| Hotline: 0983.970.780

Những bài học sau trận lũ quét ở Sa Ná

Thứ Sáu 23/08/2019 , 08:56 (GMT+7)

Hơn nửa tháng sau trận lũ quét tàn phá, bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) dường như vẫn chưa gượng dậy được.

Bên vệ đường dẫn vào các hộ dân, vẫn nằm đó ngổn ngang xác gỗ.
 

Công đoàn Bộ NN-PTNT ủng hộ 200 triệu đồng

Dấu vết sót lại sau trận “đại hồng thủy” trên suối Son là cột nhà, là khung sắt liểng xiểng nằm lẫn lộn với đá sỏi bùn lầy.

07-37-32_thien-ti-s-n-01
BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai thăm và tặng quà người dân vùng lũ xã Na Mèo.

Con đường dân sinh vào bản vẫn nhầy nhụa, thế nên đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài dẫn đầu phải “cuốc” bộ chặng đường dài. Món quà đoàn mang theo là 200 triệu đồng, được Công đoàn Bộ NN-PTNT ủng hộ để động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trước đó, ngày 3/8/2019, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Quan Sơn. 10 người chết và mất tích, trong đó nặng nề nhất là bản Sa Ná.

Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt cho biết, đến thời điểm hiện nay, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị tìm kiếm 6 người mất tích, đồng thời hỗ trợ Lào tìm kiếm 7 nạn nhân bị lũ cuốn trôi.

“Địa phương vẫn tiếp tục cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dung thiết yếu đảm bảo đời sống cho người dân đến khi chủ động được lương thực. Khu tái định cư cũng được xác định 5,2ha cho 51 hộ ảnh hưởng tại bản Sa Ná”, Chủ tịch huyện Quan Sơn chia sẻ.
 

Lũ dữ đến từ đâu?

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, bản Sa Ná có 74 hộ dân nằm ven suối Son, bởi vậy muốn vào bản phải đi qua con đường độc đạo men theo bờ suối. Vào mùa lũ, bản thường xuyên bị ngập nước. Nguyên nhân gây lũ quét tại Na Sá do lưu vực lớn, độ dốc cao dẫn đến lũ tập trung nhanh. Không những thế, lòng suối Son co hẹp, tạo nút thắt hình cổ chai khiến cây lớn trôi từ thượng nguồn về bị chặn lại, tạo thành đập tự nhiên.

07-37-32_thien-ti-s-n-03
Cạnh con đường dẫn vào các bản ngổn ngang những đống gỗ.

Trước đó, xã Na Mèo đã từng phải hứng chịu những thiệt hại rất lớn do bão gây ra. Điển hình như năm 2017, cơn bão số 2 (Talas) và số 10 (Doksuri) gây mưa lớn, lũ ống lũ quét gây thiệt hại lớn về kinh tế, 4 bản bị cô lập. Có 2 hộ phải di dời khẩn cấp, đến nay còn 1 hộ vẫn chưa có mặt bằng để xây dựng nhà (hộ ông Lữ Văn Năm ở bản Cha Khót). Năm 2018, bão Sơn Tinh và bão Belinca liên tiếp ập vào tiếp tục gây lũ lụt trên địa bàn xã Na Mèo, nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều bản tiếp tục bị cô lập…

Theo UBND xã Na Mèo, hiện nay, hệ thống tưới tiêu, mương bị hỏng hoàn toàn. Diện tích lúa còn lại đối diện nguy cơ hạn hán do không có nước tưới, tình hình an ninh lương thực tại chỗ trong thời gian tới rất khó khăn, nhất là bản Ché Lầu, Son, Sa Ná, Bo Hiềng, Cha Khót, Na Pọng.

Nguyên nhân xẩy ra bão lụt trên địa bàn, được chính quyền xã Na Mèo xác định là do tác động của biến đổi khí hậu như mưa lớn trên diện rộng và cường độ mưa lớn, cực đoan. Do đó, diễn biến lũ lụt ngày càng khó lường trên địa hình dốc, hẹp. Hành lang thoát lũ bị lấn chiếm, thu hẹp do sạt lở hai bên bờ suối; lòng suối bị bồi lấp mạnh so với trước đây do phía đầu nguồn giáp với Lào rừng bị chặt phá.
 

Thiếu phương tiện chuyên dụng

Từ câu chuyện đau lòng ở Sa Ná, ông Trần Quang Hoài nhận định: “Bài học chúng ta cần rút ra ở đây là dân cư sống ở khu vực ven suối là rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, những điểm dòng suối co thắt dễ tạo ra bọng nước tạo nên lũ quét”.

07-37-32_thien-ti-s-n-04
Bên bờ dòng suối Son, rất nhiều vật liệu xây dựng còn sót lại.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, mặc dù ngày 2/8, trước khi bão số 3 đổ bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đã dự báo đúng mưa lớn (200 – 400mm) tại tỉnh Thanh Hóa, nhưng không dự báo được cụ thể tại huyện Quan Sơn; không cảnh báo được mưa lũ thượng nguồn thuộc quốc gia khác. Dó đó, cần phải lắp đặt ngay trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Về công tác phòng ngừa, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhận thấy rằng, hầu hết các địa phương chưa rà soát, đánh giá khu dân cư đảm bỏ an toàn với lũ quét, sạt lở đất. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ: vật tư, trang thiết bị còn hạn chế (áo phao, ác thiết bị tối thiểu để ứng cứu còn chưa đầy đủ).

Từ đó, dẫn đến hậu quả là sau 2 ngày khi xảy ra lũ quét tại bản Sa Ná mới tiếp cận được khu vực bị ảnh hưởng thiên tai; khu vực bị cô lập trong thời gian dài, không nắm được thông tin do lất liên lạc, không đề ra được giải pháp và ứng cứu kịp thời.

Theo Ban chỉ đạo, công việc tiếp theo là chúng ta phải ngăn chặn ngay tình trạng khai thác rừng trái phép (nếu có). Có phương án đảm bảo lưu thông liên lạc trong mọi tình huống, kiểm tra, khơi thông ngay các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng;…

07-37-32_thien-ti-s-n-05
Có 74 hộ dân sống ven suối Son, gần vị trí nút “thắt cổ chai” nguy hiểm.

Ông Vũ Văn Đạt đề nghị Trung ương khẩn trương rà soát các trang, thiết bị, phương tiện cứu hộ cứu nạn và đánh giá tính hiệu quả, tính phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ví dụ, công an huyện được cấp 1 ca nô, nhưng không có người lái được. Nếu có người lái được thì cũng không thể di chuyển trong điều kiện của dòng chảy sông Luồng, sông Lò trên địa bàn huyện.

Không những thế, ca nô lại càng không thể lái cứu hộ khi nước lên, lũ về, trong khi đó, mô tô nước phù hợp thì lại không có. Hay đơn giản như súng bắn dây cũng không có, dẫn đến việc cứu hộ người trôi sông phải kéo dài cả ngày, chờ cứu hộ tỉnh lên phải 4 – 5 tiếng. Cuối cùng người chờ cứu hộ quyết định tự bơi vào bờ giữa dòng nước lũ.

Ông Vũ Văn Đạt đề xuất cần sớm nghiên cứu, đánh giá, xác định các vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai (nhất là vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…), trên cơ sở đó xây dựng chính sách cho đề án “Sắp xếp lại dân cư an toàn phòng tránh thiên tai”. Có như vậy, ngân sách nhà nước chỉ cần chi tổng thể một lần, lại giảm đau thương, mất mát, đỡ tốn sức người, sức của, dành thời gian cho nghiên cứu sinh kế lâu bền.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất