| Hotline: 0983.970.780

Những đặc tính ưu việt của phân lân nung chảy

Thứ Năm 15/05/2014 , 14:03 (GMT+7)

Phân lân nung chảy Văn Điển là loại phân kiềm tính, không tan trong nước nhưng tan được trong môi trưởng axit yếu do đầu rễ cây tiết ra nên cây trồng có thể hấp thụ được mà lân không bị cố định trong nước, an toàn về môi trường sinh thái. 

Phân lân nung chảy (Fused Calcium Magnesium Phosphate - FMP hay Calcium magnesium phosphate - CMP) được SX bằng cách nấu chảy hỗn hợp quặng phosphat với serpentin hoặc olevin, manhezit… sau khi làm lạnh đột ngột thu được sản phẩm ở dạng thủy tinh, nên còn gọi là phân lân thủy tinh.

CÔNG NGHỆ - SẢN PHẨM – ĐẶC TÍNH

Do và công nghệ SX và tỷ lệ phối liệu nên phân lân nung chảy có những đặc tính sau đây:

Phân lân nung chảy là loại phân kiềm tính: Tính kiềm của phân bón được thể hiện thông qua giá trị pH của dung dịch 5% (hoặc 0,1M) trong nước, chỉ số này so sánh giữa các loại phân bón cho thấy phân lân nung chảy có độ kiềm cao nhất trong số các loại phân lân hiện có trên thị trường ở nước ta:

Phân lân nung chảy

Superphosphat

MAP

DAP

8,0 - 8,5

4,5

4,0

7,8

Tính tan: Độ hòa tan của phân lân được xác định bởi số gram phân bón tan trong 100g nước ở nhiệt độ 200C. Độ hòa tan (g/100g H2O) của một số loại phân lân trong nước ghi trên bảng sau:

Phân lân nung chảy

Superphosphat

MAP

DAP

0

38

40,3

71,0

Tuy phân lân nung chảy không tan trong nước nhưng tan được trong một số axit hữu cơ yếu nên được xếp vào loại phân chậm tan, điều này có ý nghĩa quan trọng về an toàn môi trường sinh thái, không gây ra hiện tượng phú dưỡng môi trường nước làm tăng trưởng các loại thực vật bậc thấp (rong, tảo) tạo ra những biến đổi lớn trong hệ sinh thái nước, như đã xảy ra ở các nước phát triển Mỹ, Anh, Đức…

Về thành phần hóa học: Thành phần hóa học chủ yếu của một số loại phân lân cho thấy lân nung chảy và Lân super có thành phần dinh dưỡng (lân nguyên chất  P2O5) tương đương được thể hiện:

Loại phân

P2O5

CaOhòa tan

MgOhòa tan

SiO2 hòa tan

Phân lân nung chảy

15 - 19

≥ 28

≥ 15

≥ 24

Superphosphat

16 - 16,5

11

-

-

MAP

50

-

-

-

DAP

46

-

-

-

Các đặc tính ưu việt của lân nung chảy:

Là nguồn lân dự trữ thân thiện với cây trồng và môi trường:

Người ta phân chia lân ở trong đất làm 4 nhóm: nhóm 1 gồm các ion phosphat tan trong dung dịch đất, nhóm 2 là các ion phosphat linh động bị hấp phụ trên bề mặt sét hoặc chất hữu cơ (mùn), nhóm 3 gồm các ion phosphat ít linh động, bị hấp phụ trong trong cấu trúc sét và mùn, dần dần trở thành dạng liên kết hóa học và bị cố định, nhóm 4 là phosphat bị cố định dưới dạng tricanxi phosphat hoặc phosphat sắt, nhôm. Lân dễ tiêu trong đất dễ bị chuyển hóa từ nhóm 1 và 2 sang nhóm 4 và mất khả năng trao đổi.

Phần lớn các loại đất ở nước ta có phản ứng chua (pH thấp), nghèo Ca2+, Mg2+, độ bão hòa bazơ thấp, giàu sesquioxit, hàm lượng Al3+ và Fe3+ tự do cao nên dạng phosphat hòa tan (nhóm 1) hầu như không còn, dạng linh động (nhóm 2) có hàm lượng thấp. Lân ở trong đất chủ yếu ở dạng phosphat sắt, nhôm không hoạt động.

Khi bón phân lân hòa tan (như superphosphat) vào đất feralit, đất phù sa sông Hồng, đất phèn thì trong 2 - 3 ngày đầu đã có 80 - 90% lượng lân chuyển hóa sang dạng phosphat sắt, nhôm khó tan và 1 - 2 tháng sau thì hầu hết lân đã chuyển thành phosphat sắt kết tủa.

Các nhà khoa học Ấn Độ đã xác định rằng, trên đất trồng cà phê có tới 70 - 90% lượng lân bị cố định trong đất ở dạng phosphat không hòa  tan [5].

Quá trình cố định lân gây ra bởi tác nhân hydroxit sắt, nhôm ngậm nước trên bề mặt các khoáng sét có cấu trúc kiểu kaolinit: X - OH + H2PO4 ® X H2PO4 + OH-

Khi pH giảm, kaolinit trở nên trội điện tích dương và sự hấp thụ lân tăng lên đột ngột, nhất là khi pH từ 5 giảm xuống 4 và thấp hơn. Trong khoảng pH phổ biến của đất chua, lượng lân bị cố định tăng tuyến tính với lượng lân bón vào đất. Như vậy, hiện tượng cố định hóa học lân là rất nghiêm trọng, cường độ hấp thụ lân tỷ lệ thuận với Fe3+ và Al3+ và tỷ lệ nghịch với giá trị pH của đất.

Khi bón phân lân nung chảy vào đất, lân sẽ tan từ từ trong axit do rễ cây tiết ra nên không xảy ra hiện tượng cố định lân; mặt khác, phân lân nung chảy là loại phân kiềm tính sẽ làm tăng độ pH của đất nên không những bị cố định lân mà còn làm giảm hiện tượng cố định lân của các dạng phân lân hòa tan khác.

Cung cấp nguồn canxi dễ tiêu, cải thiện môi trường đất:

Về mặt cải tạo đất, khi Ca2+ < 2ldl/100g đất đã cần phải bón vôi (Mandra, 1975). Lượng canxi trong 1kg phân lân nung chảy tương đương 0,5-0,7kg canxi cacbonat, do vậy bón phân lân nung chảy không cần dùng vôi để khử chua như khi dùng các loại phân lân khác. Như vậy canxi cũng có tác dụng gián tiếp đến hiện tượng cố định lân thông qua việc tăng giá trị pH của đất.

Vai trò của magiê: Magiê cùng với canxi góp phần làm tăng độ bão hòa kiềm của đất, cải thiện khả năng trao đổi cantion của đất. Magiê kích thích hoạt động của nhiều loại men, Mg là thành phần của diệp lục, liên quan đến việc đồng hóa CO2 và tổng hợp protein.

Magiê cũng điều chỉnh pH và cân bằng cation - anion nội bào. Mg có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành hoạt động của các enzym tham gia trao đổi nitơ và trao đổi chất. Do vậy, Magiê có khả năng làm tăng hàm lượng tinh bột của khoai tây, các loại ngũ cốc, tăng lượng đường ở củ cải đường và mía. Magiê còn có tác dụng thuận lợi cho sự ra hoa, tạo quả.

Vai trò của silic: Các tài liệu nghiên cứu đã cho thấy, Silic có tác dụng làm cho cây trồng hút cân đối các chất dinh dưỡng, cải thiện quá trình trao đổi chất, làm tăng tỷ lệ sử dụng N; Silic có tác dụng điều tiết hút lân. Ở đất có nhiều Fe, Al di động, silic có tác dụng hấp thụ Fe, Al do đó nâng cao khả năng sử dụng lân; Silic cũng nâng cao lượng hút các nguyên tố  vi lượng Mn, Zn, Cu, B…

Bón silic giúp cho cây lúa cứng cáp, giữ được bộ lá xanh đậm lâu, hấp thu tốt ánh sáng, giảm tỷ lệ lúa đổ tới 65% so với đối chứng; Silic có tác dụng tăng sức đề kháng cho cây trồng, tăng khả năng kháng bệnh, như bệnh tàn lụi khô héo, bệnh thối rễ và bệnh đốm mép lá.

Ngoài ra, silic còn có tác dụng cải thiện chất lượng nông sản, với cây lúa làm tăng tỷ lệ gạo nguyên 4,9%, hàm lượng tinh bột tăng 1,4 - 3,4%, hàm lượng protein tổng số tăng 0,5%. Silic cũng nâng cao hàm lượng đường của mía, nâng cao phẩm chất thuốc lá.

XU HƯỚNG SỬ DỤNG PHÂN LÂN NUNG CHẢY

Với những ưu điểm kể trên mà một số nước đã phát triển SX phân lân nung chảy, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Brazil, Nam Phi, Việt Nam và Trung Quốc…, như ở Trung Quốc, tỷ lệ lân nung chảy hiện là 15%, lân super 14% trong các loại phân có chứa lân. Ở nươc ta, theo quy hoạch phát triển hệ thống SX phân bón giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2025 như sau:

Đơn vị: Nghìn tấn

Loại phân

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2025

Nhu cầu, nghìn tấn P2O5

805

885

885

SX

 

 

 

            Superphosphat

1.200

1.200

1.200

            Phân lân nung chảy

1.100

1.100

1.100

            Phân DAP(*)

660

990

990

* Đến năm 2015, DAP còn phải nhập khoảng 250.000 tấn

Tuy nhiên Quy hoạch nêu trên là Quy hoạch mở, về phân lân nung chảy không hạn chế sản lượng mà chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của nông nghiệp.

PHÂN LÂN NUNG CHẢY VĂN ĐIỂN

Trên cơ sở nhập công nghệ SX phân lân nung chảy của TQ từ năm 1962 với thiết kế ban đầu có công suất 20.000T/năm. Đến nay, qua nhiều lần nghiên cứu, cải tạo, mở rộng, nhà máy đã đạt công suất 300.000T/năm, trong đó phân lân: 265.000 tấn, Phân NPK Đa yếu tố 60.000 tấn, xuất khẩu: 12.000 tấn/năm.

Về chất lượng, Phân lân nung chảy Văn Điển là loại phân kiềm tính, không tan trong nước nhưng tan được trong môi trưởng axit yếu do đầu rễ cây tiết ra nên cây trồng có thể hấp thụ được mà lân không bị cố định trong nước, an toàn về môi trường sinh thái.

Ngoài ra các nguyên tố canxi, magiê và silic hòa tan giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng kháng được một số loại bệnh, đồng thời nâng cao được chất lượng nông sản.

Phân lân nung chảy Văn Điển là một hướng phát triển bền vững do hoàn toàn dùng nguyên liệu, nhiên liệu trong nước, thiết bị được nghiên cứu và chế tạo ở trong nước; công nghệ luôn được nghiên cứu cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí SX và nâng cao năng suất lao động, là nguồn phân nội chất lượng ngoại giá rẻ đáp ứng nhu cầu mọi mặt của bà con nông dân.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất