| Hotline: 0983.970.780

Những dự án siêu bí mật của Mỹ: Dự án tấn công Mặt Trăng thời Chiến tranh Lạnh

Thứ Ba 20/08/2019 , 08:44 (GMT+7)

Cuối những năm 1950, giữa hỗn loạn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã phát triển một dự án siêu bí mật có tên A119 kích hoạt bom nguyên tử trên Mặt Trăng.

1134041375
Dự án A119 tham vọng phóng tên lửa mang bom nguyên tử nhằm vào Mặt Trăng. Ảnh: Business Insider.

Chính phủ Mỹ cảm thấy cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ sau khi Liên Xô ngày 4/10/1957 phóng thành công Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào quỹ đạo Trái Đất, khởi đầu cuộc chạy đua vũ trụ. Giới lãnh đạo Mỹ muốn cả thế giới phải choáng ngợp. Họ cảm thấy cần có một hành động phô diễn sức mạnh lấn át, phải ấn tượng hơn là việc chỉ sao chép Liên Xô phóng vệ tinh. Cuối cùng, họ quyết định đánh bom nguyên tử Mặt Trăng.

Dù quân đội Mỹ về mặt kỹ thuật không thừa nhận việc tham gia vào dự án trên, nó vẫn được đưa ra thảo luận rộng rãi như một thực tế. Nổi tiếng hơn cả, Dự án A119 đã được tiết lộ trong cuốn tiểu sử sau khi chết của nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Carl Sagan. Ông khẳng định mình đã tham gia vào dự án.

Người viết tiểu sử của Sagan chỉ phát hiện về dự án bởi ông đã vi phạm các tiêu chuẩn bảo mật khi liệt A119 vào danh mục “kinh nghiệm nghiên cứu” trong một lá đơn xin học bổng sau đại học. Lúc bấy giờ, Sagan mới là nghiên cứu sinh tiến sĩ và thực hiện dự án với giáo viên hướng dẫn của mình, nhà thiên văn học Gerard Kuiper, dưới sự chỉ đạo từ giáo sư vật lý Leonard Reiffel tại Viện Công nghệ Illinois.

Sau khi cuốn tiểu sử về Sagan được phát hành, chính Reiffel cũng thừa nhận về dự án trong một cuộc phỏng vấn với báo Observer, nơi ông thảo luận về các mục tiêu, nghiên cứu thực tiễn và khoa học đằng sau dự án.

Về mặt lý thuyết, kế hoạch này khá hợp lý. Có thời điểm, các nhà khoa học NASA tham gia dự án tin rằng họ có thể bắn chính xác vào Mặt Trăng trong bán kính hai dặm. Năm 1958, khi dự án được thành lập, các loại vũ khí nhiệt hạch đã được phát triển vượt mặt những loại bom phân hạch kiểu cũ. Tuy nhiên, các lãnh đạo dự án vẫn quyết định dùng loại bom phân hạch truyền thống, giống với quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Nhật Bản, cho nhiệm vụ ném bom Mặt Trăng vì nó có trọng lượng nhẹ hơn.

Một quả bom nhiệt hạch được cho là quá nặng để lắp lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khi nó phải đi qua bầu khí quyển.  Mục tiêu lớn nhất là dằn mặt Liên Xô nhưng các nhà khoa học cũng háo hức trước cơ hội được tìm hiểu thêm về lớp vỏ của Mặt Trăng và cách vũ khí nguyên tử hoạt động ngoài không gian.

Tuy nhiên, họ lại bỏ qua những vấn đề chiến lược rõ ràng khi ném bom nguyên tử Mặt Trăng. Nó không chỉ đắt đỏ mà còn dẫn tới một xu hướng quân sự hóa không gian. Các nhà khoa học còn lo ngại vụ nổ có thể phá hủy bề mặt Mặt Trăng và tiêu diệt bất kỳ vi sinh vật nào ở đó.

Bản thân Reiffel cho hay ông cũng phản đối kế hoạch vì “khoa học sẽ phải trả một cái giá khổng lồ khi phá hủy môi trường Mặt Trăng nguyên sơ”, nhưng Không quân Mỹ lại chỉ quan tâm tới “vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng sẽ tác động tới Trái Đất như thế nào”.

Dự án A119 về sau bị hủy bỏ với lý do rằng công chúng chắc chắn sẽ phản ứng tiêu cực trước một cuộc tấn công nhằm vào Mặt Trăng. Thực tế, khi kế hoạch được tiết lộ vào cuối những năm 1990, công chúng đã phản ứng với thái độ nhạo báng và tức giận. Họ cho rằng đây là một hành động kích động bạo lực vô nghĩa.

2134041479
Carl Sagan. Ảnh: BBC.

Hơn một thập kỷ sau khi kế hoạch tấn công Mặt Trăng của Mỹ bị hủy bỏ, Hiệp ước ngoài Vũ trụ cùng hàng loạt thỏa thuận khác đã được ký kết để ngăn chặn việc quân sự hóa không gian. Thay vào đó, các chính phủ sẽ tái tập trung vào mục tiêu hạ cánh lên Mặt Trăng.

Một dự án tương tự của Liên Xô, mật danh E4, cũng bị hủy bỏ. Dù rất ít thông tin được hé lộ về dự án này, các tài liệu rò rỉ cho thấy dường như lý do nó bị hủy giống với dự án A119. Ngoài ra, người Nga còn lo ngại về việc vụ phóng thất bại có khả năng gây thương vong lớn cho dân thường.

Dù tuổi thọ Dự án A119 khá ngắn ngủi, một số mục tiêu khoa học dự án đề ra vẫn đang được giới nghiên cứu trên toàn cầu thực sự quan tâm. Năm 2009, NASA phóng một tên lửa nặng 2.300 kg vào bề mặt Mặt Trăng để tìm hiểu về độ sâu cũng như thành phần của nó. Nhiệm vụ này đã thành công phần nào khi các chuyên gia phát hiện ra có nước trên Mặt Trăng song nó không tác động đủ lớn để thu về những mẫu vật mà NASA mong muốn.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).