, bàn ghế xin của chị hết. Nhà không đẹp nhưng view đẹp, nhìn sang lưng đồi Mộng Mơ. Nguyễn Quang Thân mê tơi, nắng lên là cầm vải nệm lên đồi thông, dưới cái tán ấy, trên thảm thông ấy tập yoga. Đúng là cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đep sao!

Nhưng Đà Lạt xưa đã mất. Ngoại trừ lý do quản lý kém mà tham (Paris vào tay các ông ấy nó cũng biến thành làng). Văn hóa Làng là xây cất vô tội vạ, cơi nới tùm lum và cư dân muôn đời luộm thuộm. Một nguyên nhân như sóng ngầm là áp lực di dân do biến đổi khí hậu đối với miền Tây và Đà Lạt đất lành cho dân miền Bắc miền Trung. Chúng tôi gặp ở đây đủ nông dân ba miền rầm rộ làm nông.

View đẹp của nhà rìu tôi mỗi năm mỗi mất đi một ít. Hứa hẹn sẽ mất sạch. Cư dân lâu đời bắt đầu bị cuốn theo, chính họ cứ vạt đồi để trồng dâu nhà kính cho du khách và ung dung hốt tiền. Du lịch sinh thái đã có thêm món du lịch rẫy. Mùi phân chuồng và mùi thuốc bảo vệ thực vật tấn công tận trung tâm. Nhìn từ trên cao, bê tông bao vây triệt để, ngoại vi nhà kính san sát. Cây thông bị dân lén giết và chính các vị quản lý giết êm bằng cách đầu độc chúng, thông làm gỗ thông làm củi, thông làm thuốc, thông phải chết mới có đất để làm nông!

Có ngày hội hoa. Đà Lạt ngàn hoa, đúng. Những phố hoa mới được qui hoạch sau này. Phố Mai Anh Đào, phố Phượng Tím. Nhưng mất thông là mất hệ sinh thái sống còn của Đà Lạt. Thành một vựa rau khổng lồ, chắc không oan khi gọi đó là thành phố ngàn rau.

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Vợ NSND Công Lý phẫn nộ khi chồng bị tung tin đồn xấu

Vợ nghệ sĩ Công Lý đã vô cùng bức xúc và phải lên tiếng làm rõ trước thông tin giả đang được lan truyền trên mạng thời gian gần đây.

Văn Trường, Văn Tùng đá chính, U23 Việt Nam quyết thắng U23 Malaysia

HLV Hoàng Anh Tuấn đã đưa ra đội hình xuất của ĐT U23 Việt Nam đối đầu U23 Malaysia, mục tiêu sẽ là giành 3 điểm trước đối thủ cùng khu vực.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm