| Hotline: 0983.970.780

Những lá bài đối phó khủng hoảng của người Nga

Thứ Năm 25/12/2014 , 08:26 (GMT+7)

Tài nguyên thiên nhiên chắc chắn là lá bài quan trọng. Và người ta đang theo dõi xem liệu EU có trụ được mãi trước những phản đòn gây đau đớn cho nền kinh tế của họ.

Trên tờ Foreign Policy, giáo sư Nikolas K. Gvosdev (Học viện Hải quân Mỹ) cho rằng các bình luận của nhiều học giả về tình hình của nước Nga hiện nay đang hoặc quá tả, hoặc quá hữu./ Kinh tế Nga sẽ sụp đổ?

Tín hiệu xấu

Theo ông, 7 tháng trước, khi giá dầu còn ở mức cao và xảy ra sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, có nhiều người nói một ông Putin “quyết đoán” và “không thể cản đường” sẽ sớm làm chủ toàn bộ khu vực Đông và Trung Âu.

Đã có một số người dự đoán về thời điểm nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ và chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin phải ra đi. Một số còn “hí hửng” tuyên bố nay đồng hryvnia (tiền Ukraine) còn mạnh hơn cả đồng rúp của Nga.

Theo giáo sư Gvosdev, cần phải lui lại và có cái nhìn toàn cảnh hơn về vấn đề này. Hryvnia là đồng tiền của một đất nước đang phải đối mặt với sự sụt giảm GDP và trên bờ vực phá sản. Nhiều nhà đầu tư đang “đánh bạc” dựa trên món tiền 27 tỷ USD hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho Ukraine.

Bên cạnh đó, Mỹ và Liên minh châu Âu cũng sẽ trợ cấp thêm 15 tỷ USD. Hệ thống cung cấp năng lượng của Ukraine rất yếu và phụ thuộc lớn vào những cam kết lỏng lẻo với Nga. Điều này cho thấy đồng hryvnia tỏ ra cực kỳ mong manh.

Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh cộng thêm ảnh hưởng của các lệnh cấm vận từ phương Tây, đồng rúp rớt giá thê thảm là những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Nga. Đây là khó khăn rất lớn đối với chính phủ và rất có thể điện Kremlin phải xem xét lại một loạt chính sách.

Nhưng theo Gvosdev, khẳng định nước Nga đang trên bờ vực sụp đổ có vẻ là quá sớm. Thêm nữa, ông Putin tin rằng ông có thể chèo lái đất nước ra khỏi những khó khăn ngắn hạn mà không phải nhượng bộ nhiều trước sức ép của phương Tây.

Theo vị giáo sư của Học viện Hải quân Mỹ, đồng rúp mất giá là do cả các nhà đầu tư và dân thường Nga đang tìm cách bảo toàn tài sản của mình. Khi đồng rúp mất giá, nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn nhiều, có nghĩa là không chỉ hàng hóa xa xỉ mà nhiều thứ hàng thiết yếu như thực phẩm cũng sẽ đắt hơn trước. Người dân sẽ phải thắt chặt chi tiêu, điều từng gây ra bất mãn rộng rãi, hoặc chính phủ Nga phải tăng lương, dẫn đến khả năng lạm phát cao.

Thêm nhiều tín hiệu xấu khác khi nhiều Cty Nga nợ nước ngoài bằng USD và EUR nhưng hầu hết nhận đồng rúp với những hàng hóa và dịch vụ họ cung cấp. Khi đồng rúp mất giá tới 100%, các Cty này chỉ trong nháy mắt thấy số nợ của mình tăng gấp đôi.

Những lá bài của người Nga

Nhưng cho dù gặp khó nghiêm trọng, chắc chắn kinh tế Nga chưa thể sụp đổ. Bởi một loạt ngành xuất khẩu của Nga, dẫn đầu là năng lượng (trong đó có xuất khẩu thiết bị điện hạt nhân) hay vũ khí… được thanh toán bằng USD và EUR. Cho dù giá dầu và khí gas có giảm thêm, giá đồng rúp xuống thêm, vẫn có những ngành kinh tế của Nga hưởng lợi: đồng rúp yếu giúp các Cty xuất khẩu của Nga dễ thở hơn.

Nga cũng còn đó lá bài quan trọng: tài nguyên thiên nhiên. Khi đồng rúp giảm giá hoặc mất ổn định, sẽ có những nỗ lực khai thác và tích trữ thêm vàng, kim cương và bạch kim, dùng những thứ này duy trì hoặc thậm chí tăng cường thêm kho dự trữ ngoại hối.

Năng lượng cũng là quân bài quan trọng của điện Kremlin. Khi quan hệ Nga-EU đang rơi xuống mức thấp nhất, các nỗ lực của châu Âu trong việc ép Nga cân bằng giá năng lượng trong nước và giá quốc tế (để người tiêu dùng Nga phải trả gần bằng người dân các quốc gia châu Âu khác khi mua xăng dầu hay khí gas) sẽ chẳng đi đến đâu.

Thậm chí, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin còn hy vọng biến khủng hoảng thành cơ hội. Bằng việc biến các món hàng nhập khẩu từ châu Âu trở nên quá đắt đỏ, Chính phủ Nga nhắm tới hai cái đích: củng cố tiến trình công nghiệp hóa trong nước và gây đau đớn cho các nền kinh tế châu Âu vốn dựa vào sự tăng trưởng (cả trong công nghiệp lẫn tiêu dùng) của Nga.

Họ cho rằng chủ nghĩa dân tộc sẽ khiến người dân chịu đựng những khó khăn trong ngắn hạn, và cho dù việc phục hồi đồng rúp có thất bại, Nga vẫn có thể bảo vệ được nền công nghiệp của họ mà không vi phạm các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Canh bạc ở đây chính là sự hồi phục của các nước EU sẽ bị ngưng trệ và kinh tế của Ukraine sẽ không trụ được, buộc Kiev và EU phải cân nhắc khả năng nhượng bộ Nga.

Đã thế, Nga vẫn còn hai lá bài khác. Thứ nhất là những gì sẽ xảy ra đối với giá năng lượng trong năm 2015.

Một cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông hoặc những bất ổn có thể xảy đến với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chính khiến cả hệ thống xuất khẩu của thế giới bị ảnh hưởng (như đã từng xảy ra với Libya, Nigeria hay Venezuela) và giá dầu tăng trở lại.

Một thảm họa (ví dụ sự cố điện hạt nhân Fukushima) là cơ hội của người Nga. Và chỉ cần giá dầu tăng trở lại một chút, tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga sẽ giảm đi rất nhiều.

Lá bài thứ hai, chính là phản ứng của các nước châu Á. Khủng hoảng kinh tế khiến người Nga sẵn sàng hơn trong chuyện điều tiết các nhu cầu của mình, đặc biệt là với Trung Quốc.

Khi hàng hóa châu Âu đắt đỏ, Trung Quốc thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán qua lại giữa đồng rúp và nhân dân tệ bởi phụ thuộc vào USD, thậm chí hàng hóa Trung Quốc sang Nga cũng trở nên đắt đỏ hơn.

Và còn đó Nhật Bản. Nga có thể nhượng bộ với Nhật trong các vấn đề đảo tranh chấp, đổi lại, thu hút thêm đầu tư từ Nhật để phục hồi nền kinh tế Nga. Trong chuyến thăm Nhật vào năm 2015, vấn đề đảo tranh chấp chắc chắn sẽ được mang ra bàn thảo.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Bình luận mới nhất