| Hotline: 0983.970.780

Những ngôi làng khốn khổ

Thứ Hai 11/04/2011 , 09:09 (GMT+7)

Một công dân ở xã Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh nói: Nhân dân làng Trung Lĩnh, xã Hương Trạch đã bị “tra tấn” vì mỏ đá từ nhiều năm nay.

Một công dân ở xã Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh nói: Nhân dân làng Trung Lĩnh, xã Hương Trạch đã bị “tra tấn” vì mỏ đá từ nhiều năm nay.

>> Hà Tĩnh- Lửng lơ tai họa
>> Bồng Miêu sa khoáng hại người
>> Những ẩn họa mang tên ''Lèn Cờ''

Bởi mỗi ngày 2 lần mìn nổ là người làng phải bịt lỗ tai, trùm kín mặt mũi; cá dưới ao hoảng loạn vì mìn nổ nhảy tứ tung; trâu bò ngoài đồng rống lên, tội nhất vẫn là các cháu nhỏ ở trường mầm non đang giấc ngủ trưa bỗng choàng dậy khóc thét. Cả làng ngập ngụa thuốc mìn và bụi đá.

Cả làng sống trong ô nhiễm

Làng Trung Lĩnh và làng La Khê (xã Hương Trạch) đã sống trong ô nhiễm bởi hai mỏ đá hoành hành từ gần chục năm nay. Hai mỏ đá này do Cty VLXD và Cty Hợp tác kinh tế QK4 thi nhau đào hốt. Mặc dù hàng trăm hộ dân trong vùng đã nhiều lần kêu lên các cấp, nhưng chẳng cấp nào thấu, chỉ còn nước kêu công luận.

Chúng tôi đến làng Trung Lĩnh vào buổi xế trưa khi cả làng đang nơm nớp lo âu: Đến giờ mìn nổ. Người dân La Khê, Trung Lĩnh thường hay nhắc nhau, sắp đến giờ mìn nổ rồi, về đi thôi… Thấy chúng tôi là người lạ, mấy người trong thôn hét toáng lên: “Chạy vào nhà đi, muốn đá rớt vỡ đầu hay răng mà còn đứng trơ ra đó". Nỗi thấp thỏm của người dân khiến chúng tôi cũng lo lắng bởi núi đá nằm ngay cạnh con đường chính đi qua đi lại của làng. Ai đó chỉ chậm chân không kịp bước là cả loạt mìn nổ, những trận “mưa đá” sẽ dồn dập đổ xuống không có nơi ẩn nấp là vỡ đầu như chơi.

Ông Trần Văn Thiện, cựu chiến binh, thôn trưởng Bắc Lĩnh bức xúc: Thôn Bắc Lĩnh có 60 hộ gia đình nằm trong vùng ô nhiễm gần chục năm nay do nạn khai thác đá, nhân dân ngày đêm nơm nớp về chuyện mìn nổ bởi mỗi khi mìn nổ không những làm điếc tai long óc mà đôi lúc còn có những loạt mìn do sức công phá lớn nên đá văng xa hàng trăm mét, rơi tứ tung, vườn tược nhà cửa cây cối tan hoang vì đá.

Gia đình ông Đông ở thôn Trung Lĩnh có con bò đang ăn bên nương, mìn nổ đá rơi trúng đầu, bò chết thẳng cẳng. Đến anh Phan Hà lái xe đi qua đường, giờ mìn nổ, chạy không kịp, một tảng đá to ném trúng cabin làm xe ôtô bẹp dúm, may người thoát chết. Ông Thiện bảo: Ngoài môi trường bị ô nhiễm thì do núi đá bị đào bới nên mỗi lần lũ về, thay đổi dòng chảy, năm ngoái lũ cuốn trôi mất 5 ha đất canh tác vốn rất ít ỏi của bà con nông dân, nhiều gia đình không còn tấc đất cắm dùi. Vì những thiệt hại trên nên thôn chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn lên cấp trên kêu cứu mà chẳng ai thèm dòm ngó.

Tội nhất vẫn là các cháu mẫu giáo trường mầm non Hương Trạch, bởi từ điểm khai thác đá đến trường mầm non chỉ cách dăm ba chục mét. Theo giải thích của những người làm việc tại hai mỏ đá này thì, mặc dù mỏ nằm sát trường nhưng nhờ có mái núi che chắn nên không hề hấn gì. Thế nhưng trên thực tế, khi mìn nổ đá vẫn rơi đầy sân trường, đầy mái nhà vì quá gần. Qua thực tế chứng kiến tại hiện trường vào lúc 11h36 phút ngày 28/3/2011 chúng tôi đang ngồi trong phòng làm việc của cô giáo hiệu trưởng trường mầm non Hương Trạch thì mìn nổ inh tai, như muốn hất tung mọi thứ, trần nhà nơi chúng tôi ngồi bị sập xuống.

Mìn nổ đúng giờ ngủ trưa nên học sinh cả trường bật dậy, nhiều cháu khóc thét lên vì sợ hãi. Sau tiếng nổ, đá rơi rạt rạt trong khuôn viên nhà trường và trên các mái ngói. Loạt mìn nổ trưa hôm đó trọng lượng chỉ có 25 kg, thuộc loại “tép riu” so với cả loạt mìn nổ liên tục trước đó… Tại nhà xe của trường mầm non đá nằm đầy trên mái.

Ông cựu chiến binh tiếp tục phẫn uất, nói: “Hôm nay trời mưa phần nào hạn chế được bụi khói. Lo nhất vẫn là mùa hè sắp tới, mỗi lần mìn nổ là mỗi lần cả xóm “ăn” bụi đá và hít thở khói thuốc mìn. Bụi đá từ mỏ bay về phủ trắng nhà cửa cây cối, mìn nổ đá văng cả vào mâm cơm".

Khốn khổ khốn nạn vì mỏ đá

Rời làng Trung Lĩnh, chúng tôi lên thăm làng La Khê, một nơi khốn khổ khốn nạn vì mỏ đá. Tuy thời tiết mưa phùn nhưng cả làng vẫn ngập chìm trong bụi đá. Nhà chị Nguyễn Thị Huyền bị cả một đống đá hàng chục m3 đổ trùm lên vườn tược, choán hết cả lối đi lại. Chị Huyền bức xúc: “Ai đời họ làm ăn đến mức như thế là cùng! Đất ở của gia đình tui được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hẳn hoi nhưng bị đơn vị khai thác đá đổ trùm lên đến ngang nóc nhà và lấp hết cả chân tường, ngăn cản lối đi lại. Tôi đã kêu van xin đừng đổ đá vào đấy nữa nhưng đơn vị khai thác đá của QK4 vẫn ngang nhiên đổ đá ầm ầm suốt ngày đêm vào vườn nhà tôi không sao chịu nổi".

Chị Huyền kể, có dạo, cả nhà đang ngồi ăn cơm, mìn nổ, một cục đá to rơi vỡ ngói, làm cả mâm cơm tung tóe nhưng rất may là không ai việc gì. Chị chỉ tay lên mái nhà, nơi tấm ngói bị đá rơi vỡ chưa hàn gắn được: “Đá rơi vỡ ngói thế này mà họ không thèm xin lỗi một câu chứ đừng nói gì chuyện đền bù!”.

Tương tự, chị Trịnh Thị Thương, làng La Khê vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại một lần cả hai mẹ con chị suýt vỡ đầu vì mìn nổ từ mỏ đá La Khê, cách nhà dân chưa đầy 20 mét rơi xuống. Chị nhớ lại: “Khi đó tôi vừa mới sinh con được mấy tháng vào một buổi trưa, cả hai mẹ con đang ôm nhau ngủ trên võng thì nghe tiếng mìn nổ ầm ầm. Theo phản xạ, tôi bế con vào buồng trốn. Vừa chạy vào buồng thì nghe đá rơi ầm ầm trên mái ngói. Viên đá to bằng quả bưởi làm vỡ ngói rơi xuống trúng ngay chỗ mẹ con tôi nằm trước đó. Phúc tổ nhà tôi. Nếu không chạy vào buồng kịp, có khi mẹ con tôi đã ra đi từ dạo đó”.

Trong đơn kêu cứu của hàng trăm hộ dân ở 2 thôn Trung Lĩnh và thôn La Khê có đoạn: Việc khai thác đá ở 2 mỏ đá nói trên đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho dân chúng trong khu vực, còn tính mạng người dân ngàn cân treo sợi tóc vì đá rơi. Nguy hiểm hơn nữa là nếu khai thác hết cả 2 dãy núi đá La Khê thì lũ đầu nguồn sẽ chạy thốc thẳng vào làng mạc, chắc chắn hậu quả khôn lường sẽ xảy ra. Lúc đó ai là người đứng ra chịu trách nhiệm này trước dân?!

Chị Hàn Thị Đính, một người làng khác nêu bức xúc: “Không có ai khổ như dân La Khê chúng tôi mô các anh ạ. Đã mấy năm nay, cứ đến giữa trưa, xế chiều thì mìn lại tra tấn, ngày thì xe chạy, bụi đá trắng xóa; đêm về thì máy xay đá chạy ầm ầm suốt sáng không sao chịu nổi. Thật khổ hết chỗ nói”.

Mang nỗi niềm bức xúc của nhân dân Hương Trạch sống cạnh hai mỏ đá nói trên, chúng tôi tìm đến “sở chỉ huy” của mỏ đá thuộc Cty Hợp tác kinh tế QK4. Ông Hùng – người phụ trách mỏ đá của công ty này nói: “Chúng tôi biết rằng, đã khai thác đá và nổ mìn thì không thể tránh khỏi ô nhiễm. Để phần nào bù đắp cho nhân dân trong vùng, chúng tôi đã hỗ trợ dân bằng cách mua mấy tấm bạt để che cho dân… đỡ bụi. Ngoài ra, không có cách nào khác".

Ông Nguyễn Văn Nam, thôn La Khê: “Họ lấy đá bằng mọi giá chứ có hề quan tâm gì đến cuộc sống của chúng tôi đâu. Thậm chí, tại lèn La Khê, nơi dân quân xã dùng làm trận địa bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa, nay cũng bị phá hủy để lấy đá. Chính chiến công bắn rơi máy bay Mỹ tại lèn núi này nên xã Hương Trạch được phong Anh hùng LLVT. Vậy mà những người từ đâu đến ngày đêm đem mìn để phá cả ngọn núi thì thật là đau xót”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm