| Hotline: 0983.970.780

Nhựa sống căng tràn vùng biên Nậm Cắn

Thứ Tư 29/01/2020 , 07:01 (GMT+7)

Sau thời gian dài vùng biên Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) chìm trong đói khổ, đã thức giấc ngỡ ngàng. Chưa bao giờ mảnh đất khốn khó này lại căng tràn sức sống đến như vậy.

Cán bộ đi trước

Trao đổi cùng PV NNVN, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, ông Moong Phò Ngọc không giấu nổi hồ hởi: “Tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi gia đình tôi cũng tăng gia nuôi thêm con trâu, con bò nhằm cải thiện sinh kế. Nơi đây phong trào cán bộ làm kinh tế không hiếm gặp, điều này đã góp phần tạo nên động lực thúc đẩy cần thiết đến toàn dân.

Phó Chủ tịch Moong Phò Ngọc thuộc lớp người tiên phong về áp dụng mô hình chăn nuôi hàng hóa tại Nậm Cắn.

Nhắc đến trồng trọt nhất định không thể bỏ sót mô hình trồng gừng đã hình thành ở đây cả chục năm nay. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, lại tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nên chất lượng sản phẩm làm ra luôn đảm bảo, được thị trường chấp nhận.

Quá trình kinh doanh thuận lợi mang lại nguồn thu ổn định cho khoảng 300 gia đình trên đất Nậm Cắn, nhiều hộ siêng năng, tích cực bám ruộng nương hoàn toàn đạt doanh thu 150 - 200 triệu đồng/ năm, trừ chi phí lãi ròng đến 2/3, hiệu quả hẳn trồng lúa lai.

Năm nay gừng vẫn đắt hàng, hiện duy trì ở mức trên dưới 8.000 đồng/kg, nếu không có biến động quá lớn chắc mẩm các hộ tiếp tục được đón một cái tết sum vầy, ấm cúng. Với sản lượng dự kiến từ 160 – 200 tấn hàng/hộ, những gia đình thuộc diện khấm khá ở bản Tiền Tiêu như Hở Ba Rề (Xã đội phó), Lẩu Y Dở đang hân hoan, phấn chấn tột độ.

Những con số thống kê dù khô khan nhưng vô cùng thuyết phục để chứng minh cho quá trình thay da đổi thịt ngỡ ngàng của mảnh đất biên viễn một thời chìm trong khốn khó. Điều đáng mừng hơn cả không gì khác ngoài sự biến chuyển về tư duy, đồng bào không còn nặng tư tưởng “trời sinh voi trời sinh cỏ”.

Tựu chung mọi chuyện đều có nguyên do, không phải ngẫu nhiên khi tỷ lệ hộ nghèo tại Nậm Cắn đang giảm mạnh, từ ngót nghét 70% năm 2015 hiện chỉ dao động khoảng 42% mà thôi. Không hề nói suông, Phó Chủ tịch Moong Phò Ngọc khẳng định chắc nịch: “Con số trên sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới”.
 

Sung túc nhờ trâu bò

Nậm Cắn có 856 hộ với 4.436 nhân khẩu, bao gồm các dân tộc Thái, Mông và Khơ Mú, riêng người Mông chiếm hơn 70%.

Toàn xã có tổng cộng 6 bản, trong số này 3 bản người Mông là Trường Sơn, Tiền Tiêu và Huồi Pốc sung túc hơn cả. Đặc điểm của người Mông là cần cù, chịu thương chịu khó, thường khi mặt trời chưa ló dạng đã lục đục lên nương lên rẫy, khi trời chiều chập choạng, đến con thú trong rừng còn dò dẫm đường đi lối về họ mới tất tả loay hoay quay gót.

Người Mông thường trú ngụ tại vùng đất cao và chịu lạnh rất giỏi. Trước họ bám riết vào cây thuốc phiện, mãi về sau bà con nhận thức rõ tác hại của thứ độc dược chết chóc nên chuyển dần diện tích sang trồng gừng, trồng ngô, đặc biệt là trồng cỏ voi phục vụ cho quá trình vỗ béo trâu bò.

10-17-09_3
Nhiều hộ ăn nên làm ra nhờ trâu, bò.

Chính bản thân Phó Chủ tịch Nậm Cắn thuộc lớp người tiên phong nhân rộng phong trào mô hình chăn nuôi nơi đây. Ban đầu gia đình ông chỉ duy trì nhỏ lẻ đôi ba con, dần dà sau nhiều năm cặm cụi, tích cóp theo hình thức lấy ngắn nuôi dài đã nâng dần quy mô tổng đàn lên đến cả trăm con, tổng giá trị hơn tỷ đồng.

Trong suy nghĩ của đồng bào khắp vùng biên viễn, Moong Phò Ngọc không đơn thuần là cán bộ mẫn cán mà còn là típ người giỏi giang, nhanh nhạy về phát triển kinh tế hộ, là tấm gương sáng đáng để học học hỏi, noi theo.

“Cán bộ đi trước, dân bước theo sau”, chẳng mấy mà phong trào chăn nuôi gia súc trên địa bàn lan nhanh chóng mặt. Tính ra hộ nào cũng có trâu bò, sở hữu dăm bảy con là chuyện vặt, cá biệt nhiều gia đình gom đến 60 – 70 con, điển hình như Già Tông Chủa ở bản Huồi Pốc, hay Lầu Tông Chủa, ở bản Trường Sơn. Ngay như Chủ tịch Hội Nông dân Hờ Ga Pó, dù bận rộn tối mặt tối mày vẫn tích lũy trong tay 20 - 30 con trâu, bò béo ú.

Thường trâu, bò được mua vào với giá 20 - 25 triệu đồng/con, từ nguồn cỏ voi sẵn có, cộng với quy trình đã thuộc nằm lòng nên chỉ độ 3 đến 4 tháng là an tâm xuất chuồng, người nuôi cứ thế đút túi mươi triệu bạc/con một cách ngon ơ. Uy tín nguồn hàng gây dựng vững chắc qua nhiều năm nên quá trình tiêu thụ dễ như bỡn, dân bản chẳng phải lịch kịch hao tổn công sức, đến hẹn lại lên tự khắc cánh dân buôn tứ xứ ắt sẽ tìm về “ăn hàng”.

Kinh nghiệm cho thấy, lúc chọn giống nên ưu tiên những con dáng cao, bộ khung đẹp, u to, trọng lượng vừa phải, hơi gầy một chút là tốt nhất. Vật nuôi phải đảm bảo độ tuổi trên 3 năm, theo lời những người trong cuộc quy trình vỗ béo thực chất không quá phức tạp nhưng tốn thời gian, đòi hỏi nhiều công đoạn nên tính truân chuyên phải được đặt lên hàng đầu.

Ở một khía cạnh khác, hình thức nuôi trâu, bò “chận” (chọi – PV) vẫn được tiếp nối nhưng không còn phổ biến như xưa, họa hoặn lắm mới xuất hiện đôi ba con đáp ứng đủ yêu cầu. Đặc biệt khan hiếm nên giá thành rất chát, thực tế nếu là bò thuần chủng của người Mông với cặp sừng to, trọng lượng lên đến hàng tạ thì riêng bán thịt hơi đơn thuần đã dư sức thu về 60 - 70 triệu đồng.

Ngược lại nếu gặp đúng người, đúng thời điểm thì giá trị khó đong đếm, lắm bận lớp dân chơi từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng tìm về, từ Lào tràn sang trả mức giá trên trời, cao gấp 3 lần, 4 lần bình thường nhưng chưa hẳn đã thuyết phục được chủ nuôi, bởi với họ kinh tế lúc này không còn là… thứ yếu.

Điển hình của lớp “lắm tiền nhiều của” phải kể đến Và Giống Chà, trú tại bản Tiền Tiêu. Chà tuổi đời mới ngoài bốn mươi nhưng tiếng tăm đã lẫy lừng khắp dãy biên cương, khôn ngoan trong từng đường đi nước bước, biết mua tận gốc bán tận ngọn nên chẳng lấy làm lạ khi trong tay gã trai dáng vẻ cục mịch này luôn hiện hữu tổng đàn gia súc ít ai sánh kịp.

Con bò chận lớn nhất đất Nậm Cắn thuộc quyền sở hữu của Và Giống Chà, trú tại bản Tiền Tiêu.

Có tiền có của Chà không tiếc tiền sắm sửa, mới đây thôi Chà mạnh tay chi trên 1 tỷ đồng tậu cho mình chiếc xe bán tải 2 đầu hầm hố, nước sơn mới cáu cạnh khiến ai nấy cũng phải suýt xoa, trầm trồ. Chỉ tay vào con bò chận (bò chọi-PV) chắc nịch, Chà tâm đắc: “Nó là con bò chận to nhất, có giá trị nhất tại đất Nậm Cắn này, vừa rồi có người trả 150 triệu ta vẫn chưa bán đấy”.

Tuyến Quốc lộ 7 nối liền thị trấn Mường Xén với Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn không còn là cung đường khổ ải, tất thảy đã được rải nhựa thẳng tắp, giao thương buôn bán nhờ đây cũng thuận lợi gấp bội phần.

Nổi bật hơn cả là phiên chợ biên giới của 2 nước Việt - Lào, trước kia nhu cầu không đáng kể nên chợ chỉ được tổ chức mỗi tháng một lần, về sau rút xuống 15 ngày, nay tuần nào cũng phải có, tiếng kẻ bán người mua rộn ràng khắp vùng biên.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất