| Hotline: 0983.970.780

Nhộn nhạo giống cây trồng Tây Nguyên: Treo đầu dê, bán thịt chó!

Thứ Ba 11/04/2017 , 08:30 (GMT+7)

Do nhu cầu giống cây trồng ngày càng lớn nên cơ sở kinh doanh mọc lên như nấm, buôn bán nhộn nhạo khó phân biệt giống bảo đảm chất lượng. Có hàng trăm cơ sở bán giống cây trồng đều gắn tên Ea Kmat...

Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan màu mỡ thuận lợi để phát triển cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê, cao su, tiêu... Do nhu cầu giống cây trồng ngày càng lớn nên cơ sở kinh doanh mọc lên như nấm, buôn bán nhộn nhạo khó phân biệt giống bảo đảm chất lượng...

12-41-52_1
12-41-52_2
Tại đường Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột có hàng trăm cơ sở, cửa hàng bán giống mạo danh thương hiệu giống cây trồng Ea Kmat

Bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên khi chọn giống cây trồng thường nghĩ ngay đến giống Ea Kmat thuộc Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Tuy nhiên niềm tin của họ đang bị lung lay do có hàng trăm cơ sở bán giống cây trồng đều gắn tên Ea Kmat.
 

Lạc vào "ma trận"

Để tìm hiểu về nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng, chúng tôi đã thâm nhập vào các cơ sở kinh doanh giống trên địa bàn xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk (gần Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên). Trong vai người nông dân đi mua cây giống với số lượng lớn, chúng tôi bất ngờ khi được các nhân viên bán hàng săn đón và giới thiệu khá tận tình.

Tại cơ sở bán cây giống của anh K ở thôn 2, xã Hòa Thắng bày bán khá nhiều loại cây giống, tôi hỏi giá giống cây bơ, anh này đáp: "Bơ có rất nhiều loại, nào là bơ chính vụ, bơ sớm vụ, bơ rải vụ, bơ tứ quý, bơ sáp, bơ Booth… nên giá cả khác nhau, giá mỗi cây dao động từ 30 - 40 ngàn đồng. Tất cả đều lấy từ Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat, đảm bảo chất lượng tốt, bảo hành đổi trả nếu cây trồng chết, chậm lớn".

Chúng tôi tìm cớ viện lí do sau khi tham khảo giá sẽ quay lại, sau đó đến nhà vườn kinh doanh giống khác cũng ở xã Hòa Thắng để tiếp tục tìm hiểu. Vào cơ sở giống của anh L ở thôn 1, theo quan sát của chúng tôi giống cây trồng bán ở đây cũng không kém đa dạng so với cơ sở của anh K.

Thấy tôi thắc mắc tại sao cửa hàng lại đặt tên giống cây trồng Ea Kmat, thì anh L cho biết, gia đình anh có truyền thống làm nghề ươm ghép giống cây trồng từ nhiều năm nay. Con trai anh cũng là cán bộ kỹ thuật của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nên việc sản xuất cây giống của gia đình luôn được đảm bảo, được người tiêu dùng tin dùng nhiều năm nay (!?).

“Nguồn chồi ghép, hạt giống rất đa dạng, đều được xử lý theo đúng tiêu chuẩn và kỹ thuật nên sản phẩm cây giống của gia đình tôi có khi sản xuất ra còn tốt hơn viện đấy chứ”, anh này phân trần.

12-41-52_3
Nông dân lạc vào "ma trận" giống cây trồng

Theo khảo sát chúng tôi, giá cây trồng thì khá đa dạng, các nhà vườn đều khẳng định do giống cây trồng của họ tốt nên giá cao, có nhà vườn tự móc nối với nhau nên đi đâu hỏi giá cũng na ná giống nhau. Cụ thể giống cà phê từ 30 - 40 ngàn đồng/cây; giống bơ cao sản từ 30 - 50 ngàn đồng/cây; ổi, cam, chanh, buổi da xanh giá từ 30 - 60 nghìn đồng/cây…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ loạn giống cây trồng mang thương hiệu Ea Kmat mà một số Cty có sản phẩm cây giống mới, chất lượng cao cũng bị làm giả. Mới đây, một địa chỉ kinh doanh cây giống giả hiệu đã bị anh Trịnh Xuân Mười, chủ sở hữu loại cây giống “Bơ Trịnh Mười” lật tẩy. Giống bơ cao sản do anh Mười chiết ghép chỉ bán tại Cty TNHH Mười Bơ Tây Nguyên, 73 Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột. Thế nhưng ở thôn Hòa Thành (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) có cả cụm dân cư sống bằng nghề bán cây giống in giả nhãn hiệu Bơ Trịnh Mười…
 

Nông dân chịu thiệt

Các loại giống cây trồng buôn bán trôi nổi nêu trên không ai dám bảo đảm chất lượng. Thời gian qua đã nhiều nông dân chịu thiệt do mua giống rởm, kém chất lượng “hái” trái đắng. Tháng 6/2014, gia đình ông Trân Văn Bản ở thôn 6, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) đã mua 600 cây bơ Booth ghép, giá 40 ngàn đồng/cây tại một cửa hàng tại xã Hòa Thắng.

Tính cả chi phí vận chuyển, riêng tiền giống cây mua về tới nhà ông đã tốn hơn 26 triệu đồng. Dù đã chuẩn bị kỹ càng khâu làm đất, bón lót bằng phân chuồng, phân vi sinh và xử lý vôi bột, nhưng sau khi trồng khoảng 5 tháng thì toàn bộ số cây chết sạch. Nghi ngờ giống có vấn đề, ông đến đại lý hỏi nguyên nhân và yêu cầu bảo hành, thì nhân viên cho biết không hề bán gì cho ông (?).

Cùng cảnh như hộ ông Bản, anh Đỗ Duy Lương ở thôn Tân Tiến, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê (Gia Lai) cũng mua giống tại vườn ươm tư nhân mang thương hiệu Ea Kmat ở xã Hòa Thắng khoảng 40 cây bơ Booth ghép để trồng vào đầu mùa mưa năm ngoái. Tuy nhiên, do giống kém chất lượng nên vườn bơ của gia đình chỉ còn vài cây sống.

12-41-52_5
Mua giống kém chất lượng, phần lớn nông dân chịu thiệt

“Cùng chung một chế độ chăm sóc nhưng mấy gốc bơ do tôi tự ghép đã lên cao chừng 1m, phân nhánh ổn định, trong khi giống bơ mua ở Hòa Thắng về trồng thì yếu ớt, chưa cây nào đủ sức phân nhánh”, anh Lương than thở.

Tuy nhiên, những thiệt hại trên còn nhỏ, bởi theo tính toán của nông dân thì trồng mỗi ha cà phê, bơ, sầu riêng... từ khi trồng đến lúc thu hoạch bói (3 năm) phải đầu tư 100 - 150 triệu đồng. Nếu mua phải giống kém chất lượng phải ít nhất 5 năm mới xác định được nên thiệt hại sẽ rất lớn.

+ Mới đây, TP Buôn Ma Thuột đã lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc sản xuất kinh doanh cây giống ở khu vực xã Hòa Thắng. Kết quả 15 cơ sở được kiểm tra ngẫu nhiên đều không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Các lỗi vi phạm phổ biến của các cơ sở này là không có vườn giống đầu dòng, không có vườn chồi được công nhận, không có cán bộ kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng không có trong danh mục và chưa được phép lưu hành… 

+ Hiện xung quanh Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên có hàng trăm cơ sở bán giống cây trồng mang tên Ea Kmat. Thực tế Ea Kmat là một địa danh của buôn Ea Kmat. Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat ở trong khu vực buôn này.

Các cơ sở lấy tên Ea Kmat chứ họ không phải lấy tên của trung tâm. Trong khi đó nông dân về đây mua cây giống thì hay bị nhầm lẫn giữa cây giống của trung tâm Ea Kmat với các cơ sở buôn bán cây giống có tên Ea Kmat.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.