| Hotline: 0983.970.780

Những ngư dân vàng

Thứ Hai 30/04/2012 , 09:15 (GMT+7)

Từ ngư phủ làm thuê, sau hàng chục năm kiên trì bám biển, ông Dẫn đã tích góp mua được tàu cho riêng mình để thỏa chí ra khơi...

Từ ngư phủ làm thuê, sau hàng chục năm kiên trì bám biển, ông đã tích góp mua được tàu cho riêng mình để thỏa chí ra khơi. Rồi đội tàu cứ tăng dần theo năm tháng, lên tới gần chục chiếc, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động...

Đó là thành tích nổi bật của ông Dương Thế Dẫn, một trong hai ngư dân Kiên Giang vừa vinh dự được Hội Nghề cá Việt Nam trao tặng danh hiệu “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam”.

 
Chú Năm Dẫn đang hướng dẫn phân loại cá tại cảng cá Tắc Cậu

ĐI BIỂN TỪ THUỞ LÊN MƯỜI

Trên biển Đông, cơn bão số 1 vừa tan nhưng những cơn mưa do ảnh hưởng của bão vẫn còn rả rích trong đất liền. Tranh thủ lúc trời bớt mưa, tôi tìm đến nhà ông Năm Dẫn, chủ DN tư nhân khai thác hải sản Dương Thế Dẫn ở TP Rạch Giá (Kiên Giang). Trước sân nhà chất đầy ngư lưới cụ, bấm chuông gọi cửa, một người đàn ông cao to ra mở cổng mời tôi vào nhà. Sau vài câu giới thiệu, tôi mới biết đó chính là Năm Dẫn.

Những năm tháng đi biển đã tạo cho chú Năm một thân hình săn chắc dù đã bước sang tuổi lục tuần gần nửa con giáp. Vừa ngồi vào ghế, Năm Dẫn đã thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng: “Bão tan rồi, nhẹ cả người. Nghề này là vậy, cứ mỗi khi nghe tin trời nổi giông bão là không chỉ những người ngoài biển bất an mà cả những người ở nhà trong, lòng cũng dậy sóng”.

“Chú Năm làm nghề biển lâu chưa?”, câu hỏi của tôi như đánh thức những ký ức vang bóng một thời của Năm Dẫn. Ông không trả lời ngay mà ngồi trầm ngâm suy nghĩ như đang kiểm đếm lại thời gian, rồi chậm rãi kể: “Gia đình tui có truyền thống làm nghề biển. Trước đây, khi còn ở Hòn Đất, cha tui vừa làm ruộng vừa đi biển. Hồi đó, tàu rất nhỏ nên chỉ cào gần bờ, chiều đi đến khuya đã về. Gặp chiến tranh ác liệt nên mấy anh em tui chỉ học hết lớp 3, lớp 4, biết đọc thông thạo con chữ là nghỉ. Đứa nào cũng vậy, độ mười tuổi đã tập tành theo cha ra biển”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Năm Dẫn rời vùng đất cách mạng xứ Hòn để về Rạch Giá lập nghiệp. Nhờ có kinh nghiệm đi biển nên Năm Dẫn được nhận vào làm ngư phủ cho Cty quốc doanh đánh cá Kiên Giang. Chỉ trong một thời gian ngắn Năm Dẫn đã được mọi người cất nhắc làm thuyền trưởng, rồi máy trưởng khi tuổi đời chưa quá ba mươi.

“Mặc dù đã được thỏa chí tung hoành trên biển nhưng tui vẫn ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó sẽ được sở hữu chiếc tàu của riêng mình. Thế là cứ làm được bao nhiêu tiền tui đều dành dụm lại để mua tàu. Nhưng cũng phải đến năm 1983 tui mới có được số tiền đủ mua 1/4 chiếc tàu, công suất 30 CV, tìm mãi mới kiếm ra được ba người nữa hùn vốn cùng” - Năm Dẫn nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp.


Chú Năm Dẫn bên chiếc tàu tải đã góp phần làm nên thành công ngày hôm nay

Mãi đến năm 52 tuổi, với hơn 40 năm bám biển, Năm Dẫn mới thực sự được sở hữu chiếc tàu đầu tiên của riêng mình. Có tàu, Năm Dẫn càng ra khơi nhiều hơn, tiền lời từ các chuyến biển lại được ông dồn vào đóng tàu mới. Hiện đội tàu đánh bắt xa bờ mà Năm Dẫn làm chủ đã lên tới 9 chiếc, chiếc nhỏ nhất công suất 260 CV, chiếc lớn 470 CV. Trong đó, có 4 chiếc hành nghề cào đôi, 4 chiếc làm nghề lưới cản và một chiếc tàu tải chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

THÀNH CÔNG NHỜ TÀU TẢI

Gần chục năm nay Năm Dẫn không còn ra khơi nữa mà nhường lại cho hai người con trai nối nghiệp đi biển. Năm Dẫn ở nhà làm dịch vụ hậu cần, tiếp tế nguyên nhiên liệu cho tàu ngoài khơi và cân bán cá cho bạn hàng mỗi khi tàu tải về cặp cảng. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến nghề biển là Năm Dẫn lại hồ hởi như thuở mình còn đang là ngư phủ.

Năm Dẫn kể: “Nghề biển coi vậy chứ bạc lắm, lỗ lãi là chuyện thường. Đi sai con nước, không đúng luồng cá là lỗ chổng vó. Vài chuyến như vậy là phá sản. Nguồn tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt, đi gần bờ thì không đánh bắt được nhiều nhưng ra xa các vùng biển giáp ranh lại sợ bị nước ngoài bắt giữ. Giờ tàu lớn, phương tiện liên lạc hiện đại còn đỡ, chứ ngày xưa đi biển cứ mò mẫm như đi đêm, lỡ tàu bị sự cố, máy hư hay gặp bệnh giữa chừng… coi như chỉ biết phó mặc cho trời”.

Những thăng trầm của nghề biển nhiều lúc khiến Năm Dẫn muốn bỏ nghề, nhất là những năm giá dầu liên tục tăng cao làm cho ngư dân kiệt sức. Nhưng đã mấy chục năm bám biển, bỏ nghề lên bờ cũng chẳng biết làm gì kiếm sống. Không nản chí trước khó khăn, cộng với kinh nghiệm nhiều năm làm thuyền trưởng, máy trưởng lại thôi thúc Năm Dẫn mày mò tìm tòi cải tiến kỹ thuật để giảm chi phí trong SX.

Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, Năm Dẫn đã nghiệm ra một điều: Lưới cào rất nặng là nguyên nhân chính khiến tàu hoạt động hao tốn nhiên liệu. Vậy thì phải tìm cách tăng sức đẩy của máy lên bằng cách thay hộp số từ 7 tua (7 vòng máy 1 vòng chân vịt) lên 9 tua rồi 12 tua để chạy chân vịt lớn hơn. Và kết quả thật bất ngờ, sự thay đổi này đã làm tàu hoạt động hiệu quả hơn, tiêu tốn ít nhiên liệu hơn.

Theo Năm Dẫn, trước đây khi còn chạy hộp số 7 tua, một cặp cào đôi chạy một giờ tiêu tốn hết 70 lít dầu nhưng khi thay hộp số lớn 9 tua, 12 tua chỉ tốn 60 lít. Trung bình mỗi ngày hoạt động 12 tiếng với mỗi chuyến biển kéo dài cả tháng thì lượng dầu tiết giảm được lên đến vài ngàn lít, tức là bớt được vài chục triệu/chuyến biển. Đây là số tiền hết sức ý nghĩa trong bối cảnh hoạt động nghề biển ngày càng khó khăn.


Nhờ có tàu tải mà hải sản đội tàu khai thác của chú Năm Dẫn đánh bắt được đưa vào bờ sớm hơn

“Đây có phải là bí quyết đã đưa DN của chú Năm đến thành công như ngày hôm nay?” - tôi hỏi. Thế nhưng Năm Dẫn lại khẳng định thành công chính là nhờ mô hình tàu tải. Trước đây, mỗi chuyến biển chỉ kéo dài khoảng một tháng là phải vào bờ để lên cá và tiếp nhiên liệu mới tiếp tục ra khơi. Mỗi lần vào đất liền, một chiếc tàu đánh bắt xa bờ tiêu tốn hết khoảng 1.500 lít dầu.

Với gần chục chiếc tàu, chỉ riêng khoản nhiên liệu này đã lên đến vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, tàu tải mỗi tháng ra 2-3 chuyến để tiếp tế nguyên nhiên liệu, lấy cá về bán chỉ hết 5-6 ngàn lít dầu, giảm được 2/3 chi phí. Nhờ có mô hình tàu tải mà tàu khai thác bám biển được nhiều hơn, có khi 3-4 tháng mới về đất liền một lần để sửa chữa.

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chủ tịch Hội Nghề cá Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh đang có 12.250 chiếc tàu cá với tổng công suất trên 1,5 triệu CV, sản lượng khai thác hằng năm đạt khoảng 400.000 tấn. Để có được lượng hải sản lớn như vậy là công sức lao động của hàng ngàn lao động làm nghề cá ngày đêm bám biển. Trong đó, có công lao của ông Trương Văn Ngữ và ông Dương Thế Dẫn, hai ngư dân có thành tích nổi bật vừa vinh dự được nhận danh hiệu “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam”.

Hiện ông Ngữ có 10 chiếc tàu làm nghề cào lưới, tổng công suất 4.500 CV, với 150 lao động trực tiếp đi khai thác ở vùng biển xa bờ. Ngoài ra, còn có 20 lao động làm việc tại xưởng cơ khí vừa sửa chữa máy móc vừa tìm tòi cải tiến kỹ thuật. Năm 2011, đội tàu tiếp tục khai thác được 2.500 tấn hải sản, chủ yếu là cá, mực và tôm.

Còn ông Dẫn có 9 chiếc tàu, tổng công suất 2.150 CV, giải quyết việc làm thường xuyên cho 120 lao động trực tiếp trên biển và 20 lao động nữ chuyên vá lưới trên bờ. Năm vừa qua, ông Dẫn khai thác được 1.300 tấn hải sản, gồm 100 tấn mực, 800 tấn cá ngừ và cá thu, còn lại là các loại cá khác. Ông Ngữ và ông Dẫn là những ngư dân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm chi phí SX, nâng cao chất lượng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong từng chuyến biển. 

Năm Dẫn vẫn còn nhớ như in những lần hút chết trong cơn giận dữ của biển khơi: “Năm 1997, nhận được thông tin có một cơn bão mạnh ngoài biển Đông, tui liền cho tàu chạy về biển Tây tránh bão. Thấy cá nhiều, lại chủ quan là bão ở xa nên tui kêu anh em thả lưới xuống đánh bắt. Khi đã bắt được cá đầy hai boong tàu, chưa kịp di chuyển thì giông gió đùng đùng nổi lên, sóng hất tung cá xuống biển, còn tàu thì liên tục chao đảo mạnh. Khi vào được tới đảo thì con tàu xơ xác chẳng còn gì, may mà tàu không bị chìm.

Rồi không ít lần bão ập đến quá nhanh, tui phải đứng ôm chặt lấy tay lái để đưa con tàu thoát ra. Sóng cao 4-5m, chỉ cần chệch hướng là tàu bị đáp úp ngay, đến nỗi phải “tè” đại ra quần chứ không dám bỏ tay lái. Thế nhưng nghề này lạ lắm, cứ vào bờ vài ngày lại nhớ biển cồn cào, bức bối không chịu được”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm