| Hotline: 0983.970.780

Những "lò lửa" giữa rừng

Thứ Hai 21/10/2013 , 11:06 (GMT+7)

Trên núi Chữ Thập, núi Bể, có hàng chục lò than. Đồi núi trọc lốc, cây rừng đã nhường chỗ cho cây khoai mì và những “lò lửa” hoạt động suốt ngày đêm. Mỗi ngày qua đi, lại có hàng chục khối gỗ tạp, cây rừng bị đốt thành than.

Trên núi Chữ Thập, núi Bể, có hàng chục lò than. Đồi núi trọc lốc, cây rừng đã nhường chỗ cho cây khoai mì và những “lò lửa” hoạt động suốt ngày đêm. Mỗi ngày qua đi, lại có hàng chục khối gỗ tạp, cây rừng bị đốt thành than. Hoạt động của các lò than tuy âm thầm nhưng mức độ tàn phá không hề nhỏ.

>> Tan hoang rừng Xuyên Mộc

CẬN CẢNH HẦM THAN

Nằm chon von trên sườn núi Bể là chiếc lán nhỏ ngay cạnh một con suối, quanh lán có ba lò than, hai lò đang hoạt động, khói bay phảng phất khắp rừng. Đây là cụm lò của ông chủ tên S. Ông này có đội quân làm lò hùng hậu chuyên làm công việc cưa cây, đốt lò, vận chuyển than xuống núi.

Chúng tôi đang loay hoay quanh khu lán, bỗng giật mình nghe một giọng đàn ông sắc lạnh: “Đi đâu vào đây?”. Một người đàn ông ước ngoài 40 tuổi, khuôn mặt lạnh lùng, ánh mắt sắc lẹm, từ lùm cây bước ra, hỏi. “Tụi em bên Bình Thuận sang. Vừa đi kiếm măng rừng vừa tính mở lò làm than, có người chỉ nên tìm đến đây nhờ mấy anh chỉ giúp”, anh bạn đi cùng tôi vừa ra vẻ xanh mặt sợ sệt vừa đáp. Người đàn ông nhìn chúng tôi từ đầu đến chân rồi hỏi tiếp: “Ai chỉ?”.


Nhìn bên ngoài, hầm than chẳng khác ngôi mộ

“Dạ, tụi em hỏi đại người ta thôi chứ không quen”. Có vẻ như vẫn không tin, người đàn ông gằn giọng: “Tao mà biết tụi mày lên đây phá đám thì đừng hòng xuống núi nghen”. Thấy chúng tôi ngoan ngoãn “dạ”, ông ta có vẻ nguôi nguôi, khoát tay hạ giọng: “Vào đây. Uống nước”.

Sau một hồi trò chuyện, ông ta cho biết tên V, do bị cảm nên nghỉ, những người khác đang đi lấy gỗ trên đỉnh rừng để ngày mai vào lò. Tôi hỏi: “Anh làm than ở đây lâu chưa?”. “Lúc trước làm bên núi Mây Tàu, mới sang đây được 2 năm”, ông V trả lời. Chúng tôi hỏi tiếp: “Làm lò có khó không?”.


Miệng lò đen ngòm, mỗi năm “nuốt” cả trăm khối gỗ, cây rừng

Ông V không trả lời mà dẫn chúng tôi ra khu vực lò phía sau lán, nói: “Trước tiên là phải tìm vị trí thuận lợi để làm lò. Nếu chọn được vị trí cạnh suối, có nhiều cây rừng là lý tưởng nhất sẽ thuận tiện hơn cho việc chặt và đưa cây vào lò. Xác định vị trí xong là quá trình đào lò, muốn có được những lò đẹp phải chọn chỗ ít đá mới đào được lò lớn, vừa giúp rút ngắn thời gian đốt, chứa được nhiều cây lại tăng khả năng “om” làm cho than chín đẹp, ít bị sống.

Ngoài ra, kích thước của lò nhỏ nhất cũng phải đảm bảo có bán kính từ 1,5 m trở lên, độ sâu tính từ đáy lò lên mặt đất là 2 m thì làm mới có ăn”. “Mỗi lò chứa được bao nhiêu cây”?, tôi hỏi. “Tùy theo kích thước của mỗi lò. Lò nhỏ, khoảng 4 khối. Lò lớn khả năng “ngậm” cây nhiều hơn, từ 6 đến 8 khối”, ông V đáp.

Quan sát kỹ, chúng tôi thấy các lò được xây dựng trên những vùng đất cao để tránh bị ngập nước, có mái che bằng bạt dày. Có thể nói, lò than được thiết kế khá độc đáo với cấu trúc hình vòm, được nâng đỡ bởi các thanh sắt uốn cong. Nhìn bên ngoài, chẳng khác một ngôi mộ. Phía dưới chân lò có một cửa tròn, rộng khoảng 60 cm để tuồn cây vào. Trên bề mặt lò được phủ một lớp bùn dày để giữ nhiệt, “hầm” cho cây chín đẹp.



Lò than đang “hầm” cây trên núi Bể, khói tỏa khắp rừng

Quanh lò được thiết kế thêm bốn ống khói nhỏ để thông khói ra ngoài. Nhìn màu khói, có thể giúp người làm lò nhận biết than chín đẹp hay bị sượng. Sau khi quan sát xong các lò, chúng tôi quay trở lại tiếp tục câu chuyện về nghề than.

Ông V cho biết, mỗi mẻ than kéo dài từ 8 đến 10 ngày. Nếu là những lò “siêu khủng” thì thời gian lâu hơn, phải mất 15 ngày mới có thể ra lò. Số lượng than thành phẩm đạt được của mỗi lò cũng khác nhau, lò có bán kính nhỏ nhất, số lượng từ 400 đến 500 kg than. Lò lớn khối lượng có thể đạt từ 800 kg tới 1 tấn.

“VÀNG ĐEN” XUỐNG PHỐ

Theo ông V, than nặng và đẹp hay không còn tùy thuộc vào loại cây được đốt: “Cây càng lớn, lõi nhiều thì ra than sẽ nặng, ít bị vỡ hơn, đem bán cũng không bị ép giá. Nếu muốn làm có ăn, tốt nhất là tìm cây rừng mà đốt sẽ đem lại hiệu quả cao hơn”, ông V chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá than mà các chủ lâm tặc tại đây đưa đi bỏ mối là 6.000 đồng/kg. Ở đây có nhiều lò quá, chắc tụi em không cạnh tranh nổi?”, tôi ướm hỏi. “Bỏ ý định đó đi. Trên này giờ khó khăn lắm, nhiều lò, cây ít, lại xa. Quen biết nhau còn khó trụ huống chi nơi khác đến”.


Những khúc gỗ đang chờ vào “lò thiêu”

Rời khu lò của ông V, chúng tôi tiếp tục hành trình trèo đèo lội suối sang núi Chữ Thập. Tại đây, những lò than nằm chênh vênh trên một triền đồi, có hai lò đang “om” cây, phả ra những lớp khói như bông bay ngập ngụa khắp rừng khiến chúng tôi ho sặc sụa.

Xung quanh lò, than vụn vương vãi tứ tung, lổn nhổn trên mặt đất đen sì. Gần đó là các lối mòn, hai bên chất đầy gỗ tạp, chuẩn bị cho một mẻ than mới. Tiếp tục đi khoảng 300m, chúng tôi gặp một lò khác đã khai thác rỗng ruột. Ngoài các lò còn có nhiều điểm tập kết than thành phẩm cạnh các con suối trong rừng.

Than rừng sau khi xuống núi sẽ được các đầu nậu thu mua chuyển đi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tiêu thụ. Một trong những đầu nậu thu gom lớn nhất tại khu vực xã Hòa Hiệp là bà G nhà ở ngay đầu đường rẽ vào trường bắn quốc gia. Vào vai người mua than về thành phố bán, chúng tôi đến gặp bà G, bà hỏi chúng tôi muốn lấy nhiều hay lấy ít. Nếu lấy với số lượng nhiều thì phải đợi ít ngày vì trời đang bão than không về kịp.



Than rừng được tập kết chờ ngày đưa xuống núi

Chúng tôi hỏi giá than thì được bà G cho biết: “Hiện nay cây rừng ở khu vực dưới chân núi Mây Tàu, núi Chữ Thập, núi Bể đã hết, các chủ lò phải lên đỉnh làm mới có than nên giá sẽ đắt hơn”. Theo đó, nếu mua lẻ bà G bán 10.000 đồng, mua số lượng nhiều 7.000 đồng/kg.

Tiếp tục tìm đến một đầu nậu khác là bà L ở ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, bà L hỏi: “Em lấy nhiều không?”. Tôi đáp: “Tụi em muốn lấy số lượng lớn, chị có cung cấp được không?”. Bà L không ngần ngại dẫn tôi ra phía sau nhà, nơi có 5 lò than đang hoạt động, nói: “Cả 5 lò chị đốt cùng lúc, một mẻ ra là có 2 tấn than. Còn nếu chưa đủ, chị gom quanh đây thêm, bao nhiêu cũng có”.



Cây rừng đã biến thành than và bắt đầu rong ruổi khắp nơi

Bà còn khoe: “Than của tôi toàn là cây rừng nên ra mẻ nào là được đầu mối bên chợ Bình Châu gom hết. Họ đem lên thành phố bán mà không chê câu nào”. Chúng tôi nhận lời thu gom than của bà L với giá 8.000 đồng/kg và hẹn hai hôm nữa qua lấy “hàng”. Bà L xua tay: “Hai hôm nữa không được đâu. Mấy hôm nay “động”, “họ” đang quần dữ lắm, không có nguồn cây về đâu. Cho số điện thoại đi, rồi khi nào có tui gọi báo cho. Còn nếu muốn chở đến tận nơi thì tùy xa gần, trả thêm công vận chuyển”.

2 giờ chiều ngày 10/10, chúng tôi tìm đến Hạt Kiểm lâm huyện Xuyên Mộc, nhưng không gặp được ai vì Hạt trưởng đi viếng đám tang, Hạt phó đi họp. Những ngày sau đó, chúng tôi nhiều lần liên lạc qua điện thoại cho 2 vị này nhưng vẫn không được tiếp.

Ngày 16/10, sau nhiều cuộc gọi cho ông Hạt trưởng Thái Văn Hải, một người đàn ông bắt máy và cho biết, anh Hải đi làm quên điện thoại ở nhà. Còn ông Nguyễn Xuân Thủy, Hạt phó, nhận cuộc gọi nhưng từ chối tiếp và cúp máy khi tôi chưa kịp nói hết câu.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất