| Hotline: 0983.970.780

Những giống ngô thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Hai 23/01/2012 , 08:39 (GMT+7)

LVN 61 và LVN 8960 là hai giống ngô lai nội mà nhiều người ví von khi trồng nó nhà nông như được mua một thứ bảo hiểm nông nghiệp đặc biệt.

Trong xu thế diễn biến khó lường của thời tiết, thiên tai thảm họa càng ngày càng khắc nghiệt thì chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với các hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đang được các nhà khoa học chú ý bậc nhất.

LVN 61 và LVN 8960 là hai giống ngô lai nội mà nhiều người ví von khi trồng nó nhà nông như được mua một thứ bảo hiểm nông nghiệp đặc biệt. Thời tiết tốt, năng suất cao, thời tiết kém cũng không thất thu, trắng ruộng...

Vụ xuân năm 2011 tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), Trạm Khuyến nông huyện đã làm mô hình trình diễn giống ngô LVN 61 trên đất cấy được một vụ, xa nguồn nước tưới. Trong điều kiện ngoại cảnh khó khăn như thế, ngô thể hiện rõ ưu thế vì là cây trồng cạn, có điều kiện thuận lợi để đầu tư thâm canh dù gặp khô hạn còn lúa phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước. Ở Tú Đoạn bà con đã thu hoạch LVN 61 đạt năng suất 7,5 tấn/ha. Tính về hiệu quả kinh tế, LVN 61 đánh gục cây lúa tại địa phương khi mức lãi tăng hơn gấp đôi, độ chắc ăn cũng đảm bảo hơn hẳn lúa. Mô hình trên đã gợi mở cho địa phương một hướng sản xuất mới cho những diện tích đất không chủ động được nước bằng thay đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hệ số sử dụng đất, giảm nghèo cho bà con.

Tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), mô hình LVN 61 được trồng trên đất bãi với năng suất đạt 8 tấn/ha. Theo nhận xét của bà con, ưu điểm của giống ngô này là cây sinh trưởng, phát triển khỏe trên nhiều chân đất khác nhau, có thể trồng ba vụ trong năm. Giống cũng chịu hạn tốt, tiềm năng năng suất cao, khi thu hoạch thân lá vẫn còn xanh nên có thể làm thức ăn trong chăn nuôi. Tuy nhiên nhược điểm là bộ lá dài, bản lá rộng và hơi mỏng nên có thể bị gió làm gãy, lõi ngô mềm cũng là một hạn chế trong khâu tách hạt bằng máy. Trên đất đỏ cao nguyên tại xã Amarơn, huyện Iapa (Gia Lai), năng suất LVN 61 đạt 8 tấn/ha thậm chí còn hơn, vượt hẳn trên 10% so với giống đối chứng ngô lai ngoại nhập...

Những vùng đất kể trên chưa nhằm nhò gì so với cao nguyên đá Hà Giang. Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến vùng đất của tận cùng sự khô khát, của những triền miên đá tai mèo, của những kiếp người Mông chắt chiu gùi từng nắm đất, hòn phân rồi cần mẫn tra ngô vào hốc đá. Ngô làm mèn mén - thứ lương thực đặc biệt của người Mông, ngô là chỉ số ấm no của đồng bào nơi biên viễn. Trong những năm qua, sản xuất ngô của Hà Giang đã có bước tiến nhờ các thành tựu nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thay thế cho giống ngô địa phương, năng suất rất thấp.

Tuy có nhiều giống ngô lai tiềm năng năng suất cao được tung vào địa phương nhưng đồng bào Hà Giang vẫn khát những bộ giống có thời gian sinh trưởng từ trung đến ngắn ngày và đặc biệt là khả năng chịu hạn đến khốc liệt nơi cao nguyên đá. Năm 2011 Trung tâm KHKT Giống Cây trồng Đạo Đức phối hợp với Công ty Tư vấn Đầu tư Phát triển Ngô đưa vào trồng khảo nghiệm 2 giống ngô lai mới LVN8960, LVN61 trong vụ thu đông tại huyện vùng cao Xín Mần. Mục tiêu của đợt khảo nghiệm nhằm đánh giá, tuyển chọn được giống có khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và thích ứng rộng để bổ sung vào cơ cấu giống ngô của tỉnh.

Tổng diện tích khảo nghiệm là 2 ha được thực hiện tại thôn Ngam Lin, xã Bản Díu trên đất nương chuyên canh màu 2 vụ ngô/năm. Điều kiện thời tiết vụ thu đông năm 2011 ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển của ngô đặc biệt là giai đoạn từ đầu tháng 8 khi tiến hành xuống giống gặp lượng mưa lớn trên địa hình dốc gây vùi lấp, ảnh hưởng đến khả năng mọc của cây. Đến giai đoạn cuối tháng 8 đầu tháng 9 khi ngô đạt trung bình 7- 9 lá lại gặp thời tiết hạn kéo dài 10 ngày liên tiếp đe dọa nghiêm trọng tới quá trình phân hóa mầm hoa cũng như việc chăm sóc, bón phân bị chậm hơn so với dự kiến.

Tuy nhiên vì là những giống chịu hạn chuyên dụng nhất là LVN 8960 nên thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên chỉ làm bật ra bản lĩnh cứng cỏi của giống. Qua theo dõi, đo đếm, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, chỉ tiêu năng suất cho thấy: Số bắp hữu hiệu/m2 của 2 giống đều tương đương nhau 5,2 bắp. Số hàng/bắp đều từ 12-14 hàng. Số hạt/hàng 2 giống gần tương đương nhau (39 – 41 hạt/hàng). Tổng số hạt/bắp 2 giống gần tương đương nhau (592,1 – 598 hạt/bắp). Năng suất thực thu vụ thu đông năm 2011 của 2 giống ước đạt 55-57 tạ/ha, vượt xa nhiều so với nhiều giống ngô trong cùng điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt đó.

Qua theo dõi mô hình cho thấy cả hai giống ngô lai LVNN 8960 và LVN 61 chỉ nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh. Khả năng chống đổ khá, chịu hạn tốt. Điều mà đồng bào HMông ở đây ưng cái bụng nhất là giống dễ chăm sóc, lá bi kín nên thuận lợi cho bảo quản và thu hoạch.

* Đặc điểm 2 giống LVN 8960 và LVN 61 

+ LVN 8960 là giống ngô lai đơn do Viện Nghiên cứu Ngô tạo ra, có tiềm năng năng suất cao, chịu hạn, chịu thâm canh, thích ứng rộng.

Thời gian sinh trưởng: Ở các tỉnh phía Bắc: Vụ xuân 115 - 125 ngày; vụ thu đông 95 - 100 ngày; vụ đông 110 - 115 ngày (nên gieo trước 20/9). Màu dạng hạt: Răng ngựa, màu vàng cam đẹp, đáp ứng thị hiếu người tiêu thụ. Khi chín lá bi vàng nhưng thân và lá vẫn còn xanh. Chịu hạn rất tốt, lá bi mỏng và bọc kín bắp. Cho năng suất từ 7 - 9 tấn/ha và ổn định ở các mùa vụ và các vùng sinh thái khác nhau.

+ LVN 61 có thời gian sinh trưởng vụ xuân 110-115 ngày; vụ xuân hè 100-105 ngày; vụ hè thu 90-95 ngày; vụ thu đông 100-105 ngày. Năng suất bình thường đạt 8-9 tấn/ha; trong điều kiện thâm canh năng suất đạt tới 10-12 tấn/ha - ổn định ở tất cả các mùa vụ và các vùng miền sinh thái. LVN 61 có hạt màu vàng cam, dạng răng ngựa.

* Giống ngô LVN61 ở "xuất ngoại"

1/ Từ năm 2008 đến 2011 trồng thử nghiệm trên diện rộng tại Quảng Tây và Vân Nam – Trung Quốc, LVN61 thể hiện rõ tính ưu việt của giống, năng suất đạt 85-107 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng tốt nhất của Trung Quốc từ 18,5 – 23%.

2/ Năm 2010 và 2011 trồng khảo nghiệm và trình diễn LVN61 tại Indonexia.

- Hai điểm tại vùng Đông Java giống LVN61 cho năng suất 66 – 78,2 tạ/ha vượt đối chứng tốt nhất 14,3 – 26,5% (đối chứng chỉ đạt 57,7 – 61,8 tạ/ha).

- Hai điểm vùng Tây Java giống LVN61 cho năng suất 84,5 – 95,7 tạ/ha vượt đối chứng tốt nhất 15 – 18% (đối chứng chỉ đạt 73,4 – 81,0 tạ/ha).

Năm 2012 Indonexia đang triển khai trên diện rộng để mua hạt giống LVN61 và VN 8960 của Công ty Tư vấn và Đầu tư phát triển Ngô.

3/ Từ năm 2009 đến nay, tại Lào và Campuchia giống ngô LVN61 được trồng phổ biến tại đây, mỗi năm diện tích trồng giống ngô LVN61 lên tới hàng nghìn ha với năng suất đạt khá cao từ 80 – 100 tạ/ha.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.