| Hotline: 0983.970.780

Những người có trăm công ruộng

Thứ Bảy 02/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Nếu như những khu đô thị lớn là điểm hẹn của các doanh nhân thành đạt thì Tứ giác Long Xuyên lại là “miền đất hứa” của những nông dân mang trong mình giấc mơ đại điền.

Nếu như những khu đô thị lớn là điểm hẹn của các doanh nhân thành đạt thì Tứ giác Long Xuyên lại là “miền đất hứa” của những nông dân mang trong mình giấc mơ đại điền. Không ít địa phương trong vùng đã trở thành nơi hội ngộ của những “thần nông thời hội nhập”, với những “câu lạc bộ 100" - những nông hộ có từ 100 công (10ha) ruộng trở nên. Trong đó, xã Nam Thái Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang là một điển hình như thế. 

Quyết tâm bám đất…

Những ngày giáp Tết, tôi có dịp trở lại xã Nam Thái Sơn, một xã thuần nông nằm giữa vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX). Từ quốc lộ 80, muốn đến được UBND xã phải vượt qua con sông xáng Rạch Giá – Hà Tiên bằng phà. Chạy dọc theo con đê tuyến dân cư vượt lũ, trên con lộ giao thông nông thôn đã được bê tông kiên cố với hai hàng cây xanh rợp bóng mát, thật khác hẳn với suy nghĩ ban đầu của tôi. Và có lẽ đây cũng là xã duy nhất trong vùng có hai lộ xe (cách nhau chưa đầy 200m) mà ô tô có thể về đến trung tâm xã bất kể mùa mưa, nắng. Xa xa, chốc chốc lại bắt gặp những ngôi nhà tường được xây dựng khá khiên cố, có cả những căn biệt thự mini với giá trị tiền tỷ nằm soi mình bên dòng sông quê thơ mộng. 

Những căn nhà tiền tỷ xây từ lúa

 

Ông Phạm Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái Sơn cho biết, người dân trong xã chủ yếu là những người dân di cư từ tỉnh Nam Định và Thái Bình (năm 1941) vào đây lập nghiệp. Trong chiến tranh, nơi đây là khu căn cứ cách mạng, đất đai hoang hóa do phèn rất nặng, chỉ có cây tràm, cỏ năn, cây đưng, cây đế là sống được. Nhiều người bỏ công sức khai phá trồng lúa mùa nhưng năng suất rất thấp. Thu nhập của người dân chủ yếu trồng tràm, nuôi trâu, bò và làm nghề đất nung nên đời sống rất khó. Không ít hộ do không chịu được cuộc sống khắc nghiệt đành phải bỏ của chạy lấy người, tìm nơi khác lập nghiệp.

Thế nhưng cũng có những người không chịu khuất phục trước khó khăn thử thách, quyết tâm bám đất đến cùng. Hầu hết những hộ này giờ đều thuộc thành viên CLB 100. Ông Út Phải (Lê Văn Phải) ở ấp Hòa Tiến hiện đang sở hữu 400 công đất cho biết, trước đây, ruộng đất vùng này cho không cũng chẳng ai thèm lấy. Mỗi hộ chỉ khai phá lấy vài khoảnh làm lấy gạo ăn, chứ chẳng ai nghĩ có thể làm giàu từ ruộng. Vì việc khai phá chủ yếu bằng sức người, sức trâu nên rất chậm, trong khi đồng ruộng toàn là gốc tràm, cỏ dại cao lút đầu người. “Thấy ruộng đất ở đây mênh mông mà bỏ đi thì tiếc quá, hơn nữa gia đình nghèo không có tiền thì có chạy đi chỗ khác cũng chẳng hết khổ.

Thế là mấy anh em bàn nhau quyết tâm trụ lại. Sau nhiều năm “đánh vật” trên đồng, tôi cũng có được trong tay 12 công ruộng, tạm sống được. Đến năm 1990, mấy anh em gom góp toàn bộ vốn liếng dành dụm được hùn mua được chiếc máy cày cũ. Có máy, công việc khai phá trở nên nhanh hơn. Khi những mảnh ruộng đã thuần, tôi lại tìm người đổi, gom lại một chỗ để canh tác được dễ dàng hơn. Cứ thế, ruộng đất ngày một nhiều lên” – ông Út nhớ lại.

Khi hỏi về những nông dân có nhiều đất, ông Lê Văn Hoa – Phó Ban lãnh đạo ấp Hòa Tiến kể vanh vách đến vài chục hộ. Theo ông Hoa, hầu hết những hộ có nhiều ruộng ở đây hiện nay đều là những người kiên trì bám đất. Chứ bây giờ có bỏ tiền tỷ cũng không thể gia nhập CLB 100 được vì đất ở đây bây giờ giá trị lắm.

Đổi đời

Cuộc sống của những Hai Lúa “không phụ đất nghèo” ở đây thật sự đổi thay từ khi chương trình khai phá TGLX của Chính phủ được thực hiện. Kênh, mương mở tới đâu, ruộng được rửa phèn đến đó, năng suất lúa cũng theo đó mà tăng lên. Ông Lê Văn Xiều, ở ấp Sơn Lập tâm sự: “Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay (trên 300 công ruộng, máy móc phục vụ sản xuất, nhà xây tiền tỷ…) gia đình tôi phải trải qua thời gian cơ cực lắm. Mang tiếng là có cả trăm công ruộng nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau, do ruộng phèn, năng suất thấp. May nhờ có nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi mà nông dân chúng tôi đổi đời. Đất vừa xổ hết phèn, năng suất lúa đạt 40-50 giạ/công thì cũng đúng vào thời điểm lúa có giá. Tính ra mỗi công nông dân lãi từ 1,5-1,6 triệu đồng. Cứ thế đời sống ngày một khá giả lên. 

Những ruộng lúa thẳng cánh cò bay

Tương tự, một thành viên CLB 100 khác là hộ ông Hà Xuân Thấu ở ấp Sơn Thái, từ 20 công đất mà gia đình cho khi mới ra riêng, nhờ tích cóp mà nay đã lên đến trên 100 công. Ông Thấu cho biết, nhờ trúng lúa mà gia đình đã xây được nhà lầu, mua sắm xe tay ga, các phương tiện đắt tiền phục vụ cuộc sống gia đình… Năm đứa con đứa nào cũng được học hành, tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định.

Trúng lúa có tiền, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở thêm nhiều dịch vụ để phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân từ phân bón, thuốc BVTV đến xăng dầu phục vụ nhu cầu bơm tưới… Từ chỗ phải lặn lội cả chục km để ra chợ huyện, bây giờ người dân nơi đây chỉ cần đến đại lý gần nhà là đã mua được vật tư nông nghiệp, thậm chí chỉ cần bấm máy di động alô là có người chở tới tận nhà. Đường sá lúc nào cũng nhộn nhịp không thua kém gì ở các khu đô thị. Ruộng đất và cây lúa đã thật sự giúp nông dân nơi đây đổi đời. Thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông dân không chỉ thoát cảnh chân lấm tay bùn mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú. Và ngày càng có nhiều nông dân ghi tên mình vào danh sách thành viên CLB 100.

Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản của Kiên Giang, tỉnh hiện có 102 hộ có diện tích đất canh tác từ 20ha trở lên, trong đó riêng địa bàn huyện Hòn Đất chiếm hơn phân nửa (62 hộ). Còn trong tổng số 884 hộ có diện tích đất từ 10 đến 20ha thì 437 hộ là nông dân Hòn Đất, chủ yếu ở các xã Nam Thái Sơn, Mỹ Thái, Mỹ Phước.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất