1. Natasha Masih trò chuyện với phóng viên ở Faisalabad, Pakistan hôm 14/5. Ảnh: AP. |
Natasha Masih, 19 tuổi, ban đầu không dám kể cho mẹ nghe về cuộc sống ở Trung Quốc. Gia đình ở Pakistan gả cô cho một người chồng Trung Quốc và hắn liên tục hành hạ Natasha. Y giấu cô trong một khách sạn tại vùng hẻo lánh, cưỡng bức cô quan hệ tình dục với những gã đàn ông khác trong nhiều tuần.
"Tao bỏ tiền mua mày ở Pakistan", Natasha thuật lại lời chồng nói. "Mày thuộc về tao, là tài sản của tao".
Cuối cùng, Natasha không thể chịu được nữa và kể hết cho mẹ nghe, xin bà đưa cô về nước. Mẹ cô tìm đến nơi duy nhất duy được, đó là một nhà thờ nhỏ trong khu ổ chuột gần thành phố Faisalabad ở Pakistan. Ở đó, một nhóm giáo dân tụ tập lại, lên kế hoạch giải cứu Natasha ở khách sạn cách đó 1.800 km.
Natasha là một trong hàng trăm thiếu nữ Pakistan lấy chồng Trung Quốc để có tiền trả nợ gia đình. Đa số các gia đình theo đạo Công giáo tại thành phố nghèo nhất Pakistan. Trước đó, báo chí từng đưa tin về cách thức các nhà truyền giáo Pakistan và môi giới Trung Quốc hợp tác trong ngành thương mại béo bở là lừa đảo các cô gái Pakistan lấy chồng Trung Quốc.
Từ đó, cảnh sát phát hiện nhiều phụ nữ bị ép bán dâm ở Trung Quốc. Bức tranh về mạng lưới buôn người tinh vi dần rõ nét, sau hàng loạt vụ bắt giữ và đột kích trong thời gian gần đây của Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan, cũng như lời khai của nạn nhân, những người quá sợ không dám lên tiếng.
Phóng viên AP đã nói chuyện với 7 cô gái bị ép bán dâm, 4 người vẫn đang ở Trung Quốc. Gia đình cho hay những người giới thiệu nói rằng con gái sẽ lấy chồng là doanh nhân giàu có, hưởng cuộc sống tốt đẹp ở Trung Quốc. Môi giới hôn nhân mang lại lợi ích cho đôi bên, khi các gia đình nghèo khó ở Pakistan nhận được tiền, còn đàn ông Trung Quốc tìm được vợ. Tuy nhiên, các nhà điều tra ngày càng tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy đa số các thiếu nữ bị bán vào đường dây mại dâm.
"Những cô gái được phỏng vấn đều nói mình bị tra tấn", đó là cách nói tránh việc bị cưỡng hiếp và ép làm mại dâm, một nhà điều tra Pakistan nói. "Họ sợ gia đình biết chuyện, sợ bị kỳ thị. Đây chính là hoạt động buôn bán người".
Tuy nhiên, dù các nhà điều tra đã phát hiện hoạt động buôn bán người, chính phủ Pakistan vẫn giữ im lặng. Quan chức chính phủ cấp cao đã yêu cầu các nhà điều tra im lặng vì không muốn gây nguy hiểm cho Pakistan bởi quan hệ kinh tế của quốc gia này với Trung Quốc đang ngày càng chặt chẽ, hai nhà điều tra giấu tên cho hay.
Bắc Kinh đang đầu tư hàng tỷ USD vào Pakistan trong các dự án Vành đai Con đường - nỗ lực toàn cầu nhằm tái hiện Con đường Tơ lụa và liên kết Trung Quốc với mọi ngóc ngách ở châu Á. Trong dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 75 tỷ USD, Bắc Kinh hứa hẹn phát triển cơ sở hạ tầng lớn, xây dựng đường bộ, nhà máy điện và nông nghiệp cho Paksitan.Trọng điểm dự án là con đường dài 3.200 km nối Trung Quốc với cảng biển nước sâu Gwadar của Pakistan ở Biển Arab.
Đối với Pakistan, đó là chương trình phát triển lớn sẽ mang lại thịnh vượng cho quốc gia Nam Á, nơi người dân có mức sống trung bình 125 USD/tháng. Từ năm 2015, hàng nghìn người Trung Quốc đã tới Pakistan làm dự án.
Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan phủ nhận cáo buộc phụ nữ Pakistan bị buôn bán sang Trung Quốc và cưỡng ép bán dâm. Vấn đề này cũng không được đem ra thảo luận trong chuyến thăm Pakistan của Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trong tháng này.
"Trung Quốc phủ nhận có chuyện này, nhưng chúng tôi đang đưa ra bằng chứng", Saleem Iqbal, một nhà hoạt động trong cộng đồng Công giáo thiểu số tại Pakistan cho hay. Ông thường giúp đỡ đưa phụ nữ Pakistan từ Trung Quốc về nước và thu thập chứng cứ về mạng lưới buôn bán người để cung cấp cho cảnh sát.
Arooj trò chuyện với phóng viên AP qua ứng dụng nhắn tin. Cô đang mắc kẹt ở Trung Quốc. Chồng thường xuyên đánh đập cô. Có lần, anh ta uống say, đưa bạn về nhà và ép cô phải quan hệ tình dục với họ. Giống nhiều cô gái Pakistan khác, Arooj không rõ mình đang ở đâu tại Trung Quốc. Họ thường đến Bắc Kinh rồi bay đi thành phố khác, sau đó ngồi xe vài tiếng tới một thị trấn nhỏ mà không được nói tên.
Ijaz Alam Augustine, bộ trưởng nhân quyền và dân tộc thiểu số tỉnh Punjab, Pakistan, ước tính hơn 500 phụ nữ bị mua bán qua Trung Quốc, còn Iqbal cho rằng con số này lên tới 750-1.000 người.
Hồi đầu tháng 5, cảnh sát Pakistan đã truy quét các khu dân cư cao cấp ở Lahore, thủ phủ tỉnh Punjab và thủ đô Islamabd. Họ bắt giữ nhiều công dân Trung Quốc và đối tác làm ăn người Pakistan liên quan tới hai mạng lưới môi giới hôn nhân cô dâu Pakistan cho chú rể Trung Quốc. Tất cả đang đối mặt tội buôn bán người.
Sau đó, các nhà điều tra thực hiện nhiều vụ bắt giữ ở các thành phố nhỏ hơn thuộc tỉnh Punjab và thành phố Peshawar phía tây đất nước, khám phá ra nhiều mạng lưới hơn. Ít nhất 20 người Trung Quốc và hơn 10 người Pakistan bị bắt.
Giới chức Pakistan bắt công dân Trung Quốc bị tình nghi liên quan tới băng nhóm buôn bán người chuyên lừa đảo phụ nữ Pakistan kết hôn giả. Ảnh: AP. |
Hai quan chức thực thi pháp luật cho hay mạng lưới ở Lahore hoạt động ít nhất một năm. Nó được cảnh sát tham nhũng bảo vệ, con trai của một cựu quan chức cảnh sát cấp cao là người liên lạc giữa các đối tác Trung Quốc và Pakistan.
Mạng lưới này cũng hưởng lợi từ sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền. Ít nhất 5 trong số những kẻ buôn người quốc tịch Trung Quốc vào Pakistan bằng thị thực làm ăn thông qua những công ty ma.
Một trong số các hồ sơ bắt giữ gồm 8 người Trung Quốc và 5 người Pakistan bị truy tố tội buôn người. Những kẻ này cũng trục lợi từ việc buôn bán bộ phận cơ thể người. Nội tạng các cô gái Pakistan bị đưa sang Trung Quốc bị lấy cắp, nhưng không có bằng chứng. Những hồ sơ khác cho biết một mục sư Pakistan đã ký vào hàng chục giấy chứng nhận kết hôn khống, sau khi kiếm được cô dâu, những kẻ buôn người sẽ điền tên.
Các nhà điều tra đã thẩm vấn hàng chục trường hợp trong vài tuần gần đây. Số lượng nạn nhân lên tiếng đã nhiều hơn. Sumaira, một phụ nữ bị anh trai bán cho chú rể Trung Quốc, cho hay cô giữ im lặng nhiều tháng sau khi trốn thoát khỏi người chồng, thậm chí từ chối khai thông tin với các nhà điều tra. Nhưng giờ cô đã đủ dũng cảm lên tiếng.
"Nếu tôi nói ra mọi chuyện đã xảy đến với mình, có lẽ tôi đã cứu được nhiều cô gái Pakistan hơn", Sumaira nói. "Nhưng tôi đã quá sợ hãi, quá sợ các anh em trong nhà. Bây giờ tôi muốn những kẻ đã làm điều này với tôi không thể làm điều tương tự với người khác".
Sumaira, 30 tuổi, từng làm chủ một tiệm làm đẹp nhỏ trong khu vực cộng đồng người Công giáo sinh sống ở Gujranwala, thị trấn thuộc Punjab.
"Trước đây tôi rất khác bây giờ", cô nói. "Khi đó tôi có mơ ước, có hy vọng, có niềm tin vào tương lai. Giờ thì tôi không biết nữa".
Anh trai ép cô lấy chồng hồi tháng 7 năm ngoái, sau khi được tay môi giới cho tiền. Người chồng đưa cô tới một căn nhà ở Islamabad, giam Sumaira trong đó một tuần và đêm nào cũng để đàn ông Trung Quốc cưỡng hiếp cô.
Trước khi sang Trung Quốc, cô thuyết phục chồng cho mình về nhà để chia tay các chị em gái.
"Về tới nhà, tôi hét vào mặt các anh em trai, 'Tại sao các người lại bán tôi? Các người kiếm được bao nhiêu tiền?'" cô nói. Khi bị đánh, cô trốn sang nhà người bác
Trở lại với Natasha. Cô sống ở Wasirpura, một quận chủ yếu toàn người Công giáo sinh sống và làm nghề giúp việc. Không muốn lấy chồng nhưng cô không thể làm gì khác vì gia đình rất nghèo. Một người bạn của bố đã gợi ý để Natasha lấy một anh chồng Trung Quốc. Bố cô rất băn khoăn nhưng ông cũng rất túng tiền. Gia đình có 4 người con gái và bố mất sức lao động vì đau lưng. Natasha không có quyền từ chối.
Tháng 11 năm ngoái, chồng đưa cô tới một khu vực hẻo lánh ở phía tây bắc Trung Quốc. Cô bị đưa tới một căn nhà nhỏ trong rừng, không có bếp cũng không có phòng tắm. Chồng nói đây sẽ là nhà cô.
Natasha thấy trong nhà có ba người đàn ông, hai phụ nữ, đều là bạn của chồng cô và ở cùng nhà. Sau đó, chồng bắt cô quan hệ tình dục với ba người đàn ông nọ.
Cuối cùng, hắn đưa cô tới Yin Du, một khách sạn hạng sang ở thành phố Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương, giam cô trong một căn phòng và ép vợ bán dâm.
"Lúc nào cũng có hai tới ba gã cùng đến, sau đó chồng tôi lại đưa thêm kẻ khác tới, bắt tôi quan hệ tình dục với họ", Natasha nhớ lại. "Tôi như sống trong địa ngục, chỉ biết khóc thầm và cầu nguyện có người tới cứu".
Natasha cố gọi điện cho bố mẹ bằng điện thoại di động. Ở Faisalabad, một thành viên của nhà thờ nơi bố mẹ cô hay tới cầu nguyện, đã thành lập một nhóm để giúp đỡ Natasha.
Họ đã rất vất vả tìm phương án giải cứu tới khi một người cho hay có em trai là sinh viên đại học ở Trung Quốc. Người em đồng ý liên lạc với chồng Natasha, giả làm khách hàng, trả tiền cho hắn để tiếp cận cô.
Chàng sinh viên nhắn tin cho Natasha, bảo cô anh ta sẽ đến cứu và hỏi chi tiết thời gian chồng cô đến và rời khách sạn. Cuối cùng, ngày ấy cũng tới. Cậu sinh viên đến, dặn cô chuồn ra ngoài khách sạn tới chỗ cậu đang đợi trên taxi.
"Tôi nhìn thấy cậu ấy, nhanh chóng lấy quần áo và trèo lên taxi", Natasha nói. "Tôi không hỏi tên cậu ấy, không hỏi han điều gì, chỉ nói, 'Người anh em, cảm ơn cậu'. Rồi cô lên máy bay về Pakistan".
Natasha Masih đoàn tụ cùng gia đình sau khi chạy trốn khỏi đường dây buôn bán người và mại dâm ở Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Farooq Masih và những người khác trong nhà thờ đã dành nhiều thời gian khai thác mạng lưới buôn người. Gần đây, họ hoạt động ở Faisalabad, dàn dựng một vụ kết hôn giả với chú rể Trung Quốc và dẫn Cơ quan Điều tra Liên bang tới chỗ các tay môi giới người Trung Quốc và Pakistan, cũng như tên mục sư đã nhận tiền.
Trong lúc đó, Natasha, người vừa tròn 20 tuổi hồi đầu tháng 5, giúp đỡ những phụ nữ khác mở lòng về câu chuyện của mình, khuyến khích họ nói với các nhà điều tra. Cô biết chồng mình đã quay lại Pakistan và tìm cách lấy người khác.
"Tôi đã rất may mắn", Natasha nói. "Nhiều cô gái bị chồng đưa sang Trung Quốc vẫn đang sống cảnh kinh hoàng. Bây giờ tôi đã biết thế nào là tự do, thế nào là nô lệ. Ở Trung Quốc, tôi bị chồng đối xử như nô lệ".