| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 04/04/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 04/04/2016

Những lời gan ruột về biển Đông

Trong chương trình thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, ngày 1/4, nghị trường lại nổi sóng trước những lời phát biểu “gan ruột” của nhiều đại biểu.

Đặc biệt, lời phát biểu của đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đã nhận được những tràng pháo tay tán đồng, không chỉ của những đại biểu Quốc hội khác, mà còn của cả những phóng viên đưa tin ở bên ngoài.

Nội dung lời phát biểu của vị đại biểu này được các báo trích dẫn như sau: “Tôi thực sự ngạc nhiên là trong báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan khi đánh giá về biển Đông, đều cho rằng chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia được đảm bảo...

Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Đánh giá đảm bảo chủ quyền quốc gia trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm kích, o ép dân... Tôi ép suy nghĩ của mình để đồng thuận với đánh giá của Chính phủ là chủ quyền và lợi ích quốc gia được đảm bảo. Nhưng nói thật là tôi ép không nổi. Không thể nào.

Những hành vi đó không thể nào coi là bình thường, nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia. Còn khi nào chúng ta mới đánh giá hành vi nào, hệ lụy nào mới là xâm phạm chủ quyền quốc gia, trong khi họ xâm phạm chủ quyền quốc gia của ta với tần suất 20 năm một lần.

Năm 1956 họ chiếm đông Hoàng Sa, năm 1974 lấy tây Hoàng Sa, năm 1988 chiếm Gạc Ma, năm 2014 kéo dàn khoan vào biển Đông và sau đó là tần suất dài hơn, dầy hơn để xâm lấn chủ quyền chúng ta. Biển Đông dậy sóng, trong khi chúng ta bình yên ngồi đây để đánh giá là đảm bảo chủ quyền quốc gia. Liệu điều đó có công bằng không? Đánh giá như thế thì chúng ta đưa ra quyết sách, sự phản đối, nhưng đối kháng của chúng ta đã đủ chưa? Có phù hợp không?".

Thật là những lời thấm thía, đầy tâm huyết và gan ruột. Đúng vậy. Biển Đông đang dậy sóng. Biển Đông không bình yên. Bình yên làm sao được khi mà không mấy ngày, báo chí không đưa tin về việc tàu cá của ngư dân ta đang khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình, bị tàu cá, tàu hải cảnh và tàu ngư chính của nước ngoài cố tình đâm chìm, tàu mất, người chết, hay tàu cá của họ không chỉ ngang nhiên xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của ta, mà còn cố tình chặn bắt, cướp hết cả ngư cụ, cá tôm của ngư dân ta?

Việc Trung Quốc “xâm phạm chủ quyền quốc gia của ta với tần suất 20 năm một lần”. Lần đầu là năm 1956 và lần mới nhất là năm 2014, đã phơi bày một sự thật: Sự xâm phạm chủ quyền nước ta của nước láng giềng đã trở thành một kế hoạch, một chiến lược. Đó chính là chiến lược “tằm ăn lá dâu”. Và họ quyết tâm thực hiện chiến lược đó đến cùng. Quốc hội là “của dân, do dân và vì dân”. Quốc hội không thể ngồi yên mà đánh giá là chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia được đảm bảo, trước những hành vi như vậy.

Cũng với những lời gan ruột, vị đại biểu của tỉnh Quảng Nam còn gửi tới những vị được bầu vào những vị trí lãnh đạo mới của đất nước hai điều: Một là phải chống được tham nhũng, tức là tiêu diệt được giặc nội xâm. Hai là giặc ngoại xâm thì phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia. “Chỉ cần làm được hai điều đó, thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các vị. Còn những việc khác chỉ là thứ yếu”.

Những lời gan ruột trên của đại biểu Lê Văn Lai cũng chính là nguyện vọng của nhân dân.

Bình luận mới nhất