| Hotline: 0983.970.780

Những công nhân một đời "vất vưởng"

Thứ Năm 27/12/2012 , 10:04 (GMT+7)

254 hộ, với số nhân khẩu lên đến hàng ngàn, nhiều năm nay vẫn phải đi thuê nhà, ở nhờ.

Họ là những công nhân kỳ cựu của Cty lắp máy Lilama 45.1, gần trọn đời góp sức cho những công trình lớn, mang tầm thế kỷ của đất nước. Vậy mà đến nay, họ vẫn không chỉ nghèo mà một chỗ trú thân đúng nghĩa cũng chưa có! 254 hộ, với số nhân khẩu lên đến hàng ngàn, nhiều năm nay vẫn phải đi thuê nhà, ở nhờ.

10 NĂM MỎI MÒN CHỜ ĐỢI

Năm 1987, công ty lắp máy 45-1 (nay là Cty CP lắp máy & xây dựng Lilama 45.1) bắt đầu có mặt tại Nhơn Trạch để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu số 1. Lúc đó, hàng ngàn công nhân của công ty từ mọi miền đất nước đã nô nức về đây để góp sức xây dựng. Họ được bố trí ở trong khu tập thể Tuy Hạ, Nhơn Trạch, số khác được sắp xếp vào ở tạm tại khu vực ấp 3, Hiệp Phước, nơi có khu tập thể dành cho những công nhân độc thân, hoặc công nhân điều động từ nơi khác đến, làm ngắn hạn (khu này còn có tên gọi là khu 10 gian). Năm 1996, Chính phủ quyết định chuyển nhà máy lọc dầu ra Dung Quất và khu này sẽ qui hoạch làm KCN Nhơn Trạch 1. Ngay sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định yêu cầu Cty Lilama 45.1 lên kế hoạch di chuyển số hộ này đến một địa điểm khác. Đến tháng 10/2000, toàn bộ số hộ công nhân đang ở tại khu tập thể Tuy Hạ đã trả lại mặt bằng cho KCN Nhơn Trạch 1 và chờ UBND tỉnh ra quyết định cấp đất tái định cư.

Năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt dự án cấp 6,8 ha đất tái định cư cho các hộ công nhân Cty Lilama 45.1 tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch. Có thể nói, khu đất khá đẹp, nằm ngay trung tâm thị trấn, sát tỉnh lộ 25B. Sau khi có quyết định của tỉnh, Cty Lilama 45.1 đã tiến hành các bước như bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập qui hoạch chi tiết và xét đối tượng được cấp tái định cư, phân lô… Năm 2005, sau khi các bước chuẩn bị xong xuôi, mỗi hộ được cấp đất phải tạm đóng 24 triệu đồng cho một nền (tổng số tiền Cty thu khoảng 6 tỷ đồng) để làm cơ sở hạ tầng và tiến hành bốc thăm nhận nền. Năm 2007, giữa lúc Cty Lilama đang san lấp mặt bằng, làm gần xong phần hạ tầng kỹ thuật, và hàng trăm hộ công nhân đang mỏi mòn chờ đợi chỗ ở mới thì bỗng điếng người khi nghe tin: UBND tỉnh Đồng Nai thu lại khu đất này để giao cho Cty CP đầu tư Nhơn Trạch (thuộc Cty Tín Nghĩa) để thực hiện dự án khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân. Khu tái định cư này sẽ được hoán đổi bằng một miếng đất khác tương tự ở gần đó.


Những hộ công nhân Cty Lilama đang trình bày nỗi khổ của họ với PV

Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, khu đất cấp cho 254 hộ công nhân Lilama 45.1 để tái định cư nằm trong qui hoạch thành phố mới Nhơn Trạch, và Cty Tín Nghĩa được giao thực hiện khu đô thị mới này. Để dự án thành phố mới này được đồng bộ thì hoán đổi vị trí là việc phải làm, mặc dù, khu đất cấp tái định cư thu lại cũng để xây dựng khu dân cư (khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân). Nhưng, điều đáng nói ở đây là đã 5 năm trôi qua kể từ ngày các hộ công nhân đóng tiền (số tiền 24 triệu thời điểm 2005 có thể mua được một mảnh đất tốt), bốc thăm nhận nền đến nay, vẫn chưa thấy đất hoán đổi ở đâu. “Nghe nói khu đất hoán đổi ở bên kia đường, không xa chỗ cũ. Nhưng nghe nói mới có 3,8 ha thôi, còn 3 ha chưa thỏa thuận đền bù xong. Cho nên, chưa biết đến khi nào chúng tôi mới có chỗ ở mới”, ông Đoàn Minh Quảng, 60 tuổi, công nhân Cty Lilama 45.1 từ năm 1975 đến nay, nói.

Đến nay, Cty Lilama 45.1 đã đến đời giám đốc thứ ba, và chỉ còn một vị lãnh đạo duy nhất của Cty này nắm được “nội tình” vụ việc là ông Nguyễn Quang Hào, Phó Giám đốc, kiêm Chủ tịch Công đoàn. Nhưng, nghe đâu hết năm nay ông Hào cũng sẽ về hưu. Lúc đó, không biết 254 hộ công nhân sẽ “bấu víu” vào ai?

CÒN KHỔ ĐẾN BAO GIỜ?

Sau khi giao trả mặt bằng ở khu tập thể Tuy Hạ cho KCN Nhơn Trạch 1 năm 2000 đến nay, toàn bộ số công nhân ở đây bắt đầu cuộc sống vất vưởng. Vài người may mắn, có chút tiền nên mua một miếng đất nhỏ, dựng túp lều trú mưa, tránh nắng. Đại đa số còn lại đều rất nghèo, không có nhà ở, phải đi thuê phòng hoặc ở nhờ nhà người thân. Họ cứ đinh ninh là lâu lắm cũng 1 - 2 năm là cùng, họ sẽ có chỗ ở mới, ổn định. Gặp họ, chúng tôi không khỏi xót xa: Gần 2 chục con người, đại diện cho 254 hộ, hầu hết những mái đầu đã bạc hoặc muối tiêu. Trong số này, không ít người đã về hưu, một số khác thì chuẩn bị về hưu. Như ông Trịnh Văn Thạo (SN 1957), về hưu hơn 1 năm nay, ông Đoàn Quang Rum (SN 1947), công tác tại Cty Lilama 32 năm, về hưu năm 2006 và hiện không có nhà, vẫn đang phải ở nhờ... Dù bức xúc, dù nét mặt người nào cũng đượm nét phong trần, nhưng họ vẫn nói chuyện rất từ tốn.

“Tôi đang kiện tỉnh Đồng Nai mà chưa được. Các anh bảo thấy công nhân khổ à, tôi còn khổ gấp mấy lần họ ấy chứ. Họ cứ kiện tôi, lẽ ra phải phong tôi là anh hùng mới đúng. Bởi vì tôi đòi đất cho họ. Không cẩn thận tôi nghỉ thì chẳng có đất đâu”, ông Nguyễn Quang Hào, Phó giám đốc, kiêm Chủ tịch Công đoàn Cty Lilama 45.1.

Đến thăm nơi cư trú của 7 hộ công nhân đang sống trong dãy nhà tạm ở ấp Xóm Gốc, xã Long An, huyện Long Thành, chúng tôi lại càng xót xa hơn, gần trọn đời theo Cty lắp máy Lilama 45.1, nay tuổi đã xế chiều, gia đình họ vẫn không có nổi một chỗ ở cho ra hồn, vẫn phải sống chui rúc trong những căn hộ tạm, xập xệ, chật chội. “Đây ngày xưa nguyên là dãy nhà kho của Cty, không có chỗ nên Cty sắp xếp cho chúng tôi ở tạm, ai dè ở đến giờ. 2 vợ chồng, 2 đứa con, đứa lớn đã lấy vợ cũng chỉ có diện tích này. Nhà chỉ có một phòng riêng nên vợ chồng tôi phải ra ngoài phòng khách ở, nhường phòng cho vợ chồng nó. Mai mốt còn đứa nữa lập gia đình thì không biết tính sao”, ông Đoàn Minh Quảng, ở căn hộ số 8 của dãy nhà kho này nói.


Khu nhà tạm ở khu “10 gian” (ấp 3, xã Hiệp Phước, Nhơn Trạch)

Gần đó là căn phòng thuê của bà Nguyễn Thị Thái, SN 1962, cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhưng không có chỗ nào ở, không ở nhờ ai được nên bà Thái phải đi thuê nhà. Đã nghèo lại càng nghèo hơn khi mỗi tháng bà phải bỏ ra hơn triệu bạc thuê phòng. “Tôi theo Cty từ mấy chục năm nay. Cứ rong ruổi khắp nơi nên con cái xa cha mẹ, ngày lễ tết không có chỗ thờ cúng, cuộc sống vô cùng chật vật, khó khăn. Không biết đến khi nào mới thoát cảnh này”, bà Thái rầu rĩ nói.

Tại khu vực “10 gian” ở ấp 3, xã Hiệp Phước, Nhơn Trạch, nơi ngày xưa có khu tập thể dành cho công nhân độc thân lưu trú, chúng tôi tiếp tục chứng kiến “bức tranh” nghèo khổ của hơn 10 gia đình công nhân ở đây. Một dãy phòng tường không tô trát, bên ngoài che chắn tạm bợ. Trong căn phòng của anh anh Vũ Xuân Nam, 55 tuổi, tài sản giá trị nhất có lẽ là 2 chiếc giường và một tủ quần áo bằng sắt. Những căn hộ còn lại cũng chẳng hơn gì. “Thời điểm năm 2005, số tiền 24 triệu là rất lớn, nhất là với những công nhân nghèo như chúng tôi. Nếu ra ngoài có thể mua được một miếng đất khác ngay. Đã gần 10 năm nay, vẫn chưa biết khu đất hoán đổi nằm ở đâu. Chúng tôi không hiểu có khuất tất gì trong vụ việc này hay không?”, anh Nam hoài nghi.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2024

Mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp quý II là tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành 3,37%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 14 - 14,5 tỷ USD.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghĩa tình mùa hạn, mặn

Kiên Giang Giữa mùa nắng, hạn gay gắt, nhiều nơi nước quý như vàng. Được trao tặng bồn nước, người dân cảm động bảo: 'Đây là bồn chứa đựng những giọt nước nghĩa tình, yêu thương'.