| Hotline: 0983.970.780

Những kỳ vọng từ Triều Tiên tại thượng đỉnh Trump - Kim lần hai

Thứ Tư 27/02/2019 , 07:05 (GMT+7)

Mọi nhượng bộ hay đề xuất từ Triều Tiên lúc này đều có ý nghĩa bởi hẳn nhiên, chúng tốt hơn một lời đe dọa gây chiến tranh, chuyên gia nhận định.

Khi chỉ còn rất ít thời gian nữa là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ diễn ra, dự kiến vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có những động thái làm giảm kỳ vọng của công chúng trước sự kiện, theo NPR.

16-12-10_nh1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

“Tôi không nôn nóng thúc đẩy tốc độ. Chúng tôi chỉ không muốn các cuộc thử nghiệm vũ khí”, Tổng thống Trump phát biểu hôm 15/2, ngụ ý rằng ông có thể sẽ không gây sức ép buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay lập tức.

Bình Nhưỡng đã thể hiện thiện chí hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bằng việc ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân từ cuối năm 2017 nhưng giới chuyên gia nghi ngờ họ vẫn tiếp tục các chương trình này trong bí mật.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái ở Singapore đã đưa ra những tuyên bố tương đối mơ hồ về vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Giờ đây, kỳ vọng đang ngày càng gia tăng trước khả năng hội nghị thượng đỉnh lần hai sẽ có được “những kế hoạch cụ thể, chi tiết và thực tế hơn”, Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, bình luận.

Nhưng những điều kiện hay nhượng bộ nào Triều Tiên định mang tới bàn thảo luận với Mỹ đến nay vẫn là câu hỏi khó có lời giải đáp thỏa đáng.

“Bởi Triều Tiên luôn kín tiếng về những điều họ muốn đề xuất nên chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều”, Park Jiyoung, chuyên gia hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, trụ sở ở Seoul, nhận xét.

Trong bài phát biểu Năm Mới vừa qua, lãnh đạo Kim Jong-un dường như cho thấy ông sẵn lòng đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. “Chúng tôi tuyên bố với cả người dân trong nước và nước ngoài rằng chúng tôi sẽ không bao giờ chế tạo hay thử bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào nữa cũng như không sử dụng hay phổ biến chúng. Và chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực cho mục tiêu này”, ông nhấn mạnh.

Những biện pháp mà lãnh đạo Triều Tiên đề cập tới bao gồm việc phá hủy một phần bãi thử hạt nhân Punggye-ri và bãi phóng tên lửa Tongchang-ri hồi năm ngoái. Kim đồng thời cam kết với giới chức Hàn Quốc rằng sẽ đóng cửa Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của Bình Nhưỡng, nếu Mỹ có những “động thái tương ứng”.

Giới phân tích đánh giá một đề xuất hợp lý từ Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam sẽ giúp thế giới xác nhận rõ ràng hơn những hành động mà Triều Tiên đã làm. “Nếu chúng ta thực sự nhìn thấy được một thỏa thuận cho phép các thanh sát viên đặt chân trở lại đất Triều Tiên và xác minh những cơ sở hạt nhân của nước này chắc chắn không còn sản xuất vật liệu chế tạo vũ khí nữa, đó sẽ là một tiến bộ đáng kể”, Leif-Eric Easley, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Phụ nữ Ewha ở Seoul, nhận định.

Giới phân tích cho rằng cơ sở hạt nhân Yongbyon đã cũ và lỗi thời, vậy nên Triều Tiên thực tế không mất quá nhiều khi chấp nhận phá hủy nó. Nhưng theo giáo sư Yang từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, cơ sở hạt nhân Yongbyon vừa có ý nghĩa thực tiễn vừa có ý nghĩa biểu tượng đối với Bình Nhưỡng.

“Triều Tiên vẫn liên tục phát triển cơ sở Yongbyon”, ông nói. “Họ đã sản xuất ra plutoni và urani dùng để chế tạo vũ khí tại đây. Tôi nghĩ nó chiếm tới 50% khả năng hạt nhân của Triều Tiên”.

Bình Nhưỡng đóng cửa, niêm phong Yongbyon lần cuối cùng vào năm 2007 và cho phép các thanh sát viên quốc tế vào kiểm tra cơ sở. Tuy nhiên, thỏa thuận sụp đổ. Hai năm sau, nhà máy trở lại hoạt động sản xuất nguyên liệu hạt nhân. Vì thế, theo giới quan sát, việc Triều Tiên đề xuất đóng cửa Yongbyon không phải động thái quá mới mẻ. Họ hoàn toàn có khả năng đưa ra một cam kết không toàn diện và có những điều kiện nhất định dựa trên phản ứng từ phía Mỹ. Thậm chí, việc Bình Nhưỡng có thực hiện lời hứa hay không cũng là điều không chắc chắn.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng dù ít hay nhiều, mọi đề xuất thiện chí từ phía lãnh đạo Triều Tiên đều quan trọng và có ý nghĩa bởi nó còn tốt hơn một tình thế bế tắc về ngoại giao hay một lời đe dọa chiến tranh.

“Nếu Triều Tiên cần đi 100 bước để chạm đích phi hạt nhân hóa thì những gì đang được thảo luận dường như chỉ giống như một hai bước đầu tiên”, chuyên gia hạt nhân Park từ Viện Nghiên cứu Chính sách Asan so sánh.

Trong khi đó, mục tiêu chính của Bình Nhưỡng là xóa bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và một sự đảm bảo về an ninh thông qua tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Về lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến cách đây gần 7 thập kỷ chỉ được khép lại bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.

Một thỏa thuận hòa bình có thể là thứ Kim muốn đặt lên bàn thảo luận với Trump, người đang nỗ lực hướng tới nhiệm kỳ tổng thống thứ hai và khao khát một giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp giúp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhưng vấn đề phức tạp nằm ở việc Washington và Bình Nhưỡng hiện có nhận thức khác nhau về khái niệm phi hạt nhân hóa. Mỹ muốn xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng lại kỳ vọng Washington đáp lại bằng cách loại bỏ “chiếc ô hạt nhân” bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Mối lo lắng của tôi là với những lợi ích thu được từ quá trình đàm phán với Triều Tiên, cái giá phải trả sẽ nhiều đến đâu?”, Easley đặt câu hỏi.

Nếu Mỹ chấp nhận xóa bỏ các lệnh trừng phạt Triều Tiên hay “bán rẻ” đồng minh Hàn Quốc và Nhật Ban, “tôi nghĩ cái giá này quá lớn so với lợi ích đạt được. Đây là điều mà chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng”, ông nói.

Theo Park, có những đề xuất khác mà Mỹ có thể đưa ra đáp lại những nhượng bộ từ Triều Tiên, chẳng hạn như mở một văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng hay cho phép viện trợ nhân đạo tới Triều Tiên. Cả hai phương án trên đều dễ dàng đảo ngược nếu Bình Nhưỡng vi phạm cam kết và thực tế, Mỹ cũng đã hứa sẽ viện trợ nhiều hơn cho Triều Tiên.
 

Cựu đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc: Người dân bán đảo Triều Tiên rất ngưỡng mộ Việt Nam

Chuyên gia ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Phú Bình, người từng tu nghiệp, làm việc tại Triều Tiên và Hàn Quốc, chia sẻ những đánh giá về cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim.

16-12-10_nh_2
Cựu đại sứ Nguyễn Phú Bình

Trước khi giữ vị trí Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Phú Bình từng có thời gian học đại học tại Triều Tiên giai đoạn 1965-1970, sau đó về nước làm việc tại Bộ Ngoại giao. Từ năm 1973 tới 1977, ông công tác tại Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam ở Triều tiên với vai trò cán bộ ngoại giao.

Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Bình cho biết người dân hai miền bán đảo Triều Tiên rất mừng, vì hy vọng tăng cường hợp tác, mở cửa.

“Từ người dân đến lãnh đạo Triều Tiên mong muốn sang một giai đoạn mới để yên tâm tập trung phát triển. Mấy chục năm qua, vì căng thẳng họ vẫn phải tập trung phát triển quân sự. Cho tới nay Triều Tiên muốn tập trung phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ và giao thương với các nước”, ông Bình nói.

Trong khi đó, người Hàn Quốc cũng không hề muốn bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang. Thời ông Bình làm Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, nhiều Việt kiều tỏ ra lo lắng khi Triều Tiên rút khỏi Hiệp định kiểm soát hạt nhân (IAEA).

“Tài nguyên của bán đảo Triều Tiên tập trung ở phía Bắc, trong khi đó, nhân lực Hàn Quốc vẫn còn thiếu thốn, có thể bổ sung cho nhau cùng phát triển”, ông Bình nhận xét.

Nhớ lại thời kỳ ở Triều Tiên, ông Bình cho biết thời năm 1965, ông thường thấy cạnh trường nơi ông tu nghiệp, có những lúc thấy xe ngày đêm lấy đất đá từ lòng núi chở đi xây dựng. Hỏi ra mới biết họ xây dựng tàu điện ngầm. Thời ông Bình làm ở ĐSQ Việt Nam tại Triều Tiên năm 1973-1977, nước này khánh thành rất nhiều tuyến điện ngầm.

“Họ xây dựng đường xe điện ngầm sâu hàng trăm mét dưới lòng đất để vừa phục vụ đời sống nhân dân, vừa phòng khi chiến tranh nổ ra. Các ga được trang trí hoành tráng bằng các tác phẩm mỹ thuật cách mạng”, chuyên gia ngoại giao nhớ lại.

Ông Bình kể rằng người dân trên bán đảo Triều Tiên thấy Việt Nam thống nhất nên ngưỡng mộ và mong muốn một lúc nào đó cũng được như vậy.

“Giữa Việt Nam và Triều Tiên có nhiều cơ sở hữu nghị. Ngày trước chúng ta có hợp tác xã Việt – Triều ở Xuân La, nay thuộc quận Tây Hồ, bên kia họ có một nông trang tập thể Triều-Việt. Hiện vẫn có cơ sở mẫu giáo Việt – Triều ở Trung Tự. Đợt Triều Tiên sang giúp ta xây cơ sở mẫu giáo này thì thì tôi mới kết thúc nhiệm kì công tác ở Triều Tiên năm 1977 nên cũng có cơ hội hỗ trợ các công tác phiên dịch cho các chuyên gia xây dựng ngôi trường.

Nhà máy dệt Nam Định cũng kết nghĩa với nhà máy dệt Bình Nhưỡng. Triều Tiên có đội ngũ chiến sỹ không quân sang giúp đỡ Việt Nam chiến đấu và thậm chí hy sinh. Hài cốt giờ đã được chuyển về Triều Tiên nhưng bia dựng biểu tượng vẫn còn và được người dân Việt Nam chăm sóc chu đáo.

Một kỷ niệm khó quên của tôi là được đón Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm kí túc xá lưu học sinh quốc tế của Trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành, ở Bình Nhưỡng vào tháng 12/1965. Ký túc xá cũ cho lưu học sinh quốc tế ở bên đường đối diện, nhưng đoàn lưu học sinh Việt Nam sang một lúc tới 200 người nên họ phải xây thêm một tòa nhà mới”, ông Bình nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm