| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 11/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

06:15 - 11/02/2015

Những con số giật mình

Hơn 60% số vụ giết người trong năm là sát hại người cùng gia đình. Một con số khiến thiên hạ phải giật mình và suy nghĩ. 

Mới đây, trong cuộc họp tổng kết công tác phòng chống tội phạm năm 2014, Công an TP Hà Nội cho biết: Năm 2014, dù tội phạm đã được kiềm chế, song vẫn còn tiềm ẩn việc giết người do xung đột, mâu thuẫn tức thời trong đời sống sinh hoạt, nhất là sát hại người cùng gia đình (chiếm tới hơn 60% số vụ giết người).

Tội phạm cướp tài sản được đánh giá là ngày càng liều lĩnh khi nhiều tên đã xông vào tận nhà dân để gây án.

Hơn 60% số vụ giết người trong năm là sát hại người cùng gia đình. Một con số khiến thiên hạ phải giật mình và suy nghĩ. Đó là chỉ nói việc giết người. Nếu tính cả những vụ gây thương tích cho người cùng gia đình, thì số vụ chắc chắn còn nhiều hơn nữa.

Án mạng xảy ra cho người cùng gia đình gồm đủ loại: Anh em, chị em giết nhau, bố giết con, con giết bố, giết mẹ, cháu giết ông bà...

Có vụ dù trôi qua đã lâu, nhưng vẫn còn để lại nỗi kinh hoàng cho cả khu phố hay làng xóm. Điển hình như vụ Bùi Minh Đạt (SN 1978) ở thôn Thượng Lộc, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), giết mẹ đẻ của mình là bà Vũ Thị Tỉnh (SN 1947) và gây thương tích nặng cho chị dâu mình là Nguyễn Thị Tuyết Trinh (SN 1968) ngày 1/9/2014, có nguồn gốc từ việc phân chia đất cát.

Bà Tỉnh có 3 người con, hai trai một gái. Người anh cả làm ăn và đã có nhà ở thị xã Sơn Tây, Đạt là con thứ hai, ở cùng mẹ, dưới Đạt còn một em gái đã lấy chồng. Mảnh đất của bố mẹ được bà Tỉnh đem chia làm 3.

Đạt không đồng ý, cho là em gái đã đi lấy chồng, không được quyền thừa hưởng tài sản của bố mẹ để lại. Anh trai đã có nhà ở Sơn Tây, phần của cô em gái đó, lẽ ra phải là của Đạt.

Mâu thuẫn âm ỉ kéo dài đã lâu và đến ngày 1/9/2014 thì bùng nổ thành đỉnh điểm, Đạt đã "báo hiếu" mẹ bằng hàng chục nhát dao, khiến bà gục chết tại chỗ. Người chị dâu thấy mẹ bị em chồng chém, chạy ra can ngăn, cũng bị Đạt chém nhiều nhát, may được hàng xóm can thiệp, đưa đi bệnh viện cấp cứu, mới giữ được tính mạng…

Những vụ án mạng trên, ngoài lý do là do mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản, đất cát, còn hàng chục nguyên nhân khác như mâu thuẫn bột phát, tức thời giữa bố con, anh em, mâu thuẫn do nghi ngờ, ghen tuông giữa chồng và vợ, hay cháu giết ông, giết bà để cướp tài sản…

Nhưng dù với bất cứ lý do gì, thì việc tước đoạt mạng sống của một người bình thường, cũng là điều không chỉ pháp luật không bao giờ tha thứ, mà hành vi đó còn bị cả xã hội lên án. Huống chi đây lại là việc tước đoạt mạng sống của người ruột thịt, người có công sinh thành, dưỡng dục mình?

Hà Nội là đất kinh kỳ. Người Hà Nội nổi tiếng là người thanh lịch (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Chẳng thanh, chẳng lịch, cũng người Tràng An - ca dao).

Nay vì sao cái thanh, cái lịch ấy lại phải nhường chỗ cho bạo lực? Vì sao lòng tham lại thắng cả tình máu mủ, ruột rà? Tỷ lệ vụ giết người trong gia đình cao như vậy, nói lên điều gì? Phải chăng đó là chỉ số của sự xuống cấp đạo đức trong xã hội. Và một khi đạo đức xuống cấp, thì đương nhiên là tội ác lên ngôi.

Nhưng, vì sao đạo đức xã hội lại xuống cấp? Đó chính là câu hỏi mà cả xã hội phải đi tìm lời đáp. Có tìm ra, thì mới loại trừ được tận gốc hiện tượng này.

 

 

 

 

Bình luận mới nhất