| Hotline: 0983.970.780

Những người đi mở đất!

Thứ Sáu 24/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Tôi đã nhiều lần đến làm việc với Công ty Cao su Việt – Lào, từ lúc cây cao su mới bén rễ trên đất Lào, đến nay cao su đã bao mùa thay lá.

Lễ mừng công Công ty Cao su Việt - Lào hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2019 về đích trước 20 ngày.

Lễ mừng công Công ty Cao su Việt - Lào hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2019 về đích trước 20 ngày.

Ngày đầu gian nan

Giờ đây, Công ty Cao su Việt – Lào đã trở thành doanh nghiệp lớn mạnh với hơn 2.700 lao động, trong đó 2.300 người các bộ tộc Lào, 338 người Việt Nam chủ yếu làm lãnh đạo công ty, lãnh đạo các nông trường, nhà máy.

Mỗi năm công ty sản xuất hơn 15.000 tấn mủ, trở thành một đơn vị đầu tư ra nước ngoài làm ăn có lãi lớn, dẫn đầu các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, biểu tượng của sự hợp tác và tình hữu nghị Việt – Lào.

Sự tích thần kỳ này bắt nguồn từ năm 2005, đó là lần đầu tiên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư trồng cây cao su ở Lào. Để có bộ khung thực hiện dự án, 19 cán bộ đầu tiên sang Lào thực hiện nhiệm vụ.

Nhưng do xa xôi, phía bạn còn chưa tin tưởng vào cây cao su, cơ sở vật chất thiếu thốn không có gì, khó khăn chồng chất khó khăn, gần một nửa cán bộ trong bộ khung không chịu nổi cảnh xa nhà đã "đầu hàng" hoàn cảnh trở về Việt Nam.

Số còn lại 10 người quyết tâm ở lại, bám trụ để theo đuổi sự nghiệp. Họ dựng lán trại ngay bìa rừng để ở, tự nấu ăn để tồn tại.

Rồi cùng nhau đi vào từng bản làng trong vùng dự án để gặp gỡ già làng, trưởng bản, làm việc với chính quyền để họ tạo điều kiện thuận lợi trong đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất để có đất trồng cây cao su.

Họ cùng chính quyền đi đo vẽ, xác định vị trí, tổ chức khai phá đất rừng, chia lô chia khoảnh. Tiếp đó bổ sung người từ Việt Nam sang thành lập công ty, tuyển dụng lao động là người dân bộ tộc Lao, tuyên truyền, hướng dẫn để họ vào làm công nhân trồng cao su.

Vạn sự khởi đầu nan, chính từ bàn tay khối óc của những người đi mở đất, một năm sau, cả một vùng rộng lớn hơn 10 nghìn ha đất nằm trong huyện Bachiang đã được san phẳng liền lô, liền khoảnh.

Và công cuộc trồng cây vàng trắng bắt đầu. Một câu hỏi đặt ra lúc này là giống cây cao su lấy ở đâu, vận chuyển thế nào? Đó là những công việc đầy khó khăn, yêu cầu kỹ thuật cao để tổ chức đưa những cây giống tốt từ Việt Nam sang trồng trên đất khô cằn nghèo kiệt sau chiến tranh của Lào.

Ngay từ những ngày đầu, công ty không sử dụng xe chuyên dụng (xe đông lạnh) để vận chuyển cây giống từ Việt Nam sang, chỉ sử dụng xe tải bình thường để chuyên chở, lại đi vào ban đêm để giảm chi phí. Rồi công ty nghiên cứu, ứng dụng thành công cải tiến phương pháp trồng Stump trần và Stump bầu với quy trình cải tiến mới là trồng ướt, qua đó kiểm soát được tầng đất kết dính giữa nước và đất, khắc phục cơ bản thời tiết khô hạn.

Bằng các biện pháp này, công ty đã cùng lúc trồng hàng trăm ngàn cây, rút ngắn thời vụ, bảo đảm chất lượng cây trồng, đạt hiệu quả kinh tế lớn. Suất đầu tư đạt 40 triệu đồng/ha, thấp nhất trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, so với 75 triệu đồng/ha khi trồng ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung nước ta.

Đất không phụ sức người

Những khó khăn trở ngại ngày đầu bám đất, bám rừng, nâng niu trồng từng cây giống theo năm tháng đã lùi xa.

Thay vào đó là 10.031 ha cao su đã được trồng mới bám đất Lào vươn lên tươi xanh tốt. Bộ máy của công ty non trẻ ban đầu được bổ sung, kiện toàn đã vận hành nề nếp, luôn đoàn kết, phát huy tinh thần năng động sáng tạo, phẩm chất của con người Việt Nam, vận dụng và khai thác các lợi thế, chủ động trong sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất kinh doanh có lãi.

Công ty đã thành lập 4 nông trường, dừng chân tại 4 địa điểm, lãnh đạo các nông trường và các đội, tổ đều là người Việt Nam, công nhân toàn bộ là người dân các bộ tộc Lào tại chỗ.

Kế hoạch sản xuất được giao hàng năm, phương án thực hiện từng tháng, quý. Đồng thời để đảm bảo cho sản xuất mủ đủ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 18.000 tấn mủ tinh và 9.000 tấn mủ tạp một năm, đưa vào phục vụ sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (thứ ba, từ trái sang phải) chúc mừng công ty nhân lễ mừng công.

Đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (thứ ba, từ trái sang phải) chúc mừng công ty nhân lễ mừng công.

Có bát ăn bát để, là lúc những người đi mở đất đã nghĩ đến việc chăm lo cuộc sống cho người dân địa phương. Công ty đã xây dựng 50 căn nhà, lập làng kiểu mẫu tại nông trường Bachiang 4, để di dời Bản Đôn và Thong chăn về đây.

Xây dựng 50 căn nhà cho công nhân Lào tại khu vực Nông trường Bachiang 2, là điều kiện để quy hoạch lại dân cư của huyện, xây dựng trường học, xây chùa, giải quyết học bổng, lập quỹ khuyến học cho con em Việt kiều tại tỉnh Pake, xây dựng hàng rào, cọc bê tông 120 km, trải thảm nhựa cho con đường nối từ Nông trường Bachiang 2 đến Bachiang 4, vượt qua các dốc cao để công nhân và nhân dân đi lại. Xây dựng công viên cây xanh, nâng cấp đường từ bản Thi 4 đến bản Thi 10 cho nhân dân đi lại.

Nhằm hạn chế tác hại môi trường, công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại khu vực Nhà máy chế biến, trồng cây xanh quanh nhà máy để chống tiếng ồn, bảo vệ vành đai cây xanh ven sông, suối nhằm đảm nguồn nước sạch, nước sinh hoạt cho người dân. Xây dựng cống Huội Kuông đáp ứng nhu cầu khai thác mủ vì vùng này nhiều sông suối, có độ dốc lớn.

Tổ chức đào tạo bồi dưỡng đại học, cao đẳng và trung cấp cho người Việt huấn luyện cho 3.500 người dân các bộ tộc Lào trong kỹ thuật trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su. Hàng năm, tổ chức cho đoàn cán bộ tỉnh Champasak, huyện Bachiang với 1.000 công nhân xuất sắc của Lào đi tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các Công ty Cao su miền Đông, Tây Nguyên của Việt Nam.

15 năm ấy biết bao nhiêu tình

Mười lăm năm một chặng đường phát triển, với 10 người lúc ban đầu sang Lào mở đất, theo kế hoạch đến năm 2010 trồng trong diện tích 10.031 ha, nhưng năm 2008 công ty đã trồng xong, vượt thời gian 2 năm, từ năm 2011 đã đi vào khai thác ở Nông trường Bachiang 1, đầu năm 2012 đã khai thác toàn bộ diện tích.

Tính từ năm 2001 đến năm 2020 đã khai thác mỗi năm 15.000 tấn mủ, bằng 1/3 tổng sản lượng của ngành cao su Việt Nam. Đây là đơn vị đầu tiên trong ngành cao su đầu tư sang nước ngoài làm ăn có lãi lớn, là thành viên câu lạc bộ 2 tấn ngành cao su Việt Nam.

Doanh thu, lợi nhuận của công ty hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017 lãi hơn 200 tỷ đồng, đời sống công nhân và người lao động từng bước nâng lên.

Công ty là đơn vị đứng đầu toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục nhiều năm trong các đơn vị ngành cao su Việt Nam, bảo đảm cho 2.321 lao động có cuộc sống ngày càng đầy đủ, góp phần phát triển kinh tế- xã hội huyện Bachiang nói riêng, tỉnh Champasak nói chung.

Nhiều công nhân và người lao động Lào ở 4 nông trường Bachiang 1, Bachiang 2, Bachiang 3, Bachiang 4 khi được hỏi đã khẳng định rằng họ rất tin tưởng vào hiệu quả cây cao su, đã mang lại đời sống no ấm cho người dân, làm thay đổi rõ rệt cuộc sống, từ chỗ họ không có công ăn việc làm, thu nhập bấp bênh, thì nay có công ăn việc làm ổn định, có tiền để trang trải cuộc sống gia đình, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tivi, tủ lạnh, xe máy….

Cây cao su phát triển đến đâu thì điện, đường, trường, trạm được xây dựng đến đó, rút ngắn thời gian đi lại. Nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng cây cao su, và cây công nghiệp ngắn ngày từ những kiến thức có được khi làm công nhân công ty cao su. Bachiang từ một huyện nghèo đã trở thành huyện giàu có trong tỉnh.

Ba người trong số 10 người đầu tiên sang Lào mở đất đến nay đều trưởng thành lên làm lãnh đạo công ty.

Đồng chí Hồ Văn Ngừng, người đứng mũi chịu sào ngay từ ngày đầu gian khổ đã làm giám đốc công ty từ ngày đầu thành lập. Năm 2010, đồng chí đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nay đã nghỉ hưu.

Đồng chí Ngô Quyên vừa làm vừa học, đi lên từ công nhân lao động nay đã tiếp nối vững vàng đồng chí Hồ Văn Ngừng để làm Giám đốc công ty.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Dũng, suốt 15 năm gắn bó thuộc từng lô, từng khoảnh, nơi cây chết, cây sống đang là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Công ty. Cả hai đồng chí đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba, được Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba.

Đồng chí Phan Văn Hiếu, một phó giám đốc trẻ, năng động đang cùng với lãnh đạo công ty thực thi nhiệm vụ đưa công ty tiếp tục phát triển đi lên. 15 năm- những người đi mở đất ban đầu, nay có thể tự hào rằng, họ đã lập lên một kỳ tích, vun đắp cho tình hữu nghị Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm