| Hotline: 0983.970.780

Những ký ức buồn bên dòng Sông Ba khi tôm, cá... không còn

Thứ Bảy 06/08/2016 , 07:01 (GMT+7)

“Hồi xưa ở chỗ này là xóm chài, có khoảng gần trăm nóc nhà, đều là dân di cư từ Bình Định lên, sống bằng nghề chài lưới trên sông Ba, bà con thường gọi là xóm chài An Xuyên (An Xuyên, Bình Định). Bây giờ xóm chài đã biến mất, dân vạn chài đã bỏ thuyền chài..."

Chiều muộn bên bờ sông Ba, những tia nắng cuối ngày vàng vọt xiên xuống dòng sông cạn, xiên xuống chiếc xuồng nằm ghếch mình lên những tảng đá dưới lòng sông, chơ vơ, im lìm. Lâu lâu, một cơn gió từ dưới lòng sông ào lên, mang theo mùi hôi nồng. Nếu ở nơi khác đến, khó có thể tưởng tượng nơi đây ngày xưa từng là một làng chài nhộn nhịp. Đó là vạn chài An Xuyên, bên bờ sông Ba, thị xã An Khê, Gia Lai.

 

Hồi ức lão ngư

Ông Nguyễn Văn Hái, năm nay 60 tuổi, nhà ở phường An Bình, TX.An Khê, Gia Lai, từng gắn bó với làng vạn chài này từ nhỏ, trầm ngâm nhớ lại: “Hồi xưa ở chỗ này là xóm chài, có khoảng gần trăm nóc nhà, đều là dân di cư từ Bình Định lên, sống bằng nghề chài lưới trên sông Ba, bà con thường gọi là xóm chài An Xuyên (An Xuyên, Bình Định). Bây giờ xóm chài đã biến mất, dân vạn chài đã bỏ thuyền chài, ngư cụ để tìm đường khác mưu sinh. Còn xóm chài nay trở thành phường Tây Sơn, thị xã An Khê”.

09-47-47_nhung-ky-uc-buon-3
Bên bờ sông Ba, thị xã An khê, nơi xưa kia là xóm chài và bến sông An Xuyên

 

Ông Hái kể: “Hồi tôi còn trẻ, tức cách đây mấy chục năm, xóm chài lúc nào cũng có vài chục chiếc thuyền nan đậu san sát kéo dài cả một khúc sông. Chúng tôi chỉ cần đi buông lưới một đêm, sáng hôm sau đã có vài chục ký cá, bán mua gạo ăn cả tháng. Hồi ấy, sông Ba có rất nhiều loài cá đặc sản như cá roái, cá phá, cá nhao, cá lúi, chình bông... loại nào cũng ngon. Người ta bảo cá sông Ba ngon là vì nước sạch, sông nhiều ghềnh thác nên cá có thịt dai, ngọt đặc trưng, chỉ có ở những dòng sông vùng Tây Nguyên này mà thôi.

Tôi còn nhớ, một trong những loài cá đặc sản sông Ba là cá dong, nặng có khi cả chục ký. Loài cá này có thịt cực thơm, ngon và may mắn là nó đẻ rất khỏe. Tới mùa sinh sản, cá dong bơi đầy sông. Nhiều hôm chỉ cần một mẻ lưới thôi cũng được cả tạ cá dong. Giờ những loài cá đặc sản này đã tuyệt chủng rồi, tìm đỏ mắt cũng không thấy”.

Ngoài các loại cá ra, sông Ba còn có một loài đặc sản khác, đó là con cua đinh. Hàng năm, khoảng tháng 4-5, cua đinh bắt đầu vào bờ đào hang đẻ trứng, chúng bơi lổm ngổm. Nhưng bà con hồi đó ít bắt con này, phần vì cá nhiều, phần vì vấn đề tâm linh nên ngại.

Hơn nửa cuộc đời gắn với dòng sông, biết bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời ông đều “dính dáng” đến dòng sông, ấy vậy nhưng, từ gần chục năm nay, từ khi “đoạn tuyệt” với nghề cá, ông không bén mảng xuống bến sông nữa.


Ông Hái đang ngồi kể về vạn chài An Xuyên xưa

 

Ông ngậm ngùi: “Nhiều đêm nhớ nghề, thèm cảm giác lênh đênh trên sông nước cồn cào gan ruột. Nhưng không biết làm sao, vì bao nhiêu loài cá ngon, cá quý trên sông Ba đã bị tuyệt diệt, chỉ còn lại trong trí nhớ của người vạn chài. Sông Ba đã chết nhiều năm trước khi những nhà máy lần lượt mọc lên. Dòng nước ô nhiễm không gì cứu vãn được.

Nhìn những loài cá chỉ có trên dòng sông Ba chết trắng bờ, xót xa lắm. Bây giờ trên sông chỉ còn hai loài rô phi và cá tràu có thể chống chịu được với ô nhiễm. Con cá đá sông Ba nổi tiếng là thế giờ cũng hiếm lắm. Phần lớn người xóm chài đã chuyển sang làm nông hoặc đi làm thuê tứ xứ, chỉ còn vài người bám nghề cá, kiếm mỗi ngày vài chục ngàn đồng đủ mua gạo, đủ ăn đủ mặc là may. Đời người dân chài suốt đời lênh đênh trên sông nước, cực khổ là thế, nhưng chẳng ai muốn bỏ nghề đã gắn bó với mình, chỉ đến khi sông không còn cho sự sống nữa người ta mới đành phải bỏ đi”.

09-47-47_nhung-ky-uc-buon-9
Sông Ba hôm nay: Cạn khô và ô nhiễm
 

Trong ký ức những người lớn tuổi ở An Khê, từng chứng kiến khoảng thời gian “cực thịnh” của vạn chài và bến sông An Xuyên, họ không khỏi tiếc nuối.

Bởi đây không chỉ là nơi sinh sống, mưu sinh của một xóm chài, mà còn là những hình ảnh đẹp trong ký ức tuổi thơ, một nét văn hóa đẹp, như lời ông Bùi Văn Tân, 56 tuổi, cán bộ một ngân hàng ở TP. Pleiku nói: “Hình ảnh in đậm trong ký ức của tôi là một xóm chài với những ngôi nhà có sân phơi rộng, có những cây tre dài bắc ngang dọc, dùng để phơi lưới, vá lưới.

Mỗi chiều về, dưới bến sông, hàng chục chiếc xuồng đan bằng tre lại đậu san sát trên một đoạn sông dài, các ngư dân thì tấp nập lên xuống, xúc cá từ xuồng lên những chiếc giỏ tre khiêng lên nhà. Thỉnh thoảng tôi lại chạy theo mẹ ra đây chọn mua vài con cá về ăn. Bây giờ, mỗi khi có dịp đi qua xóm chài ngày xưa, tôi lại ngẩn ngơ tiếc”.

 

Đìu hiu chợ ngư cụ

Để đáp ứng nhu cầu cung cấp các loại ngư cụ cho hàng trăm vạn chài dọc sông Ba như An Xuyên, một khu chợ chuyên bán các loại ngư cụ đã mọc lên ở ngay trung tâm TP. Pleiku. Khu chợ này từng có thời gian hoạt động tấp nập, “cực thịnh” như những vạn chài, nay cũng đìu hiu, vắng lặng.

09-47-47_nhung-ky-uc-buon-1
Những con thuyền từng một thời dập dìu trên sông nước, nay nằm im lìm, và đang mục nát

 

Dẫn tôi vào chợ ngư cụ ở trung tâm Gia Lai, anh bạn đồng nghiệp đưa đến một sạp ngư cụ và cho biết, đây là một trong những sạp lâu đời nhất ở chợ này. Lúc tôi ghé, một cô gái trẻ trông coi cửa hàng đang mải mê ngồi bấm điện thoại. Thấy khách ghé, cô vội buông điện thoại, đon đả: “Anh mua loại nào ạ? Sạp của mẹ em lâu đời nhất ở chợ này, bán đủ loại”.

Khi nghe tôi “thú thật”, nét mặt cô buồn so: “Sáng giờ mới bán được một tay (tay lưới - PV) thôi anh ạ. Đó là may đấy, có những ngày không có khách hỏi thăm luôn chứ đừng nói mua. Nghề này mẹ em làm mấy chục năm nay, từng nuôi cả đàn con ăn học, nhưng giờ chỉ bán cho vui, phải bán thêm nhiều thứ khác nữa”. Khi tôi hỏi tên sạp, tên mẹ cô là gì thì cô không nói.

Dạo khá lâu trong chợ, để ý nhiều khách ghé chợ, chúng tôi mới thấy một người đàn ông ghé sạp bán ngư cụ. Sau khi thấy anh hỏi giá tay lưới mắt nhỏ nhưng lại quay ra, không mua, tôi sáp lại làm quen.

Anh cho biết: “Mình ở Ayun Pa, trước đây dân làng ai cũng có nghề đánh bắt cá để kiếm tiền mua gạo, nhưng nay bỏ nghề gần hết rồi. Mình định mua lưới về bắt cá nhỏ ở suối thêm thôi”. Người đàn ông Jrai đã ngoại ngũ tuần kể rằng, trước đây sông gần nhà nhiều cá lắm, nhưng nay thả lưới kiếm đủ cho bữa ăn cũng rất khó. “Sông suối cạn hết rồi, lại bẩn nữa, nên cá chết nhiều, bỏ đi cũng nhiều”...

 

Vì đâu nên nỗi?

Từ bao đời nay, sông Ba đã là biểu tượng thiêng liêng của các cư dân sinh sống dọc hai bên dòng sông, là nơi quần tụ, sinh sống từ rất lâu đời của các tộc người bản địa như Dẻ Triêng, Sê Đăng, J’rai, BahNar... để từ đây, hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc.

Từ những con thác hùng vĩ nơi thượng nguồn đến những khúc quanh, những dòng chảy êm đềm xuôi về hạ du đều mang một dấu ấn đậm nét về văn hóa của cư dân sinh sống nơi đây: Đó là những bản trường ca bất tử, những chương sử thi hùng tráng và lãng mạn; đó là những câu chuyện tình đẹp của các chàng trai, cô gái Ê- Đê, Dẻ Triêng, J’rai, BahNar... đó là những huyền thoại đẹp như huyền thoại về chiếc gươm thần trên sông Ba của người J’rai, huyền thoại về con Rồng Lửa của người Kinh; đó còn là những làng mạc thanh bình hai bên bờ mà trong nó là một di sản văn hóa độc đáo và khổng lồ với vút cong mái nhà Rông, với trầm mặc những bức tượng nhà mồ, với âm vang cồng chiêng, với la đà ché rượu, với lơi lả vòng xoang...

09-47-47_nhung-ky-uc-buon-7
Thủy điện An Khê – Kanak, nguyên nhân khiến dòng sông Ba hùng vĩ năm xưa cạn kiệt.
 

Nhưng đó là chuyện trong quá khứ. Còn hôm nay, sông Ba đã chết. Chết vì thủy điện, vì ô nhiễm...

Giờ đây, sông Ba không còn là nơi tắm tuổi thơ của các em nhỏ người Kinh, người NahNar, J’rai; không còn là nơi hoài niệm ký ức đẹp của những người già; sông Ba cũng không còn là nơi chèo thuyền đi bắt cá, hái rau, hái măng rừng, không còn là nơi tình tự của các chàng trai, cô gái nơi Bến Mộng, Thung Lũng Hồng dưới chân đèo Tô Na... Sông Ba bây giờ là cạn kiệt, ô nhiễm, và là hung hãn mỗi khi các hồ chứa thủy điện đồng loạt xả lũ. Sông Ba bây giờ, chỉ còn là một... dòng sông chết!

(Kiến thức gia đình số 30)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất