| Hotline: 0983.970.780

Những bước tiến vững chắc

Thứ Hai 18/11/2013 , 10:20 (GMT+7)

Sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh, đời sống KT-XH và bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Ninh, đời sống KT-XH và bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc. Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu NTM toàn tỉnh trước năm 2015, vượt 5 năm so với kế hoạch của cả nước.

Bắt đầu từ cơ sở hạ tầng

Ông Trương Công Ngàn, Trưởng ban Xây dựng NTM Quảng Ninh, cho biết, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong những năm qua, một loạt các công trình trọng điểm liên quan đến cải thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cũng được tỉnh quan tâm đầu tư.

Điển hình là Dự án tổng thể nâng cấp đê Hà Nam; đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đầm Hà Động; sửa chữa, nâng cấp một số cụm hồ chứa nước sản xuất trên địa bàn huyện Vân Đồn… Liên quan đến các công trình thủy lợi, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp 93 công trình.

Trong đó có 25 công trình hồ, đập; 65 công trình kênh mương các loại với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Qua đó góp phần chủ động tưới tiêu cho 74% diện tích đất gieo trồng của người nông dân.


Quảng Ninh chú trọng phát triển hạ tầng song song với đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp

Ngoài ra, một loạt các công trình giao thông huyết mạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các huyện miền núi như: Quốc lộ 18C đoạn Tiên Yên - Bình Liêu; đường 329 từ TP Cẩm Phả đi Ba Chẽ; Quốc lộ 18B; đường 334 xuyên đảo Cái Bầu, đường xuyên đảo Quan Lạn - Minh Châu (Vân Đồn); đường vành đai biên giới Việt - Trung…

“Song song với các công trình giao thông lớn được Nhà nước đầu tư, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có 169 công trình đường liên xã được nâng cấp, xây mới với tổng số 155 km. Ngoài ra, các địa phương huy động ngày công của nhân dân cải tạo, sửa chữa 985 km đường giao thông các loại; 166 cầu, cống dân sinh…”, ông Ngàn nói.

Như vậy, đến nay toàn tỉnh có 928/1.287 km đường trục xã, liên xã đã được bê tông hóa và nhựa hóa, chiếm 72%, tăng 12% so với năm 2010; 650/1.555 km đường liên thôn được cứng hóa, chiếm 41,9%, tăng 12% so với năm 2010.

Thực hiện chương trình đưa điện lưới quốc gia đến tận các thôn, khe, bản, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung huy động, dành nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh có 117/125 xã được sử dụng điện lưới quốc gia. Riêng 8 xã đảo, bao gồm: 1 xã của huyện Hải Hà; 5 xã của huyện Vân Đồn và 2 xã của huyện Cô Tô sử dụng nguồn điện bằng chạy máy phát điện diesel. Như vậy đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 98,8%.

Trong chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, sau 3 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Quảng Ninh đã sửa chữa, nâng cấp 213/391 trường học các cấp ở vùng nông thôn, nâng số lượng trường học đạt chuẩn ở nông thôn từ 78 trường năm 2010 lên 192 trường vào năm 2013.

Đổi mới phương thức sản xuất

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế, Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Với hàng loạt cơ chế ưu đãi, người dân khu vực nông thôn có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Nếu như trước đây, mô hình phát triển sản xuất, canh tác của người dân còn mang tính tự phát, manh mún, lạc hậu, thì đến nay đã phát triển theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Điển hình các vùng sản xuất lúa ở Đông Triều, Quảng Yên; trồng rau ở Quảng Yên; trồng hoa ở Hoành Bồ; trồng na ở Đông Triều; trồng chè ở Hải Hà; trồng vải, thanh long ruột đỏ ở Uông Bí; trồng ba kích ở Ba Chẽ, Tiên Yên; trồng dong giềng ở Bình Liêu; sản xuất thủy sản ở Vân Đồn…

Từ việc tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị sản phẩm, tạo đà vững chắc cho triển khai xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Điều quan trọng hơn cả, việc đẩy mạnh sản xuất tập trung đã giúp người dân ở vùng nông thôn xóa được đói, giảm được nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Nếu như năm 2010, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt gần 11 triệu đồng/năm, thì đến năm 2012, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/năm.

Với kết quả đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 7,68% năm 2010 theo tiêu chí mới, xuống còn 3,52% vào năm 2012. Dự kiến trong năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2,52% theo tiêu chí mới. Như vậy, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 2,08%, vượt xa so với chỉ tiêu giảm nghèo đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là 0,98%/năm. Riêng đối với 125 xã thuộc Chương trình xây dựng NTM, ước đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 18/24 xã đồng bằng có tỷ lệ hộ nghèo dưới 6%; có 64/91 xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. 

Trong 3 năm ngân sách tỉnh, huyện, xã đã dành khoảng 310 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất để thực hiện trên 450 dự án, mô hình sản xuất và giúp người dân làm chủ nguồn lực, có trách nhiệm với nguồn vốn được hỗ trợ. Từ đây hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế.

Dự kiến hết năm 2013 có 26 xã cơ bản đạt NTM, vượt lộ trình đề ra. Mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Ninh đề ra đến hết năm 2015 có 82 xã về đích, 10 huyện cơ bản đạt tiêu chí NTM, tỉnh Quảng Ninh cơ bản đạt tiêu chí NTM.

Để hoàn thành các mục tiêu này, đòi hỏi cần có sự cố gắng, nỗ lực rất nhiều của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương; sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân và ủng hộ kinh phí, vật liệu xây dựng từ các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.