| Hotline: 0983.970.780

Những kỷ niệm ấm lòng

Thứ Ba 08/10/2013 , 09:07 (GMT+7)

Biết là cái ngày đau buồn ấy rồi sẽ đến nhưng vẫn cứ thảng thốt bàng hoàng khi được tin vị lão tướng huyền thoại đã vĩnh viễn ra đi. Những kỷ niệm cứ chập chờn ẩn hiện, vừa xa vắng, vừa gần gũi. Như người mộng du, tôi lật lại những cuốn sách có di bút của ông đề tặng...

Biết là cái ngày đau buồn ấy rồi sẽ đến nhưng vẫn cứ thảng thốt bàng hoàng khi được tin vị lão tướng huyền thoại đã vĩnh viễn ra đi. Một khoảng trống vắng cứ lan tỏa trong tâm thức, cảm giác hụt hẫng như mất một điểm tựa tinh thần xâm chiếm đầu óc.

Những kỷ niệm cứ chập chờn ẩn hiện, vừa xa vắng, vừa gần gũi. Như người mộng du, tôi lật lại những cuốn sách có di bút của ông đề tặng, miên man đọc những dòng chữ trong Tổng tập Hồi ký của vị tướng "võ công nết đất, nhân văn tính trời" ấy để rồi bồi hồi nhớ tiếc.

Thế là người cuối cùng thuộc lớp cách mạng đàn anh đáng kính làm nên Cách mạng Tháng Tám đã tuyệt đối nằm xuống, một mất mát không gì bù đắp nổi.


Ngày 9/8/1970, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm làng Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, Thái Bình), nơi có nhiều thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. 
Ảnh: Xuân Vi - TTXVN

Tôi chỉ là kẻ hậu sinh, chỉ được gặp ông vào quãng hai mươi năm trở lại đây trong một vài lần ông gọi đến làm việc khi ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đảm trách lĩnh vực khoa học, và những năm cuối cùng được đến thăm ông tại nhà riêng nhân dịp sinh nhật hoặc nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hay ngày thành lập quân đội. Là người ham đọc, mấy cuốn sách của ông đề tặng là báu vật không chỉ vì tôi hay lật ra tìm kiếm một vài ý tưởng, mà còn để bồi hồi tìm lại những kỷ niệm ấm lòng mà tôi nhận được từ ông. Xin gợi ra đây vài kỷ niệm ấm lòng ấy.

Trước hết là một kỷ niệm không vui mà giờ đây nghĩ lại tôi rất ân hận. Hôm ấy, ông cho gọi tôi với lý do ông đang suy nghĩ và đang cho triển khai một nghiên cứu chuyên đề về chiến lược con người. Ông được báo cáo là ở Viện Xã hội học chúng tôi cũng đang chuẩn bị một đề cương nghiên cứu về đề tài này. Vắn tắt trình bày những tư liệu mà chúng tôi đã thu thập được và đang tìm kiếm thêm, ông chăm chú nghe rồi đột ngột ngắt lời: "Chúng ta có ít thời gian, tôi hỏi ngay, anh định bao giờ thì hoàn thành công trình nghiên cứu?". "Dạ thưa 2 năm", tôi trả lời.

Ông cười, im lặng một lúc, rồi đưa 2 ngón tay: "Hai tháng"! Lắc đầu quầy quậy tôi hoảng lên: "Dạ không thể được đâu ạ", liệt kê ra những công đoạn nhất thiết phải trải qua, những công việc buộc phải hoàn tất, từ tìm hiểu thông tin về đề tài đã được trong và ngoài nước xuất bản, dịch thuật một số tư liệu quan trọng nhất, tiến hành một số khảo sát thực tế, tổ chức những trao đổi chuyên đề trong một số nhà nghiên cứu có kinh nghiệm... tôi cố bảo vệ kế hoạch đã vạch ra. Ông vẫn điềm tĩnh nghe nhưng nét mặt tỏ vẻ không vui, còn tôi thì vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.

Như muốn giảm bớt căng thẳng, đại tá Huân (tôi nhớ không thật chính xác hôm ấy có phải anh Huân không), đề nghị Đại tướng tạm nghỉ giải lao. Một đĩa hai quả chuối và một miếng pho mát đặt trước mặt ông. Còn tôi được mời một chén chè đậu xanh. Mười lăm phút sau, ông vẫn kiên nhẫn thuyết phục và tôi thì vẫn quyết liệt xin thêm thời gian. Cuối cùng ông cười, song nụ cười chẳng vui gì, "thôi được rồi, tôi không ép anh nữa, nhưng như thế này có được không, anh đã chuẩn bị được những gì rồi thì cho chúng tôi mượn, rồi sẽ hoàn trả lại cho anh". Tôi thở phào vì trút được gánh nặng. Ông quay sang anh Huân (?): "Nhớ ghi chép cẩn thận, mượn những gì, rồi dùng xong thì trả cho người ta". Buổi sơ kiến của tôi với Đại tướng là thế đó, ấy vậy mà rồi sau này, khi cần thiết, ông vẫn cho gọi, không bợn một chút định kiến.

Có lần ông đang nghỉ ở Cửa Lò, Nghệ An. Tình cờ, chúng tôi cũng có một hội thảo với chuyên gia Canada tại đó. Trên bãi biển, thấy anh Việt Phương, tay bắt mặt mừng ông hỏi thăm công việc. Biết nội dung công việc và kế hoạch của chúng tôi nơi đây, Đại tướng yêu cầu dành thời gian đến gặp ông. Buổi đầu, tôi trốn. Anh Việt Phương đến, không biết anh đã nói về đề tài gì nhưng khi về, anh bảo tôi: "Anh Văn bảo Tương Lai mai tranh thủ đến trao đổi với anh ấy vấn đề nghiên cứu ở Thái Bình". Cũng thở phào nhẹ nhõm, nhưng lần này là vì "trúng tủ". Vấn đề đang sốt dẻo có cái mà nói, chắc không làm ông ấy thất vọng như buổi sơ kiến kia, và cũng có dịp "chuộc tội" nhằm giải tỏa mối băn khoăn mà mấy lần gặp sau đó tôi chưa thực hiện được.

Vì không mang theo tài liệu, tôi nói vo, thiếu con số cụ thể nên thỉnh thoảng ông ngắt lời, hỏi thêm một số chi tiết. Khi nghe đến đoạn người ta cố tạo nên một "hiện trường giả", nơi tượng Bác Hồ bằng thạch cao bị vỡ được lôi từ trong kho ra, đặt trong hội trường để vu cho dân đập vỡ, nhằm chứng minh "tính phản động của chúng nó" như lời bí thư đảng ủy xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ đã dằn giọng nói với tôi, Đại tướng gõ gõ ngón tay vào mặt bàn ngắt lời: "Các anh có chụp ảnh "hiện trường giả" này không?". Tôi đáp: "Thưa, có chứ ạ. Xin được nói thêm, đây là những bức ảnh để lại nhiều cảm xúc nhất trong nghiên cứu xã hội học của tôi". Ông cười rất vui khi tôi hứa về Hà Nội sẽ đem trình Đại tướng những bức ảnh ấy. Ông tỏ vẻ đang suy tư một điều gì rộng hơn đề tài tôi đang báo cáo, lại gõ khe khẽ lên mặt bàn: "Anh nhắc lại nguyên văn câu của anh Tô (Phạm Văn Đồng) anh vừa nói, ‎‎ý này quan trọng lắm".

Hôm ấy, sau khi nghe tôi trình bày vắn tắt nhưng cũng tạm đủ toàn bộ báo cáo "Khảo sát xã hội học về Sự kiện Thái Bình năm 1997", bác Tô cũng đòi tôi nhắc lại ý kiến vừa nêu "ở đây không có "địch ta" nào hết, ở đây là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân". Nghe xong, ông cười, "này Tương Lai, với tôi mà anh cũng sợ à". Biết ông định nói gì, tôi cũng cười, thưa lại: "Dạ sợ chứ ạ! Vì có phải ai cũng hiểu như anh đâu". Bác Tô cười vui, rồi ông nghiêm mặt nói rất rành rọt: "Không có mâu thuẫn nội bộ nhân dân nào ở đây cả. Đây là mâu thuẫn của một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất đè nén, áp bức dân và bên kia là người dân không chịu nổi nữa đã vùng dậy đấu tranh với chúng. Phải phân tích như thế mới có thể tìm ra giải pháp đúng được!".

Đại tướng trầm ngâm, ông nói với tôi nhưng dường như đang tự ngẫm nghĩ điều gì. Tôi thấy đã đến lúc cần phải rành rọt việc này: "Thưa anh, câu chuyện nông dân vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí, những điều Qua Ninh và Vân Đình (bút danh của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp) đặt ra trong "Vấn đề dân cày" xuất bản năm 1940, về cơ bản vẫn còn nóng bỏng. Thực trạng nông thôn Thái Bình vẫn tiềm ẩn những mâu thuẫn gay gắt, câu chuyện người cày với mảnh đất nuôi sống nhiều thế hệ từ đời ông đời cha cho đến hôm nay vẫn là vấn đề muôn thuở giữa đất và người. Nói rằng sự kiện Thái Bình đã được giải quyết chỉ là cách tự trấn an hoặc chỉ giải quyết trên bề nổi. Phần chìm của tảng băng vẫn còn đó". Thấy tôi nhắc đến "Vấn đề dân cày", đôi mắt của vị lão tướng ánh lên chút ngạc nhiên: "Anh cũng có đọc cuốn sách đó à? Lâu lắm rồi, chính tôi cũng không còn cuốn sách đó". Nghe tôi hứa là sẽ biếu ông cuốn tôi đang giữ trên giá sách, ông cười vui: "Thế thì hay quá".

Biết ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông thôn và nông dân, tôi nhắc lại hình ảnh vẫn đọng lại đậm nét trong tôi khi đọc "Tổng tập Hồi ký" đoạn nói về Đại tướng từ Mường Phăng, nơi đặt chỉ huy sở đến cầu sắt bắc qua sông Nậm Rốn, thị sát chiến trường hai ngày sau khi kết thúc chiến dịch: "Một anh dân công còn trẻ đứng đợi bên kia cầu. Anh chìa tay ra và nói: Đề nghị anh, cho em bắt tay một cái! Tôi vui vẻ siết tay anh và biết anh quê ở Thanh Hóa, một tỉnh đã cung cấp nhiều nhất về người, cũng như về lương thực phục vụ chiến dịch". Còn người cắm lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát là dân Thái Bình. Những người nông dân ấy khi trở về làng với những hiểu biết và trải nghiệm mới, họ nhìn nhận thực trạng quê hương bằng đôi mắt khác với ngày họ "áo vải chân không đi lùng giặc đánh" (Hồng Nguyên) để không thể "súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa" (Nguyễn Đình Thi) được nữa.

Không ai khác, chính phần lớn những người dẫn đầu đoàn khiếu kiện là những cựu chiến binh. Những ngày cuối tháng 6 năm 1997 có tới 5 trên 7 huyện và thị của tỉnh, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Ðông Hưng, Thái Thụy có khiếu kiện tập thể của bà con nông dân về những vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn. Không được tiếp nhận và giải quyết thỏa đáng, những sự biến xảy ra dồn dập hơn, mãnh liệt hơn, và có chiều hướng bạo lực từ cả hai phía: chính quyền và dân.

Và rồi, sự xuất hiện của cảnh sát cơ động và chó nghiệp vụ đã đặt các cuộc biểu tình ôn hòa và hợp thức vào tình thế bế tắc. Xu hướng bạo lực ngày càng gia tăng. Sự kiềm chế và tính tổ chức ở những người biểu tình càng giảm sút thì các sự biến xã hội càng khó kiểm soát. Một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự trong nhiều xã và huyện của nông thôn Thái Bình đã bùng nổ. Thế là, một số người dân phải ngồi tù, trong ấy, tôi nhớ tên một người đàn bà góa nghèo xơ nghèo xác đã gần kề tuổi 60 bị tuyên 5 năm tù vì mọi người đều nghe và thấy bà ta chửi chủ tịch xã! Một số người cầm quyền ở xã và hai ba người ở huyện bị cách chức, trong đó có chủ tịch và bí thư xã A.N phải bỏ quê lên Tây Nguyên làm ăn, và theo lời bà con sau này thì "cũng thân tàn ma dại" nơi đồng đất xứ người, lâu lâu mới về thăm quê!

Sau sự biến ấy, người trong cuộc ngấm đòn và rút ra bài học. Một số người mới "bước vào chiếu" thì "ăn phàm" hơn, nhưng vỏ bọc dày hơn, đường dây bạo hơn, tinh vi hơn. Người dân thì trầm xuống, ít bộc lộ, cố kiềm chế những phản ứng bột phát. Nhưng phải chăng đây chính là quãng tĩnh lặng trước cơn bão? Nếu không tỉnh táo và dám nhìn thẳng vào sự thật, nói thật đúng về sự thật nhức nhối này như anh Tô đã chỉ ra thì rồi cái giá phải trả sẽ không sao tính được.

Không kìm được, tôi liều mạng nói một lèo và Đại tướng ngồi yên lặng chăm chú nghe. Đợi tôi nói xong, ông khẽ khàng nhưng rành rọt: "Những điều anh vừa trình bày đáng suy nghĩ. Cần suy nghĩ tiếp và nghiên cứu tiếp. Đối với nước ta, nông dân có một vai trò đặc biệt. Không có chiến lược đúng về nông dân và nông thôn, nông nghiệp thì hậu quả đất nước phải gánh chịu sẽ rất gay gắt".

Và đúng vậy, cái gì đến rồi cũng phải đến. Tôi tranh thủ nói thêm với tác giả của "Vấn đề dân cày": Chẳng riêng gì Thái Bình đất chật người đông, chẳng chỉ ở nơi châu thổ sông Hồng bình quân tỷ lệ đất - người vào loại thấp nhất thế giới, với các tỉnh duyên hải của khúc ruột miền Trung thường xuyên gồng lưng chịu bão lụt, đổ xuôi về mênh mông đồng bằng sông Cửu Long vựa lúa của cả nước, tiếng gọi của đất cũng da diết chẳng kém. Sức hút của đất vẫn đẩy tới những mâu thuẫn, đụng độ giữa người sống với đất phải giữ đất để sống và người lấy đất dưới bất cứ danh nghĩa, động cơ mục đích nào. Trĩu trên vai gánh nặng nhất của sự nghiệp dựng nước, mở nước và cứu nước, mồ hôi và máu của người nông dân thấm đẫm từng thước đất của cha ông họ để lại, làm sao có thể ngồi yên khi mảnh đất tuột khỏi tay họ?

Như bị quỷ ám, quên mất là tôi đang ngồi trước mặt vị Đại tướng Tổng Tư lệnh, tôi tuôn ra mấy câu thơ của bạn tôi, Nguyễn Duy: "Tay nâng hòn đất lặng yên/ để nguyên là đất cất lên là nhà", rồi nữa: "Mương mán đê điều ngổn ngang chiến hào/ trang sử đất ngoằn ngoèo trận mạc/ giọt mồ hôi nào có gì to tát/ bao nhiêu đời mặn chát các dòng sông".

Giật mình ngước nhìn, Đại tướng vẫn trầm tĩnh nở nụ cười, lắng nghe. Giờ đây nhớ lại nụ cười ấy, ánh mắt ấy lòng tôi cuộn lên nỗi cay đắng xót xa. Thế là vĩnh viễn không bao giờ còn được nhìn thấy nụ cười ấy, bắt gặp ánh mắt ấy. Vừa tháo kính ra lau, vừa xốn xang nỗi nhớ. Có lẽ ông là người hiếm hoi đã cho tôi hồi âm về nội dung một tiểu luận đóng góp với Đại hội X tôi gửi đến. Tiểu luận khá dài với gần 100 trang khổ A4, tôi hiểu đã chiếm khá nhiều thì giờ của Đại tướng.

Hôm ấy ông bảo đại tá Huyên lấy cho ông cuốn "Tổng tập Hồi k‎ý", anh Huyên thưa là vừa hết, xin đề nghị để lần sau. Ông cười, "thế là anh không gặp may rồi", quay sang anh Huyên, ông dặn, "nhớ dành sách cho Tương Lai nhé". Hai tuần sau tôi ra Hà Nội, đang ở nhà khách 35 Hùng Vương tôi nhận được điện thoại của đại tá Huân từ phòng tiếp tân: "Anh xuống đây, có quà của anh Văn". Cầm tập Hồi ký nặng trĩu, lật trang đầu có dòng chữ đề tặng của Đại tướng, tôi đứng sững. Thông thường, không ai đề tặng sách như vậy cả! Vì thế, quên cả mời vị đại tá thư ký thân thiết của Đại tướng đã cất công mang sách sang tận nhà khách cho tôi đang đứng trước mặt, tôi ngồi xuống ghế, đặt cuốn sách lên bàn, xúc động đọc kỹ từng lời: "Chúc đc Tương Lai có những đóng góp mới vào lý luận của Đảng. Hà Nội ngày 27.2.2006. Ký, Võ Nguyên Giáp".

Khi đọc lời đề tặng và chữ ký quắc thước của Đại tướng, dạo ấy, nhà văn Nguyễn Khải đã nửa đùa, nửa thật nói với tôi: "Anh phải phóng to ra, đóng khung treo lên, vì nó đẹp như một bức tranh thủy mạc vậy". Quả là đẹp, quá đẹp. Song, có lẽ chỗ treo trang trọng nhất chính là trong trái tim mình, để rồi tự mình vượt lên chính mình mà sống xứng đáng với tấm lòng của vị lão tướng huyền thoại ấy...

TP.HCM 6/10/2013

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm