| Hotline: 0983.970.780

Những công trình lịch sử bị tàn phá trên thế giới: Vụ hỏa hoạn thiêu rụi 200 năm di sản của Bảo tàng Quốc gia Brazil

Thứ Ba 23/04/2019 , 08:49 (GMT+7)

Bảo tàng Quốc gia Brazil bốc cháy, mang theo vô số báu vật vô giá của nhân loại tan thành tro bụi.

1134941298
Ngọn lửa nhấn chìm Bảo tàng Quốc gia Brazil ngày 2/9/2018. (Ảnh: Reuters).

Trước khi khái niệm quốc gia hay lãnh thổ xuất hiện, Luzia đã sải bước trên những thảo nguyên rộng lớn của khu vực giờ đây là vùng trung nam Brazil. Hài cốt của cô được chôn tại hang động Vermelha cách đây 11.500 năm cho đến khi con người tìm ra và nghiên cứu về nó vào thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu về sau cho biết sự tồn tại của Luzia đã thách thức sự hiểu biết về cách con người cổ đại di cư, theo Washington Post.

Hài cốt của Luzia là một trong gần 20 triệu hiện vật có nguy cơ bị phá hủy sau vụ hỏa hoạn thiêu rụi Bảo tàng Quốc gia Brazil ở Rio de Janeiro hồi đầu tháng 9 năm ngoái. Nhà chức trách Brazil và giới khoa học  mô tả hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm lịch sử của nhân loại đã tan thành tro bụi cùng ngọn lửa.

Bộ xương của Luzia đã làm rung chuyển nền tảng kiến thức của giới khoa học về con đường di cư tới châu Mỹ, cung cấp mốc thời gian cho thấy thời điểm khu vực được khám phá ra. Năm 1999, các nhà khoa học cho biết Luzia là bộ xương người cổ xưa nhất được tìm thấy ở Tây Hemisphere và là chìa khóa giúp giải mã lịch sử nhân loại.

Vụ hỏa hoạn “giống như hành động phá hoại ký ức của người dân Brazil”, Marina Silva, cựu bộ trưởng môi trường Brazil nói. Các hình ảnh về đám cháy cho thấy hai ngọn lửa bốc lên rừng rực như chạm tới bầu trời.

Tổng thống Brazil lúc bấy giờ, ông Michael Temer, tuyên bố thiệt hại “là không thể đong đếm được” đối với nước này, đồng thời ra lệnh nhanh chóng phục dựng bảo tàng dựa trên các quỹ nhà nước và tư nhân. Bảo tàng Quốc gia Brazil là bảo tàng lịch sử tự nhiên lớn nhất Mỹ Latin.

Vụ cháy kích động một làn sóng biểu tình, yêu cầu tổng thống Michael Temer phải từ chức. Họ đổ lỗi cho chính sách “thăt lưng buộc bụng” mà chính phủ Brazil áp dụng suốt nhiều năm dẫn tới việc thiếu kinh phí trùng tu, bảo dưỡng bảo tàng.

Brazil đang nỗ lực tái thiết sau cuộc suy thoái và những bất ổn chính trị từ năm 2014. Ngọn lửa bao trùm Bảo tàng Quốc gia Brazil được ví như biểu tượng cho sự giận dữ của dân chúng Brazil đang thất vọng vì tình trạng thất nghiệp và kinh tế yếu kém.

2018 là năm đánh dấu hai thế kỷ Bảo tàng Quốc gia Brazil được hoàn thành và đi vào hoạt động. Nơi đây lưu giữ vô số báu vật lịch sử của cả thế giới và khu vực, từ khối thiên thạch nặng vài tấn tới một bộ xương khủng long hay một chiếc quách của người Ai Cập. Các món vật dụng thuộc về Dom Pedro I, người giành độc lập cho Brazil từ tay Bồ Đào Nha vào năm 1822, cũng đứng trước nguy cơ biến mất mãi mãi.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn lưu trữ các tài liệu bằng âm thanh và chữ viết về ngôn ngữ bản địa Brazil. Các nhà nhân chủng học Brazil đang chạy đua để ngăn chúng bị thất truyền.

“Đây là một thảm họa không thể chấp nhận nổi. Đó là 200 năm di sản của quốc gia. Đó là 200 năm của ký ức. Đó là 200 năm của khoa học. Đó là 200 năm của văn hóa và giáo dục”, Luiz Duarte, phó giám đốc bảo tàng, nhấn mạnh.

2134941412
Bảo tàng Quốc gia Brazil nhìn từ trên cao sau đám cháy. (Ảnh: Reuters).

Theo ông Duarte, việc chính phủ không đầu tư đúng mực cho bảo tàng để cung cấp những biện pháp bảo vệ là một phần nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn. Một hệ thống ngăn ngừa cháy đang được liên kế hoạch lắp đặt nhưng đã quá muộn.

“Trong suốt nhiều năm, chúng tôi đã đấu tranh với những chính phủ khác nhau để có được nguồn lực đầy đủ nhằm bảo tồn những thứ giờ đây đã bị phá hủy”, ông chia sẻ. “Cảm giác của tôi bây giờ là hoàn toàn mất tinh thần và giận dữ”.

Một cuộc khảo sát hồi năm 2004 phát hiện ra hệ thống dây điện tiềm ẩn nguy hiểm và các tiêu chuẩn an toàn yếu kém của bảo tàng có khả năng dẫn tới một thảm họa cháy nổ. Lực lượng cứu hỏa cho rằng hàng triệu trang tài liệu nghiên cứu và sách có thể đã khiến ngọn lửa bùng cháy dữ dội thêm.

Khi thông tin về vụ hỏa hoạn Bảo tàng Quốc gia Brazil được lan truyền, giới bảo tàng trên toàn cầu đã bày tỏ sự thương xót cho một công trình vô giá bị phá hủy.

“Chúng tôi đau buồn trước mất mát của những đồng nghiệp ở Brazil. Xin chia buồn với các bạn”, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian đăng trên Twitter.

Bảo tàng Louvre ở Paris bày tỏ “nỗi đau buồn sâu sắc” trước vụ hỏa hoạn của Bảo tàng Quốc gia Brazil. Tại Mexico, Bảo tàng Nhân chủng học Quốc gia gọi vụ cháy không khác gì một “thảm kịch” và bộ sưu tập của bảo tàng Brazil là “di sản cho toàn nhân loại”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.