| Hotline: 0983.970.780

Những giai thoại về hổ ở rừng già Tam Đảo

Thứ Sáu 04/02/2022 , 09:38 (GMT+7)

Các cụ cao niên sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo kể lại nhiều giai thoại rùng mình một thời về hổ.

Vườn Quốc gia Tam Đảo có hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú. Một trong những loài vật khét tiếng một thời tại khu vực rừng già hoang vu này chính là hổ. Xưa kia, người dân sống xung quanh dãy núi Tam Đảo đến buổi tối hầu như ít người dám ra ngoài bởi sợ bị hổ vồ.

Bà Lý Thị Tình kể các câu chuyện về hổ nơi rừng già Tam Đảo. Ảnh: Ngọc Huyền.

Bà Lý Thị Tình kể các câu chuyện về hổ nơi rừng già Tam Đảo. Ảnh: Ngọc Huyền.

Bà Lý Thị Tình, năm nay gần 70 tuổi quê ở xóm Bậu, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên vẫn còn nhớ như in những câu chuyện rùng mình được ông bà, bố mẹ kể lại về “ông ba mươi” nơi rừng già Tam Đảo.

Mẹ bà kể lại rằng, ngày còn nhỏ cứ đến 8 giờ tối mọi người trong xóm không ai dám ra đường, trừ phải đi công việc quan trọng, không sẽ chỉ ở trong nhà, cửa đóng then cài, nhốt chó, gà, lợn cẩn thận đề phòng hổ về làng.

Do trong rừng ngày càng khó săn mồi nên buổi tối hổ hay mò về nhà dân để bắt vật nuôi, trong đó lợn và chó hay bị hổ bắt nhất.

Một lần, nhà bà Lạng ở Xóm Bậu, xã Văn Yên, hàng xóm nhà bà Tình đang tắm bỗng nghe thấy tiếng động trong chuồng lợn, vội vàng vừa chạy ra ngoài đã thấy hổ đang cắp lợn nhảy vọt ra khỏi chuồng nhẹ như lông hồng.

Hoảng quá, bà Lạng liền gõ kẻng báo hiệu cho làng xóm đến giúp. Nhưng con hổ mặc dù cắp lợn nhưng vẫn phi nhanh như tên bắn không ai cản được, thoáng cái đã mất hút vào trong rừng nên dân làng đành bất lực không ai dám đuổi theo.

Vườn Quốc gia Tam Đảo trước đây là một trong những nơi có rất nhiều hổ sinh sống. Ảnh: Ngọc Huyền.

Vườn Quốc gia Tam Đảo trước đây là một trong những nơi có rất nhiều hổ sinh sống. Ảnh: Ngọc Huyền.

Đến khi lấy chồng về xóm Chuối, xã Ký Phú, bà Tình lại được mẹ chồng kể rất nhiều câu chuyện khác về hổ.

Một lần mẹ chồng bà Tình buổi tối ngồi trong nhà để sàng sảy gạo, con chó đang nằm bên cạnh để liếm bụi cám bỗng cụp đuôi chui vào gầm giường rên ư ử khi có một mùi hôi nồng nặc sộc vào nhà. Sáng hôm sau tỉnh dậy mở cửa, mẹ chồng bà Tình thấy một đống bọt dãi của con hổ để lại trước cửa nhà do rình mồi bất thành đêm qua để lại.

Rồi trong xóm có một cụ tên Hào, trong một lần đi rừng về lúc chập choạng tối, khi về đến bìa rừng bỗng nghe tiếng kẻng gõ ở trong xóm, biết là có hổ về bắt lợn, bắt chó, cụ Hào nấp sẵn trong bụi guột với cây dao quắm trên tay đón lõng đúng lối mà ông Hào đoán con hổ có thể chạy qua.

Quả thực, chỉ vài phút sau tiếng kẻng, con hổ to lừng lững như trâu mộng đang quắp lợn chạy từ phía nhà dân vào rừng. Cụ Hào đợi sẵn lúc hổ chạy qua liền vung dao lên chém thật mạnh hết sức bình sinh, con hổ do giật mình đã nhả con lợn rồi chạy biến vào rừng.

Hôm sau, người dân đi làm vô cùng kinh hãi khi thấy con hổ sau đó đã quay lại quần nát nhừ tử bụi guột nơi ông Hào núp để chém nó. Từ bận đó, ông Hào sợ và cảnh giác không bao giờ dám đi vào rừng một mình vì sợ bị hổ trả thù.

'Tháng sáu hùm náu bụi sim' là câu truyền miệng của người dân sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo khi xưa về hổ còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Ảnh: Ngọc Huyền.

"Tháng sáu hùm náu bụi sim" là câu truyền miệng của người dân sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo khi xưa về hổ còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Ảnh: Ngọc Huyền.

Một câu chuyện vô cùng huyền bí khác về hổ mà bà Tình được mẹ bà kể lại. Đó là ngày còn nhỏ khi mẹ bà đi ở đợ cho một gia đình nhà nọ thì biết được câu chuyện cô con gái nhỏ nhà đó đã từng bị hổ vồ trong rừng nhưng may mắn không bị ăn thịt mà giữ lại để nuôi, may mắn được người đi rừng thấy và đưa về nhà.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là đứa bé sau khi bị hổ bắt đã bị hổ liếm vào đầu đến mức trọc hết tóc và trở thành như người ngớ ngẩn không còn nhớ gì hết. Từ đó, dân làng đồn đoán, có thể do lưỡi con hổ sắc như dao cạo hoặc nước dãi con hổ có gì đó nên mới khiến cô bé kia rụng hết tóc và mất trí nhớ, mất vía như vậy.

Không đâu xa, ngay trong họ nhà bà Tình cũng có một nạn nhân của hổ. Đó là ông chú Hoàng Ba, năm ấy mới 13 tuổi, trong một lần đi vào rừng lấy măng đã nhìn thấy hổ. Sau khi trở về nhà vì sợ hãi quá nên bị mất vía, không lâu sau đã qua đời không rõ nguyên nhân.

Câu chuyện thương tâm nhất về hổ bà Tình được nghe kể lại xảy ra ở xóm Bậu, xã Văn Yên. Theo đó, có ba người đàn ông đi xẻ gỗ làm nhà, tối quá ngủ lại trong rừng. Trong ba người đó, có một người đàn ông sợ hổ nhất nên buổi tối đã chui vào nằm ở giữa, thật kỳ lạ là đêm hôm đó con hổ đã vồ và bắt đúng người đàn ông nằm giữa đó.

Ngoài những câu chuyện trên, xung quanh vườn quốc gia Tảm Đảo còn rất nhiều câu chuyện, giai thoại khác về hổ như “tháng sáu hùm náu bụi sim” để kể về chuyện hổ đến tháng sáu sẽ hay rình ở bụi sim để bắt người đi hái sim.

Nhưng theo chia sẻ của người dân, không phải ai hổ cũng bắt, có người cả đời đi rừng không bao giờ gặp hổ, đi xẻ ngủ trong rừng cả tháng trời cũng không gặp hổ, nhưng có người chỉ lần đầu vào rừng đã bị hổ vồ như là số mệnh vậy.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.