| Hotline: 0983.970.780

Những cuộc tình buồn

Thứ Tư 31/03/2010 , 10:32 (GMT+7)

Chuyện bắt trộm vợ của người Lào dọc sông Nậm Mu trên đất Lai Châu không còn xa lạ đối với người dân ở đây mỗi khi mùa xuân về. Tìm hiểu kỹ tục lệ này thấy nhiều điều bất ổn...

Chuyện bắt trộm vợ của người Lào dọc sông Nậm Mu trên đất Lai Châu không còn xa lạ đối với người dân ở đây mỗi khi mùa xuân về. Tìm hiểu kỹ tục lệ này thấy nhiều điều bất ổn, không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân & Gia đình, mà báo động về sự suy giảm giống nòi, khi mà luật pháp ở đây đang bị gạt ra ra rìa…

>> Kịch bản cho những cuộc bắt vợ
>> Mùa bắt vợ

Trở lại chuyện của Lò Văn Đôi (xem NNVN từ ngày 29/3), vợ chồng Đôi chỉ sinh được một cô con gái, tên là Lò Thị Hặc, tiếng Lào “hặc” có nghĩa là yêu thương. Cô gái yêu thương mà vợ chồng họ sinh ra không thứ của cải nào sánh được. Quan niệm của người Lào, họ phải có con trai, con trai để thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Người chăm sóc miếng cơm cho người đã khuất, nếu người nào không có con trai, khi chết không có ai cho ăn, sẽ trở thành “ma đói”, “ma khát”. Vì thế họ phải xin con trai về nuôi, thường là con của những người anh em trong gia đình họ tộc hoặc lấy con rể làm con trai mình.

Không đẻ được con trai khiến vợ chồng Đôi rất lo lắng, nhà anh em cũng chỉ có một hai người con, vả lại nếu xin con nuôi thì phải xin từ bé, thì nó mới chịu ở với mình. Vợ chồng Đôi bàn với vợ chồng chị gái ruột của Đôi tên là Lò Thị Kẻo cùng ở bản Phiêng Sản, xin thằng Lò Văn Si con trai của chị gái về làm con rể để làm con trai. Đôi thành thật: Mình phải xin chị gái cho thằng Si lấy con Hặc nhà mình để làm con trai. Nếu lấy người khác, sợ nó không ở với mình, sau này mình chết không ai cúng cho mình đâu… 

Đôi vợ chồng kết hôn cận huyết, con chị gái lấy con em trai

Lò Thị Hặc sinh năm 1991, năm nó 14 tuổi đang học lớp 6, thằng Lò Văn Si hơn nó mấy tuổi, thì hai gia đình tổ chức cho thằng Si bắt con Hặc về làm vợ. Sau 3 hôm thì bố mẹ thằng Si tới nhà Đôi thông báo chuyện thằng Si bắt con Hặc. Trước mặt anh em họ hàng, vợ chồng Đôi xin thằng Si về làm con trai. Đôi cười bảo: Thằng Si là con rể, nhưng mình xin nó làm con trai thì mình phải cưới vợ cho nó. Sau 3 tháng ngày thằng Si bắt con Hặc mình tổ chức đám cưới, cưới tại nhà mình chứ. Mình mổ tạ bảy lợn mời anh em về uống rượu, nếu con gái mình lấy người khác thì họ phải trả mình một con trâu và mấy đồng bạc trắng, vì mình xin thằng Si về làm con trai, nên gia đình nó không phải trả trâu bò và bạc trắng cho mình….

Năm nay Lò Thị Hặc mới 19 tuổi nhưng đã sinh được 2 đứa con, đứa lớn là con gái chừng 3 tuổi, đứa thứ hai là con trai chưa đầy một tuổi da vàng ệch, ốm nhách nom chẳng khác gì con mèo hen quấn trong một đống chăn nhầu nhĩ bố bế sưởi nắng ngoài kia. Tôi hỏi Hặc, cô bé chẳng ngại ngần bảo: Người yêu của cháu là người khác, không phải là chồng cháu bây giờ đâu, vì bố mẹ bắt thì chúng cháu phải lấy nhau thôi…

Hôm nay bác ruột Lò Văn Hải là Lò Văn Kẻo được nhà trai đến nói chuyện sau khi cô con gái của ông là Lò Thị Pỏm bị thằng Lò Văn Sí bắt trộm về làm vợ cách đây 3 hôm. Khi chúng tôi đến ông Kẻo đang ngồi đợi khách. Ông Kẻo có 11 người con, 6 con gái và 5 con trai. Trong 6 cô con gái đã lấy chồng, thì có 3 người đến ở rể, 3 người bị bắt trộm, con Pỏm là cô gái út vừa bị thằng Sí bắt về làm vợ. Ông Kẻo cho biết: Người trộm vợ phải chịu phạt, không giống như người đến ở rể. Nhà trai phải dắt một con trâu sang cho nhà gái, còn đám cưới nhà trai mang sang nhà gái con lợn 80 kg, 60 lít rượu, 40 kg gạo, 500 ngàn đồng…Tiền bạc bây giờ khó tìm thì tính bằng tiền giấy, cũng nhẹ nhàng thôi, ngày trước đám cưới nào cũng phải có tiền bạc, nhà nào nghèo thì không kiếm nổi tiền bạc cho nhà gái đâu. Bao giờ nhà trai chuẩn bị được đầy đủ thì cưới, có đôi vợ chồng đẻ hai ba con rồi mới cưới mà…

Ngồi nói chuyện một lúc thì bố của chú rể Lò Văn Sí là Lò Văn Ban cùng bác trai Lò Văn Ún đến, họ lên cầu thang phía “táng quản” (phía trước) còn Sí và Pỏm mang thực phẩm và rượu lên cầu thang phía “táng chan” (phía sau). Pỏm sinh năm 1990, học hết Trung học phổ thông cơ sở năm ngoái, nó từng là học sinh tiên tiến có giấy khen của trường treo ngay trên xà nhà nơi bàn tiếp khách. Nghe tôi hỏi chuyện, cô bé mặt đỏ bừng không trả lời cứ cười tít mắt đi gánh nước, làm cơm tiếp khách. Thằng Sí mặt non choẹt cắm cúi nhóm lửa, luôn tránh ống kính máy ảnh của tôi, dường như nó xấu hổ thì phải. 

Bữa cơm nhà trai thưa chuyện với nhà gái về chuyện bắt trộm vợ của con trai họ

Tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi nhìn những người bên họ nhà trai và họ nhà gái đến nói chuyện “lặc âu teo mia má” (bắt trộm vợ) của thằng Sí cứ thấy họ hao hao giống nhau như anh em một nhà. Ông Kẻo chẳng cần giấu giếm: Mẹ của tôi là chị của bố chú Ban, hai gia đình tôi có họ phía đằng ngoại đấy…Như vậy, thằng Sí với con Pỏm là anh em trực hệ đời thứ ba, thằng Sí phải gọi con Pỏm là chị, đó điều mà Luật Hôn nhân & Gia đình cấm. Ông Kẻo và những người dân sống ở đây có biết những điều Luật Hôn nhân & Gia đình cấm? Nhiều đôi kết hôn cận huyết, hệ luỵ của việc kết hôn cận huyết cho ra đời những đứa trẻ ốm yếu, còi cọc như con của vợ chồng Lò Thị Hặc và Lò Văn Si mà tôi vừa thấy.

Ông Kẻo ngồi nhẩm tính từ trước Tết đến giờ bản Phiêng Sản có nhiều cuộc bắt trộm vợ, ông không nhớ hết. Ngày 14/1 âm lịch thằng Lò Văn Điền (đã đổi tên) sinh năm 1991 đang học trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Lai Châu đã bắt trộm con Lò Thị Sam 17 tuổi về làm vợ. Hải cho biết, Điền bắt trộm vợ là vì nhà Điền hiện không có người làm việc. Sau khi bắt được vợ, thằng Điền tiếp tục về trường học. Thằng Lò Văn Ban đang học lớp 9 nó bắt con Lò Thị Pỏm sinh năm 1993 vào ngày 10/1 âm lịch, ngày 12/1 âm lịch thằng Hoàng Văn Sam bắt trộm con Lò Thị Bun cùng bản… Những đôi vợ chồng này có cùng huyết thống với nhau hay không, thì chỉ những người trong bản biết.

Tôi hỏi ông Kẻo về những đôi vợ chồng bị bắt trộm họ có ra đăng ký kết hôn ở UBND xã không? Ông Kẻo đáp: Cũng có người đi đăng ký, nếu không đi đăng ký, khi bỏ nhau thì không được đền, xã không giải quyết cho đâu. Theo phong tục của người Lào, nếu cưới rồi mà người con gái bỏ chồng thì phải đền cho nhà trai số trâu, lợn, tiền bạc họ mang sang nhà gái làm đám cưới, còn người con trai bỏ vợ thì họ phải trả tiền công lao động cho cô gái trong thời gian cô ấy ở nhà mình. Có nhiều đôi vợ chồng đẻ 2-3 đứa con rồi họ mới đi đăng ký kết hôn, khi có việc gì xảy ra người dân trong bản và hai họ giải quyết trước, ít khi đưa ra xã lắm…

Thật khó hình dung nổi phía sau chuyện bắt trộm vợ là những mối quan hệ họ tộc nhằng nhịt. Ông Kẻo cho hay, bản Phiêng Sản trước đây chỉ có hơn hai chục nóc nhà, trải qua mấy chục năm, nay có gần 90 hộ nhà nào cũng có mối quan hệ anh em, không dính họ nội thì dính họ ngoại. Ông lắc đầu bảo tôi: Khó lắm, chuyện họ hàng lấy nhau không tránh được đâu…Được biết xã Mường Khoa và Phúc Khoa chỉ có 8 bản người Lào, đầu nguồn dòng Nậm Mu huyện Phong Thổ có xã Nà Tăm dân tộc Lào ở đây khá đông, nhưng người Lào ở xã Mường Khoa lấy vợ lấy chồng ở Nà Tăn không nhiều, vì đường đi lối lại chẳng thuận tiện chút nào. Còn người Lào lấy người dân tộc khác thì cũng hãn hữu.

Bữa cơm gia đình ông Lò Văn Ban mang đến nhà ông Lò Văn Kẻo để gia đình ông Ban có lời thưa với gia đình ông Kẻo về chuyện thằng Sí bắt trộm con Pỏm về làm vợ. Rượu được rót ra, ông Kẻo và bác của thằng Sí ngồi phía trên, hai người sẽ thưa chuyện với nhau, còn thằng Sí và con Pỏm lúi húi trong bếp, hai đứa sẽ ăn ở mâm trong bếp, dành cho đám con gái đàn bà và lũ trẻ con. Tôi bắt chước mọi người rót rượu từ chén của mình trước khi uống vào hai chiếc chén đặt ở đầu mâm, người ta gọi đấy là chén “giác lẩu” (chén mời tổ tiên gia chủ): Xin chúc các bác và mọi người mạnh khoẻ, chúc hạnh phúc cho hai cháu…Điều tôi không dám nói ra, điều mà tôi mong đợi là những đứa con của đôi vợ chồng hôm nay tôi uống rượu mừng đây sinh ra không ốm yếu, còi cọc hay dị dạng vì sự kết hôn cận huyết. Vâng, chỉ cầu mong có vậy thôi… (Hết)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất