| Hotline: 0983.970.780

Những công trình run rẩy trước mưa lũ

Thứ Ba 15/10/2013 , 10:25 (GMT+7)

Ông Lê Thế Triển (thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cho hay: “Công trình hồ chứa Trôốc Trâu nằm cách vùng dân cư không xa. Nó như một quả bom nước khổng lồ..."

Ông Lê Thế Triển (thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cho hay: “Công trình hồ chứa Trôốc Trâu nằm cách vùng dân cư không xa. Nó như một quả bom nước khổng lồ. Con đập ngăn đến giờ vẫn chưa xong mà nước thì đã dâng rồi. Mùa mưa bão rình rập nên ai cũng lo sợ. Lỡ ra có vấn đề gì thì có vắt chân lên quá đầu cũng chạy không kịp lũ”.

Lo sợ hồ đập

Nỗi lo lắng của ông Triển cũng như bất cứ người dân nào ở thị trấn Quán Hàu và các xã: Vĩnh Ninh, Lương Ninh. Công trình hồ chứa thuỷ lợi Trôốc Trâu ở đầu nguồn sông Lệ Kỳ trên địa bàn xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) có dung tích thiết kế gần 11 triệu m3 nước, lưu vực gần 14 km2.

Khi công trình đưa vào sử dụng sẽ tưới cho khoảng 400 ha lúa các xã Vĩnh Ninh, Lương Ninh, thị trấn Quán Hàu và cấp nước sinh hoạt cho cư dân trong khu vực hạ du. Được khởi công vào cuối năm 2010, đến tháng 5/2013, công trình Trôốc Trâu mới bắt đầu chặn dòng.


Đập chính công trình hồ chứa Trôốc Trâu là mối lo trong mùa mưa lũ

Theo thiết kế, cao trình đập chính tương đối lớn (+47m), dài trên 320m. Theo nhiều chuyên gia ngành thủy lợi nhận xét thì đây là hồ trên núi thực sự. Với một cự ly trong bán kính chưa đến 5km, khá gần với vùng dân cư của Quảng Ninh và TP Đồng Hới. Chính vì vậy mà công trình hồ trên núi này là nỗi lo của hơn 2.000 hộ dân vùng hạ du khi vào mùa mưa lũ.

Sau lễ chặn dòng, nhà thầu (Tổng Cty Xây dựng tổng hợp Thế Thịnh) đã huy động nhân lực để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, dù có có gắng thì nhà thầu vẫn trong tình trạng “lực bất tòng tâm” và đến thời điểm vào cuối tháng 9, con đập mới đạt cao trình 40 m.

Vào dịp đầu tháng 8, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vào kiểm tra và đưa ra nhận xét: Công trình Trôốc Trâu  đang nằm trong tình trạng nguy cấp. Nếu không khẩn trương đắp đập chính đạt cao trình thiết kế 47 m trước khi lũ về thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ xã Vĩnh Ninh không giấu được lo lắng: “Công trình chậm tiến độ là nỗi lo rồi, nhưng nỗi lo này cũng không lớn bằng nỗi sợ khi chúng tôi biết rằng nhà thầu thi công công trình này chưa có kinh nghiệm thi công đập đất hồ chứa. Nói thì dễ nhưng thi công những công trình có yếu tố nguy hiểm này cũng phải chọn nhà thầu có kinh nghiệm, có trình độ thì mới đáp ứng được”.

Ngay cả Cty tư vấn N. (một đơn vị ngoại tỉnh) có năng lực và kinh nghiệm cũng đã rút lui. Là đơn vị được Ban quản lý dự án xây dựng huyện Quảng Ninh chọn làm giám sát thi công công trình, sau một thời gian ngắn Cty N. đã xin chấm dứt hợp đồng. Một cán bộ của Cty cho hay, nguyên nhân là do lo lắng về thiết kế cũng như năng lực thi công của nhà thầu.


Dùng bạt chắn che mái thượng đập chính Trôốc Trâu

Theo một cán bộ Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Quảng Ninh và ông Lê Văn Thế, Giám đốc Tổng Cty Xây dựng tổng hợp Thế Thịnh, thì nguyên nhân của sự chậm tiến độ là do nguồn vốn gặp khó khăn.

Cứ theo ông Thế nói: “Nguồn vốn cần cấp cho hạng mục chặn dòng khoảng hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay tổng các khoản chúng tôi mới được một nửa số vốn. Chính vì vậy, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong triển khai thi công”. Cũng theo ông Thế, để đưa công trình vào sử dụng thì cần nguồn vốn khoảng 60 tỷ đồng nữa.

Kè dở dang

Cũng trên địa bàn xã Vĩnh Ninh còn có công trình củng cố nâng cấp, kè sông Lệ Kỳ (xã Vĩnh Ninh) chạy dọc sông về TP Đồng Hới. Công trình kè có chiều dài trên 4,5 km, với tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng do Cty Tập đoàn Đặng Đại thi công với tiến độ trong 20 tháng.

Vậy nhưng, 18 tháng sau ngày khởi công, đến nay công trình chỉ mới thực hiện 12% khối lượng gói thầu so với mặt bằng đã được bàn giao. Trong khi đó, kinh phí xây lắp đã giải ngân (thanh toán và tạm ứng) cho nhà thầu là 21 tỷ đồng mà giá trị thực hiện của đơn vị thi công chỉ mới được một nửa số tiền đã ứng.


Thiếu vốn, nhiều công trình hồ đập, kè chậm tiến độ

Ông Vũ Văn Lộc (ở xã Vĩnh Ninh) cho hay: “Công trình kè cứ dở dang thế này, gặp cơn lũ xốc ngược lên là coi như không còn cái gì. Lúc đó tiền có trăm tỷ cũng trôi theo dòng lũ thôi”.

Công trình kè dở dang này có nguyên nhân ngoài năng lực nhà thầu còn có yếu tố về giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình: “Vướng mắc về giải phóng mặt bằng đã được báo cáo với tỉnh, nhưng việc giải quyết cũng gặp nhiều khó khăn”.

Theo đó, số tiền chi cho việc giải phóng mặt bằng khoảng 25 tỷ đồng. Số tiền này được giao cho khoản mục vốn đối ứng của tỉnh Quảng Bình trong dự án cũng xin nâng cấp kè sông Lệ Kỳ. Tuy nhiên, với một tỉnh nghèo thì để có 25 tỷ đồng phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng cũng không dễ dàng gì.

Được biết, UBND tỉnh cũng đã nhiều lần họp bàn với các ngành chức năng để tham mưu giải quyết vấn đề này. Nhưng công trình dở dang thì đang nằm “run” trước mùa lũ, còn phương án tìm nguồn vốn đối ứng cho dự án này vẫn còn tắc.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, đã có một số doanh nghiệp xây dựng bỏ vốn ra hoàn thành công trình trước mùa mưa bão nhằm bảo đảm tiến độ cũng như phát huy tác dụng công trình.

Công trình kè Hải Trạch (Bố Trạch) có dự toán 19 tỷ đòng, nhà thầu bỏ ra 6 tỷ đồng để hoàn thành; công trình đê kè hữu Sông Gianh - giai đoạn 2, các đơn vị thi công đã bỏ vốn gần 36 tỷ đồng. Công trình chống xói lở sông Kiến Giang (Lệ Thuỷ) nhà thầu bỏ vốn gần 15 tỷ đồng để đưa công trình vào sử dụng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.