Nỗi ám ảnh thiên tai hằn sâu trong tiềm thức
Đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng những kí ức về đợt thiên tai kinh hoàng sau bão số 3 hồi tháng 9/2024 dường như vẫn còn nguyên với người dân xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đợt mưa lớn kéo dài hàng tuần, cơn lũ lụt dâng cao lịch sử, những trận sạt lở đất trên diện rộng… Tất cả đã in sâu vào trong tâm trí của bà con nơi đây.
Mặc dù đã có hơn 50 năm sống trên cuộc đời nhưng chưa bao giờ ông Ngô Văn Khư lại cảm thấy con người lại nhỏ bé và yếu ớt như vậy trước sự tàn phá của thiên nhiên. Để giờ đây, mỗi lần nhắc lại những đêm mưa gió điên cuồng quần thảo trên ngọn đồi, xung quanh ngôi nhà mà gia đình ông Khư sinh sống, người đàn ông cũng chỉ biết cau mày, lắc đầu thể hiện sự sợ hãi trong bất lực.
“Lần đầu tiên tôi trải qua cảm giác bị thiên tai cướp đi người thân khi đứa cháu họ không may bị lũ cuốn trôi và chết đuối. Lúc bấy giờ không chỉ tôi mà tất cả bà con sinh sống trên khu vực sườn đồi đều mang tâm lý nơm nớp lo sợ sẽ bị đất đá cuốn trôi nhà cửa. Ám ảnh đến mức trong giấc ngủ tôi cũng mơ thấy nhà mình bị trôi theo đất đồi xuống dòng lũ chảy xiết”, ông Ngô Văn Khư xót xa nhớ lại.
Trước tình cảnh nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc” mà người dân địa phương phải đối mặt lúc đó, chính quyền xã Văn Lăng đã quyết định di rời bà con khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cao đến tạm trú tại nhiều khu vực an toàn như nhà văn hóa xóm hay các điểm trường trên địa bàn.
“Trong hơn 2 tháng ở tạm tại nhà văn hóa xóm, tuy cuộc sống sinh hoạt có phần bất tiện nhưng chúng tôi vẫn được chính quyền địa phương hỗ trợ gạo ăn, nước uống cũng như nhu yếu phẩm hàng ngày. Quan trọng hơn cả là không còn phải sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ nguy hiểm thiên tai rình rập nữa”, ông Khư chia sẻ.
Đầu tháng 10/2024, khi cơn mưa lớn và dòng lũ dữ qua đi, UBND xã Văn Lăng đã triển khai xây dựng khu tái định cư tại xóm Liên Phương, ưu tiên đưa 22 hộ dân về nơi ở mới an toàn hơn. Tại đây, bà con đã được hỗ trợ 60 triệu đồng mỗi hộ theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát để xây dựng một ngôi nhà mới.
Với số tiền mà Nhà nước hỗ trợ, vay mượn anh em họ hàng thêm 80 triệu đồng, gia đình ông Ngô Văn Khư đã mạnh dạn xây một ngôi nhà mới rộng hơn 60m2, kinh phí dự trù khoảng 190 triệu đồng.
“Nhờ được hỗ trợ mà nhà tôi sắp hoàn thành rồi, Tết này có nhà mới khang trang, kiên cố, an toàn hơn để ở, cũng cảm thấy phấn khởi trong lòng. Nông dân chúng tôi cứ phải an cư thì mới yên tâm để lạc nghiệp được. Chứ cứ sống trong thấp thỏm lo sợ như trước không làm ăn được gì cả”, ông Khư bộc bạch.
Năm mới, căn nhà mới và hi vọng mới
Những ngày cuối năm, không khí đón năm mới rộn ràng trên khắp khu tái định cư xóm Liên Phương. Tia nắng mùa đông tuy hanh khô nhưng ấm áp trải dài trên triền đồi, như những tia hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn bắt đầu trở lại với bà con nơi đây sau nhiều ngày tháng sống chung với mưa bão, lũ lụt.
Là một trong 22 hộ dân đầu tiên được ưu tiên đưa về khu tái định cư, căn nhà của ông Dương Văn Lý cũng là căn nhà được hoàn thành sớm nhất nơi đây. Vừa khệ nệ vác bao tải gạo 60kg được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đồng Hỷ hỗ trợ cho các hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ông Lý vừa mời khách vào chơi và thăm ngôi nhà mới.
Nói là ngôi nhà mới thế nhưng nhìn quanh một lượt trong diện tích 40m2 ấy, nhà ông Lý cũng chẳng có đồ đạc gì có giá trị cao. Thậm chí phòng khách cũng chỉ trải chỏng chơ chiếc chiếu cho khách ngồi. Quần áo của cả nhà được đóng trong thùng bìa carton do chưa có tủ để treo. Tuy còn đơn sơ, trống trải nhưng căn nhà ấy lại là niềm vui, là niềm hi vọng mới, là tất cả đối với người dân nghèo nơi núi rừng Việt Bắc.
“Nhà cao cửa đẹp, đầy đủ tiện nghi thì ai mà chẳng thích. Nhà tôi cũng muốn xây căn to hơn để ở nhưng mà không đủ tiền, được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng đã thấy phấn khởi lắm rồi. So với căn nhà gỗ trên đồi trước kia, căn nhà mới này kiên cố, an toàn hơn nhiều. Gia đình tôi không còn lo lắng về việc chỗ ở bị nguy hiểm nữa, việc đưa đón con cái đi học cũng thuận tiện, dễ dàng hơn”, người đàn ông trung niên nở nụ cười mãn nguyện khi “khoe” về căn nhà mới.
Đúng như lời ông Dương Văn Lý chia sẻ, việc sở hữu căn nhà kiên cố để có chỗ che nắng che mưa là một niềm mong mỏi cả đời với các hộ dân nghèo tại xã Văn Lăng. Cuộc sống của cả gia đình 6 người gồm 2 vợ chồng và 4 người con, cháu bé nhất mới có 3 tuổi, đều phụ thuộc vào việc làm nương rẫy, trồng keo và 2 vụ ngô của ông Lý và vợ. Cả một đời vất vả với nghề nông khiến khuôn mặt của người đàn ông mới ngoài 40 tuổi đen sạm đi. Vết chai sần to và thô ráp tồn tại trên bàn tay ông cách đây từ rất lâu như một minh chứng cho sự khắc khổ của nắng mưa, gió ngàn.
“Công việc nhà nông thì ôi thôi, vất vả lắm! Nhà nào làm nương rẫy với trồng ngô đều phải bỏ nhiều công chăm sóc cả. Trong khi tiền mua giống và vật tư khác như phân bón, thuốc trừ sâu đều đắt nên lợi nhuận cũng chả đáng là bao. Thế nên cả đời tôi chả bao giờ nghĩ sẽ có ngày có được căn nhà to đẹp như này. Từ giờ nhà tôi chỉ việc yên tâm mà làm ăn, lo cho các con được ăn học đầy đủ thôi”, ông Dương Văn Lý chia sẻ niềm vui.
Trời đã về chiều, thế nhưng bà con tại khu tái định cư xóm Liên Phương vẫn đang cần mẫn chở gạch, xúc cát, trát vữa, đo tường… Tất cả đều đang hối hả để hoàn thành căn nhà mới cho kịp đón Tết Nguyên đán đang cận kề. Những đứa trẻ con hồn nhiên chạy chơi ngoài sân, tranh giành nhau món đồ chơi hay quả quýt, quả táo. Bỏ lại những tháng ngày khốn khó với thiên tai đằng sau, tiếng nói cười vui vẻ rộn ràng vang vọng cả một góc núi rừng Việt Bắc…