| Hotline: 0983.970.780

Những đôi chân chạy qua thử thách

Thứ Năm 02/01/2020 , 06:50 (GMT+7)

Niềm tự hào dân tộc có thể được kể bằng nhiều chất liệu nhưng trong thời đại này, không gì hấp dẫn, lan tỏa và xúc động hơn những câu chuyện về thể thao.

Chiến thắng bệnh tật

Một trong những hình ảnh xúc động nhất ở SEA Games 30 là khi Nguyễn Thị Oanh bị co giật sau khi cán đích ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật.

14-40-59_1
Nguyễn Thị Oanh co giật sau khi về đích nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.

Cô gái vàng của điền kinh Việt Nam bị quá sức, bởi vừa chạy 5.000m trong sáng 10/12 và chỉ được nghỉ ít giờ trước khi bước vào nội dung thứ ba trên đất Philippines. 15 phút sau, Oanh vẫn vã mồ hôi như tắm. Trả lời phỏng vấn, cô nói mà như khóc: "Cảm ơn cơ thể đã giúp tôi chịu đựng được đến thế này".

Trở thành VĐV đỉnh cao đã khó. Chiến thắng bệnh tật để trở thành VĐV đỉnh cao còn khó hơn gấp bội. Oanh từng dự SEA Games năm 2013 và giành HCB, nhưng chỉ một năm sau đó, ngay khi kết thúc Đại hội Thể dục Thể thao Toàn quốc lần thứ 7, cơ thể chân chạy người Bắc Giang bị phù nề đột ngột.

Vào viện khám, VĐV sinh năm 1995 phát hiện bị viêm cầu thận và buộc phải nghỉ tập 6 tháng. “Tôi từng tham dự lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad 2014 rồi… ở nhà”, Oanh nhớ lại. “Tôi buồn chán vô cùng, ngại gặp mọi người vì ngoại hình xấu xí”.

Đó không phải lần đầu trong sự nghiệp, Nguyễn Thị Oanh đứng trước những ngã rẽ. Bắt đầu nổi lên từ những năm 2010, đến khi lên lớp 9, Oanh được nhận vào Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, sau đợt sơ tuyển, cô bị các thầy loại vì thể hình quá nhỏ bé - cao chưa đến 1m50, nặng chưa đến 40kg thời điểm đó. Ít lâu sau, bằng nỗ lực không ngừng trên đường làng và những cánh đồng huyện Lạng Giang, cô nữ sinh trường THPT Ngô Sĩ Liên được các thầy trên đội tuyển quốc gia để mắt. Qua nửa năm lớp 10, Oanh chuyển xuống Nhổn, Hà Nội rồi vào đội tuyển trẻ quốc gia năm 2012.

Xa nhà, thiếu thốn sự chăm sóc của bố mẹ, Oanh một mình phải vượt qua những buổi tập nặng, những cơn nôn khan, không đi đứng nổi trên đường chạy. Ở tuổi vừa trưởng thành, Oanh nhiều lần khóc thầm vì cực nhọc nhưng rồi gạt đi.

Cô để dành nước mắt cho những lần cán đích, nhất là tại đấu trường SEA Games. Còn ngoài đời, Oanh suy nghĩ đơn giản: "Không chơi thể thao, tôi chẳng biết làm gì. Nhiều bạn tập cùng tôi ngày xưa giờ đều đổi nghề. Duy chỉ còn tôi là bám trụ”.

14-40-59_2
Nguyễn Thị Oanh giành 3 HCV tại SEA Games 30, nhiều nhất trong các VĐV điền kinh.

Nhà có 8 anh chị em, sống trong cảnh vất vả từ sớm, Oanh kiên định theo đuổi nghiệp thể thao. Cơn bạo bệnh hồi cuối năm 2014 không quật ngã được cô, để rồi tới tháng 6/2015, “Ốc tiêu” người Bắc Giang tập trở lại.

Lỡ hẹn với SEA Games năm 2015, nhưng Oanh không nản chí. May mắn kịp tham dự SEA Games năm 2017, chân chạy Bắc Giang đoạt 2 HCV ở cự ly 1.500m và 5.000m. Một năm sau, cô dự Asiad 2018 và phá sâu kỷ lục ở nội dung sở trường 3.000m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 43 giây 83.

Trưởng đoàn điền kinh Dương Đức Thủy thốt lên: "Oanh là nữ VĐV Việt Nam đầu tiên hoàn thành cự ly này dưới 10 phút. Đó là điều chưa từng có của điền kinh Việt Nam tại châu lục".

Điền kinh Việt Nam không thật mạnh ở những cự ly ngắn, nhưng lại đứng đầu Đông Nam Á ở các cự ly trung bình, từ 400m đến 1.500m. Oanh nằm trong số ấy.

Mỗi lần lao đi trên đường chạy, cô không chỉ mang tài năng trên đôi chân mà còn để trong đó bao nhiêu quyết tâm của những ngày tháng vất vả thời quá khứ. Với Oanh, đường chạy như một người bạn, mà mỗi lần xuất phát cô đều lao đi như thể không còn có ngày mai.
 

Giành chiến thắng cho con

Nếu Nguyễn Thị Oanh chiến thắng bệnh tật để chạm tới vinh quang, thì Nguyễn Thị Huyền lại phải chôn vùi bản năng của một người mẹ. Ba tháng sau khi sinh mổ, VĐV quê Nam Định đã tập trở lại. Ba tháng sau nữa, cô quyết định cai sữa cho con. Quyết định để bố mẹ chồng nuôi con bằng sữa ngoài, Huyền sáng đi tối về trên sân tập chỉ để chờ ngày dự SEA Games 30.

Nổi lên từ SEA Games năm 2015, Huyền đoạt 3 HCV và 2 chuẩn Olympic ở nội dung 400m và 400m rào. Với khuôn mặt xinh xắn cùng kỳ tích trên đường chạy, Huyền chạm ngõ thành công ngay lần đầu ra biển lớn. Tuy nhiên, những hào quang quá nhanh khiến cô tụt dốc sau đó.

14-40-59_3
Niềm vui của Nguyễn Thị Huyền sau khi bảo vệ tấm HCV nội dung 400m.

Từ giải vô địch thế giới 2015, Olympic Rio và giải vô địch thế giới 2016, Huyền đều thi đấu dưới sức. Không những chẳng giành huy chương, cô còn làm buồn lòng người hâm mộ khi cách quá xa kỷ lục 56 giây 15 ở nội dung 400m rào.

Giữa khó khăn, Huyền bất ngờ lên xe hoa với chàng giảng viên Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Nhiều người nghĩ cô sẽ sớm khép lại sự nghiệp, nhưng không ngờ đó lại là bước ngoặt giúp cô đứng dậy.

Sau khi đạt thành tích tốt nhất sự nghiệp 56 giây 14 ở giải vô địch châu Á, Huyền tiếp đà thành công và giành 3 HCV ở các nội dung sở trường tại SEA Games năm 2017. Và khi chưa kịp nhận hết lời chúc mừng, Huyền lại một nữa gây sốc khi gác lại sự nghiệp để làm mẹ.

Trở lại tập luyện từ đầu năm 2019, Huyền gặp vô vàn khó khăn dù được ông xã giúp sức. “Sau thời gian sinh, các bó cơ rất lỏng, tôi hầu như không cảm nhận được sức mạnh và tốc độ vốn có. Những tháng đầu tập lại, tôi cảm tưởng như là ‘con heo’ đang chạy chứ không phải mình nữa. Mỗi bước chạy cứ như có hai chai nước đeo trước ngực. Nhiều lúc mệt, nôn khan, tôi đã nghĩ tới việc bỏ cuộc”, nhà vô địch SEA Games tâm sự.

“Nhưng rồi tôi nghĩ đến con, đến những thiệt thòi mà con đã chịu. Tôi lấy lại quyết tâm, và tự hứa phải thi đấu thật tốt để khi trở về được vui vẻ, bù đắp cho con quãng thời gian thiếu thốn tình cảm của mẹ”.

Ngoài việc cải thiện thành tích như các VĐV bình thường, Huyền còn phải nghiên cứu thêm các giáo án giảm cân. Cô chia sẻ: “Phụ nữ sau sinh, nếu vội vàng ép tập thể lực hoặc tập tạ rất dễ chấn thương.

Bởi vậy, tôi tự nhủ là quyết tâm nhưng không được vội vàng. Cũng may là giờ tôi nhiều kinh nghiệm, biết lắng nghe cơ thể mình và tự cân đối, điều chỉnh khối lượng tập. Mỗi ngày nhìn con số được cải thiện, tôi rất vui và phấn khích, có nhiều động lực để tập luyện hơn”.

14-40-59_4
Nguyễn Thị Huyền ở ba kỳ SEA Games liên tiếp đều có HCV.

Trước SEA Games ba tháng, Huyền đến với cơ hội “vớt” tại giải điền kinh vô địch quốc gia ở TP.HCM. Xuất sắc giành 2 HCV nội dung 400m và 400m rào, cô được triệu tập bổ sung lên đội tuyển dự SEA Games 30.

Dù vậy, đội điền kinh khi ấy đã đủ quân số và thi đấu ăn ý, với niềm hy vọng số một là Quách Thị Lan. Sau nhiều cân nhắc, Huyền được đăng ký ở hai nội dung sở trường 400m và 400m rào, nhường nội dung tiếp sức 4x400m cho người khác.

“Tôi chỉ có một tháng để chuẩn bị cho giải vô địch ở TP.HCM. Trước khi thi, tôi có thời gian dài không được ngủ tối cùng con vì sợ sáng hôm sau không đủ sức tập. Thấy thương và rất tội cho con nhưng chẳng biết làm thế nào”, Huyền kể tiếp.

“Con gái đã chịu nhiều thiệt thòi để tôi có được HCV. Tấm HCV này là bao mồ hôi nước mắt của hai mẹ con. Đây có lẽ là chiếc HCV nhiều cảm xúc nhất, thậm chí hơn cả lúc tôi giành HCV đầu tiên và phá kỷ lục ở những kỳ đại hội trước”.

Xem thêm
Những người bạn hội ngộ cùng sắc màu cố đô Huế

‘Những người bạn’ là cuộc triển lãm của 8 họa sĩ có chung đam mê sáng tạo và tình yêu cố đô, khai mạc hôm nay 29/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất