| Hotline: 0983.970.780

Những đứa trẻ mang họ 'tùy'

Thứ Bảy 26/05/2018 , 08:01 (GMT+7)

Thay vì việc để con tự quyết định học gì, làm gì sau này, nhiều bố mẹ luôn luôn định hướng con mình theo ý.

tu-vn-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-du-tren-xu-huong-nghe-nghiep-trong-5-nm-toi-1155336205
Ảnh minh họa

Trong khi đó, cũng không ít trẻ dù sắp bước vào ngưỡng của của cuộc đời vẫn loay hoay không biết… tương lai mình sẽ ra sao. Và kết cục là: thôi thì bố mẹ đặt đâu… con ngồi đấy.
 

Mẹ thích gì con học nấy

Mấy hôm nay, chị Hạnh (Ba Đình, Hà Nội) lo đứng lo ngồi khi cậu con trai cả chính thức thi đại học, cậu thứ 2 vào lớp 10. Với con thứ hai, nỗi lo của chị Hạnh là 1 (vì nếu không đỗ vào công lập chị Hạnh sẽ cho cu cậu vào học trường dân lập) thì cậu con đầu chị lo 10.

“Việc học trường nào quyết định cả cuộc đời con sau này. Theo lực học và mấy lần thi thử cho các môn ban A, con mình được khoảng 24 điểm. Nhưng đến giờ cháu cũng chả biết… nên học trường nào. Hỏi nó thích học gì, nó bảo không biết. Hỏi nó sau muốn làm nghề gì… lúc nó bảo thích làm kinh doanh, khi làm thầy giáo, lúc lại thích… kỹ sư xây dựng. Sau khi nghe mẹ phân tích các mặt của từng nghề… nó buông câu: Tóm lại mẹ thích con học gì thì con học ấy!”, chị Hạnh than thở.

Theo chị Hạnh thì quả tình suốt 18 năm bên con nhưng chị chưa bao giờ thấy con tỏ ra thích thú một công việc gì ngoài… nấu nướng. Nhưng chị lại nghĩ, là đàn ông chẳng lẽ suốt ngày úp mặt vào bếp, người ướp toàn hành mỡ? Chưa kể, mặc dù con rất thích nấu ăn nhưng món nào cũng dở. Thế nên dù trong đầu có lúc chị lóe lên suy nghĩ hay cho con học về công nghệ hóa thực phẩm, nấu ăn… nhưng chị Hạnh gạt ngay ý định đó.

Trường hợp chị Hạnh chỉ là ví dụ điển hình của việc chọn nghề cho con của nhiều gia đình hiện nay. Còn Mai, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Không chỉ mình em, nhiều bạn khác nối đuôi nhau vào giảng đường, mù mờ về tương lai, sự định hướng của bố mẹ đôi khi lại bẻ cong ước mơ của con cái để rồi đến khi tốt nghiệp ra trường cũng chẳng biết mình sẽ đi đâu về đâu, làm gì với tấm bằng kia.

Bởi bản thân em học đại học cũng theo ý mẹ, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, loay hoay xin việc mãi không xong; em đành cất tấm bằng nơi góc tủ và đi học may. Ở môi trường mới này, em đã tìm được đam mê bên những đường cắt, những mẫu áo, váy thời trang… Em thực sự tiếc 4 năm vô ích ở giảng đường đại học.
 

Bố mẹ đừng quyết định thay con

PGS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhìn nhận, trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh ông đã gặp không ít tình huống này. Lỗi một phần do bản thân các em không nhận thức được mình thực sự thích điều gì, khả năng mình đến đâu trong khi bố mẹ lại quá bao bọc con mình.

Ông Hà cho rằng, chọn được công việc phù hợp là cách để các em vui sống khi làm việc 8 tiếng mỗi ngày, để thấy mình có giá trị khi cảm nhận được niềm vui từ những cống hiến cho xã hội. Vì thế, “chọn nghề nghiệp vì nghề đó hot, coi nó là công cụ kiếm tiền và thăng tiến có nghĩa là các bạn đã thất bại ngay từ đầu trong việc định hướng. Nghề nghiệp cũng như con người, nếu không cùng nó phát triển thì sẽ nhanh chóng bị đào thải", ông Hà thẳng thắn bày tỏ.

Để quyết định lựa chọn nghề nghiệp theo đam mê hay theo xu thế thời thượng, các em cần biết các nguyên tắc: chỉ nên chọn nghề mà bản thân có đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn ngành, nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ; không chọn ngành xã hội không có nhu cầu và chọn nghề đáp ứng được những giá trị bản thân, coi trọng và có ý nghĩa.

“Muốn làm nghề gì trước hết bản thân phải thích nó, tức là hứng thú với công việc trong nghề, nếu không thích thì đừng chọn. Chúng ta không thể thay đổi nghề dễ như thay đổi cái áo được. Hơn nữa, ta không dễ gì đến với nghề khác theo sở thích của bản thân mình ngay sau khi ta đã chán nghề đã chọn… Đối với người lao động, chỉ có niềm đam mê, hứng thú với công việc mới có thể giúp học vượt qua những khó khăn của nghề nghiệp, giúp họ ngày càng hoàn thiện nghề nghiệp để có được một sự nghiệp vững chắc”, PGS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Hà thì trước khi quyết định chọn nghề, các em hãy tự đặt ra cho mình câu hỏi “tôi làm được nghề gì?” và tìm câu trả lời bằng cách tự kiểm tra năng lực học tập, năng khiếu, tính cách của mình có phù hợp với các yêu cầu của nghề đặt ra hay không.

PGS Hà cũng lưu ý, có nghề mình thích nhưng không làm được, có nghề mình không thích (do chưa hiểu giá trị và ý nghĩa của nghề) nhưng trong nhiều trường hợp, sự hứng thú, say mê đối với nghề dần được hình thành trong chính quá trình lao động làm việc trong nghề nghiệp đó.

“Đối với bố mẹ chỉ nên định hướng, phân tích, nếu có điều kiện giúp con trải nghiệm với lựa chọn của mình. Tuyệt đối đừng làm thay, đừng quyết định hộ trẻ. Điều đó không khuyến khích sự suy nghĩ, cũng như việc ra quyết định và chịu trách nhiệm đối với việc làm của trẻ sau này”, PGS Hà nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 21)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất