| Hotline: 0983.970.780

Những đứa trẻ không dám lớn

Thứ Sáu 05/11/2010 , 12:58 (GMT+7)

Những trẻ làm nài luôn cơ cực, gánh đầy nguy hiểm, nếu giải nghệ là thất học và tương lai mịt mờ. Chính vì thế, các nài đều không muốn lớn bởi nếu nặng quá 40kg thì không được ra sân.

Trong tiếng hò hét của những tay cá cược chuyên nghiệp, những nài ngựa mặt “búng ra sữa” tay cầm dây cương, tay quất roi thúc ngựa cắm đầu lao về đích mặc cho bùn đất bắn tung toé đầy mặt. Đâu ai biết rằng, những trẻ làm nài cơ cực, đầy nguy hiểm này bị cuốn vào cá cược và nếu giải nghệ là thất học và tương lai mịt mờ. Chính vì thế, các nài đều không muốn lớn bởi nếu nặng quá 40kg thì không được ra sân.

>> Khuất sau vó ngựa trường đua

Nhịn ăn, uống thuốc xổ

Theo quy định hiện hành về chì (số ký ngựa phải mang khi đua) áp dụng cho năm 2010 ở nhóm tốc độ A quy định chì 39 kg, nhóm B 37kg, nhóm C 35 kg (tương ứng với cân nặng của nài). Quy định này khiến cho những thanh niên từ đủ 18 tuổi trở lên khó có khả năng đáp ứng được vì thường cân nặng vượt quá quy định. Do đó, khi các nài ngựa trưởng thành đồng nghĩa với việc giã từ công việc nài ngựa.

Ông Phạm Văn Keo (Ba Keo), quyền Hội trưởng Hội chủ ngựa CLB đua ngựa Phú Thọ, cho biết: "Nhiều nài ngựa ra đời quá sớm, kiếm được nhiều tiền nhưng lại bị các đầu nậu cá cược rủ rê vào tệ nạn xã hội và đã có những trường hợp trở thành con nghiện ma túy như nài K.1, nài P… Cách đây khoảng 3 năm, có 2 nài ngựa khá nổi tiếng là P.2 và L.2 bất ngờ chết do chích ma tuý quá liều”.

Ông Ba Keo bảo rằng: “Đời nài ngựa thật ngắn ngủi, rất ít ai trụ được với nghề sau 3-4 năm mặc dù trước đó mất từng ấy thời gian tập luyện. Sau khi bị vắt kiệt sức trên vó ngựa trường đua, nài ngựa trở thành những thanh niên không học vấn, nghề nghiệp”. CLB Thể thao Phú Thọ hiện có khoảng 40 nài đang tham gia đua thường xuyên phần lớn ở huyện Đức Hòa (Long An), Biên Hòa (Đồng Nai) và ngoại thành TP.HCM như: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh. Những đứa trẻ này muốn theo nghề nài ngựa đành phải bỏ học từ rất sớm để giành thời gian tập luyện.

Trao đổi với chúng tôi, nài Phan Văn Dũng tức Dũng (ở xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết: “Năm 2010, em đã trên 90 lần về nhất. Em rất muốn theo nghề nhưng càng lớn em lại càng lo vì tăng cân đồng nghĩa với việc phải từ giã nghề. Buồn lắm”. Hàng ngày, nài Dũng ra sức tập rượt ngựa, quần ngựa để cuối tuần được cưỡi ngựa đua cho thoả chí. Do là nài xuất sắc nên mỗi tuần Dũng có thể kiếm được 3 - 4 triệu đồng. Sau Dũng là nài Tú (tên thật là Nguyễn Duy Thanh Tú ở Đức Hoà, Long An) đã 16 lần về nhất trong năm 2010. Khi nghe chúng tôi hỏi khi giải nghệ em tính làm gì chưa? Tú thật thà: "Em nghỉ học từ lớp 7 để theo nghề nài ngựa, bây giờ chỉ muốn được làm nài thôi chứ nghỉ thì em không biết làm gì".

Nghề nài ngựa là một nghề nguy hiểm. Các nài cho ngựa cho biết, sợ nhất là khi đua bị té chân còn dính trong bàn đạp sẽ bị kéo lê một đoạn dài. Tệ hại hơn, nài té xuống bị vó ngựa từ phía sau lao tới đạp lên. Có nài bị té gãy chân hay chấn thương đầu phải nằm viện cả mấy tháng. Có nài còn mang thương tật suốt đời phải bỏ nghề dù mới tham gia đua. Nài Tân ở Đức Hòa, Long An cho biết: "Em làm nài ở trường đua Phú Thọ được một năm và sau khi bị té trên đường đua chấn thương nặng phải bỏ nghề. Làm nghề nài nguy hiểm lắm anh ạ. Do không được trang bị áo giáp như ở các trường đua khác trên thế giới nên khi té ngựa thì khả năng bị chấn thương rất cao do ngựa đạp phải".

Điều lệ đua ngựa ở Trường đua Phú Thọ quy định, các em ở lứa tuổi từ 15 có thể được huấn luyện để trở thành nài ngựa, và sau 6 tuần huấn luyện phải trải qua một số bài kiểm tra sẽ được phép cưỡi ngựa. Nài ngựa là một công việc có thể dễ kiếm tiền, vì vậy không ít gia đình xem đây là cơ hội để thoát khỏi cảnh túng bấn nên không ngần ngại cho con nghỉ học theo nghề. Vì thế có không ít cậu bé còn sử dụng cả giấy khai sinh giả có tuổi lớn hơn tuổi thật để tham gia vào lớp huấn luyện nhằm sớm trở thành nài ngựa.

Một cán bộ tại trường đua Phú Thọ thừa nhận: “Các nài D.M, T.B, N, T.H là những nài chỉ 12- 13 tuổi”. Một nài còn tiết lộ: “Để ra sân, không ít nài phải nhịn ăn giảm cân để được cưỡi ngựa. Có những lúc lên cân hoặc để đủ điều kiện được cưỡi ngựa, phải giảm cân nhanh bằng cách uống thuốc xổ, uống thuốc lợi tiểu cho mất nước nhanh. Uống thuốc xổ rồi đi tiêu liên tục một hai ngày có thể giảm cân nặng từ 2 đến 5kg. Đã có trường hợp nài nhịn ăn, uống thuốc xổ và bị ngất trên mình ngựa khi đang đua vì kiệt sức".

Trái luật?

Ông Nguyễn Nhất, một chuyên gia về đua ngựa cho biết: “Ở các trường đua trên thế giới, các nài ngựa được đào tạo rất bài bản dưới sự quản lý của Hiệp hội Nài ngựa. Hầu hết các nước có ngành đua ngựa, huấn luyện cho nài ngựa bắt đầu từ lứa tuổi 16 - 18. Sau khi trải qua hai hay nhiều cuộc huấn luyện gay gắt và phải vượt qua các kỳ thi khắt khe, họ sẽ được các cơ quan chức năng đua ngựa cấp phép hành nghề.

Nài ngựa là một nghề lâu dài và gặt hái nhiều kinh nghiệm khi họ ngày càng trở nên già dặn. Thực tế, nài ngựa nổi tiếng người Anh Lester Piggot chỉ về hưu ở tuổi 60. Ở Việt Nam hiện chưa do chưa có Hiệp hội Nài ngựa nên nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo đội ngũ nài ngựa phải thực hiện như một nghề chuyên nghiệp. Họ được cấp thẻ hành nghề, vì thế sẽ hạn chế được những trường hợp nài bán độ, giúp nài ngựa ổn định cuộc sống, góp phần làm bộ môn đua ngựa mang tính thể thao cao thượng vốn có của nó.

Được biết, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo yêu cầu phải chấm dứt việc sử dụng trẻ em làm nài ngựa tại Trường đua Phú Thọ trước ngày 5/6/2009. Tuy nhiên cho đến nay đã hơn một năm, nài trẻ em vẫn tiếp tục được sử dụng. Những người tổ chức đua ngựa xem ra còn phớt lờ quy định này cũng như Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục  trẻ em, Bộ luật Lao động và một số điều luật khác quy định liên quan đến trẻ em.

Luật sư Trần Minh San (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: "Điều 4 Luật Doanh nghiệp về ngành nghề cấm kinh doanh: kinh doanh trò chơi nguy hiểm, có hại đến sức khỏe trẻ em. Nài ngựa là một nghề nguy hiểm, có cá cược và nài ngựa là nghề không thuộc đối tượng được luật cho phép sử dụng trẻ em. Do vậy, những trường hợp sử dụng trẻ em trong hoạt động đua ngựa là trái với pháp luật”. Một số người quản lý trường đua Phú Thọ lại phản bác: Ngựa đua tại trường đua Phú Thọ là loại ngựa cỏ (ngựa nhỏ con) nên phải sử dụng trẻ em làm nài để có số ký (chì) ít thì ngựa chạy mới nổi?

 Luật sư Trần Minh San vẫn bảo vệ quan điểm: “Không thể vì lý do đua ngựa cỏ mà tiếp tục vi phạm pháp luật khi sử dụng nài trẻ em”. Ông Lê Anh Dũng, Phó Giám đốc thường trực Ban điều hành, Chủ nhiệm CLB thể thao Phú Thọ, thừa nhận: “Ban điều hành dự án không ký hợp đồng lao động cho các nài. Các em được cha mẹ đưa tới trường đua để được huấn luyện, cấp thẻ nài và chỉ nhận tiền qua những cuộc đua. Khó khăn hiện nay là môn đua ngựa chưa chính thức được công nhận là môn thể thao do đó chưa thể phát triển được một cách quy củ”. (Hết)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất