| Hotline: 0983.970.780

Những doanh nghiệp đường đang tự mình tạo ra năng lực cạnh tranh!

Thứ Năm 01/03/2018 , 19:45 (GMT+7)

Những ngày đầu xuân Mậu Tuất này, có một chuyện rất lạ lùng ở Hậu Giang khiến dư luận xã hội hết ngạc nhiên đến bất bình. Đó là việc yêu cầu tất cả các đơn vị phải có các giải pháp hỗ trợ ngành mía đường. 

Muốn giải cứu cần đổi mới công nghệ, tăng năng suất…

Sở dĩ có việc đó, là vì nhà máy đường Cần Thơ đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện đang tồn kho một lượng đường 30.000 tấn. Lý do là khách hàng đang chờ đợi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan. Trong số 10 nhà máy mía đường tại Đồng bằng sông Cửu Long thì đến nay đã có 4 nhà máy phải đóng cửa do sản xuất không hiệu quả. Nguyên nhân chính là sản phẩm đường không thể cạnh tranh giá bán với mặt hàng đường từ các nước khu vực ASEAN. Đây chỉ là những hậu quả ban đầu thời hội nhập ASEAN đối với sản xuất mía đường khi công nghệ nhà máy lạc hậu, diện tích trồng mía nhỏ lẻ, sử dụng nhiều nhân công và giống kém chất lượng. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến hết tháng 1/2018, các nhà máy đường trong cả nước còn tồn kho hơn 200.000 tấn đường. Tuy nhiên, giới phân tích ngành đường cho rằng, nếu dùng mệnh lệnh hành chính để “giải cứu” nhà máy thì có hiệu quả không? Và nếu đường không được mua thì sao?

18-35-58_co-gioi-ho-4
Cơ giới hóa trồng mía

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, bất cứ một doanh nghiệp để phát triển tốt, để cạnh tranh được đều phải dựa vào quy luật thị trường và những thể chế chung của nhà nước. Một nền kinh tế phải dựa vào giải cứu thì không thể nào tốt được. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, phải có tầm nhìn quốc gia ngay từ đầu, đừng để đến mức phải kêu gọi giải cứu, mà lại kêu gọi chính những người đang khó khăn nhất. Doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì những người trong doanh nghiệp là những người khó khăn nhất. “Bản thân doanh nghiệp đừng trông cậy vào những giải pháp này. Hãy tự mình tạo ra năng lực cạnh tranh...”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói và cho rằng, vấn đề của mía đường có thể không phải nguyên nhân từ chính doanh nghiệp. Có sự không rõ ràng ngay từ đầu các yếu tố đảm bảo mía đường có cơ hội cạnh tranh với thị trường, cho nên mía đường mới lâm vào tình trạng này và buộc phải kêu cứu. Còn vấn đề cán bộ, công chức được phân “chỉ tiêu” giải cứu đường tồn kho cho doanh nghiệp không giải quyết vấn đề gì cả, không phải mấu chốt vấn đề, đây chỉ là giải pháp cấp bách.

Để đối phó với đường Thái Lan giá rẻ, thì con đường duy nhất của nhà máy đường Cần Thơ là đổi mới thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng năng suất mía, để sản xuất ra những cân đường có giá thành thấp hơn của Thái Lan, để không những được người trong nước chấp nhận, mà còn có thể xuất khẩu ngược sang đất nước họ. Ngoài con đường đó, không còn con đường thứ hai. Còn nếu cứ bám mãi vào những mệnh lệnh hành chính thì ắt hẳn không thể giải quyết vấn đề.

Hiện nay, Thái Lan mua mía với giá 28 - 30 USD/tấn, chúng ta mua gần 50 USD/tấn dưới thì nông dân không trồng được nữa, nhà máy đóng cửa, còn nếu mua theo giá nông dân để cạnh tranh được Thái Lan đó là chuyện “hái sao trên trời”. Mình có chính sách về quota hạn ngạch, nhưng gần như bằng không vì lượng đường nhập lậu gấp 5 lần lượng đường hạn ngạch được phân bổ. Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, đường nhập lậu chiếm 1/3 sản lượng được tiêu thu của Việt Nam (30% thị phần tối thiểu). Vì thế, doanh nghiệp không hề dễ thở. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải tăng năng suất lao động, mở rộng diện tích canh tác…

Từ câu chuyện của ngành mía đường hay câu chuyện của các ngành nông sản khác, chúng ta thấy được một bài toán cố hữu chưa có hướng giải quyết của nền nông nghiệp nước nhà là việc quy hoạch, cơ cấu ngành một cách hợp lý. Các doanh nghiệp thấy lợi là phát triển ồ ạt, không tính theo phương án dài lâu. Trong khi đó, một nền kinh tế mạnh không thể cứ đứng ra bảo hộ các doanh nghiệp mà phải có phương án để các doanh nghiệp tự lớn lên, phát triển mạnh mẽ hơn, nâng cao sức cạnh tranh.

Thách thức sẽ tạo ra cơ hội

Hội nhập ATIGA, Việt Nam bước tiếp đến ngưỡng cửa phải xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường, trong khi nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước than khó và muốn kéo dài bảo hộ thì một số đơn vị khác đã có được lối đi riêng, xem thách thức là cơ hội để mở rộng ngành đường với chiến lược: Đường không chỉ sản xuất từ mía mà còn từ đường thô. Quả thật, khó chồng khó nhưng mía đường vẫn có lợi thế riêng. Một số “ông lớn” lại chọn thời điểm này để bước vào sân chơi ngành mía đường. Vinamilk đã chi khoảng 1,000 tỷ đồng để sở hữu 65% vốn Công ty Đường Khánh Hòa và đổi tên công ty này thành CTCP Đường Việt Nam (Vietsugar). Hiện Đường Khánh Hòa đã đạt công suất 10,000 tấn mía/ngày, luyện đường thô khoảng 1,000 tấn/ngày. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư mở rộng công suất lên 15,000 tấn mía/ngày; luyện đường thô độc lập 2,000 tấn/ngày. Hay Tập đoàn Kido bước chân vào mảng đường thông qua việc ký kết hợp tác với Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) - đơn vị sở hữu Đường Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT, vừa nhận sáp nhập Đường Biên Hòa) và có lợi thế về thị phần ngành đường trong nước. Hiện nay nhiều đơn vị gặp khó khăn về vùng nguyên liệu từ mía, chỉ những đơn vị nào chủ động tìm hướng phát triển thì mới có thể tồn tại được.

Nguyên liệu nào có ưu thế hơn (mía hay đường thô) thì sẽ được sử dụng. Riêng TTC sẽ chủ động cân bằng cả hai nguồn nguyên liệu. SBT đã có kế hoạch nâng công suất đường luyện từ đường thô thông qua việc đầu tư hai nhà máy tại Tây Ninh và Biên Hòa. HĐQT SBT đã phê duyệt chủ trương đầu tư trên với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ mía sang tập trung vào đường thô để sản xuất đường nhằm thích ứng trong quá trình hội nhập và cạnh tranh. Trong đó, nhà máy tại Tây Ninh của SBT hiện có công suất 200,000 tấn/năm (đường sản xuất từ mía 100,000 - 120,000 tấn/năm, từ đường thô 80,000 - 100,000 tấn/năm). Nhà máy tại Biên Hòa có công suất 100,000 tấn/năm (đường sản xuất từ mía 60,000 tấn/năm, từ đường thô 40,000 tấn/năm). Sau khi đầu tư, công suất sản xuất đường tối thiểu tại nhà máy Tây Ninh đạt 300,000 tấn/năm và Biên Hòa là 180,000 tấn/năm, hướng đến toàn bộ đều là đường luyện từ đường thô. Lãnh đạo ngành đường TTC khẳng định hội nhập ATIGA cũng là cơ hội cho TTC mở rộng ngành đường với mục tiêu lên 1 triệu tấn đường/năm (công suất hiện nay đạt hơn 650,000 tấn đường/năm).

Song song đó, SBT cũng đã nắm bắt thị hiếu tiêu dùng trong nước, nhanh chóng gia nhập sân chơi mới với mong muốn mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và hướng tới sự phát triển bền vững. Công ty đã cho ra đời sản phẩm đường hữu cơ mang thương hiệu T.SU Special Organic, hứa hẹn mở ra xu hướng mới sử dụng đường sạch, chất lượng trong cộng đồng người tiêu dùng thông minh. Sản phẩm này đáp ứng tất cả những quy trình nghiêm ngặt về organic và được biết, SBT đã hợp tác với các tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union và Peterson Consultancy, đầu tư dự án sản xuất đường hữu cơ này và đánh giá cấp chứng nhận Phương pháp sản xuất sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu (EC 834/2007 & EC 889/2008) và Mỹ (USDA - NOP).

Doanh nghiệp này đã tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu đầu tư nguồn mía nguyên liệu hữu cơ trong 200 ha diện tích đất của Nông trường Biên Giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và vẫn đang tiếp tục triển khai diện tích gần 1.500 ha tại Attapeu để sản xuất đường organic và có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây có thể xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong sản xuất sản phẩm đường hữu cơ ở Việt Nam.

Còn về phía Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS), tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 đơn vị này cho biết đã chuẩn bị cho ATIGA từ nhiều năm nay. LSS tập trung tạo hệ thống giống mía mới, đổi công nghệ chế biến đường, chú trọng những vùng nguyên liệu có diện tích lớn… Bên cạnh đó, LSS cũng sẵn sàng hội nhập với mục tiêu hàng năm nhập khẩu và mua trong nước 30 - 40% sản lượng sản xuất trở lên để tinh luyện và sản xuất sản phẩm mới có giá trị tăng cao từ mía đường.

Hiện nay, ngành mía đường Việt Nam đang đứng trước thách thức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thách thức cũng chính là cơ hội. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tiên phong trong ngành đã làm được điều này. Các sản phẩm nội địa tốt với giá thành hợp lý, ngang bằng hoặc rẻ hơn so với sản phẩm ngoại nhập hay sản phẩm orgacnic vẫn luôn thu hút khách hàng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Cộng hưởng cùng đó, các sản phẩm cạnh đường và sau đường cũng đang là lợi thế nâng cao năng lực sản xuất vận hành để cạnh tranh và trụ vững trên sân nhà.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.