| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối từ vùng sắn lớn của Thanh Hóa

Thứ Hai 15/03/2010 , 21:03 (GMT+7)

Hàng ngàn hộ dân trồng sắn trước nguy cơ bị lãnh đạo Cty và NM này quỵt tiền bán sắn của họ. Người dân kêu cứu đến các cấp chính quyền nhưng chưa thấu?

Báo NNVN đã từng có các bài viết đề cập về sự lộng hành của ông Lê Ngọc Hạnh - Chủ tịch HĐQT Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hoá đối với nhiều cán bộ, công nhân và hiện nay là với hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số nghèo trồng sắn ở huyện Như Xuân.

Điều đáng nói, việc có một nhóm côn đồ hơn 40 tên đã xồng xộc vào NM tinh bột sắn Như Xuân đánh hội đồng gây thương tích trầm trọng cho anh Trịnh Trọng Bình- PGĐ NM kiêm trưởng ban kiểm soát của Cty nhưng đến nay cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá vẫn vô cảm trước nổi đau của người bị hại?

Không chỉ có vậy, hàng ngàn hộ dân trồng sắn trước nguy cơ bị lãnh đạo Cty và NM này quỵt tiền bán sắn của họ. Người dân kêu cứu đến các cấp chính quyền nhưng chưa thấu?

Lần theo đơn thư bạn đọc, sáng 14/3 PV NNVN đã có mặt ở vùng nguyên liệu sắn Như Xuân nơi có NM tinh bột sắn từng có tai tiếng sản xuất đạt hiệu quả thấp, nợ tồn đọng quá lớn, gây mất niềm tin trong dân.

Người dân tiếp xúc với cơ quan báo chí và kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc nơi NM sắn Như Xuân.

Trong số hàng trăm lá đơn gửi tới báo NNVN và cơ quan chức năng xin được cầu cứu, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Xuân kiến nghị: Đến thời điểm này, NM tinh bột sắn Như Xuân (thuộc Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hoá) không chịu thanh quyết toán tiền mua sắn của bà con nông dân. Điều đó đã gây bức xúc trong nhân dân và các chủ hợp đồng trồng sắn. Chính sự hứa lên, hứa xuống một cách suồng sả từ lần này đến lượt khác của ông Chủ tịch HĐQT Lê Ngọc Hạnh đã để lại tâm lý lo sợ mất tiền, hoang mang trong dân chúng khi mà nội tình của cả Cty và NM này đang còn nhiều bê bối. Có lẽ vì thế mà giờ đây tiếp xúc với bà con trồng sắn, người ta gọi ông Hạnh bằng cái tên là “Lê Ngọc Hứa” thay cho “cái tên cúng cơm” của ông là Lê Ngọc Hạnh.

Theo như danh sách mà chúng tôi nắm được hiện NM sắn Như Xuân đang nợ người trồng sắn gần 1 tỷ đồng, ngoài ra Cty còn nợ các ngân hàng gần 40 tỷ đồng và NM đang nợ các đối tác làm ăn khác trên dưới chục tỷ đồng (như NNVN đã đề cập ở số báo ra ngày 02/3).

Huyện miền núi Như Xuân là một trong 63 huyện nghèo thuộc chương trình đầu tư 30a của Chính phủ. Trước đó, các xã trồng sắn đều thuộc xã đặc biệt khó khăn của chương trình 135. Nhắc lại như thế để bạn đọc biết rõ về đời sống của người trồng sắn nơi đây là hết sức nghèo khổ và khó khăn. Các gia đình bán sắn cho NM đều thuộc diện hộ nghèo và phần lớn là người dân tộc thiểu số. Trong đó có một bộ phận là người dân TĐC từ DA lòng hồ thuỷ điện Cửa Đạt. Vốn dĩ là người dân tộc miền núi nên cây sắn đã được họ gắn bó bao năm nay nơi núi đồi khắc nghiệt của thời tiết. Những hộ có diện tích lớn thì thuê xe ô tô chở vào bán cho NM, hộ ít thì dùng xe bò ì ạch kéo đến bán cho NM. Cứ ngỡ rằng, có được NM trên vùng núi này là đồng bào ấm bụng vì sẽ giải quyết được đầu ra cho sản phẩm. Ai dè mồ hôi nước mắt làm ra lại bị NM tính bài quỵt tiền của họ. Thật là trớ trêu?

Sắn thu hoạch ở Như Xuân.

Để kéo dãn tình thế trong NM và có bước đi trong vấn đề xoay xở “nội các” của Cty nên ngày 07/2, ông Lê Ngọc Hạnh đã ký một thông báo về việc thanh toán tiền mua nguyên liệu sắn củ từ ngày 20/9/2009 đến 17/01/2010 gửi đến UBND các xã vùng trồng sắn. Nhận được công văn này, chính quyền các xã đã thông báo tới người dân. Trong thông báo của ông Hạnh hứa là sẽ thanh toán tiền nợ cho dân từ ngày 10/2 đến 11/2 (kết thúc vào chiều 29 Tết Nguyên đán).

Vị Chủ tịch HĐQT “Lê Ngọc Hứa” này rêu rao trong văn bản của mình rằng: “Yêu cầu các chủ hợp đồng, các hộ trồng, bán sắn nguyên liệu cho NM đến liên hệ trực tiếp với phòng Kế toán NM theo đúng tiến độ quy định. Trường hợp đến thời gian trên nhưng các chủ hợp đồng, các hộ trồng, bán sắn nguyên liệu không đến đối chiếu công nợ và thanh quyết toán với NM thì Cty có quyền từ chối thanh toán và không chịu trách nhiệm về các khoản nợ đó”.

Văn bản thì đã rõ ràng nhưng những ngày đó, khi người dân đến liên hệ thanh toán thì những người có liên quan giải quyết lại tính bài chuồn và đá quả bóng gần 1 tỷ đồng tiền nợ đó cho Ban lãnh đạo cũ là những người mà Ông Hạnh vừa phế truất. Nhiều người dân yêu cầu NM thanh toán nợ thì ông Hạnh sừng cổ lên và nói liều “gặp người ký Hợp đồng mua sắn mà lấy chứ tôi không trực tiếp mua sắn của dân”.

Đang đường đường là một ông Chủ tịch HĐQT của Cty và cướp luôn cái chức Tổng GĐCty khi chưa có nghị quyết Đại hội đồng cổ đông mà ông này phán quyết một câu xanh rờn như vậy với người dân nghèo miền núi xứ Thanh. Thử hỏi văn hoá doanh nghiệp ở đâu? Lương tâm con người này ở đâu?

Anh Đặng Trung Thảo- thôn 10 xã Bãi Trành, huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hoá là chủ hợp đồng đại diện cho 115 hộ dân tộc thiểu số trồng sắn đứng ra ký hợp đồng bán sắn cho NM kể: “không nói thì các anh cũng biết, 100% người trồng sắn là hộ nghèo đói. Tôi nhớ mãi hình ảnh vợ chồng anh Ngân Văn Châu ở thôn Đồng Trình chiều 27 Tết cuốc bộ 4km ra tận nhà mình để xin được lĩnh tiền bán sắn về đong gạo ăn Tết. Anh Châu thì bị tật nguyền, vợ thường xuyên ốm đau, thần kinh không ổn, nhà có 3 đứa con nheo nhóc, đói quanh năm. Trong nhà anh Châu không có gì đáng giá, kể cả chiếc xe đạp cũng không. Hôm ra nhà, tôi bảo NM hẹn 29 Tết sẽ có tiền, lĩnh được tiền tôi sẽ mang vào cho anh chị. Khi anh chị ấy ra về trong lòng tôi ngậm ngùi thương xót mà nhà mình cũng không còn đồng nào nữa. Tôi thắc thỏm đợi chờ tin tức từ NM trong khi các hộ dân cứ đến nhà hỏi tiền để về mua sắn Tết. Đến 5 giờ chiều 29 Tết tôi nhận được điện thoại của anh Sắc làm trong NM cho hay là không có tiền trả cho dân nữa. Nghe tới đây mà tôi như muốn quỵ người lại. Rút máy điện thoại gọi ông Hạnh thì ông ta không nghe máy”.

Trước tình thế ngoặt nghèo đó, anh Thảo bàn với vợ là đi vay nợ nóng với số tiền 150 triệu đồng với lãi suất 1,5%/tháng để có tiền chi trả cho người trồng sắn. Ngay trong đêm 29 Tết, anh Thảo đã kịp đưa tiền cho các hộ dân và sáng 30 Tết, vợ chồng anh Ngân Văn Châu mới có tiền đi đong gạo về cho các con ăn bữa cơm Tất niên ngày 30 Tết Nguyên đán.

Không chỉ có anh Thảo mà nhiều chủ hợp đồng đã phải mang xe vận tải, bìa đỏ và nhiều tài sản có giá trị khác đi cầm cố với lãi nóng 5.000đ/triệu đồng/ngày để có tiền trả cho dân kịp thời ăn Tết. Đó là chuyện anh Trịnh Văn Hoà- thôn Ngọc Thanh xã Thanh Lâm mang xe ô tô tải đi cắm 50 triệu đồng về cho hộ dân tạm ứng lấy tiền tiêu trong dịp Tết. Theo anh Hoà số tiền mà NM sắn đang nợ của dân thông qua chủ hợp đồng là anh lên đến 158 triệu đồng. Còn anh Lê Văn Toàn- thôn Đồng Xuân xã Hoá Quỳ cũng bị NM nợ 102 triệu đồng và hiện anh cũng đang vạy 100 triệu nợ nóng với lãi suất 4%/tháng để giải quyết nợ cho dân.

Đó là những ông chủ hợp đồng nên còn có tài sản như xe vận tải mang đi cầm cố để lấy tiền chi trả cho dân, chứ ở Như Xuân còn có nhiều hộ dân trồng sắn bán cho NM không thông qua chủ hợp đồng thì gần như Tết Nguyên đán vừa rồi đối với họ là một cái Tết đói vì NM không thanh toán tiền cho họ. Chị Hoàng Thị Thuỷ - ở khu phố 3 thị trấn Yên Cát huyện Như Xuân hiện NM còn nợ của gia đình chị 35 triệu đồng tiền bán sắn cho biết: “Như nhà mình ngoài trồng sắn ra còn buôn bán được nên việc NM chưa trả tiền vẫn còn có đồng ra đồng vào mà sắm sửa ba ngày Tết chứ số người dân có diện tích đất canh tác ít, không sản xuất lúa được mà chỉ trồng sắn thì Tết vừa rồi đối với họ là cực kỳ khốn khổ. Nhìn cảnh tượng cha con, vợ chồng họ ì ạch, lê lết từng bước một kéo xe bò đi bán 1- 2 tấn sắn cho NM dưới cái nắng trái mùa như đổ lửa 38- 390 C mà ngày cận Tết đến NM lĩnh tiền lại không được thanh toán”. Chị thuỷ ngậm ngùi thương xót mà đồng cảm không biết kêu ai.

Không chỉ có người dân tộc thiểu số nghèo bán sắn không được thanh toán tiền mà 50 cán bộ công nhân trong Cty và NM nắm giữ gần 70.000 cổ phần trong Cty cũng đã bị ông Chủ tịch HĐQT phế truất không lý do, không bố trí công việc và cũng không cho họ rút lại tiền cổ phần của mình? Phải chăng ông Chủ tịch HĐQT Lê Ngọc Hạnh mờ luật. Sự bức xúc trong toàn Cty, NM và người trồng sắn ở nơi đây lên đến đỉnh điểm. Vậy mà các ngành chức năng, trong đó UBND huyện và Công an huyện Như Xuân vẫn bình chân như vại trước nổi đau và mất mát thiệt thòi của hàng ngàn con người trên quê hương họ. Phải chăng sự vô cảm đối với những “cán bộ gần dân” nơi đây đối với họ là một khái niệm xa lạ?

NNVN kính chuyển sự việc này tới ông Mai Văn Ninh - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá xem xét chỉ đạo xử lý, lấy lại niềm tin cho nhân dân và công bằng trong xã hội.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm