| Hotline: 0983.970.780

Những mẩu chuyện đi cùng Bộ trưởng 'miệng nói tay làm'

Thứ Sáu 21/06/2019 , 20:30 (GMT+7)

Những mẩu chuyện chúng tôi lượm lặt khi công tác cùng ông, người được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ trưởng “miệng nói, tay làm, dám xông pha”.

Kinh nghiệm dày dặn

Ông Nguyễn Xuân Cường được Quốc hội chính thức phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vào ngày 28/7/2016, đúng vào ngày mà cơn bão số 1 năm 2016 (tên quốc tế là Mirinae) vừa đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc bộ.

Mới “chân ướt chân ráo” nhậm chức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phải tức tốc lên đường tới các tỉnh ĐBSH chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão Mirinae. Tại Hà Nam, 12.000ha lúa úng ngập/33.000ha lúa mùa, trong đó có 4.000ha ngập sâu.

12-40-17_botruongcuong-05
Bộ trưởng trò chuyện với nông dân Hà Nam trong một lần kiểm tra cấp nước đổ ải vụ đông xuân vào đầu năm 2017.

Cánh đồng xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm, nước băng băng trông như hồ lớn. Tân Bộ trưởng xắn quần, lội thẳng xuống ruộng cảm nhận mức độ nước ngập. Ông nhổ một khóm lúa, ngửi mùi bùn bám ở rễ, quan sát kỹ rễ, thân, lá, và đánh giá khả năng phục hồi.

Như một cán bộ khuyến nông thực thụ, Bộ trưởng nói lúa mùa mới cấy trên dưới 15 ngày tuổi, nếu tiêu thoát nước tốt vẫn sẽ đảm bảo tốt năng suất. Kể cả với những ruộng ngập sâu, chỉ cần lúa "hở râu trê", nghĩa là chỉ cần hở một chút lá để cây lúa thở, đều hoàn toàn cứu được.

Kinh nghiệm để cứu lúa bị ngập, đó là phải bơm tiêu thoát nước thật nhanh nhất có thể, nước rút tới đâu thì vệ sinh đồng ruộng, chú ý rửa sạch bùn bám trên lá lúa để tăng khả năng quang hợp; dùng các loại phân bón lá giúp cây lúa nhanh hồi phục... Ông lưu ý chỉ những ruộng ngập sâu, không thể cứu vãn nổi mới tính phương án gieo cấy lại. Còn lại chỉ cần dùng biện pháp kỹ thuật.

12-40-17_botruongcuong-04
Bộ trưởng lội ruộng chỉ đạo cứu lúa ngập úng ở Hà Nam sau bão Mirinae vào cuối tháng 7/2016.

“Năm nay khả năng gió heo may về sớm hơn nên lúa gieo cấy lại nếu muộn quá gặp lúc trời trở heo may sẽ không đảm bảo năng suất. Hơn nữa lúa gieo cấy lại còn có thể gặp nhiều rủi ro khác đặc biệt các cơn mưa bão tiếp theo có thể xảy ra vì đây mới chỉ là cơn bão số 1. Cơ quan chuyên môn cần ban hành ngay một gói kỹ thuật, kịp thời cứu lúa”, tân Bộ trưởng Nông nghiệp lưu ý cho lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh có lúa bị ngập úng.

Chỉ mấy ngày sau khi bão Marinae hoành hành ở Đồng bằng Bắc bộ, thì “siêu bão” Nida ập đến, gieo rắc tai ương cho người dân Lào Cai. Hàng chục người đã chết và mất tích, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng. Lũ bùn cũng nhấn chìm nhiều bờ xôi ruộng mật.

12-40-17_botruongcuong-03
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo khắc phục sản xuất tại huyện Bát Xát (Lào Cai) sau bão Nida vào tháng 8/2016.

Tại cánh đồng Lá Chao (xã Quang Kim, huyện Bát Xát), 278ha ruộng lúa xanh tốt đã bị đất đá vùi lấp với bề dày 1,5 - 2m, biến thành một bãi bồi trắng xóa. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bốc một nắm đất trên tay vê vê một hồi và nói: “Đất này đã bị pha cát, không thể trồng lúa được. Nếu múc đất lên khoảng 1,5 - 2m thì tốn quá nhiều tiền và thời gian khắc phục rất lâu. Nhưng, chúng ta có thể biến điều bất lợi thành lợi thế sản xuất nông nghiệp”. Nghe đến đây, từ Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh đến đội ngũ lãnh đạo các cấp đều tò mò.

Bộ trưởng nói tiếp: “Bãi bồi rộng mênh mông dưới chân chúng ta (diện tích hơn 80ha) có thể chuyển đổi thành khu trồng rau màu tập trung theo hướng hàng hóa, với giá trị cao. Tôi thấy Sa Pa tiêu thụ rất tốt các loại rau sạch, ngô nướng, khoai lang nướng. Vì sao chúng ta không trồng những thứ đó mà phải nhập từ tỉnh ngoài?”. Ý tưởng độc đáo đó đã giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngoạn mục, hình thành một vùng sản xuất mới.

Chuyện vui "bã mía hơn nước mía"

Niên vụ mía đường 2018 - 2019 là năm thứ ba liên tiếp chứng kiến sự thua lỗ của nhiều nhà máy. Tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho từ vụ trước lớn. Giá bán đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg.

Làm thế nào phục hưng ngành mía đường, đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm ngàn nông dân trồng mía là bài toán khó. Tại buổi làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam vào chiều 30/4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra lời giải thú vị cho bài toán hóc búa này. Đó là phải đa dạng hóa sản phẩm.

Ông dẫn chứng mô hình ở Vĩnh Phúc, làm nấm trên diện tích hơn 2.000m2 nhưng tháng nào cũng thu 400 - 500 triệu đồng từ nấm tỏi gà.

Trong chuyến công tác nhân hội nghị mới đây về phát triển cây ăn quả các tỉnh phía Bắc tại tỉnh Sơn La, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp tới thăm và kiểm tra tại nhiều vùng SX cây ăn quả. Cái nắng tháng 5 ở lòng chảo Yên Châu (Sơn La) cứ hầm hập. Vườn xoài được cấp mã số vùng trồng để XK của HTX Chiềng Hặc (Yên Châu) nằm tít tắp trên đồi cao. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, nhưng Bộ trưởng Cường vẫn xăm xăm cuốc bộ cả kilomet để có thể mắt thấy, tai nghe cách làm xoài VietGAP của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong HTX...

“Với cách làm nông nghiệp như vậy, nếu đầu tư công nghệ để tận thu bã mía sản xuất giá thể trồng nấm, thì bã mía còn hơn nước mía”, Bộ trưởng khẳng định và khuyên các doanh nghiệp, viện nghiên cứu nên sang Nhật để học cách trồng nấm từ bã mía của Nhật Bản. Phải không ngừng sáng tạo đổi mới để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm. Có như vậy ngành mía đường mới đủ khả năng cạnh tranh.
 

Nhìn trước tương lai

Cách đây khoảng 4 năm, ông Hà Văn Thắng (hiện là Chủ tịch HĐQT Cty CP T&T 159 Hòa Bình) bắt đầu dò đường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ngày ấy, nghề nuôi vỗ béo bò Úc đang “hốt bạc”, ông và các cộng sự định nhập hàng ngàn con bò từ xứ xở chuột túi về Việt Nam.

Có lần, ông Thắng trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Cường (khi đó đang giữ chức Phó Ban Kinh tế Trung ương) về ý tưởng đầu tư vào nông nghiệp.

Khi bàn về chuyện muôi vỗ bò Úc, ông Cường gạt phăng: “Đừng làm nông nghiệp vì lợi trước mắt. Anh đã đi sau người khác, thì phải tìm lối đi riêng, tạo ra sản phẩm khác biệt”.

Thay vì nuôi bò Úc, ông Cường khuyên ông Thắng nên đầu tư khu trại sản xuất giống và nuôi bò thịt trong nước. Bởi nguồn bò Úc không ổn định, giá cả bấp bênh trong khi chất lượng bò giống ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể về năng suất và tầm vóc.

Theo ông Cường, muốn nuôi bò có lãi thì phải thiết lập một tổ hợp, trong đó vừa có nhà máy chế biến thức ăn (để tận thu nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ, thân, lõi ngô… tại chỗ dồi dào để làm thức ăn cho bò); vừa có khu chăn nuôi bò, vừa có nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ (dùng phân bò để sản xuất phân bón hữu cơ). Qua đó hạ giá thành sản phẩm.

Như thế “phân bò sẽ quý như thịt bò”. Và muốn thành công thì phải liên kết chặt chẽ với nhiều nông dân để hình thành chuỗi sản phẩm thịt bò đặc thù.

Từ ý tưởng thiết kế mô hình trên, ông Thắng và các cộng sự đã rót hơn 500 tỷ đồng để hiện thực hóa nó. Vừa rồi, chúng tôi có dịp cùng Bộ trưởng Cường lên thăm Cty T&T 159 Hòa Bình.

12-40-17_botruongcuong-01
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong một lần thăm “đảo bò Kobe” tại huyện Ba Vì, Hà Nội.

Lãnh đạo công ty chia sẻ: Mỗi ngày, một con bò thịt thải ra khoảng 20kg phân và 30 lít nước tiểu. Nếu thu gom hết nguồn phế thải từ hơn 1.000 con bò trong trang trại, có thể sản xuất tại chỗ được 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/ngày, tương đương khoảng 300 - 500 triệu đồng. Số tiền này đủ để vận hành toàn bộ trang trại trong ngày.

Với phương thức chăn nuôi truyền thống, giá thành sản xuất 1kg thịt bò khoảng 70.000 - 75.000 đồng. Nhưng ở trang trại bò của T&T 159 Hòa Bình, sản xuất 1kg thịt bò chỉ mất khoảng 35.000 đồng. Triết lý làm nông nghiệp tận thu mọi thứ, kể cả phân bò và nước tiểu, chính là bí quyết để doanh nghiệp thành công.

Những lần trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Văn Thắng nhiều lần cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã tặng cho doanh nghiệp của mình một ý tưởng kinh doanh có tầm chiến lược tuyệt vời.

12-40-17_botruong-cuong-02
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm trang trại nuôi hơn 1.000 con bò của Cty T&T 159 Hòa Bình.

Biến nguy thành an, coi xâm nhập mặn cũng là lợi thế

Ông Nguyễn Xuân Cường nhậm chức Bộ trưởng trong bối cảnh nền nông nghiệp đối mặt với tăng trưởng âm.

Ở ĐBSCL, mặn tấn công 9/13 tỉnh, có nơi vào sâu đất liền hàng trăm km. Hạn hán hoành hành ròng rã hơn một năm khiến ruộng đồng nứt nẻ chân chim, mạ xanh biến thành rơm trắng. Hàng chục vạn người dân thiếu nước sinh hoạt, còn vật nuôi thì chết vì đói khát.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế.

Thời điểm ấy, người đứng đầu ngành nông nghiệp phải lựa chọn một trong hai phương án: đối phó hoặc thích nghi với thiên tai. Nói một cách nôm na thì “đối phó” nghĩa là rót hàng nghìn tỷ để xây dựng công trình ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo đất trồng lúa bằng mọi giá. “Thích nghi”, nghĩa là mặn tiến đến đâu sẽ chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm, cá (nước mặn, nước lợ).

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra quyết định mang tính lịch sử, đó là xoay trục sản phẩm chủ lực của vùng lấy thủy sản, trái cây ưu tiên hàng đầu.

"Chúng ta phải nâng kim ngạch xuất khẩu tôm từ 3,8 tỷ USD (năm 2017) lên 10 tỷ USD chậm nhất vào năm 2015, phấn đấu trở thành thủ phủ tôm số một của thế giới", Bộ trưởng đặt mục tiêu.

Đến nay con tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đi 90 nước trên thế giới. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tôm như: Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn Việt Úc, Cty CP Trung Sơn, Cty Đắc Lộc... đã đưa tôm Việt vào được những thị trường cực kỳ khó tính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ... hay các nước châu Âu. 

Thành công của con tôm là minh chứng rõ nhất cho quan điểm lãnh đạo xuyên suốt của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Nếu có khát vọng lớn và cách cách làm sáng tạo, thì mặn cũng là lợi thế, hạn cũng là lợi thế, mưa cũng là lợi thế, đất dốc cũng là lợi thế”.

Xem thêm
Nắng nóng kéo dài cộng mùa vụ liên tục, cây lúa đối mặt nhiều bất lợi

Plastimula 1SL là giải pháp hỗ trợ cây lúa vượt qua ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trong giai đoạn đầu vụ hè thu.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Aquavina đồng hành cùng người nuôi tôm ĐBSCL

Aquavina đặt nền móng cho sự thành công của người nuôi tôm tại ĐBSCL bằng việc cung cấp các sản phẩm thuốc thú y thủy sản chất lượng cao.

Bình luận mới nhất