| Hotline: 0983.970.780

Những lao động Campuchia chất phác

Thứ Tư 15/08/2012 , 10:07 (GMT+7)

Không như đa số người nước ngoài nhập cảnh vào VN để buôn bán, nhiều lao động Campuchia sang biên giới Tây Ninh, Long An làm thuê, chỉ là nông dân đơn thuần.

Một lao động người Campuchia hăng say làm việc ở VN

Không như đa số người nước ngoài nhập cảnh vào VN để buôn bán, nhiều lao động Campuchia sang biên giới Tây Ninh, Long An làm thuê, chỉ là nông dân đơn thuần. Họ làm đủ thứ nghề như nhổ mì (sắn), chặt mía, bón phân, làm ruộng… đáp ứng nhu cầu của các trang trại.

Làm thuê cũng hạnh phúc!

Có mặt ở chợ Biên Giới (xã Biên Giới, Châu Thành, Tây Ninh) vào một buổi sáng trời dịu mát, khung cảnh vắng vẻ, hiu quạnh lạ thường. Từ đây, chỉ vài trăm mét đã sang địa phận nước bạn. Ngồi ở quán cà phê ven đường tỉnh lộ 796, chúng tôi thấy rất nhiều người Campuchia theo nhau sang VN để làm thuê. Họ chính là những lao động theo mùa vụ thường thấy ở khu vực vùng giáp ranh này.

Chị Tăng Chăn, một phụ nữ ở huyện Kakho (tỉnh Svay-riêng, Campuchia) tươi cười nói bằng tiếng Việt bập bõm: "Gia đình tôi cách cửa khẩu chẳng xa lắm, đi nửa tiếng là tới. Hai vợ chồng sang bên này làm việc. Thông thường là đi chặt mía cho nông trường, tiền công khoảng 100.000-120.000 đ/ngày. Chiều về chợ Biên Giới mua thức ăn, đồ dùng cho con cái.

Theo chị, bên Campuchia cuộc sống khá khó khăn, thu nhập rất ít nên sang bên này có công việc, dù là làm thuê nhưng có cái ăn, là hạnh phúc lắm rồi. Tuy sinh sống ở bên Miên nhưng mọi giao lưu, sinh hoạt đều ở VN. Tiếc rằng chị không thể chuyển hẳn sang đây vì nhiều giấy tờ, thủ tục.

Kể về những người bạn VN, chị Tăng Chăn tươi cười: "Bà chủ nơi tôi làm việc là một người rất tốt, ngoài tiền công, thỉnh thoảng bà còn cho quần áo, đồ ăn để đem về cho con. Mấy người bán hàng ở chợ Biên Giới này cũng rất tốt. Chúng tôi có thể dùng cả tiền Việt và đồng Riel để mua hàng. Hàng hóa ở VN vừa rẻ lại đẹp, nhiều chủng loại...".

Còn anh Lốc Ốc, chồng chị Tăng Chăn thì làm bốc vác cho chủ trang trại mía. Công việc tuy nặng nhọc, vất vả nhưng bù lại, tiền công có khi được vài trăm ngàn một ngày nên anh và những người bạn làm việc rất hăng say, chăm chỉ. Từ sáng sớm, anh đã có mặt bên này đợi những xe tải "to lù lù như con bọ hung khổng lồ" để xếp mía.

Nhìn những người đàn ông Miên chăm chỉ cười tươi, vác trên vai những bó mía cả mấy chục ký mà chúng tôi thấy thán phục. Có lẽ, với họ, đó là một công việc tốt, một niềm hạnh phúc lớn vì chỉ tối nay thôi, bên kia biên giới, trong mái nhà nhỏ bé của người Miên sẽ rộn ràng những tiếng cười, niềm vui của trẻ. Vì cha mẹ mang về cho chúng những món quà, đồ chơi đẹp. Hạnh phúc của người Miên ở miền biên thật giản dị, chân thành...

Anh Uhn, một nông dân Campuchia vừa bỏ bó mía trên vai xuống, lau mồ hôi nói: Gia đình mình bên kia rất nghèo, cuộc sống từ lâu đã rất khổ cực. Ruộng nương chỉ cấy 1 vụ còn lại bỏ hoang. Buôn bán cũng chẳng biết làm gì. Thế nên, mình theo các bạn sang đây làm thuê. Bên này thủ tục đi lại cũng dễ, tiền công lại cao, ông bà chủ rất thân thiện.

Sau gần 6 năm làm việc ở Tây Ninh, anh Uhn không những kiếm đủ tiền nuôi cha mẹ và các em mà còn quen một cô gái người Việt. Sau một thời gian, hai người đã nên vợ nên chồng. Vợ anh, chị Trâm hiện làm công nhân ở nhà máy gạch dưới Hòa Thạnh, đang tính bảo lãnh cho chồng sang đây ở lâu dài.

Vùng biên yên bình

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó chủ tịch xã Hòa Thạnh:

Lao động Campuchia sang đây làm thuê ngày càng nhiều, song tình hình an ninh trật tự vẫn ổn định, nằm trong tầm quản lý vì đa phần họ chỉ là nông dân thuần túy. Nhờ có đội ngũ lao động chân chất này mà quan hệ láng giềng giữa hai tỉnh ở biên giới phía Tây nam ngày càng thêm bền chặt, khăng khít, gắn bó.

Là một tỉnh đang phát triển mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, Tây Ninh đang thiếu nguồn lao động phổ thông, nhất là những trang trại ở vùng sâu, vùng xa. Một thực tế hiện nay là, nhiều bạn trẻ người địa phương có xu hướng đổ dồn về Bình Dương, TP HCM… để kiếm việc làm hơn là trụ lại quê hương.

Chính vì thế, vùng quê xa xôi này lại rơi vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Khi mùa thu hoạch khoai mì, chặt mía, bẻ bắp, những chủ vườn ở các xã Hòa Thạnh, Thành Long, Biên Giới, Phước Vinh (Châu Thành) lại tất bật lo kiếm lao động. Theo đó các lao động Campuchia đổ sang làm thuê rất kịp thời và đúng lúc.

Với chủ người Việt, họ có thêm những công nhân chăm chỉ, chịu khó nên rất thuận lợi cho SX, mùa vụ thu hoạch. Còn những người lao động ngoại quốc thì có điều kiện làm việc, kiếm thêm thu nhập, có tiền để mua nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình...

Bà Nguyễn Thị Dơn, một chủ trang trại khoai mì ở Hòa Thạnh chia sẻ, những lao động người Miên rất thật thà và chịu khó. Họ không đòi hỏi nhiều như các lao động khác. Đang vụ khoai mì, ngoài việc nhổ, phơi, thái lát thì việc làm đất, ươm giống cây... cũng cần nhiều người làm. Ngày nào bà cũng thuê 3-4 lao động Camphuchia sang làm giúp. Tiền công khoảng 100.000 đ/người/ngày và 1 bữa ăn trưa. Nếu được cơ quan chức năng cho phép, bà sẽ thuê thêm nhiều lao động Camphuchia ở lại làm việc cả tháng chứ không phải theo ngày.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất