| Hotline: 0983.970.780

Những chuyến biển xuyên tết

Thứ Năm 26/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Ngư dân Bình Định thường có những chuyến biển xuyên tết. Đó là những chuyến ra khơi vào cuối năm cũ âm lịch, cập bờ vào những ngày đầu con trăng đầu năm mới.

Những chuyến biển này có ý nghĩa đặc biệt đối với những người làm nghề “ăn sóng nói gió”. Bởi, sự thành bại của nó sẽ vận vào chuyện làm ăn cả năm. Thời điểm này trời yên gió lặng, biển cho đầy cá, giá bán lại luôn cao nên họ vui vẻ ăn tết trên biển để lấy lộc cho cả năm.

Đón giao thừa giữa trùng khơi

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trạm phó Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hoài Nhơn, vừa qua có đến gần 400 tàu cá của ngư dân Hoài Nhơn ăn tết trên biển, chỉ có một số ít tàu nằm bờ. Bình quân mỗi tàu có 7 thuyền viên, ước tính khoảng 2.800 ngư dân đón giao thừa giữa trùng khơi.

“Ăn tết xa tổ ấm gia đình không ai là không buồn. Nhưng chuyến biển này rất đặc biệt với ngư dân nên họ sẵn lòng. Tàu của ngư dân hầu hết hành nghề câu cá ngừ đại dương và lưới vây cá ngừ sọc dưa. Tháng này cá ăn mạnh, giá lại ổn định mức cao nên chuyến biển xuyên tết thường thắng đậm. Theo niềm tin của ngư dân, thắng lợi của chuyến biển này sẽ “vận” vào chuyện làm ăn cả năm nên họ rất háo hức ra khơi”, ông Hải nói.

Tàu cá BĐ-96776TS của ngư dân Nguyễn Quê ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) cập bờ vào ngày 12/11 (âm lịch) năm Giáp Ngọ, bán sản phẩm xong là mở ngay chuyến biển mới. Theo ông Quê, mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 20 ngày đến 1 tháng. Chuyến này nếu trúng cá, về sớm cũng phải đến mùng 10 tháng Giêng năm Ất Mùi tàu mới cập bờ.

“Ngoài lương thực, thực phẩm bình thường như mọi chuyển biển khác, lần này còn có bánh mứt, bia, thịt để ngư dân đón giao thừa trên biển”, ông Quê nói.

Theo các chủ tàu cá, vật giá ngày cận Tết thường tăng cao hơn bình thường khoảng 20% nên chi phí của chuyến biển “xuyên tết” cũng “đội” hẳn lên.

Ngư dân Nguyễn Minh Châu, ở xã Hoài Hải (Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ-06707TS, cho biết: “Để có hương vị tết dù đang trên biển, chuyến biển xuyên tết tui sắm cả bia, gà, bánh chưng, bánh tét... để anh em vui vầy, nên phí tổn tăng cao hơn bình thường. Nếu bình thường chỉ tốn phí 120 triệu đồng thì chuyến này đội lên 150 triệu. Mong sao biển cho nhiều cá, giá bán đầu năm tăng cao thì chuyện ăn tết xa nhà cũng đáng”.

Trong những chuyến biển xuyên tết, ngư dân đều canh cánh niềm tin, nếu chuyến biển này bội thu thì chắc chắn năm nay chuyện làm ăn sẽ hanh thông.

Điều họ tin là có cơ sở, bởi vào thời điểm Tết Nguyên đán, luồng cá ngoài khơi xuất hiện dày. Cá ngừ đại dương thì siêng ăn mồi hơn, đặc biệt, thời điểm giáp tết cá chuồn bay “đặc” mặt biển ở 2 ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Với nghề đánh bắt cá chuồn, bình thường mỗi mẻ lưới thu hoạch được 2 - 3 tạ cá thì vào thời điểm này thu được cả tấn. Trúng vài chuyến biển trong mùa này có thể bù lại thu nhập cho những tháng trước tết do mưa bão tàu phải nằm bờ.

“Những năm trước, tàu nào muốn đánh bắt xuyên tết rất khó kiếm người đi bạn, mấy năm gần đây ngư dân đã quen với việc ăn tết trên biển nên chuyến biển cuối năm không còn khó khăn chuyện tìm kiếm lao động nữa”, ngư dân Nguyễn Minh Châu cho hay.

Những đời người gắn với biển cả

Những chuyến biển “dính” đến 3 bữa tết thường xuất bờ trong quãng từ giữa đến cuối tháng Chạp. Ngư dân trên những chiếc tàu này đều tổ chức tất niên sớm với gia đình để cho tàu vươn khơi. Cả năm, ngoài những ngày mưa bão tàu phải nằm bờ, thời gian còn lại hầu như họ đều lênh đênh trên biển.

09-16-43_3
Chuẩn bị lương thực cho chuyến biển “xuyên tết”

Sau mỗi chuyến đánh bắt, cập bờ bán sản phẩm là lại mở chuyến biển mới, ít khi được về thăm nhà. Bởi vậy, những ngày vui vầy với gia đình luôn là điều xa xỉ đối với họ.

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, toàn tỉnh có 2.200 tàu cá với trên 15.000 ngư dân tham gia khai thác tại ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và khu vực nhà giàn DK1 đón Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 trên biển.

Ngư dân Đặng Văn Nhựt (40 tuổi), đi bạn cho tàu cá BĐ-96956TS của ông Phan Thanh Tòng (51 tuổi) ở thôn Nhuận An Đông, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn) làm chủ tàu, tâm sự: “Mỗi năm chỉ có 3 bữa tết ai cũng muốn sum vầy cùng gia đình, nhưng mình làm nghề biển thì phải gắn bó với biển. Biển trong những ngày tết con nước thuận nên thường trúng cá, dù ăn tết lênh đênh trên sóng nước, không có người thân, nhưng bù lại có niềm vui nghề nghiệp”.

Qua trò chuyện với những ngư dân mở chuyến biển xuyên tết, tôi hiểu, biển đối với họ quan trọng đến dường nào.

Chủ tàu BĐ-96956TS Phan Thanh Tòng nói như trút lòng: “Trong những ngày này, trong khi thiên hạ đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh bánh trái để đón tết cùng gia đình thì bọn tui phải bám tàu lo vận chuyển lương thực, thực phẩm, đá lạnh xuống tàu và tiếp nhiên liệu để chuẩn bị ra khơi, dù không nói ra nhưng ai cũng thấy buồn trong lòng. Nhưng khi tàu đã nổ máy vươn khơi thì nỗi buồn kia cũng tan nhanh, dường như những con sóng và mùi biển đã trở thành máu thịt.

Những đêm đón giao thừa, sau bữa tiệc nhẹ, anh em cụng vài ba ly chúc mừng năm mới là lập tức buông câu ngay trong thời khắc đầu năm mới. Nghề câu cá ngừ đại dương chủ yếu chỉ làm vào ban đêm nên anh em quý thời gian lắm. Cá càng nhanh đầy khoang thì chuyến biển sẽ ngắn đi, tàu nhanh về bờ, mọi người có điều kiện ăn tết muộn với gia đình”.

Những chuyến tàu mở biển vào thời điểm cuối năm đều hành lễ khai vụ. Trong đêm giao thừa, những tàu có chuyến đánh bắt xuyên tết đều bày mâm cỗ ngay trên boong tàu để cúng. Đối với ngư dân, những người sống trên biển nhiều hơn trên bờ thì lễ khai vụ luôn có ý nghĩa quan trọng.

“Bọn tui tâm niệm, sự thành bại trong chuyện làm ăn cả năm là tùy thuộc vào lễ cúng khai vụ. Do đó, lễ này được thuyền viên trên tàu tiến hành rất trang nghiêm", chủ tàu Phan Thanh Tòng bày tỏ.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất