| Hotline: 0983.970.780

Những cánh đồng vụ đông thiếu sức trẻ

Thứ Năm 04/10/2018 , 13:50 (GMT+7)

Hà Nam – một tỉnh đồng bằng vốn thuần nông nghiệp, những ngày này bắt đầu bước vào SX vụ đông. Trên những cánh đồng còn ngổn ngang gốc rạ, chỉ thấy bóng dáng những người già, tuyệt nhiên không có thanh niên, thậm chí cả trung niên.

Họ bảo, giờ người có sức khỏe, đi làm công nhân ở các khu công nghiệp hết rồi. May mà Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, không thì…
 

Hỗ trợ… tận răng

Cánh đồng lúa xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng vừa thu hoạch xong, rơm rạ còn ngổn ngang. Một số diện tích thu sớm, HTX DVNN Thanh Sơn đã thuê máy cày đất, lên luống giúp người dân vào vụ đông mới.

15-12-27_1
Dù được hỗ trợ, nhiều người dân đã không còn hào hứng với vụ đông

Xã Thanh Sơn có 4 thôn, diện tích đất SXNN khoảng 130ha, toàn bộ là đất hai vụ lúa. Nhưng tới vụ đông, khoảng 2/3 diện tích đó phải bỏ vì thuộc vùng sâu trũng, phần vì người dân không còn mặn mà. Vụ đông này, Thanh Sơn được cấp trên giao chỉ tiêu trồng khoảng 65ha cây vụ đông, đặc biệt là các loại cây ưa ấm, tiến độ hoàn thành trước ngày 5/10.

Ông Vũ Quang Hiển, GĐ HTX DVNN Thanh Sơn cho biết, tới nay, đang vận động người dân làm đất, lên luống trồng các loại cây chủ lực như bí đỏ, ngô, đậu tương.

Nói về thực trạng cây vụ đông, ông Hiển bảo, các cấp thì quyết liệt, ra nhiều chính sách hỗ trợ nhưng người dân giờ chẳng còn mấy mặn mà.

Ông Hiển bảo, nhiều người trêu nhau, giờ Nhà nước hỗ trợ… tận răng nhưng nông dân vẫn ngại làm. Tỉnh hỗ trợ từ 1 – 2 triệu đồng/ha cây trồng. Xã đứng ra lo khoản cày bừa, vật luống, một phần giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật. Theo tính toán của ông Hiển, riêng HTX hỗ trợ cho người dân khoảng 400 nghìn đồng/sào. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, HTX còn là đầu mối đứng ra tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, hạn chế bỏ ruộng.

Trời mưa lất phất, bà Lê Thị Loan, cán bộ HTX DVNN Thanh Sơn dẫn chúng tôi đi một vòng quanh cánh đồng của xã. Lạ thay, trên cánh đồng ấy, hoàn toàn không thấy bóng dáng của những người trẻ, thậm chí trung niên. Bà Loan bảo, ai có sức khỏe, gần như 100% họ đi làm công nhân. Xung quanh xã Thanh Sơn có hàng chục khu công nghiệp, nhà máy. Mỗi tháng, người ít nhất làm công nhân vệ sinh cũng được 4 – 5 triệu đồng. Thanh niên có sức khỏe, làm tăng ca, có người cả chục triệu/tháng. Ngược lại, nếu trồng vụ đông, sau hơn 2 tháng cũng chỉ thu được từ 2 – 3 triệu/sào.

15-12-27_2
Trên những cánh đồng, chủ yếu là người có tuổi

Bà Loan chia sẻ, cũng vì nhiều lý do khiến người dân không chú trọng vụ đông. Ngoài chuyện thu nhập thấp, việc đầu ra cho sản phẩm cũng bấp bênh, cái vòng “được mùa rớt giá, mất mùa được giá” mãi không thôi. Như ở Thanh Sơn, giống cây vụ đông cho thu nhập cao nhất là dưa chuột cũng chỉ cho thu nhập 4 – 5 triệu đồng/sào/vụ 2 tháng.
 

Ngừng hỗ trợ… ngừng sản xuất

Đó là những chia sẻ chân thành của nhiều người dân xã Thanh Sơn với PV NNVN. Bà Phạm Thị Kim Dung (66 tuổi) bảo, già rồi, làm gì còn nhà máy, xí nghiệp nào nhận vào thì phải ở nhà trồng lúa, rau màu thôi. Trên 8 sào đất hai lúa, tới đây sẽ xuống giống khoảng gần 3 sào dưa giống trong vụ đông.

“Giống thì HTX cấp cho rồi, khâu cày bừa HTX cũng thuê máy đến cày, trả tiền cho. Có những vụ bị sâu bệnh hay mưa bão, cây bị chết, HTX hỗ trợ cây giống đến 2 – 3 lần, bao giờ được mới thôi. Nói thật với chú, địa phương quyết liệt thì chúng tôi vẫn túc tắc trồng, chứ nếu giờ mà ngừng hỗ trợ thì chúng tôi không muốn làm nữa đâu…”, bà Dung tâm sự.

Bà Dương Thị Chính (59 tuổi) chia sẻ, nhà neo người, cậu con trai thì “đầu quân” cho khu công nghiệp, lương mỗi tháng trên dưới 5 triệu đồng. Bà Chính cũng từng xin vào làm công nhân nhưng chẳng nơi nào nhận.

“Công ty không nhận thì chúng tôi ở nhà làm ruộng. Vụ đông này tôi dự tính trồng khoảng 7 sào ngô với 3 sào đỗ. Năm nào HTX cũng hỗ trợ cho cày bừa, giống và một ít phân bón. Đối với chúng tôi, thế là quá tốt rồi. Nhưng nếu giờ không hỗ trợ nữa chắc kiếm việc khác làm vì chi phí sản xuất lớn quá”, bà Chính kể.

15-12-27_3
Nhiều người dân khẳng định, nếu không còn được hỗ trợ, họ sẽ bỏ vụ đông

Bà Trần Thị Nga, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt & BVTV (Sở NN-PTNT) tỉnh Hà Nam cho biết, vụ đông 2018, địa phương dự kiến sẽ gieo trồng khoảng gần 12.000 ha rau màu các loại. Thời vụ gieo trồng cho các loại cây ưa ấm như ngô, bí, đậu tương… là trước 5/10. Với cây ưa lạnh, thời vụ sẽ muộn hơn, thu hoạch nhằm đợt giáp Tết Nguyên đán.

Tới nay, chỉ có huyện Kim Bảng là thu hoạch xong 100% lúa mùa. Chậm nhất là huyện Thanh Liêm, 90% lúa vụ mùa vẫn phơi bông trên cánh đồng. Nguyên nhân là do, nhiều diện tích lúa cấy lúa bằng phương pháp gieo sạ, thời gian muộn hơn các khu vực khác khoảng 20 – 25 ngày.

“Tỉnh cũng đã khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp gieo trồng theo thời vụ nhưng không thể bắt ép người dân. Như ở Thanh Liêm, gần 90% diện tích vụ lúa xuân là gieo sạ, còn vụ mùa khoảng 40%. Có vụ, chúng tôi xuống nắm bắt thông tin, người dân tuyên bố, nếu không cho gieo sạ thì sẽ bỏ ruộng”, bà Nga nói.

Tuy nhiên, bà Nga khẳng định, nếu thời tiết thuận lợi cho thu hoạch, diện tích lúa mùa sẽ sớm được giải phóng dành cho cây vụ đông.

Cũng theo bà Nga, thực trạng người dân không còn mặn mà với cây vụ đông là có, và không chỉ một nơi như xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng nói trên. Có những xã như Thanh Hải, Thanh Nghị… của huyện Thanh Liêm, vụ đông người dân gần như bỏ trắng.

Nguyên nhân là do khu vực này có mấy mỏ đá, nhà máy xi măng gây ô nhiễm môi trường. Trước đây, người dân cũng trồng bí, rau các loại, dưa chuột nhưng rồi bị thất thu do ảnh hưởng từ các nhà máy. Lâu dần, nơi này thành vùng đất “chết” của cây vụ đông. Cuối họ, họ cũng phải “đầu quân” cho các nhà máy ở khu vực này!

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm