| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn đón con đêm 'giao thừa năm Covid'

Thứ Năm 02/04/2020 , 08:12 (GMT+7)

Nhìn đoàn xe tắc dài từ cầu vượt Quốc lộ 5 hướng về cầu Thanh Trì, anh Đức lắc đầu ngao ngán liệu có kịp về nhà trước lúc 12h hay không.

Xe máy trên đường Võ Chí Công (Hà Nội) tối 31/3. Ảnh: Kinhtedothi.

Xe máy trên đường Võ Chí Công (Hà Nội) tối 31/3. Ảnh: Kinhtedothi.

Suy nghĩ đầu tiên khi hay tin toàn quốc cách ly, anh Đức (Hoàng Mai) nhớ tới con trai đang ở quê với ông bà.

Đều đặn hai tháng qua, vợ chồng anh duy trì thói quen cuối tuần về thăm con, vừa bảo ban học, vừa mua sắm thêm nhu yếu phẩm cần thiết. Trưa cùng ngày, khi anh Đức gọi điện tới nhiều tổng đài đặt taxi về quê nhưng bất thành.

Đã đôi ba lần, anh Đức nghĩ tới việc đón con lên Hà Nội, nhưng rồi nỗi nhớ con phải nhường chỗ cho sự an toàn.

Bắc Giang quê anh chưa phát hiện ca bệnh Covid-19 nào, và trong suy nghĩ của bất cứ bậc làm cha mẹ nào, đó là nơi đáng lựa chọn hơn so với Thủ đô bây giờ, khi mà nhà và công ty anh làm chỉ cách viện Bạch Mai vài kilomet.

Dù thế nào, hai vợ chồng vẫn dễ bề xoay sở và rau cháo cùng nhau hơn là có thêm một đứa trẻ. Vả lại, xe cộ giờ thuận tiện. Chỉ chưa đầy hai tiếng, anh đã được gặp con.

Đó là khi những bến xe khách được phép hoạt động, những tài xế taxi chưa cảm thấy nguy hiểm từ người lạ ngồi trong cùng khoang cabin. Còn trong hoàn cảnh cả nước có hơn 200 ca nhiễm SARS-CoV-2, gần 100km về quê lại trở nên diệu vợi với anh Đức. “Phải 15/4, thậm chí lâu hơn mới được gặp con”, anh nghĩ.

Vào thời điểm đó, con người sẽ xử lý thiên về tình cảm. Anh Đức cũng không ngoại lệ. Được công ty cho nghỉ không lương trong thời gian cả nước cách ly, nỗi nhớ con da diết thôi thúc người cha trẻ phải quyết định ngay trong vài giờ ngắn ngủi: Hoặc đón con lên ngay trong chiều, hoặc chấp nhận rất lâu nữa mới gặp con.

Xe cộ thưa thớt trên Quốc lộ 1, ít giờ trước thời điểm lệnh cách ly toàn xã hội có hiệu lực lúc 0h ngày 1/4. Ảnh: Hồng Phúc.

Xe cộ thưa thớt trên Quốc lộ 1, ít giờ trước thời điểm lệnh cách ly toàn xã hội có hiệu lực lúc 0h ngày 1/4. Ảnh: Hồng Phúc.

Nhờ anh Sơn hàng xóm đồng hương ở cùng chung cư còn hợp đồng thuê xe chạy dịch vụ, anh Đức có cái hẹn sau giờ làm để cùng về quê đón con. Không ăn uống, chỉ kịp dặn dò ông bà ở quê chuẩn bị đồ, anh Đức rời Hà Nội lúc xẩm tối và trở về cửa ngõ Thủ đô khi kim đồng hồ chỉ qua số 10. Nhìn đoàn xe tắc dài từ cầu vượt Quốc lộ 5, bao suy nghĩ nảy trong đầu anh.

“Phải chăng Hà Nội giới nghiêm sớm hơn thông báo? Hoặc những chốt chặn, kiểm tra thân nhiệt người vào thành phố vừa được lập, bị quá tải”.

Những giây phút nặng nề chậm chạp trôi theo từng vòng bánh xe nhích trên Quốc lộ 1. 10 giờ, 10 rưỡi, và phải tới gần 11 giờ, chiếc xe chở anh Đức mới thoát chỗ thắt cổ chai dưới dốc cầu Thanh Trì, do sự cố va chạm giữa một xe đầu kéo và một xe con.

"Tôi theo dõi tin tức, thấy Sở GT-VT Hà Nội có ý lập các chốt chặn người ra vào thành phố từ 12h đêm. Mải về quê đón con nên tôi cũng không biết thực hư thế nào. Con trên tay ngủ từ lúc nào, còn mình thì nghĩ láo liên. Nếu không về kịp nhà trước 12h, liệu đêm nay bố con tôi ngủ ở đâu”, anh Đức kể.

“Lúc bị tắc đường, tôi cứ nghĩ giá mà chiều mình xin nghỉ, vì đằng nào hôm nay cũng buổi làm cuối, rồi đi xe máy về đón con. Hơi vất vả một tí nhưng giờ có lẽ đã ở nhà lâu rồi”.

Những người rong ruổi trên Quốc lộ 1 vào tối muộn ngày 31/3 như anh Đức không phải ít. Suốt vài kilomet đường tắc, nhiều xe biển Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh liên tục xi nhan vào đường dẫn xuống Quốc lộ 5 và Cao tốc 5B.

Ở chiều ngược lại bên kia đường, những chiếc container đặc trưng chạy theo hướng Đông Bắc còn rất ít. Hầu như không ai muốn rơi vào diện “ở tỉnh khác” trong thời gian 15 ngày cao điểm chống Covid-19.

Xe cộ thưa thớt trên Quốc lộ 1, ít giờ trước thời điểm lệnh cách ly toàn xã hội có hiệu lực lúc 0h ngày 1/4. Ảnh: Hồng Phúc.

Xe cộ thưa thớt trên Quốc lộ 1, ít giờ trước thời điểm lệnh cách ly toàn xã hội có hiệu lực lúc 0h ngày 1/4. Ảnh: Hồng Phúc.

Điểm ùn tắc Quốc lộ 1 là nơi huyên náo nhất trong suốt hành trình "đêm giao thừa năm Covid", như cách gọi tếu táo giữa anh Đức và anh Sơn. Cách đó không xa, cầu Thanh Trì nằm im lìm và thưa thớt bóng xe. Chỉ một cú nhấp ga tăng tốc cũng đủ vang vọng cả không gian tĩnh mịch.

“Là tài xế, tôi nhiều lần chạy xe đêm giao thừa. Hôm nay chạy thấy cảm xúc đúng như vậy. Phố xá vắng lặng, đường rộng rãi, cảm giác mọi người ai cũng hối hả. Nếu có thêm tiếng pháo thì chẳng khác gì”, anh Sơn tâm sự.

Khi được hỏi tiền công chạy chuyến xe đặc biệt, anh Sơn cười xòa: “Chạy đêm giao thừa thật, tiền xe tôi thường lấy gấp đôi. Đến nơi, khách còn mừng tuổi thêm, và thường không lấy lại tiền thừa. Nay khác. Cả tháng tôi chỉ được vài cuốc. Xe hầu như trùm mền bãi đậu.

Thấy anh Đức rao trên Facebook hỏi tìm xe lúc chiều, tôi nhận ngay vì cũng tiện về đón con. Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Được thấy mình có ích trong mùa dịch là vui rồi”.

Không có pháo hoa, nhưng khi mở điện thoại, anh Sơn thấy chi chít tin nhắn như đêm giao thừa. Một của Bộ Y tế, một từ nhà mạng, 4 - 5 tin nhắn hỏi thăm của người thân, và một của anh Đức báo đã dẫn con trai lên nhà. Nhưng tin nhắn anh Sơn dừng lại lâu nhất là từ vợ, gửi khi anh còn tắc đường trên cầu vượt Quốc lộ 5. Vợ anh nói, Hà Nội bỏ kế hoạch lập 26 chốt chặn người dân ra vào thành phố và dặn anh cứ đi thong thả, chừng nào về cũng được.

Chiếc xe bảy chỗ anh Sơn thuê trả tiền theo quý, tính mỗi tháng ngót chục triệu. Đợt ký hợp đồng mới là giáp tết, anh chạy xe không xuể. Khách muốn đặt xe phải lên lịch trước một hoặc vài ngày. Những cuốc gần anh hiếm khi nhận vì ngại tắc đường. Chỉ hôm nào không có cuốc đi tỉnh, anh mới nhận và thường ghép chuyến cho tiện đường.

“Giao thừa năm mới thì nhiều khách, còn giao thừa năm Covid thì chẳng có ai”, anh Sơn cười buồn. “Con gửi về ông bà từ đầu dịch nên rảnh rỗi, tôi tự bảo dưỡng xe, dù không biết lúc nào mới có khách lại”.

Những người làm dịch vụ như anh Sơn chịu tác động lớn nhất bởi Covid-19. Người dân e ngại sử dụng taxi và thường chọn xe máy để di chuyển.

Trong buổi chiều 31/3, cảnh những chiếc xe máy chất đầy đồ đạc ở cửa ngõ Thủ đô nhiều không kể xiết.

Thay vì cố bon chen để tồn tại giữa Thủ đô, người dân chọn về quê, sau khi được nghỉ làm cơ quan xí nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí vừa có cảm giác an toàn.

Anh Sơn, anh Đức trở thành của hiếm giữa dòng chảy ấy. Họ không chắc bản thân có từng tiếp xúc với ai nghi nhiễm nCoV hay không.

Thay vì để quê hương có thêm một nguy cơ, ở lại Hà Nội, trong bối cảnh thành phố vừa được trang bị nhiều chốt kiểm tra nhanh và có cơ sở y tế hiện đại hơn, ở góc độ xã hội là tốt hơn cho cộng đồng.

“Tôi từng đưa khách xuống Quảng Ninh, Hải Phòng cách đây vài ngày, và thấy nhiều chốt kiểm tra dưới đó. Đợt này cao điểm, tôi không chắc mình có bị cách ly khi về quê không”, anh Sơn chia sẻ về quyết định đón con lên Hà Nội.

“Cách nào cũng gặp khó. Thôi thì mình chọn phương án chắc chắn nhất, cũng là dịp để gần con. Đời tài xế, mấy khi có lúc nhàn rỗi như bây giờ”.

Nhờ thuê lâu năm, anh Sơn được chủ xe giảm một nửa tiền thuê trong tháng tới. Hồi đầu tháng 3, anh nghĩ tới chuyện trả xe nhưng “ngộ nhỡ có việc, không có xe sẽ rất bí”, anh tâm sự.

Tìm hiểu trên mạng, thấy nghề của mình sẽ dễ phục hồi sau dịch, anh Sơn quyết định thuê tiếp sau khi chủ xe đồng ý tiền trả theo tháng, thay vì quý như trước. Chiếc xe thơm mùi quế, do vừa được vệ sinh, sẽ tiếp tục đồng hành với anh chờ ngày đẩy lùi Covid-19.

Được anh Đức giúp dẫn con lên nhà, anh Sơn một mình ra bãi gửi xe. Đồng hồ gần điểm 12 giờ, nghĩa là đã hơn 6 tiếng kể từ lúc hai anh em rời Thủ đô. Nhà nào cũng đóng cửa im lìm. Chỉ có ánh đèn đường leo lắt đổ bóng dài của anh trên đường.

Thở phào vì có thể chở con về quê nhờ ông bà bất cứ lúc nào, anh Sơn càng thêm phấn chấn khi đọc thông tin trước khi đẩy cửa vào nhà: “Chính phủ sẽ dành 30.000 tỷ hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.