| Hotline: 0983.970.780

Những kỷ niệm giờ mới kể

Thứ Năm 20/06/2013 , 09:39 (GMT+7)

Từ khi sáp nhập, trở thành phóng viên của báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi có khá nhiều kỷ niệm thú vị. Và cũng đáng "nhớ đời". Nhưng để dịp khác kể lại.

Khi Bộ NN-PTNT ra đời thì cũng là lúc khai sinh ra tờ Nông nghiệp Việt Nam (sáp nhập tờ Nông nghiệp với tờ Lương thực). Từ khi sáp nhập, trở thành phóng viên của báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi có khá nhiều kỷ niệm thú vị. Và cũng đáng "nhớ đời". Nhưng để dịp khác kể lại.

Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin kể những kỷ niệm khó quên - nếu không muốn nói là nhớ đời - về những ngày làm việc tại toà soạn báo Lương thực, đồng tiền thân tờ Nông nghiệp Việt Nam ngày nay.

Hoan hô anh... bố đã về!

Năm 1973, trong lúc tôi đang bỡ ngỡ với công việc của một anh nhà báo chuyên nghiệp, thì ông Lưu Loan (tên thật là Ngô Vi Khoa) đã quá nổi tiếng trong làng báo. Các cụ nói "văn là người" có lẽ đúng cả trăm phần trăm với ông Lưu Loan. Từ chữ viết, lời văn, trang bản thảo... đến cách ăn mặc, nói năng, đi đứng, nhất nhất chỉn chu, cẩn trọng. Đến mức cầu kỳ.

Viết truyện ngắn "Nhà đông hộ" chỉ cỡ một trang báo "Văn nghệ" nhưng ông Lưu Loan trăn trở, viết đi viết lại tới hai năm mới xong. So với anh em trong toà soạn, ông Lưu Loan thuộc dạng nhỏ thó nhất. Hơi thấp. Gầy gò. Má hóp. Răng thưa. Chỉ được cái nói năng dí dỏm và nụ cười có duyên kéo lại.

Mới về cơ quan, tôi thấy ông Lưu Loan có vẻ khó gần nên cũng e dè. Không ngờ khi tiếp xúc, lại dễ gần, dễ tâm sự. Người đầu tiên rủ tôi về nhà chơi, lại chính là ông Lưu Loan. Hồi đó, tôi nhớ ông Lưu Loan ở một căn nhà lá mới làm, quãng gò Đống Đa đi vào. Lối đi ngoắt ngoéo, lồi thụt như bờ ruộng, bờ ao. Có đoạn đạp xe. Có đoạn phải dắt bộ. Sau khi biết nhà, thỉnh thoảng tôi hay lại chơi.

Một lần tôi đến thì không biết ông Lưu Loan đi thăm ai đó, chưa về. Bà vợ cũng đi làm vắng. Ở nhà chỉ có hai thằng con giai. Thằng lớn tên Văn, cỡ chín, mười tuổi. Thằng nhỏ tên Chương, cỡ sáu, bảy tuổi. Khi tôi hỏi thằng nhớn, nó đáp cộc lốc:

- Đi lâu rồi. Cũng sắp về đấy!

Thằng nhỏ nhìn tôi, không nói gì. Trong lúc tôi ngồi đợi bố chúng về, thì hai "ông tướng" bắt đầu trèo lên giường, nhẩy huỳnh huỵch. Chốc chốc lại ngó ra cổng. Biết đụng phải mấy ông "quỷ sứ", tôi hơi lưỡng lự. Nửa muốn chờ. Nửa muốn chuồn.

Bỗng hai thằng nhẩy cẫng lên, và reo:

- Hoan hô anh... bố đã về. Có quà rồi!

- Hoan hô anh... Khoa còi đã về!

Tôi giật mình nhìn ra cổng. Chợt thấy ông Lưu Loan dắt xe vào. Thì ra hai thằng nhóc reo đón bố về, theo cách của chúng.

Sau này tôi mới biết, do cái cách giáo dục con bằng những lời lẽ rất mô phạm, dịu dàng, nên bọn trẻ sinh nhờn, không chỉ nói hỗn với khách của bố mẹ, mà còn nói hỗn cả với bố mẹ chúng.

Rất may khi trưởng thành, cả hai thằng đều làm ăn khá giả. Và đáng mừng hơn, là chúng đối xử tử tế với bố mẹ chúng.

Từ bức biếm hoạ đến cái ba-lô chăn bông

Cuối năm 1972, khi tôi về báo Lương thực, cũng đúng lúc cơ quan đi sơ tán. Địa điểm sơ tán là một ngôi chùa ẩn sâu trong làng thuộc huyện Đan Phượng - Hà Tây (cũ). Cứ chiều thứ Bảy, anh em lại ba-lô túi xách, đạp xe về Hà Nội.

Thời chiến, mọi thứ đều phải phân phối, hoặc mua bằng tem phiếu, nên đời sống anh em rất thiếu thốn. Bếp ăn tập thể ở nơi sơ tán, lại càng khó khăn. Sở dĩ bác Phạm Hiền được anh em cử ra làm quản lý, là bởi cái tính chi li, chắt chiu đến mức không chê vào đâu được của bác. Từ con cá, miếng thịt đến mớ rau, quả cà... bác Hiền luôn tìm được thứ tươi ngon, mà lại rẻ.

Quan trọng nhất là rẻ. Có rẻ mới được nhiều, anh em vào mâm không phải nhìn ngó nhau. Mua thứ gì, nhất là loại thực phẩm có chất đạm, như thịt, cá... bác Hiền cân nhắc kỹ lắm. Một hôm ngay tại bếp ăn "dã chiến", anh em sửng sốt khi nhìn thấy một bức biếm họa vẽ bác Hiền móc ngón tay trỏ vào sợi lạt xâu con cá, mặt cúi với cái nhìn xét nét. Bức biếm đặc tả quá tài tình ấy, chính là của ông Tạ Lựu. Họa sĩ của báo, đồng thời cũng là "cây biếm họa" nổi đình đám một thời.

Anh em đi công tác bấy giờ, ngoài sổ sách, đồ nghề tác nghiệp ra, thì thứ không thể quên là tem lương thực. Lỉnh kỉnh đồ nghề trong cái túi du lịch nhét chật cứng. Riêng ông Xuân Truật (quê Thanh Hóa) thì mang hẳn một cái ba-lô. Tất cả nhét trong ba-lô. Bên ngoài cuộn khoanh, cuốn vòng cung một cái... chăn bông hẳn hoi.

Là bởi đi công tác miền núi, khi nhỡ độ đường, có vào nhà dân ngủ nhờ thì chỉ giải quyết được chỗ ngả lưng, còn chăn đắp thường không có (gia đình họ chưa đủ ấm, lấy đâu cho khách?). Cho nên tốt nhất, là mang theo chăn. Ai cũng biết vậy. Nhưng thực hiện, thì chỉ có mình ông Xuân Truật.

Bác Xuân Dục hôm nay đi xe máy

Hồi mới giải phóng miền Nam, anh em lần lượt được cử đi (hoặc xin đi) công tác các tỉnh phía Nam. Khi ra, thể nào cũng "tay xách nách mang". Nhiều tiền thì xe máy, tủ lạnh. Ít tiền thì xe đạp, quạt bàn. Dân làm báo hay đi công tác, nên thứ hàng quan tâm nhất, là cái xe máy. Nhưng vì ít tiền, chỉ "tha" ra thứ tầm tầm. Phổ biến nhất, là chiếc Mô-bi-let màu xanh, gọi vui là xe "cá xanh" (để đối với xe Mô-bi-let màu cá vàng, gọi là xe "cá vàng").

Bác Xuân Dục nhà ta cũng không chịu kém anh kém em, mua được chiếc "cá xanh", tiếng máy nổ khá giòn. Tuy nhiên có một nhược điểm, là thỉnh thoảng lại chết máy bất thình lình. Muốn nổ máy, chỉ có hai cách. Hoặc là dựng chân chống giữa, ngồi lên đạp pê-đan, hoặc vừa cầm tay lái vừa chạy bộ. Xe nổ máy phải vội vàng trèo lên ngay. Nhưng đẩy thế rất mệt, có khi mồ hôi ướt đẫm lưng áo.

Hôm nào đến giờ làm việc đã lâu, anh em ngồi yên vị ở chỗ của mình, mà chợt thấy bác Dục xách túi đi vào, bàn tay lem luốc và nhất là lưng áo ướt đẫm mồ hôi, thì anh em lại tủm tỉm cười, nói khẽ: "Hôm nay bác Dục đi xe máy!" 

Thủ trưởng rửa lén, quản lý giặt thay

Sau ngày 30/4/1975, cơ quan báo Lương thực cũng như tất cả các tờ báo ở miền Bắc, là thành lập một văn phòng thường trú ở các tỉnh phía Nam. Hầu hết đặt ở Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh bây giờ). Văn phòng đại diện của báo Lương thực nằm trên chót vót lầu 4 (tức tầng 5) ngôi nhà mặt phố Đồng Khởi.

Có một dạo, để quản lý đám phóng viên trẻ, đích thân Tổng biên tập Phan Xuân Hương phải vào chỉ đạo. Mang tiếng là văn phòng, nhưng chỉ có mỗi hai phòng thông nhau. Phòng ngoài dùng để tiếp khách. Phòng trong kê một dãy giường ngủ. Quản lý hành chính kiêm quản lý bếp ăn, có bà Liên, người vừa ở bệnh viện Hà Đông chuyển về.

Phóng viên thường trú thì cứ thay nhau: Phạm Hiền, Vũ Kim Dũng, Đức Hiển, Đức Tính... Ông Hương và bà Liên là hai người ưa sạch sẽ, ngăn nắp. Trong khi cánh phóng viên ưa... bừa bãi và bẩn. Ăn cơm xong, đương nhiên là nhân viên phải rửa bát, chứ ai lại để thủ trưởng làm việc đó?

Thế là khi thì Đức Hiển, lúc thì Vũ Kim Dũng. Khổ cái mấy phóng viên này về mặt ẩu và bẩn, thì không ai bằng. Mở vòi nước rõ to, rê rê cái bát qua vòi. Thế là xong! Bát rửa rồi mà vẫn nhờn nhờn. Không yên tâm với thứ bát đũa như vậy, nhưng lại sợ anh em tự ái, thế là cứ đến nửa đêm, khi mọi người đã ngủ say, Tổng biên tập Phan Xuân Hương lại lén dậy, rón rén xuống bếp để... rửa lại bát đũa.

 

Trong số anh em phóng viên, thì Vũ Kim Dũng vào loại bẩn có hạng. Cái ga giường ngủ bẩn đên mức in hằn tấm thân hình của gã. Bà Liên khi dọn phòng ngủ, thấy thế không thể chịu nổi, liền lột tấm ga rải giường của gã, ném vào bồn tắm để ngâm.

Nghĩ rằng trước sự đã rồi, thì gã phải giặt. Nào ngờ, gã mặc kệ, ngủ ngon lành trên cái giường không có ga. Mấy ngày sau, tấm ga rải giường của Vũ Kim Dũng ngâm trong bồn tắm bốc mùi thum thủm. Cuối cùng, "đất" không chịu "giời", thì "giời" phải... giặt thay.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.