| Hotline: 0983.970.780

Những con quái vật đáy hồ Quebec

Chủ Nhật 18/11/2018 , 14:15 (GMT+7)

Mặc dù là tỉnh bang đông dân thứ hai ở Canada, Quebec vẫn chỉ đông dân ở một phần nhỏ lãnh thổ, còn lại là những vùng rừng, hồ hoang vắng. Vùng đất này cho đến nay vẫn đầy rẫy những câu chuyện về quái vật, được lưu truyền trong hàng trăm năm qua.

Tỉnh bang Quebec (Canada) tiếp giáp với ba tỉnh bang khác của Canada là Newfoundland & Labrador, New Brunswick và Ontario) và bốn bang của nước Mỹ gồm Vermont, New Hampshire, New York, Maine. Phần còn lại, vùng nói tiếng Pháp này trông ra biển với vịnh Hudson, vịnh James, vịnh Ungava, eo biển Hudson và vịnh Saint Lawrence. Sông Saint Lawrence chảy qua phần phía nam của tỉnh bang Quebec, nối ba thành phố lớn nhất của tỉnh là Montreal, Quebec và Trois-Rivières.
 

Hồ lớn, thú lớn

Mặc dù là tỉnh bang đông dân thứ hai Canada với hơn 8 triệu người (chỉ sau tỉnh bang Ontario với hơn 13 triệu dân), hầu hết dân cư sống dọc thung lũng ven sông Saint Lawrence, phần còn lại có rất ít người cư ngụ và những vùng đất mênh mông ấy thường chỉ có cây cối, hồ nước, sông, núi và những con quái vật.

13-30-14_quebec
Quebec có rất nhiều rừng và hồ lớn

Hồ Memphremagog trải dài 51km xuống phía nam từ thành phố Magog, vượt qua biên giới với Mỹ tới tận thị trấn Newport của bang Vermont. Hồ này còn dài hơn cả hồ Loch Ness với quái vật Nessie nổi tiếng ở Scotland.

Chỗ sâu nhất của hồ Memphremagog đạt tới 107m. Người ta nói nó đủ sâu để cho một con quái vật được đặt tên là Memphre trú ngụ. Khi những người châu Âu đi tìm đất mới đầu tiên đặt chân đến vùng này, dân địa phương đã cảnh báo họ về một con rắn biển khổng lồ sống ở đáy sâu của hồ Memphremagog. Lần đầu tiên vào năm 1816, người ta ghi nhận rằng những người đến từ châu Âu đã tận mắt nhìn thấy con quái vật.

Nhà nghiên cứu về Memphre, ông Jacques Boisvert (qua đời năm 2006) đã thực hiện hơn 7.000 lần lặn xuống đáy hồ tìm quái vật, nhưng ông chưa lần nào tìm thấy nó.

Ông ghi nhận rằng trong suốt cả trăm năm qua, rất nhiều lần báo chí địa phương đề cập con quái vật. Ngày 21/1/1847, một bài báo trên tờ Stanstead Journal dẫn lời một nhân chứng nói “Tôi không biết rằng liệu con vật mà tôi thấy có phải là một con rắn biển… và liệu có nhiều người biết nó tồn tại trong hồ Memphremagog hay không”.

Sau này và cho tới tận ngày nay, nhiều người nói đã nhìn thấy quái vật. Họ thường mô tả nó có bướu ở lưng, cổ mỏng và dài, đầu hơi giống đầu ngựa.

Và cũng như nhiều nơi “có quái vật sinh sống” khác, người dân địa phương đã tận dụng các truyền thuyết để kiếm tiền: các tour du lịch kết hợp “kể chuyện quái vật” thường được tổ chức trên con thuyền phao (bông tông) L’Entre-gens II, 12 chỗ ngồi. Patrick Corcoran, hướng dẫn viên của công ty du lịch Tours Mempremagog nói với đài truyền hình Canada rằng anh không thuyết phục mọi người ở đây có quái vật. “Thực tế là hồ sâu tới hơn 100m ở hai khu vực và nhiều khả năng ở đó sẽ có cá rất lớn”, anh nói.

Năm 2011, Cơ quan Đúc tiền Hoàng gia Canada đã vinh danh quái vật Memphre bằng việc đưa hình ảnh nó lên một bộ sưu tập tiền xu có tên là “Những sinh vật huyền thoại”.

13-30-14_2
Hình ảnh quái vật rắn biển Memphre trên bộ sưu tập tiền xu của Canada

Hồ Mempremagog có quái vật Memphre. Nhưng ở Quebec còn rất nhiều hồ lớn, rất sâu, thậm chí còn sâu hơn. Ví như hồ Champlain, rộng hơn 788km2, sâu tới 122m. Đây cũng là “nhà” của Champ, một trong những quái vật hồ nổi tiếng nhất Bắc Mỹ.

Cũng như trường hợp Memphre, cư dân địa phương sống xung quanh hồ Champlain đã sớm cảnh báo những người da trắng đầu tiên tới đây về một con quái vật. Bài báo đầu tiên viết về nó đăng hồi tháng 7/1819, khi thuyền trưởng Crum của con tàu Bulwagga Bay nhìn thấy một con quái vật dài khoảng 57m đang bơi gần đó. Con vật có cái đầu giống đầu ngựa, nhô cao khỏi mặt nước gần 5m. Không chỉ thuyền trưởng mà nhiều người khác, bao gồm một đội lái tàu hỏa, một cảnh sát địa phương và cả ngư dân đã có lần trông thấy quái vật.

13-30-14_3
Quái vật Champ trên hồ Champlain, ảnh của hãng tin CBS News


Bí ẩn dưới đáy sâu

Nhưng quái vật không chỉ xuất hiện ở những vùng nước lớn. Hồ Pohenegamook dài 9,1 km, chỉ sâu 41m, nằm ở vùng biên giới với bang Maine của Mỹ cũng có những câu chuyện riêng của nó.

Bản tin đầu tiên về quái vật hồ Pohenegamook xuất hiện năm 1874, nhưng những lần người ta nhìn thấy nó rất hiếm hoi. Cho đến khi người ta dùng thuốc nổ để cải tạo, nâng cấp con đường 289 trong giai đoạn 1957-1958. Các vụ nổ có vẻ đã khiến thứ gì đó ở dưới sâu bị đánh động. Nhiều người kể rằng đã nhìn thấy một sinh vật trông giống như khủng long với bốn chân, cổ dài, đuôi dài. Cũng có người nói trông giống cá sấu và cũng có người bảo nó là con lợn biển. Con vật được đặt tên là Ponik. Thợ đốn gỗ, trẻ em và có cả một linh mục, đều nói đã trông thấy Ponik.

Năm 1982, nhiều nhà nghiên cứu đổ đến thị trấn Pohenegamook để khám phá thêm về quái vật Ponik. “Chúng tôi không hứng thú tìm các con quái vật hồ. Chúng tôi hứng thú tìm hiểu về sự nhìn nhận của mọi người về quái vật hồ”, Claude Gagnon, giáo sư triết học của đại học Quebec nói với hãng thông tấn UPI. “Nhưng khi bạn thu thập mọi chứng cứ, bạn nhận thấy phải có thứ gì đó ở dưới kia bởi các câu chuyện rất tương đồng”, ông nói.

13-30-14_4
Quái vật Ponik trên hồ Pohenegamook với cái vây lưng lớn, ảnh tư liệu của đài phát thanh Canada

Giáo sư Claude Gagnon và nhà văn người Pháp Michel Meurger đã ở Quebec trong 6 tháng tìm hiểu, nghiên cứu và viết cuốn sách “Quái vật hồ ở Quebec”.

Trong thời kỳ hiện đại, những lần người ta ghi nhận nhìn thấy quái vật Ponik là vào năm 1974. Người ta nói nó có cái vây lưng lớn, thân mình dài khoảng 8m. Các nhà khoa học sử dụng thiết bị thủy âm xác định được có vật to lớn đang bơi dưới thuyền của họ. Cũng trong năm 1974, người dân địa phương đặt tên quái vật là Ponik.

(Kiến thức gia đình số 46)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).