| Hotline: 0983.970.780

Những người gác cửa tử trên dòng Hương Giang

Thứ Năm 26/08/2010 , 09:08 (GMT+7)

Đó là câu chuyện về ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Định Cư) và bà Trần Thị Xê (thôn Kim Ngọc). Họ đã tự nguyện gắn đời mình cùng khúc sông hung bạo để mang lại những chuyến đò bình yên cho hàng nghìn người dân.

Ở thượng nguồn sông Hương (xã Hương Thọ, huyện Hương Trà), nơi có con nước dữ mỗi khi mưa lũ về như muốn cuốn phăng tất cả. Cũng ở nơi đây có những con người đã tự nguyện gắn đời mình cùng khúc sông hung bạo để mang lại những chuyến đò bình yên cho hàng nghìn người dân.

Đó là câu chuyện về hai con người có tấm lòng cao cả: ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Định Cư) và bà Trần Thị Xê (thôn Kim Ngọc) mà chúng tôi bắt gặp khi có ý định viết bài về những chuyến đò thầm lặng vào mùa mưa lũ.

10 năm dựng trại cứu người

Giữa chiều sương hoang hoải nơi bến đò Đá Hàn, căn chòi của hai cha con ông Tiến nằm thu mình, cô độc bên triền sông. Tiếp chúng tôi sau chuyến đò chở mấy người dân đi cạo mủ cao su về, người nhễ nhãi mồ hôi, ông bảo: “Đến mùa lũ rồi, tui lo lắm. Bà con ở La Khe Trẹm, Kim Ngọc, Định Cư, Thạch Hàn muốn qua sông thì phải “luỵ” đò chứ đi đường cầu treo Bình Thành thì xa lắm, phải mất gần 15 cây số nên không buôn bán gì được, vườn cao su cũng không ai chăm sóc”. 

10 năm đưa đò, ông Tiến vẫn lặng lẽ bên căn chòi mang đến những chuyến đò bình yên cho bà con

Rít điếu thuốc thật sâu, ông kể về cơ duyên khiến ông gắn mình với bến sông cô độc này trong suốt 10 năm ròng rã. Quê ông ở xã Vinh Hà (huyện Phú Vang), năm 1985, ông mang vợ cùng hai người con lên vùng đất Định Cư để kiếm mảnh đất cắm dùi. Thời gian sống ở đây, ông đã chứng kiến cảnh bao chuyến đò ngang gặp nạn, cướp đi bao nhiêu người dân vô tội trên thượng nguồn sông Hương bởi con nước dữ.

Một sự kiện ám ảnh nhất và cũng đau đớn nhất trong “nghiệp đò” của ông là vào tháng 8/2001, mẹ ông, bà Nguyễn Thị Chắt, làm nghề đưa đò ở bến Đá Hàn, sau khi đưa bà con qua sông, trong một chiều mưa gió quăng quật, bà đã không về nữa. Với ông, đó là nỗi đau khủng khiếp nhất. Suốt những tháng ròng sau sự kiện đó, người dân Đá Hàn, Kim Ngọc phải qua sông bằng bè chuối hay thuyền nhỏ tự tạo bởi không một ai còn dám đứng ra chèo thuyền. Thấy vậy, ông bàn với vợ: Thôi, trong nhà mình có cái nghiệp đưa đò thì tui cũng tiếp nối cái nghề ni cho bà con bớt khổ.

Ngày ngày, ông ra bến sông dựng chòi để ở, khăn gói đi học chứng chỉ chuyên môn về các phương tiện đường thuỷ nội địa. Ông tâm sự: “Không ai tài giỏi chi, muốn biết khúc sông này nguy hiểm chỗ mô ngoài kinh nghiệm ra trong sách vở ít nghe nhắc đến. Điều quan trọng là mình phải có được cái chứng chỉ để bà con tin cẩn, giao nhiệm vụ cho mình”.

Có được chứng chỉ rồi ông xin Ủy ban xã cấp thuyền máy, áo phao cứu hộ, phù hợp với nguyện vọng của bà con nên ai cũng ủng hộ. Mỗi tháng, ông nộp cho Uỷ ban 800 nghìn đồng, trừ chi phí xăng dầu, bảo dưỡng máy..., số tiền còn lại đủ ông…hút thuốc và uống tách trà trong đêm lạnh. “Miễn sao phục vụ bà con thôn xóm là được. Khi tui lên vùng đất ni, họ đã cưu mang tui rất nhiều, giờ muốn trả chút ơn bà con thì cũng không có gì đáng kể”, ông tâm niệm.

10 năm lênh đênh sông nước đã cho ông những kinh nghiệm xương máu về từng khúc sông, từng luồng lạch, giúp ông cứu bao mạng người trên "quãng sông đen” này. Còn nhớ, chỉ vừa mới năm ngoái, khi xong một lượt đò ông ngồi nghỉ trưa, nghe có tiếng người đứt quãng, nhanh như cắt, ông đẩy chiếc thuyền ra, con trai thì phụ quay máy, nhờ nhanh tay ông đã cứu được hai học sinh ở thôn Định Cư đi học về ra đoạn sông này tắm. Kỷ niệm nhớ nhất trong cuộc đời đưa đò của ông Nguyễn Văn Tiến là trận lụt năm 1999. Ông kể: Vừa sáng sớm, nước nguồn về khuấy cả một khoảng sông đục ngầu, bà con bên Kim Ngọc, La Khe Trẹm í ới gọi nhau. Nước đã lên quá nóc nhà. Từ căn chòi tạm bợ của mình, ông vớ lấy chiếc thuyền rồi dong thẳng qua bên “ốc đảo”. Từng chuyến đò thầm lặng đã đưa hàng nghìn hộ dân lên vùng động (vùng đồi cao) rồi trở về mang nếp, gạo, muối đậu lên cứu đói cho bà con…

Lặng lẽ nối nhịp cầu

Đứng trên Cầu Tuần, đoạn sông Hương phân ra ba nhánh như những chiếc vòi bạch tuộc lạnh lùng chia cắt các thôn xóm nơi đây. Từ bến đò Kim Ngọc (xã Hương Thọ), muốn đi đến các thôn, xóm khác của xã Thuỷ Bằng (huyện Hương Thuỷ), con đường ngắn nhất là phải qua sông. Từ bao đời, người dân buôn thúng bán nia, giao thương đường thuỷ là chủ yếu. Với cái địa thế cách trở như thế nên nơi đây, chiếc đò của bà Trần Thị Xê (51 tuổi) đã trở thành một nhịp cầu không thể thiếu. Hơn 40 năm gắn với nghề sông nước đã cho bà Xê những kinh nghiệm để đối phó với từng con nước dữ. Bà bảo: “Không gì mạnh bằng nước. Với tôi, lúc nào gió to, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bà con thì tốt nhất là đợi, không thể gấp việc mà làm liều". 

Hơn 40 năm gắn với nghề sông nước đã cho bà Xê những kinh nghiệm để đối phó với từng con nước dữ

Sinh ra ở vùng đất Kim Ngọc, trong một gia đình vốn có truyền thống làm nghề đưa đò ngang. Từ lúc hơn 10 tuổi đầu, bà Xê đã theo cha xuôi ngược trên thượng nguồn sông Hương để buôn thúng bán nia từ bến đò bến Kim Ngọc cho đến Bến Than (phía điện Hòn Chén). Trong mấy chục năm qua, người dân luôn tin tưởng khi có bà Xê cầm lái bởi bà đã thuộc hết mọi luồng lạch của dòng sông. Bà bảo: "Vào mùa mưa lũ, nếu người cầm lái không chắc thì nguy hiểm lắm. Khi bà con bước lên thuyền thì mình không thể cho phép được một giây sa sẩy. Thực lòng, nhiều lúc cũng muốn nghỉ ngơi vì nay cũng đã có tuổi nhưng thấy bà con đi lại khổ sở và nguy hiểm quá nên tui cũng không đành".

Không biết bao nhiêu lần bà Xê đã quên mình cứu nguy cho bà con thôn Kim Ngọc, đáp lại là những lời cảm ơn hay một chút quà nhỏ nhưng với bà như thế là vui lắm rồi. Bà nhớ lại, khoảng năm 1999, chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Kim Ngọc chuyển dạ nhiều giờ nhưng vẫn chưa sinh con được. Lúc đó đã 3 giờ sáng, đường sá cách trở, nếu đi đường bộ ngược hướng cầu Bình Thành e muộn mất. Không ngần ngại, giữa đêm thanh vắng bà  buông mái chèo lướt nhẹ từng con sóng, đưa người bệnh qua sông an toàn. Đến bến sông, bà neo thuyền, nhanh chân đi gọi xe đưa chị Tuyết đến bệnh viện.

Nhờ được cấp cứu kịp thời nên chị Tuyết được mẹ tròn con vuông. Nhiều năm qua, mỗi lần qua về bến sông, gia đình chị Tuyết thường bế cháu bé đến chào, thăm hỏi ân nhân. Một kỷ niệm nữa đáng nhớ là vào trận lụt năm 2009, do chủ quan nhiều thôn dân Kim Ngọc không chịu di tản. Đến khi nước đã lên ngang ngửa nóc nhà thì một tình cảnh hỗn loạn xảy ra. Người dân kêu cứu khắp nơi, ngã ba sông ở Cầu Tuần như biến thành biển nước trong chóc lát. Bà Xê bàn với gia đình mang 3 chiếc thuyền bấy lâu đã “treo giàn bếp” xuống ứng cứu bà con. Lần lượt từng chuyến đò của chị Xê đã mang bao nhiêu gia đình lên vùng động Trường Thành tránh con nước dữ. Cụ Võ Đề Cư, một người dân được bà Xê cứu sống cho biết: “Lúc nước lên, tui bị ốm một tuần liền, bị kẹt lại trên gác không đi đâu được. Thấy thuyền chị Xê đi qua, tui gắng hết sức để gọi, nghe tiếng kêu, chị rẽ mái chèo vào cứu. Không có chị thì lão già này đã mất xác theo dòng lũ rồi”.

Cứu thôn dân Kim Ngọc trở về, bà lại tất tả chèo thuyền lên động nhổ 3 bao sắn, cùng bao nhiêu gạo nếp còn lại trong nhà mang nhóm củi nấu cơm vắt lên cứu viện cho bà con. Lũ tan, cảm trước tấm lòng nghĩa hiệp của bà Trần Thị Xê, UBND xã Hương Thọ đã hỗ trợ cho bà 500.000 đồng cùng thêm thùng mì tôm. Với bà, cứu người là quan trọng. Còn với thôn dân Kim Ngọc khi nhắc về bà như một ân nhân mộc mạc giữa đời thường. Bao năm chưa ngưng nghỉ mái chèo, tuổi xuân của bà đã tàn theo sóng nước. Đến nay, bà Trần Thị Xê vẫn sống với mẹ già và người em gái.

"Sống bên triền sông, làm việc cứu người nhiều năm có bao giờ bà cảm thấy cô độc", tôi hỏi. Bà xua tay: “Tui nói chú không tin chứ chưa bao giờ tui thấy cô độc trên triền sông ni, vì tui còn nhiệm vụ đưa đò, cứu người, còn có bà con Kim Ngọc ở bên cạnh mà!”

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…