| Hotline: 0983.970.780

Những bức xúc của người dân xã Viên Thành

Thứ Ba 24/07/2012 , 11:06 (GMT+7)

Dự án trồng và chế biến chuối xuất khẩu của Cty TNHH Globe Farm Hàn Quốc tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đang trong tình trạng bế tắc.

Dự án trồng và chế biến chuối xuất khẩu của Cty TNHH Globe Farm Hàn Quốc tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An được kì vọng sẽ tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân đang trong tình trạng bế tắc. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện dự án, tổng diện tích đất trồng chuối mới đạt ¼ kế hoạch. DN như đang ngồi trên đống lửa vì cây giống đã sẵn sàng nhưng không có đất để trồng.

Ngày 26/2/2010, UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho Cty TNHH Globe Farm Hàn Quốc triển khai dự án trồng và chế biến chuối xuất khẩu tại xã Viên Thành. Mục tiêu của dự án là cung cấp giống chuối mới, hỗ trợ kỹ thuật cho những nông dân có đất màu trồng (200 ha) và tiến tới ký hợp đồng hợp tác sản xuất với nông dân để trồng chuối xuất khẩu; xây dựng nhà máy đóng gói và bảo quản chuối để xuất khẩu với sản lượng 10 nghìn tấn/năm. Trong đó, diện tích thuê để xây dựng nhà máy 1ha (thời hạn 50 năm) và đất màu trồng chuối 200ha thuê trực tiếp với các hộ gia đình, cá nhân đã được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngày 12/7/2012, chúng tôi có mặt tại xã Viên Thành, đông đảo bà con ở đây cho biết: Ngay từ đầu, tại các cuộc họp xóm để thoả thuận giá cả, nhiều hộ dân đều không đồng tình với mức giá 30 USD/sào (500 m2)/năm bởi quỹ đất màu của xã đều “bờ xôi ruộng mật”, nếu chỉ trồng 1 vụ lạc đã cho thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/sào/năm. Nhưng điều quan trọng hơn là toàn xã Viên Thành chỉ có tổng diện tích 375 ha đất sản xuất nông nghiệp, dự án sẽ “nuốt” mất hơn 1/2 diện tích đất màu và đất hai lúa của trên 7 nghìn nhân khẩu.


Chuối giống đã đến tuổi trồng nhưng không có đất

Thế nhưng, vì một quyết sách lớn của tỉnh và huyện nên nhiều hộ dân cuối cùng phải miễn cưỡng chấp nhận. Bởi thế, sau khi giao diện tích đất màu cho nhà đầu tư, nhiều hộ giờ chỉ còn biết trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Ông Hoàng Xuân Long, 64 tuổi, nguyên Bí thư chi bộ xóm 5, xã Viên Thành cho biết: “Bà con không muốn cho thuê đất vì giá quá rẻ, 30USD/sào chỉ tương đương với 600.000 đồng, chỉ mua được tạ thóc. Nhưng do lãnh đạo xã vừa vận động vừa gây sức ép nên tôi cũng phải bàn lùi, cuối cùng một số bà con đành chấp nhận”...

Ông Hoàng Xuân Long cho biết thêm, từ khi dự án triển khai đến nay, tại xã Viên Thành đã xẩy ra 3 vụ rải truyền đơn với nội dung kêu gọi người dân trong xã không hiến đất cho doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó đỉnh điểm là khi UBND xã Viên Thành, thông qua 2 xóm trưởng (xóm 5 và 8) vận động 57 hộ dân lên trụ sở xã nhận tiền đền bù một lần đối với diện tích 1ha được chọn làm nơi xây dựng nhà máy sơ chế và trụ sở cho Cty TNHH Globe Farm Hàn Quốc.

Người dân bức xúc cho rằng: Một số cán bộ xã cấu kết với cấp trên bán đứng 1 ha đất của mình cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy mà không hề bàn bạc gì với dân cũng như cấp uỷ khiến họ bị thiệt đơn, thiệt kép. Đến khi UBND xã cho gọi 57 hộ dân lên trụ sở và thông báo số tiền được đền bù thì người dân mới biết. Hỏi Thường trực Đảng uỷ, Bí thư chi bộ về vấn đề này ai cũng lắc đầu nói mình không biết (!?). Bởi thế việc áp giá đền bù một lần cho dân được xem là thiếu minh bạch và mất dân chủ chủ…

Thời điểm PV báo NNVN có mặt tại xã Viên Thành, hầu hết các hộ dân có diện tích đất nằm trong khu vực xây dựng nhà xưởng (1ha) đã buộc phải nhận tiền đền bù (gần 1,1 tỉ đồng) nhưng trong lòng vẫn rất ấm ức vì chính quyền xã đã đặt họ vào sự đã rồi, không thể xoay chuyển được nữa.

Những xóm đã giao đất màu để thực hiện dự án trồng chuối, nhận được tiền đền bù về nhưng lại rơi vào cảnh dở khóc, dở cười vì giá cho thuê quá rẻ. Còn các xóm không đồng tình cho thuê đất như xóm 10, xóm 11 thì vẫn tiếp tục phản đối. Ông Nguyễn Hữu Sỹ, Xóm trưởng xóm 11 cho biết: “Xóm 11 có khoảng 2 ha đất màu trồng lạc, có thể trồng chuối. Nhưng bà con ở đây không có ngành nghề phụ, thu nhập chủ yếu dựa vào diện tích trồng lạc này nên bà con kiên quyết không cho thuê. Nếu mất hết đất màu, họ chỉ còn trông chờ vào diện tích ruộng lúa thì đời sống sẽ rất khó khăn. Quan trọng vẫn là quyết định ở người dân, nếu họ quyết không giao đất cho doanh nghiệp thì cán bộ xóm cũng đành chịu…”.


PV đang làm việc với ông Hoàng Xuân Long

Điều tra của PV, hiện tại xã Viên Thành đang xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Người cho rằng, cho thuê giá đất quá rẻ mạt không đáng để đánh đổi. Người thì bảo, cách làm của cán bộ huyện và xã trong công tác đền bù GPMB có nhiều khuất tất gây bức xúc cho nhân dân đồng thời đẩy nhà đầu tư vào cảnh tiền mất tật mang mặc dù họ bỏ ra cả đống tiền để thực hiện dự án một cách nghiêm túc...

Những lý do nêu trên đã làm cho quy mô dự án trồng chuối xuất khẩu tại Viên Thành chỉ vẻn vẹn 52 ha chuối tập trung tại xứ đồng Chùa Noi, thuộc xóm 5 và xóm 8 xã Viên Thành, mới chỉ được hơn 1/4 quy mô dự kiến. Một lý do khác cũng khiến người dân mất lòng tin vào tính hiệu quả của dự án đó là cam kết của UBND huyện Yên Thành trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh là: Xây dựng đường giao thông từ QL 7 đến nhà máy đang thực hiện dang dở, cầu Viên Sơn bắc qua kênh thuỷ lợi mới đầu tư được 3 tỷ đồng hiện đang bị nhà thầu dừng thi công vì thiếu kinh phí...

Làm việc với PV, ông Nguyễn Hữu Nhàn, Chủ tịch UBND xã Viên Thành cho biết: Toàn xã có 77 ha đất sản xuất rau màu và 298 ha ruộng lúa. Hiện xã đã đền bù và bàn giao được 53 ha cho doanh nghiệp. Một số diện tích tại xóm 10, 11 là đất 2 lúa, nếu cho thuê người dân sẽ rơi vào cảnh không có đất canh tác… Ông Nhàn cho biết thêm, trước tình hình thiếu diện tích đất trồng chuối vừa qua đích thân ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã về làm việc tại các xã Sơn Thành, Vĩnh Thành… để giúp nhà đầu tư mở rộng diện tích còn kết quả thế nào thì ông cũng không nắm được.

Để dự án không lâm vào tình trạng “chết yểu”, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An phải sớm vào cuộc để vãn hồi tình hình phức tạp nói trên.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất