| Hotline: 0983.970.780

Những cái chết phi tự nhiên ở nông thôn, giật mình trước số liệu thống kê

Thứ Tư 28/12/2016 , 13:20 (GMT+7)

Chết vì tuổi già sức yếu là ra đi tự nhiên nhất, nhiều người mong muốn nhất thế nhưng thực tế hiện nay dân nông thôn đang chết bởi nhiều lý do phi tự nhiên.

Khảo sát ngẫu nhiên của NNVN thực hiện trên địa bàn một số xã tại Hưng Yên và Hải Dương.

Bác sĩ Hoàng Văn Bẩy - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Nghĩa (huyện Văn Giang, Hưng Yên) có một đề tài nghiên cứu vô cùng độc đáo là tìm hiểu nguyên nhân của những cái chết trên địa bàn. Đây chính là việc điều tra ngược xem người dân nông thôn đang bị những bệnh tật, tai nạn gì quật ngã.


Bác sĩ Hoàng Văn Bẩy - Trạm trưởng Trạm y tế xã Liên Nghĩa
 

Ung thư đứng đầu

Giai đoạn I của đề tài bắt đầu từ năm 2003 đến năm 2010. Kết quả, nam chết nhiều hơn nữ, tuổi thọ trung bình là 66,5 trong đó hai người hơn 100 tuổi là 102 và 103 đều thuộc là nữ. Mang tiếng là phái mạnh, kiểm soát nhiều thứ trong đời sống nhưng trong cuộc đua về tuổi thọ, nam chưa bao giờ thắng nổi nữ bởi dễ dàng mắc các bệnh nan y như ung thư.

Phân loại nguyên nhân thì tử vong do nhóm bệnh ung thư chiếm cao nhất 28,1%, thứ hai là do suy kiệt tuổi già chiếm 21%, thứ ba là do nhóm bệnh về tim mạch chiếm 19%, thứ tư là do nhóm tai nạn thương tích chiếm 7,5%.

Bởi đặc biệt quan tâm đến bệnh ung thư nên bác sĩ Hoàng Văn Bẩy đã thống kê rất tỉ mỉ để từ đó đưa ra nhận xét chung là nam mắc nhiều hơn nữ. Cụ thể, trong các loại ung thư thì gan chiếm tỷ lệ cao nhất 31,6%, trong đó cứ 3 nam mắc mới có 1 nữ mắc. Phổi đứng thứ hai chiếm 27,5%, trong đó cứ 2 nam mắc mới có 1 nữ mắc. Dạ dày đứng thứ ba chiếm 11,2%, trong đó cứ 2 nam mắc mới có 1 nữ mắc.

18-47-48_dsc_6707
Cuốn sổ tử của Trạm y tế Liên Nghĩa
 

Điều này chứng tỏ điều gì? Theo thiển ý của NNVN, nam giới tuy thể chất khỏe mạnh hơn nhưng lại tiếp xúc nhiều với rượu bia, thuốc lá và các chất độc hại hơn nên dễ mắc ung thư gan, phổi, dạ dày. Tuy không hút thuốc, uống rất ít rượu bia nhưng do thực phẩm ô nhiễm, môi trường ô nhiễm nên nữ ngày nay cũng mắc những bệnh ung thư tưởng như độc quyền “dành” cho nam như gan, dạ dày, phổi.

Kết quả thống kê mới nhất, năm 2015 xã có 16 người chết ung thư/49 người chết, năm 2016 có 16 người chết ung thư/58 người chết. Không thể thống kê được số lượng chính xác bệnh nhân đang mắc ung thư mà chỉ biết được khi cập nhật vào sổ tử.
 

Muốn thoát ly thuốc sâu mà không được

Vấn đề ung thư hiện nay theo ông Bẩy đã ở mức nguy hiểm, đáng báo động. Xu hướng mắc tăng thấy rõ nhưng bởi không có cuộc điều tra nào trên địa bàn để biết được do tiếp xúc với hóa chất, thuốc BVTV hay do gì. Có chăng chỉ là những biểu hiện mơ hồ kiểu như nông dân bị dị ứng phồng rộp da lên như lột do chạm phải những giọt sương sớm còn đọng lại trên lá cây mới phun thuốc sâu hôm trước.

Bản thân ông Bẩy làm nghề y nhưng vẫn không thoát ly được nông nghiệp, vẫn có 1 mẫu ruộng nhà do bà vợ đảm nhiệm: “Trước vì lý do kinh tế bắt buộc phải tiếp xúc với thuốc BVTV nay tôi cố gắng tránh vì không muốn mang tiếng là bác sĩ mà đi phun thuốc rồi mắc bệnh hay là chết”.

Nông dân Liên Nghĩa lần đầu tiên biết đến thuốc sâu cách đây khoảng 40 năm khi xã còn chủ yếu trồng đay cho HTX. Lúc đó mỗi thôn lập một tổ BVTV rất mạnh. Trên thị trường không có buôn bán thuốc tự do mà chỉ có hàng của nhà nước, được phân phối theo hệ thống. Sau khoán 10, đất đai được chia nhỏ, xã mới chuyển từ trồng đay sang lúa rồi sang màu.

Lúc đầu, người dân còn dấm dúi mua thuốc sâu để phun nhưng càng về sau càng phải dùng mỗi lúc một nhiều, nhất là khi đã trở thành một “thủ phủ” của nghề trồng cây cam Canh, bưởi Diễn, quất cảnh với diện tích hàng trăm ha.

Anh Đinh Đức Đại - quản lý nghĩa trang nhân dân xã kiêm luôn một chủ vườn lớn trong thôn Phi Liệt bảo với tôi rằng nông dân bây giờ gạo hết thì còn tạm được nhưng thuốc sâu không bao giờ hết vì rời ra cái là mất ăn. Nghề trồng cây cảnh ở đây có sức hút rất lớn. Một cây quất cũng bạc triệu, một cây cam 3 - 5 triệu, một cây bưởi 5 - 30 triệu. Bỏ thuốc sâu là đủ thứ sâu bệnh áp vào lá hút rỗng nhựa khiến mã xấu, thương lái chê ngay nên biết là độc đấy nhưng vẫn cứ phải đánh thuốc.

18-47-48_dsc_9998
Chỗ chôn người giờ nhiều nơi cũng quá tải
 

Thời buổi cơ giới hóa, không còn ai phun thuốc bằng bình xịt vác sau lưng nữa mà toàn bằng máy, thuốc được pha loãng với nước rồi đổ vào trong các thùng phuy loại 100 lít. Gần 1ha cam, quất, bưởi cảnh của nhà anh Đại mỗi lần phải dùng 12 thùng phuy, một năm phải đánh trên 20 lần tương đương 20.000 lít nước lẫn thuốc. Mà Liên Nghĩa thì có hàng trăm ha cây cảnh như vậy.

“Ai cũng muốn hi sinh đời bố củng cố đời con, muốn con em mình học hành để thoát khỏi cảnh nông nghiệp vất vả, thuốc sâu thuốc sia. Một đứa con của tôi hiện đang học đại học, một đứa học lớp 11 cũng được định hướng như vậy”, anh Đại trải lòng.
 

Sự kiện xưa nay hiếm

Trưởng thôn Đan Kim, anh Lý Công Chính hồ hởi khoe với tôi về sự kiện xưa nay hiếm là toàn dân vừa rồi góp được 200 triệu để khơi lại cái rãnh làng vì không thể chịu nổi tình trạng ô nhiễm. Cái rãnh làng tựa như một con sông nhỏ vắt qua thôn, mươi mười lăm năm trước trẻ con còn nhảy xuống tắm giờ đen quánh như thạch, bẩn thỉu đến độ cua cá cũng không thể tồn tại.

Nguyên do bởi gần 20 cơ sở chăn nuôi nằm xen lẫn trong làng, bởi sự xả thải ồ ạt của hàng trăm đường biogas của các gia đình ngày đêm trút xuống. Xưa đi đường mà thấy bãi phân trâu, phân bò là vội vàng cắm cành cây đánh dấu để về lấy sọt hót bón cho ruộng đồng, mót đái đến mấy cũng phải về nhà “rót” vào vại dự trữ tưới cho ruộng đồng. Giờ tất cả những cái đó đã thành chuyện cổ tích thế nên tiếng kèn bát âm của những nhà bệnh nhân ung thư mỗi lúc một thê thiết. Mới đây nhất dân làng vừa tiễn đưa cô giáo L.T chết vì ung thư trực tràng khi vẫn còn đang hừng hực tuổi thanh xuân.

18-47-48_dsc_6810
Kiểm tra sức khỏe cho một người dân
 

Tôi cùng anh trưởng thôn đến thăm nhà Đặng Thị Thanh khi chị đang ngồi nhặt rau ngót chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Sau 2 lần mổ, 12 lần truyền hóa chất, khối u của chị giờ đã chạy lên gan nên cơ thể suy kiệt, cái gì đưa lên miệng cũng cảm thấy đắng ngắt nhưng vẫn cố ăn rau ngót hàng ngày vì nghe đồn tốt cho người ung thư. Chẳng biết mớ rau chị mua ngay chợ làng đã qua bao lần phun thuốc?

Là hộ nghèo, từ khi mắc bạo bệnh lại phải vay mượn tới 300 triệu để chạy chữa nhưng tình hình mỗi lúc một tồi tệ. Chị sụt sùi bảo sợ rằng căn bệnh quái ác sẽ cướp mất cả người lẫn cơ nghiệp thì lấy gì mà nuôi hai đứa cháu nội đang bơ vơ, sống dựa vào ông bà. Không dám đối mặt với những giọt nước mắt của chị Thanh, tôi vội kéo anh trưởng thôn đi.

Ra khỏi cổng, tôi hỏi nếu có được một điều ước, anh sẽ ước gì? Không chần chừ, anh bảo luôn ước có cơ sở hạ tầng điện đường tốt để có thể bốc hết các cơ sở chăn nuôi trong làng ra đồng, ước có các loại thuốc BVTV độ độc thấp để ngày một an toàn với con người...

Bác sĩ Hoàng Văn Bẩy còn phân loại cái chết do tai nạn thương tích (tức do sự bất ổn, mất an toàn của xã hội - PV) rồi kết luận: Tử vong do tai nạn giao thông cao nhất, chiếm 28%; do đuối nước chiếm 22%; do ngộ độc hóa chất thực phẩm chiếm 18,7%. Lại một lần nữa, nam chiếm áp đảo nữ trong những cái chết dạng này.

 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.