| Hotline: 0983.970.780

Những người của ngày hôm qua

Thứ Tư 15/03/2017 , 13:30 (GMT+7)

Từ bao đời nay, những chiếc váy, áo, khăn… được dệt thủ công bằng chất liệu thổ cẩm vốn là niềm tự hào, là nét văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước. Nhưng, nhiều năm nay, “cơn bão” hội nhập...

Nhưng, nhiều năm nay, “cơn bão” hội nhập cứ len lỏi vào từng ngôi nhà, thay thế những tấm vải thổ cẩm có hàng trăm năm tuổi kia bằng các loại quần áo thời trang hiện đại. May mắn, vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết, quyết giữ nghề của tổ tiên.
 

Có đề án nhưng...

Anh Điểu Vinh, công xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước dẫn chúng tôi vào ấp Thuận Tiến, nơi có đông đồng bào S’tiêng vốn có nghề dệt thổ cẩm khá sôi động.

“Vừa rồi tỉnh đã có đề án phục hồi lại nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng ở Hớn Quản rồi, nhưng ở Đồng Phú thì còn ít người còn mặn mà với nghề thổ cẩm này lắm”. Quả như lời anh Vinh nói, ghé thăm 6 gia đình thì chỉ có 2 gia đình còn làm nghề dệt.

Bà Thị Nâu, năm nay 55 tuổi, một trong số những phụ nữ S’tiêng từ lâu không ngồi trước khung dệt nữa, cho biết: “Hồi xưa tôi dệt giỏi lắm, mỗi khi có thời gian rảnh là lại mang khung dệt ra ngồi làm. Nhưng từ một năm nay tôi đi làm rẫy rồi, không còn thời gian dệt thổ cẩm nữa. Thường dệt xong 1 tấm thổ cẩm phải mất ít nhất 10 ngày mà bán không có lời được bao nhiêu. Giờ mắt kém, nên làm càng chậm hơn. Mấy đứa con tui lớn lên chẳng đứa nào biết dệt, tự kiếm việc khác làm hết rồi”.

Vừa nói chuyện về việc không còn dệt thổ cẩm nữa như một điều rất tự nhiên, bà Nâu vừa chỉ cho chúng tôi hướng trên gác bếp, nơi bà Nâu cất bộ khung dệt thổ cẩm, đã bị phủ một lớp bụi.

Đến nhà bà Thị Phơn, 60 tuổi, khi có ý muốn tìm hiểu về những tấm vải thổ cẩm do gia đình bà làm ra, bà Thị Phơn từ chối ngay, vì bà không còn dệt nữa. Trong quá trình tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng, điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy, những người biết dệt thường ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi, còn những người phụ nữ nhỏ tuổi hầu như không có ai.

Thị Phượng, cô gái S’tiêng năm nay vừa tròn 20 tuổi, một trong đa số các bạn trẻ S’tiêng không biết dệt thổ cẩm, nói: “Em không biết dệt thổ cẩm, vì lúc nhỏ thì đi học, lớn lên đi làm công ty. Mẹ em cũng là người dệt giỏi lắm đó, nhưng sau này bà cũng ít ngồi khung dệt nên nhà có 3 chị em gái mà chẳng đứa nào biết dệt là gì. Tụi em giờ ít ai mặc váy, áo, quấn khăn bằng thổ cẩm lắm, vì rất bất tiện”.

Ngày nay, người ta chỉ thấy những bộ quần áo bằng thổ cẩm với nhiều màu sắc của người S’tiêng trong những dịp lễ, tết, còn những ngày thường không mấy ai còn còn “mặn mà” với trang phục này nữa.

Bà Thị Giôn, một nghệ nhân có tiếng trong nghề dệt thổ cẩm ở ấp Lồ Ô, xã Thanh An, huyện Hớn Quản trăn trở: “Trước đây, nhiều hộ gia đình S'tiêng ở Hớn Quản, nhất là hai xã An Khương, Thanh An chủ yếu sống bằng nghề dệt thổ cẩm, nhưng bây giờ, phụ nữ trẻ tuổi ít ai muốn theo. Sợ rằng nghề truyền thống của dân tộc đến một ngày sẽ không còn nữa”.

17-05-10_nh-1
Bà Thị Giôn, nữ ghệ nhân dệt thổ cẩm tươi cười khoe những tác phẩm nghệ thuật của mình
 

Bà Thị Giôn cho biết thêm, năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước đã ký hợp đồng kinh tế với bà để thực hiện Đề án "Hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho người dân tộc S'tiêng ở ấp Lồ Ô, xã Thanh An, huyện Hớn Quản”, nhưng vẫn chưa thể vực dậy được nghề truyền thống của người S'tiêng, vì thu nhập thực tế từ nghề hiện chỉ ở mức 500 ngàn đến 1 triệu đồng/hộ/tháng.

Đó là chưa kể đến sự nan giải của đầu ra, vì nhu cầu của chính người dân tộc S'tiêng đã giảm, các đơn đặt hàng từ các cơ sở kinh doanh du lịch ngày một ít dần nên cơ sở dệt thổ cẩm khó duy trì hoạt động thường xuyên.
 

Giữ cho muôn đời sau

Mặc dù nghề dệt thổ cẩm đang mai một, nhưng không vì thế mà mất đi. Vẫn còn đó những người tâm huyết. Trong tâm trí họ, nếu bỏ dệt dồng nghĩa với việc niềm vui trong cuộc sống không còn. Họ đang “giữ lửa” nghề truyền thống cho mai sau.

Đến thăm nhà bà Thị Uyên (68 tuổi), ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú đúng lúc bà đang ngồi dệt vải. Đôi tay thoăn thoắt đưa thoi bên những vuông vải dù màu sặc sỡ.

17-05-10_nh-2
Nghệ nhân dệt thổ cẩm S’tiêng Thị Uyên

 

Vừa làm, bà Uyên vừa nói: “Ngày xưa, con gái S’tiêng đến tuổi cập kê, dù đẹp đến đâu mà chưa biết dệt thổ cầm thì chỉ có ế. Vì đây là một tiêu chuẩn bắt buộc để lấy chồng. Và càng dệt đẹp càng được dân làng tôn trọng, càng có nhiều trai làng muốn lấy.

Những cô gái dệt giỏi, tha hồ kén chồng tốt. Riêng tôi, ngay từ nhỏ, mẹ đã ngồi xem mỗi khi bà dệt. 14 tuổi tôi đã dệt được những tấm thổ cẩm khó nhất rồi. Đến tuổi lấy chồng tôi đã tự dệt được váy, áo đẹp để mặc trong ngày cưới. Đó là một niềm tự hào lớn đối với người phụ nữa S’tiêng chúng tôi. Vì thế, dù có làm gì, đi đâu, tôi cũng không thể bỏ cái khung dệt này đâu”.

Bà Thị Uyên cho biết thêm, ngày trước, muốn dệt ra được cái áo, cái quần thì phải tự lên nương thu hoạch bông về làm chỉ, sau đó đem nhuộm chàm. Nhưng bây giờ, cây bông không còn được trồng nữa mà nhường đất để trồng cây keo, cây mì, cao su. Vì yêu cái đẹp của thổ cẩm S’tiêng và mong muốn phải giữ được cái nghề của tổ tiên nên bà cất công tìm nguyên liệu để tự làm ra sản phẩm quần, áo, túi xách… cho mọi người.

Theo bà Uyên, bây giờ, người ta thường mua sợi bông vải đã se sẵn bán trên thị trường. Tuy nhiên, cách dệt vải thổ cẩm của người S'tiêng về cơ bản vẫn là thủ công với khung dệt thô sơ, nhưng vẫn có thể tạo ra những hoạ tiết thể hiện hình quả trám, hoa lá, thú vật, chim muông trong truyền thuyết. Tất cả đều được cách điệu, sắp xếp, thêu, dệt theo hình kỷ hà tam giác với nhiều màu sắc được phối hài hòa, sống động...

"Mỗi tác phẩm muốn đẹp thì người dệt phải hòa cả tâm hồn mình vào đó. Thậm chí, chỉ cần nhìn tấm vải, có thể đoán được tâm tính, tâm hồn người dệt”, bà Uyên nói.

Cách nhà bà Uyên khoảng 1km là gia đình bà Thị Khiết (50 tuổi), là em gái của bà Uyên. Cũng như bà Uyên, bà Khiết cũng biết dệt những vuông thổ cẩm từ khi 15 tuổi. Đến nay bà đã tìm tòi và dệt được rất nhiều kiểu khác nhau như váy, áo, túi xách, khăn… và thường bán cho những người có nhu cầu mua nhưng vẫn không làm mất đi nét đẹp truyền thống của các họa tiết.

17-05-10_nh-4
Bà Thị Khiết, em gái bà Uyên

 

Để những tấm vải thổ cẩm truyền thống sống mãi với thời gian, từ năm 2013 đến nay, bà Thị Giôn đã dành hết tâm huyết mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho cả trăm phụ nữ S’tiêng theo đề án của tỉnh.

“Đối với người S’tiêng, thổ cẩm là tinh thần của tộc mình. Nó thể hiện ở từng đường thêu, nét dệt tinh xảo. Mỗi tấm thổ cẩm S'tiêng là cả một tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Cho nên, dù có thế nào, chúng tôi nhất định phải giữ, phải duy trì. Tôi đang cố gắng truyền đạt lại hết tất cả những gì mình đã tích lũy gần một đời người đến nay cho thế hệ sau”, bà Thị Giôn nói.

Để nghề dệt thổ cẩm tại Hớn Quản nói riêng và của người S’tiêng Bình Phước nói chung không bị mai một, UBND tỉnh bình Phước đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng trên địa bàn huyện Hớn Quản, giai đoạn 2016-2020” với kinh phí 7,2 tỷ đồng. Với mục tiêu được xác định rất cụ thể là, đến cuối năm 2017 phải làm sao có trên 30% số hộ dân tộc S'tiêng ở hai xã Thanh An, An Khương tham gia nghề dệt thổ cẩm và tới năm 2020 đạt từ 40-50%, với mức thu nhập cho lao động hoạt động từ nghề dệt thổ cẩm ít nhất từ 2-4 triệu đồng/tháng.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.