| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 03/04/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 03/04/2018

Những câu hỏi quanh chuyến vận chuyển cổ thụ khổng lồ trên quốc lộ?

Người dân các tỉnh Bắc Trung bộ một phen ngỡ ngàng khi chứng kiến một chiếc xe đầu kéo chở cồng kềnh một cây gỗ khổng lồ ngang nhiên di chuyển trên quốc lộ 1A, theo hướng từ Quảng Bình đi Hà Tĩnh. 

Cây khủng vi phạm ATGT nghênh ngang trên QL 1A địa phận tỉnh Hà Tĩnh đêm 26/3 (Ảnh: Dân trí)

Cổ thụ mang hình “quái thú” ấy có nguồn gốc từ đâu và chở cho ai, vẫn chưa có đáp án cuối cùng từ các cơ quan chức năng. Một vị tướng công an về hưu bị nghi vấn là chủ sở hữu “quái thú”, cũng đã từ chối trách nhiệm thuộc về mình. Tịch thu cây gỗ khổng lồ là điều phải làm trước mắt, nhưng đằng sau chuyến “diễu hành” của “quái thú” vẫn còn nhiều câu chuyện nghiêm túc cần nhìn nhận thấu đáo cho sự nghiệp bảo vệ rừng.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng thị trường cổ thụ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì sao? Vì đồ gỗ đã và đang là món hàng thể hiện đẳng cấp của giới thượng lưu. Đồ gỗ có kích thước càng lớn và được chế tác từ nguyên khối cổ thụ, thì càng được ưa chuộng. Tất nhiên, người nghèo không thể chạy đua trong màn trình diễn tiền bạc và thế lực ấy. Thậm chí, có một sự thật cay đắng là nhà sàn lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cũng đã bị săn lùng và mua bán cho những người có điều kiện kinh tế khá giả hơn ở các đô thị. Không phải bằng sự chủ quan và sự định kiến, mà bằng quan sát đơn giản cũng không khó thấy rằng, đồ gỗ tập trung nhiều nhất tại tư dinh của đại gia và quan chức. Khi một bộ bàn ghế gỗ có giá hàng tỷ đồng được xem như một thứ trang sức hoành tráng, thì chắc chắn hình thành các giao dịch khốc liệt có khả năng đe dọa trực tiếp màu xanh những cánh rừng vốn còn ít ỏi ở nước ta.

Đóng cửa rừng tự nhiên là giải pháp quyết liệt ban đầu, còn về lâu dài phải có hành động để thay đổi ý thức của những đối tượng vẫn vỗ ngực xưng danh quý tộc giữa cộng đồng. Có không ít kẻ thành đạt vẫn hồn nhiên quan niệm sắm sửa những vật dụng sinh hoạt và trang trí từ những cổ thụ vài trăm năm, không chỉ thỏa mãn thú chơi xa xỉ cho bản thân mà còn làm… tài sản để dành cho con cháu.

Đúng là đồ gỗ tồn tại bền vững hơn một kiếp người, nhưng liệu thế hệ mai sau gánh chịu bao nhiêu thảm hoạ thiên tai lũ lụt có sung sướng thụ hưởng món quà thừa kế đó không? Thử tưởng tượng, dăm chục năm nữa, con cháu ngắm nghía những bộ ván ngựa hoặc những bộ sập gụ được làm từ các loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, giáng hương, huỳnh đàn... rồi thắc mắc “có phải cha ông mình ngày xưa đã tiếp tay cho vấn nạn phá rừng”, thì làm sao an ủi nỗi day dứt khó nguôi kia?

Cổ thụ được vận chuyển công khai trên quốc lộ 1A là một dấu hiệu bất thường cho những ai quan tâm đến môi trường sinh thái. Những câu khẩu hiệu “rừng là vàng” hoặc “rừng là cuộc sống chúng ta” đều trở nên vô nghĩa, nếu những kẻ đang chiếm lợi thế nhất thời trong xã hội vẫn muốn đưa cổ thụ về nhà riêng!

Bình luận mới nhất