| Hotline: 0983.970.780

Những 'dị nhân' bỏ phố vào rừng sống: Bài 3 - Người lính Nhật gần 30 năm ẩn náu trên đảo

Thứ Tư 22/05/2019 , 09:08 (GMT+7)

Với một số cựu binh chiến tranh, xung đột không kết thúc khi thỏa thuận ngừng bắn được ký. Một số người gặp những chấn thương tâm lý vì những gì đã trải qua. Số khác từ chối chấp nhận việc cuộc chiến đã đi qua. Một số người thậm chí phủ nhận nó. Hiroo Onoda là một người như thế.

115325979
Hiroo Onoda thời trẻ. Ảnh: Pinterest.

Câu chuyện về người sĩ quan tình báo Nhật Bản ẩn mình trên một hòn đảo của Philippines gần ba thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc trở nên nổi tiếng vào năm 1974 và đã trở thành minh chứng cho sức chịu đựng kỳ diệu của con người. Onoda đã trải qua 29 năm tham gia một cuộc chiến của riêng mình, theo Vintage News.

Chiến tranh Thế giới II kết thúc, rất nhiều người lính thuộc Quân đội Hoàng gia Nhật Bản không thể đối mặt với sự thật là đất nước mình đã đầu hàng. Họ vẫn kiên trì tiếp tục các hoạt động chiến tranh du kích tại những khu vực mà Nhật từng đồn trú.

Onoda không phải người lính Nhật cuối cùng chấp nhận sự thật thua cuộc. Chỉ sau ông vài tháng, Teruo Nakamura cũng ra đầu hàng. Nhưng nếu Nakamura dừng mọi hoạt động chiến đấu ngay sau khi chiến tranh kết thúc và chỉ muốn “mai danh ẩn tích” thì Onoda là người chịu trách nhiệm cho một số cuộc xung đột với cảnh sát Philippines cùng người dân địa phương.

Hiroo Onoda sinh năm 1922, là hậu duệ của dòng dõi samurai. Cha ông phục vụ trong Quân đội Hoàng gia và bị giết ở Trung Quốc năm 1943. Năm 1944, Onoda được điều tới đồn trú trên đảo Lubang, Philippines. Viên sĩ quan tình báo trẻ nhận lệnh phải bằng mọi giá ngăn chặn các cuộc tấn công của quân Đồng minh nhằm vào hòn đảo, bảo vệ nó trước bàn tay của kẻ thù. Mệnh lệnh mà Onoda nhận kèm theo một chỉ dẫn: “Trong mọi hoàn cảnh, không được phép đầu hàng hay tự sát”.

Dù với mệnh lệnh như vậy, Onoda từng bị các sĩ quan cấp trên ngăn ông thực hiện một hoạt động phá hoại. Những sĩ quan này muốn đầu hàng khi lực lượng Mỹ và Philippines chiếm đảo vào ngày 28/2/1945. Trung úy Onoda, cùng với ba binh sĩ khác, trốn thoát thành công và lên ẩn náu trên núi.

Binh nhất Yuichi Akatsu, hạ sĩ Shoichi Shimada và binh nhất Kinshichi Kozuka tiếp tục cuộc chiến dưới sự lãnh đạo của trung úy Onoda, thực hiện các hành vi phá hoại nhỏ và không ít lần đấu súng với cảnh sát địa phương.

Dù được xem những tờ rơi thông báo Nhật Bản đã đầu hàng, họ không tin vì cho rằng đây là một phần trong hoạt động tuyên truyền, tung tin giả của kẻ thù. Sự ngờ vực của họ càng được củng cố bởi cảnh sát Philippines luôn nổ súng mỗi khi nhìn thấy nhóm 4 binh sĩ Nhật.

Cuối năm 1945, tờ rơi được rải bằng máy bay xuống vùng núi nơi họ ẩn náu. Lần này, chúng do tướng Tomoyuki Yamashita, chỉ huy quân đội Nhật tại Philippines và Đông Dương, ký. Tuy nhiên, 4 người vẫn phủ nhận. Onoda cho rằng chữ ký là giả.

Năm 1949, binh nhất Yuichi Akatsu trốn khỏi nơi ẩn náu và đầu hàng chính quyền địa phương. Lời kêu gọi những người còn lại ra đầu hàng tiếp tục được phát đi nhưng Onoda và hai đồng đội quyết tâm khước từ, khăng khăng tin rằng cuộc chiến chưa kết thúc.

Năm 1953, hạ sĩ Shimada bị bắn trúng chân khi đối đầu với một số ngư dân có vũ trang địa phương. Dù trốn thoát, vài năm sau, Shimada bị một nhóm tìm kiếm giết chết. Onoda và Kozuka đã kịp thoát thân.

Nỗ lực của Kozuka chấm dứt vào năm 1972 khi cảnh sát đột kích và ngăn chặn họ đốt những cánh đồng lúa tại một ngôi làng lân cận. Nhóm của Onoda đã trở thành một mối phiền toái thực sự. Người dân địa phương vừa căm ghét vừa sợ hãi họ bởi tư duy thời chiến khiến họ trở nên khó đoán.

Từ đây, Onoda chỉ còn lại một mình. Không còn khả năng tấn công du kích, ông ở lại trên núi, tìm mọi cách để sống sót qua ngày.

2153259157
Onoda trong ngày trở về quê hương. Ảnh: Jiji Press.

Có lẽ Onoda đã chết trong rừng trên đảo Lubang nếu không có Norio Suzuki, một nhà thám hiểm, mạo hiểm gia chuyên đi tìm kiếm các sĩ quan Nhật mất tích.

Suzuki tiếp cận Onoda vào năm 1974, làm bạn với ông và cuối cùng thuyết phục được ông rằng chiến tranh đã chấm dứt. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, Onoda đã kể về cuộc gặp. “Chàng trai hippie Suzuki lặn lội tới đảo để nghe một người lính giãi bày. Suzuki hỏi tôi vì sao không chịu ra mặt”, ông nhớ lại.

Không lâu sau lần gặp gỡ, Suzuki trở về Nhật với các bức ảnh về Onoda để mời thiếu tá Yoshimi Taniguchi, người từng là sĩ quan chỉ huy của Onoda trong thời kỳ chiến tranh, đích thân tới Philippines nói với Onoda rằng cuộc chiến đã đi qua gần ba thập kỷ. Taniguchi kiếm sống bằng nghề bán sách sau khi chiến tranh kết thúc và rất bất ngờ trước yêu cầu từ Suzuki. Nhưng đây là cách duy nhất để khiến Onoda đầu hàng.

Taniguchi đến Lubang và chính thức chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Onoda vào ngày 9/3/1974. Ông giao nộp lại kiếm, súng, đạn dược cùng một số lựu đạn. Trong số vũ khí có một con dao là món quà từ mẹ của ông từ năm 1944. Mục đích duy nhất của con dao là giúp Onoda tự sát nếu bị bắt.

Sau khi hồi hương, Onoda trở nên nổi tiếng, thu hút được sự chú ý từ truyền thông. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ân xá cho những việc làm của Onoda, bao gồm một số vụ giết người, chỉ vì ông tin rằng chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Onoda qua đời ngày 16/1/2014 vì suy tim do biến chứng viêm phổi. Giờ đây, ông vẫn là một nhân vật đáng kính trọng không chỉ ở Nhật mà trên toàn thế giới, truyền cảm hứng cho không ít người.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất