| Hotline: 0983.970.780

Những chuyện dở khóc dở cười khi chính trị gia lỡ lời vẫn diễn ra

Thứ Tư 14/09/2016 , 08:01 (GMT+7)

Trong thời buổi truyền thông bùng nổ như hiện nay, các chính trị gia chắc chắn phải chú ý hơn rất nhiều mỗi khi nói năng trước công chúng. Mỗi cú lỡ lời đều có thể trở thành trò cười cho thiên hạ và là cái cớ để các đối thủ chính trị xúc xiểm, gièm pha.

Nguy hiểm hơn, chỉ một câu nói cũng có thể làm bùng lên một cuộc khủng hoảng.

Nhiều người hẳn còn nhớ Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama đã đọc sai lời thề chỉ có 35 chữ của các Tổng thống Mỹ trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên hồi tháng Giêng năm 2009. May thay, lần nhậm chức thứ hai, ông Obama đã đọc đúng. Những chuyện dở khóc dở cười như thế tuy nhiên vẫn diễn ra trên chính trường.

 

Học kém môn địa lý

Theo trang watchingamerica.com, vào ngày 20/2/2013, tân Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là John Kerry có bài diễn văn đầu tiên trước công chúng sau khi nhậm chức tại Đại học Tổng hợp Virginia. Ông đã nói về các cơ chế dân chủ ở quốc gia “Kyrzakhstan”. Cái tên lạ hoắc này khiến cử tọa, gồm các sinh viên và giáo sư đại học, cảm thấy bối rối.

Chỉ khi kiểm tra lại bản đánh máy những gì ông Kerry nói do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp, người ta mới hiểu quốc gia ông ngoại trưởng muốn nói đến là “Kyrgyzstan”. Có vẻ như ông Kerry đã nhầm lẫn hai nước Kyrgyzstan và Kazakhstan để rồi “sáng tạo” ra một nước thứ ba là “Kyrzakhstan".

Điều gây ngạc nhiên là trước khi trở thành ngoại trưởng, ông Kerry nhiều năm làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Không chỉ là một cựu binh, ông cũng được coi là “cựu binh” trong các hoạt động ngoại giao.

Trong thực tế, Kerry không phải là chính trị gia Mỹ duy nhất nhầm lẫn các địa danh nước ngoài. Người ta nói xu hướng này có thể liên quan đến chuyện thiếu chú ý các vấn đề về địa lý từ hồi nhỏ, là điểm chung của rất nhiều người Mỹ.

Tạp chí National Geographic từng tiến hành một cuộc thăm dò và phát hiện ra một nửa số người Mỹ được hỏi không thể tìm được thành phố New York trên bản đồ, trong khi 63% không biết Iraq nằm ở đâu dù Mỹ đang tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ nước này (thời điểm năm 2006). Số người không biết Afghanistan nằm ở đâu thậm chí còn cao hơn: 90%.

Ngay cả Barack Obama, vị tổng thống được xem là có chỉ số thông minh cao, cũng từng nhầm lẫn về địa lý. Tháng 4/2012, khi ông Obama tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Anh và Argentina xung quanh chủ quyền quần đảo Malvinas (phía Anh gọi là quần đảo Falkland).

Ông Obama bày tỏ quan điểm trung lập của Mỹ đối với vấn đề này. Có lẽ để chuyển tải sự thân thiện đối với Argentina, Tổng thống Mỹ cố gắng đề cập vấn đề và dùng cách gọi của Argentina là quần đảo Malvinas. Không may là ông lại nói nhầm thành quần đảo Maldives, một quốc gia độc lập ở biển Ấn Độ Dương, từng là thuộc địa của Anh. Cú lỡ lời này được người ta ví như tự dùng súng bắn vào chân mình, bởi nó khiến người Argentina rất tức giận, cho dù ông Obama đang muốn bày tỏ sự cảm thông với họ.

18-31-24_s4reutersmedinet
Ông Obama đã nhầm tên lãnh đạo đối lập của Myanmar (Ảnh: Reuters, BBC)

 

“Người có học” lỡ lời

So sánh với người Mỹ, dân Pháp thường tự cho là mình “có học, có văn hóa hơn”. Tuy nhiên lãnh đạo nước Pháp cũng nói hớ về địa lý như ai, thậm chí còn nhầm lẫn địa danh của chính nước Pháp. Hồi tháng Giêng năm 2011, Tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkozy thăm thị trấn Truchtersheim ở vùng Alsace, chỉ cách biên giới Pháp-Đức 30km. Trong bài phát biểu trước các đại diện của ngành nông nghiệp Pháp, ông Sarkozy nói ông không chấp nhận cạnh tranh không công bằng giữa Đức và Pháp.

“Tôi không nói vậy đơn giản chỉ vì tôi đang ở đất Đức”, ông nói thêm. Nhận ra mình nói hớ, ông Sarkozy nhanh chóng nói chữa: “Mà tôi đang ở Alsace".

Tuy nhiên, cử tọa đã kịp nhận ra và nổi giận, la ó ầm ĩ. Ông Sarkozy phải tạm ngừng bài phát biểu và giơ hai tay lên trời như thể đầu hàng.

Muốn hiểu rõ hơn sự giận dữ của công chúng, cần phải soi chiếu với lịch sử. Từng hai lần bị Đức sáp nhập và chỉ trả lại cho Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vùng Alsace từ lâu được coi là địa điểm chiến lược giữa Pháp và Đức. Vùng này thuộc về quốc gia nào luôn là chủ đề nhạy cảm đối với người dân Alsace.

Sau bàn phát biểu của ông Nicolas Sarkozy, truyền thông Pháp bào chữa rằng, trong tiếng Pháp, “nước Đức” và “vùng Alsace” phát âm từa tựa nhau, vì thế ông tổng thống chỉ phát âm sai chút chút chứ không có ý quên lịch sử. Tuy nhiên, dù có nói thế nào thì người dân vùng Alsace đã bị tổn thương.

Nhầm lẫn địa danh lắm khi vẫn còn nhẹ vì “chửi cả làng” nhưng không nhằm vào ai. Nhầm lẫn tên người còn tồi tệ hơn nữa.

Được coi là nhà tư tưởng, nhà thuyết trình vĩ đại nhất thế kỷ 20 của Mỹ về các thuyết tự giáo dục, Dale Carnegie từng nói: “Một trong những cách đơn giản nhất, rõ ràng nhất và quan trọng nhất để giành thiện cảm là nhớ được tên người ta”.

Nhưng có vẻ Tổng thống Barack Obama chưa đọc sách của Carnergie.

Hồi tháng 11/2012, trong chuyến thăm Myanmar, gặp tổng thống nước chủ nhà Thein Sein, ông đã gọi “chủ nhà” là Tổng thống Sein, theo thói quen của người phương Tây, gọi họ thay cho tên để thể hiện sự trang trọng. Nhưng như vậy là nói sai bởi đầy đủ và chính xác phải là “Tổng thống Thein Sein”. Ông cũng gặp lãnh đạo đối lập của Myanmar là Aung San Suu Kyi, nhưng trong cuộc họp báo sau đó, ông Obama đã nhầm tên bà thành Aung Yan Suu Kyi.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.