| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn nghề leo dừa

Thứ Tư 11/04/2012 , 10:18 (GMT+7)

Có một điểm chung duy nhất giữa những người làm nghề leo dừa là ai cũng nghèo, nghèo đến nỗi cục đất chọi chim cũng không có.

Lần nào đi công tác về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thức uống mà tôi ưa thích nhất luôn là một trái dừa tươi. Nhưng nhiều khi, ngụm nước dừa trong miệng tôi bỗng mang vị mặn chát khi chợt thấy trên những ngọn dừa xa xa, một người thợ dừa đang cần mẫn leo lên tụt xuống những thân dừa cao vút, trông nguy hiểm, để hái xuống từng buồng dừa.

Người đàn bà leo dừa hơn nửa đời người

Trước mặt tôi là một cây dừa xiêm khẳng khiu, đường kính hơn 1 gang tay, nhưng cao dễ tới chừng 20 mét. Đứng sát dưới gốc dừa ngước mắt nhìn lên tận ngọn đang đong đưa vì vừa có một cơn gió lùa qua, tôi chợt thấy rờn rợn khi thoáng nghĩ rằng nếu bắt buộc phải leo lên ngọn cây dừa này, mình sẽ ra sao? Tôi nhìn sang bà Nguyễn Thị Mười Hai (ấp Bờ Xe, Thạnh Phú, Châu Thành, Tiền Giang). Bên dưới mái tóc mà phân nửa đã bắt đầu ngả sang màu bạc, gương mặt khắc khổ buồn buồn của người đàn bà đã vào tuổi 50 và đã có 2 đứa cháu ngoại ấy, vẫn bình thản như không. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, bà khẽ cười: “Cây dừa này chưa ăn thua gì đâu. Tôi từng trèo lên những cây dừa cao tới bốn, năm chục mét vào những lúc trời còn gió hơn thế này”.

Nói rồi, bà Mười Hai dắt cái liềm chuyên để chặt dừa vô lưng quần. Cậu con trai út đang học cấp 3 mang ra một sợi dây dù dài chừng vài chục mét. Một đầu sợi dây dù ấy buộc vào một cái móc sắt. Bà Mười Hai cầm cái móc sắt đó, móc vào túi áo, rồi bà xỏ cái nèo vào hai cẳng chân. Đó là một một vòng vải làm bằng dây dù sợi vải pha, trông rất bền chắc. Sau đó, bà đưa 2 bàn tay bám chắc vào thân cây dừa theo thế một bàn ở trên, bàn kia sát ngay bên dưới. Hai bàn chân của bà cũng quặp vào 2 bên thân cây dừa. Sợi nèo níu giữa hai cẳng chân, cũng bám chắc vào nửa vòng thân cây dừa. Thế bám đã chắc, thế đẩy cũng sẵn sàng, bà Mười Hai bắt đầu leo dừa.

Bà Mười Hai bắt đầu leo dừa

Cứ ngỡ với cây dừa khẳng khiu cao tới hai chục mét ấy, phải mất ít nhất vài phút bà Mười Hai mới có thể leo đến tận ngọn. Nào ngờ, với những động tác đu đẩy rất dứt khoát, nhanh nhẹn, chỉ trong vòng chừng mười mấy giây, bàn tay bà Mười Hai đã chạm vào những buồng dừa xiêm lủng lẳng trên cao. Khi đã đứng vững trên những bẹ dừa, bà nhanh nhẹn rút cái liềm ra thoắt thoắt chặt buồng dừa. Chỉ sau vài giây, buồng dừa đã lìa khỏi ngọn. Bà Mười Hai lấy cái móc sắt buộc đầu sợi dây, móc chặt vào buồng dừa, rồi ra hiệu cho cậu con trai thả dần đầu dây dưới đất mà cậu đang giữ trong tay để cho buồng dừa ở đầu dây kia từ từ hạ xuống đất.

Sau khi xong việc thu hoạch dừa, bà lại leo trở xuống, nhanh chẳng kém gì lúc leo lên. Tôi lại nhìn bà, sắc mặt vẫn bình thường, nhịp thở không thấy gấp gáp hơn. Xem ra, việc leo một cây dừa cao vài chục mét đối với bà cũng chỉ như người ta thong thả đi bộ trên mặt đất vài chục mét vậy.

“Hồi còn con gái, tôi leo dừa không cần phải có sợi nèo đâu, chỉ cần hai bàn tay và hai bàn chân thôi”, bà Mười Hai vừa đưa cho tôi ly nước, vừa nhắc chuyện xưa. Thì ra, tuy là phận gái, nhưng từ nhỏ, Mười Hai đã ưa thích leo trèo như đám con trai, kể cả leo lên những cây dừa trong vườn trong xóm. Leo nhiều thành quen rồi trở thành người leo dừa giỏi vào bậc nhất trong vùng tự lúc nào. Từ sau khi lập gia đình, cái trò chơi leo dừa ấy lại trở thành cái nghề đeo đẳng cả đời bà. Ở xã Thạnh Phú cũng như các xã xung quanh khác của huyện Châu Thành, trong mấy chục năm qua, bà Mười Hai là người đàn bà duy nhất làm nghề leo dừa.

“Nhà nghèo, ruộng đất chẳng có, nghề nghiệp khác cũng không, nên tôi đành phải bám vào nghề này suốt mấy chục năm qua”, bà Mười Hai ngậm ngùi. Ngày trước, hai vợ chồng bà cùng đi thu hoạch dừa mướn cho người ta. Bà đảm nhận việc leo lên ngọn dừa, còn chồng bà do không biết leo dừa nên đứng dưới gốc, đón những buồng dừa vợ chuyển xuống rồi đem tới chỗ tập kết.

Sau này, khi con cái lớn lên, chúng lần lượt theo ông bà đi phụ việc thu hoạch dừa. Con cái cũng chẳng đứa nào biết leo dừa, thành ra, cái công việc khó khăn nhất ấy, vẫn thuộc về bà. Cứ thế người đàn bà bé nhỏ ấy từ khi mới lấy chồng, đến lúc có con và đến giờ đã có cháu ngoại, vẫn hàng ngày đánh đu với tính mạng trên từng ngọn dừa để kiếm tiền nuôi cả gia đình.

Mỗi ngày, bà leo chừng 50 cây dừa. Cứ mỗi một chục dừa (chục ở Tiền Giang tương đương với 12 trái) hái xuống và chở đến chỗ thu gom, được trả công 5.000 đồng. Mỗi ngày, bà và chồng con kiếm được chừng 200 ngàn đồng. Nếu đem chia làm 3, mỗi người chỉ được khoảng 70 ngàn đồng. Thành ra sau mấy chục năm làm người đàn bà leo dừa duy nhất ở khu vành đai Bình Đức, gia đình bà Mười Hai nghèo vẫn hoàn nghèo. 

Bà Mười Hai chỉ mất vài chục giây để leo tới ngọn cây dừa cao tới hai chục mét

Nghề của người nghèo

Do leo dừa giỏi, nên suốt mấy chục năm làm nghề leo dừa, bà Mười Hai mới chỉ bị ngã một lần từ trên cây dừa xuống đất, từ độ cao chừng 3 mét. Khi ấy bà đang mang thai tháng thứ 6. May mà bà mụ thương “đỡ” giùm nên cái thai không hề hấn gì.

Từ đó, bà Mười Hai cẩn thận hơn mỗi khi leo dừa nên không còn bị ngã thêm lần nào nữa, nhưng đụng phải rắn, ong vò vẽ… là chuyện thường ngày. Nói rồi, bà chỉ cho tôi xem những vết ong đốt, kiến cắn đã mờ vết, chi chít trên hai tay. “Hầu như ngày nào tôi cũng bị ong đốt hay kiến độc cắn. Đau buốt lắm, có hôm sưng vù khắp người, nhưng đã buộc phải kiếm cơm bằng nghề leo dừa thì phải ráng cắn răng mà chịu thôi. Cũng may mà gặp rắn lục, rắn hổ hành cũng nhiều nhưng chưa lần nào bị chúng cắn vào người. Nếu không…”, bà Mười Hai bỏ lửng câu nói rồi nhìn lên ngọn dừa trước mặt, khẽ nén một tiếng thở dài.

Cực nhọc là thế, nguy hiểm là thế, vậy mà ở các vùng dừa Nam Bộ, vẫn có không ít người đang hàng ngày mưu sinh bằng cái nghề được cho là luôn phải đối mặt với tử thần này. Có một điểm chung duy nhất giữa họ là ai cũng nghèo, nghèo đến nỗi cục đất chọi chim cũng không có. Ông Tư Đọt, một thợ leo dừa lâu năm ở Long Hưng (Châu Thành, Tiền Giang) than: “Những người không nghề nghiệp, không ruộng đất, không biết sinh nhai bằng cách nào như tui, mới đành phải nhắm mắt đưa chân… lên ngọn dừa mà chẳng biết đến ngày nào mới có thể kiếm sống bằng một công việc bình thường nào đó trên mặt đất”.

Nhưng hàng ngày phải trèo dừa để kiếm sống suốt mấy chục năm qua mà mới chỉ bị ngã một lần, và thường xuyên bị ong đốt, kiến cắn như bà Mười Hai, thì vẫn còn may chán. Bởi đã có không ít người gặp tai nạn khi đang leo dừa, nhẹ thì phải mất một thời gian thuốc thang chữa trị, nặng hơn phải bỏ nghề, còn nặng nữa là mất mạng.

Ông Ba Lạt, một người chuyên leo dừa ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, kể: “Những lúc trời vừa mưa xong, là lúc leo dừa nguy hiểm nhất vì thân cây trơn trợt”. Nói rồi, ông Ba Lạt vạch áo cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt trên ngực, trên bụng: “Cậu coi này, những vết sẹo này là do những lần thân dừa trơn quá, mình bị mất thế, hai bàn tay không còn bám chắc vào thân dừa được nữa. Nếu buông tay, sẽ bị rơi thẳng xuống đất, có thể gãy cổ, gãy xương. Tôi đành phải cắn răng ôm thân dừa tuột thẳng xuống dù biết chắc là sẽ rách bươm da thịt”.

Không chỉ ngực và bụng, hai cánh tay của ông Ba Lạt cũng đầy sẹo. Ông Ba Lạt thở dài: Trầy xước da thịt như tôi nhưng mạng sống vẫn còn giữ được đến giờ này, cũng là nhờ phúc phần của ông bà, tổ tiên. Ở vùng này đã có nhiều tai nạn thương tâm của những thợ leo dừa. Ông Năm Nhựt ở xã Lương Hòa, có thâm niên leo dừa hơn ba chục năm, một lần bất cẩn bị té từ ngọn dừa cao mười mấy mét xuống đất. Tuy may mắn không chết nhưng phải nằm liệt một chỗ suốt quãng đời còn lại vì bị gẫy xương sống. Ở ven kênh Chẹt Sậy cũng thuộc huyện Giồng Trôm, ông Sáu Ân cũng là người nổi tiếng về tài leo dừa, hái dừa, với thành tích một ngày có thể hái trên ngàn trái dừa, vậy mà đã sớm thiệt mạng sau một tai nạn nghề nghiệp.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm