| Hotline: 0983.970.780

Những nghề không học viên: Bỏ hay giữ?

Thứ Tư 28/12/2011 , 10:26 (GMT+7)

Vấn đề đặt ra ở đây chúng ta nên bỏ hay giữ lại những nghề đã bị lép vế?

SV Khoa Trồng trọt – Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đang thực hành trên đồng ruộng

Mấy năm trở lại đây, khi các trường ĐH dân lập mọc lên như nấm và việc đỗ ĐH ở các trường nhàng nhàng đơn giản như “cân đường hộp sữa” đã gây ra sự khủng hoảng trầm trọng trong tuyển sinh cho các trường khối nông, lâm, ngư nghiệp. Vậy vấn đề đặt ra ở đây chúng ta nên bỏ hay giữ lại những nghề đã bị lép vế?

CƯƠNG QUYẾT KHÔNG BỎ!

Đó là quan điểm của hầu hết lãnh đạo các trường khối nông, lâm, ngư chúng tôi gặp và đặt câu hỏi nên bỏ hay giữ những nghề không thể tuyển sinh. Đại diện cho các trường khối thủy sản, thầy Nguyễn Văn Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủy sản (Bắc Ninh) cho biết, nhà trường hiện có 10 ngành nghề nhưng riêng nghề Thú y mở được duy nhất một khóa năm 2006 (40 người) rồi dừng hẳn, năm 2011 vừa rồi cố gắng lắm cũng chỉ tuyển được 10 học viên, không đủ điều kiện mở lớp nên đành phải chuyển các em sang nghề khác.

Nghề Nuôi trồng thủy sản của trường cũng tương tự, nếu năm 2006 tuyển được một lớp đầy đặn 60 người thì năm sau giảm dần so với năm trước xuống 50 - 40 - 30 và năm 2011 vừa rồi chỉ còn 23 sinh viên. Nhưng quan điểm của thầy Việt không bỏ các nghề vốn là xương sống của trường. Đơn giản, vì tất cả cơ sở vật chất trang thiết bị, máy móc giảng dạy trị giá cả trăm tỉ đồng của trường đều phục vụ các ngành nghề này.

Cũng hoạt động trong ngành thủy sản, Trường CĐN Thủy sản Miền Bắc (Hải Phòng) 2 năm nay không tuyển sinh được học viên nghề Khai thác và Đóng tàu. Thầy Phạm Tuất - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, do ngành nghề trên phải đi biển vất vả, rủi ro cao đồng lương lại không đảm bảo nên rất khó thu hút học viên.

Thầy Tuất thật lòng cho biết, bản thân trường được thành lập ra mục tiêu chính là đào tạo, cung cấp nhân lực cho nghề khai thác, đóng tàu nhưng trên 50% học sinh của nhà trường hiện theo học nghề kế toán, tin học. Dù không tuyển sinh được học viên, nhưng Trường CĐN Thủy sản Miền Bắc cương quyết không bỏ nghề truyền thống, mấy năm qua nhà trường vẫn lấy kinh phí từ các nghề trái tuyến như kế toán, tin học để bù đắp và duy trì hoạt động cho các nghề thiệt thòi kia.

Dạo qua các trường thuộc khối cơ điện nông thôn, kỹ thuật máy nông nghiệp cũng như chế biến gỗ và lâm nghiệp không có gì khả quan hơn. Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện Tây Bắc (Hòa Bình) Nguyễn Đức Thắng dẫn chúng tôi đi tham quan khu nhà xưởng để các thiết bị máy móc phục vụ nghề Cơ điện nông thôn và Kỹ thuật máy nông nghiệp của nhà trường bị bỏ không 3 năm qua mà không khỏi chạnh lòng. Sau khi các nông trường, HTX hoạt động trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp giải thể, hai nghề này không có người theo học nên số trang thiết bị trên đành cất kỹ vào kho từ ngày đó và cũng chưa biết khi nào dùng đến.

Bản thân thầy Thắng xác định không thể bắt học sinh theo học nghề các em không thích, nhu cầu nhân lực hai nghề trên năm nào cũng có nhưng không nhiều, nếu đào tạo ra chưa chắc đã có việc làm nhưng không đào tạo lại thiếu. Theo thầy Thắng, vẫn nên duy trì các nghề này bởi mai sau khi quá trình công nghiệp hóa trong nông nghiệp phát triển, chắc chắn sẽ lại cần đến.

Riêng thầy Vũ Tường Nhuệ - Hiệu trưởng Trường CĐN Cơ điện xây dựng Tam Điệp (Ninh Bình) đã chấp nhận buông xuôi giải thể nghề Mộc dân dụng của trường bởi đã tìm mọi cách để tuyển sinh nhưng đều thất bại dù trong thâm tâm thầy Nhuệ rất thích nghề này.

GIẢI PHÁP GIỮ NGHỀ?

Lý giải nguyên nhân khiến việc tuyển sinh các khối ngành nông, lâm, thủy sản gặp khó khăn, hầu hết các trường CĐ, CĐN đều cho rằng, thị hiếu xã hội hiện nay chủ yếu tập trung vào khối ngành kinh tế, thương mại. Bên cạnh đó, mấy năm gần đây mật độ các trường Đại học dân lập chất lượng làng nhàng mọc lên quá nhiều, chỉ cần đủ điểm sàn đã đỗ ĐH nên thí sinh bị hút hết vào khối ngành kinh tế tại các trường đó. Mặt khác, các trường ĐH thi nhau mở các hệ cao đẳng, trung cấp nghề vớt thí sinh thêm lần nữa để đào tạo liên thông, liên kết nên các trường tuyến dưới gần như không còn thí sinh để tuyển.

Cá nhân thầy Phạm Tuất - Phó Hiệu trưởng Trường CĐN Thủy sản Miền Bắc cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ về học phí, có việc làm sau khi ra trường vẫn là yếu tố quyết định học viên có theo học các nghề hay không. Vì vậy, thầy Tuất đề nghị, với những ngành nghề vất vả, cực nhọc và nguy hiểm Nhà nước phải có chính sách ưu tiên đặc biệt.

Thực tế, các trường CĐN mấy năm trở lại đây đều phải xuống trực tiếp các địa phương tìm học viên và kêu gọi con em nông dân đi học chứ nếu ngồi nhà đợi học viên đến nộp hồ sơ chắc đã đóng cửa từ mấy năm trước. Vì vậy, các trường tuyến dưới kiến nghị Nhà nước cần có chính sách quy định các trường thuộc hệ nào chỉ trọng tâm đào tạo các hệ đó để phân chia lượng thí sinh được đồng đều, mặt khác chất lượng đầu ra cũng đảm bảo hơn.

Đề xuất giải pháp cụ thể, theo thầy Nguyễn Văn Việt - Hiệu trưởng Trường CĐ Thủy sản, Nhà nước nên miễn toàn bộ học phí cho các ngành thuộc khối nông, lâm, thủy sản và tăng học phí các khối ngành kinh tế để lấy chi phí ngành này bù cho ngành kia.

Hiệu trưởng Trường CĐN Chế biến gỗ (Hà Nam) Lại Văn Ngọc đề xuất giải pháp, các DN muốn tuyển nhân công phải trả kinh phí cho đơn vị đào tạo bởi hiện nay DN sử dụng lao động đã qua đào tạo không mất bất cứ khoản chi phí nào. Bên cạnh đó, những em theo học trường nghề đều học văn hóa rất yếu hay nói cách khác là rất sợ học văn hóa nên thầy Ngọc đề nghị cần có cơ chế miễn học văn hóa cho các đối tượng này để các em có thời gian tập trung vào học nghề.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất